Tuesday, November 30, 2010

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ












Huyền Chiêu
Sáng thứ ba 16/11/2010 diện thoại reo “A Lô. Nhượng đây, xe tụi tôi đã đến ngã ba Thành. Chừng nào thì xe đến Ninh Hòa?” “Dạ, khoảng 50 phút nữa anh chị sẽ đến nhà Huyền Chiêu”.
Cuộc sống thật diệu kỳ và đầy bất ngờ như mây trên trời như bèo dưới nước, hợp rồi tan, tan rồi hợp. Làm sao tôi tưởng tượng sẽ có một ngày những người bạn cùng trường gần nửa thế kỷ xa cách bỗng gặp lại nhau chân thành, gần gũi đến lạ lùng. Làm sao tôi không xúc động, mừng vui! Rồi
khách phương xa cũng tìm ra ngôi nhà ở quận lỵ bé nhỏ có tên là Ninh Hòa. Giây phút hội ngộ đầy cảm xúc cũng không lâu vì đã đến lúc phải lên đường. Theo dự tính vợ chồng tôi cùng tháp tùng anh chị về thăm lại Tuy Hòa, nhưng ngay lúc ấy anh Sơn có bạn từ Sài Gòn ra. Vậy là chỉ có mình tôi lên xe cùng anh chị Nhượng.
Sáng hôm ấy trời nắng đẹp. Xe qua Vạn Giã, Tu Bông rồi lên đèo Cổ Mã xuôi xuống Đại Lãnh. Chị Phước thích thú nhìn bãi biển dạt dào sóng vổ. “À, đây là nơi Phước và các bạn cùng lớp đã đến cắm trại một lần hồi còn nhỏ lắm. Tụi này đến đây bằng xe lửa”. Chị bồi hồi nhớ lại.
Xe bắt đầu lên đèo Cả. Nắng lấp lánh trên mặt biển xanh. Xe ngừng giữa đèo để chúng tôi ngắm
biển. Bao nhiêu năm qua, biển vẫn thế. Còn lòng người sao quá nhiều thay đổi! Tiếp tục cuộc hành trình, xe lên núi Đá Bia để vào địa phận Phú Yên. Ngắm đồng lúa Tuy Hòa, một lúc sau, đã thấy núi Chóp Chài ẩn hiện qua làn mây trắng.
Ngừng ngay đầu cầu Đà Rằng, chúng tôi ngắm con sông Ba đang cuồn cuộn mùa nước lũ. Cầu Đà Rằng luôn là hình ảnh gần gũi nhất và núi Nhạn đỏ hồng như một ngọn lửa luôn làm cho người từng gắn bó với Tuy Hòa nôn nao, xúc động.
Xe vừa qua khỏi cầu, chị Phước reo lên:”Đây rồi, vượt qua đường ray này là con đường dẫn vào ngôi nhà hồi nhỏ của Phước”
Chị yêu cầu tài xế quay đầu xe, rẽ vào con đường đất đỏ gập ghềnh. Chị bồi hồi “Ủa, hồi đó mình thấy con đường thì rộng, xóm nhà thưa thớt. Sao bây giờ nhà cửa chen chúc, đường sao chật chội vậy hè? Mai, mình sẽ ghé lại nơi này xem thử ai còn, ai mất”.
Chúng tôi ghé vào một quán cơm bên bờ sông. Anh Nhượng trầm ngâm đứng nhìn dòng sông thời thơ ấu.“Thuở nhỏ, mùa hè hầu như ngày nào tôi cũng tắm ở dòng sông này. Tôi cũng thường bơi qua tận bờ bên kia để … bẻ mía trộm”
Đến Tuy Hòa, việc đầu tiên là chúng tôi tìm đến nhà thăm bác Tâm, ba của chị Hoàng Yến. Được biết bác Tâm đã trên 90, chúng tôi vui mừng thấy bác vẫn tự mình đi ra phòng khách để trò chuyện. Trí nhớ bác rất minh mẩn, thể hiện qua những câu chuyện mà bác vui vẻ kể lại.
Chúng tôi chào bác để thăm nhà chị Lưu Ngọc Hương, em gái của chị Lưu Phúc Phương. Chị Lưu Phúc Phương là người bạn học cùng lớp của tôi. Những ngày sống ở Tuy Hòa, tôi thường đến chơi với chị. Ngôi nhà đó gần Ngã Năm, không phải là một ngôi nhà “hấp dẫn” để ghé lại. Nhà chị chật và đông người. Ngôi nhà thực sự là một cái kho chứa hàng. Ngoài mặt tiền dùng để mua bán, toàn bộ ngôi nhà chìm ngập trong hàng hóa. Muốn ra phía sau tôi phải trèo lên những bao đậu xanh, đậu nành. Rồi thì hàng chục thùng tương chao, xì dầu, hàng bao nấm mèo, tàu hủ ky, hàng núi nhang, đèn cầy… Ai cũng bận bịu, ai cũng tất bật và chẳng ai để ý đến tôi. Tôi chạy ra, chạy vào ngôi nhà của chị như một đứa em trong nhà, và tôi cũng không hiểu tại sao tôi thích thú ngôi nhà của chị Phúc Phương đến như vậy. Nghĩ lại sao thấy nhớ, thấy thương.
Chị Ngọc Hương vui mừng có khách đến thăm. Chúng tôi cũng rất vui vì nghe chị có hai đứa con đi du học ở Úc và cũng đã có cuộc sống ổn định. Tạm biệt chị Ngọc Hương chúng tôi vòng xe một tua thăm phố xá.
Chị Phước tiếc nuối “Ngày đó Tuy Hòa thật dễ thương, yên tĩnh, cuộc sống trôi đi rất chậm. Lúc đó Nhượng 17, Phước 14 đã từng nắm tay nhau dung dăng, dung dẻ trên những con đường rợp bóng hoa phượng ”
Bây giờ thì “Đường chẳng riêng hai chúng mình, nên khi vắng em đường đã thay tên… còn chăng kỷ niệm….”
“Anh Nhượng ơi, lần cuối anh nhìn thấy Tuy Hòa là vào năm nào?”
-“Từ năm 1972 tôi chưa một lần trở lại nơi này”.

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Sáng hôm sau, khoảng mười giờ chúng tôi có mặt tại sân trường Nguyễn Huệ. Trường Nguyễn Huệ là một trong số ít các trường không bị đổi tên sau 1975. Các trường rất danh tiếng như Gia Long đã bị đổi thành trường Nguyễn Thị Minh Khai, trường Pétrus Ký thành trường Lê Hồng Phong, trường Võ Tánh ở Nha Trang thành trường Lý Tự Trọng, trường Đồng Khánh ở Huế thành trường Hai Bà Trưng …
Cũng vì trường vẫn giữ tên Nguyễn Huệ nên chúng tôi mạnh dạn bước chân vào sân trường. Một vài người bạn cùng lớp của anh Nhượng đã có mặt . Ai cũng vui mừng được gặp lại vợ chồng người bạn sau 45 năm xa cách.
Tôi nhìn lại ngôi trường thân yêu của mình và một cảm giác xa lạ xâm chiếm tâm hồn.
“Anh Nhượng, anh thấy thế nào khi nhìn lại trường xưa?
“Tôi thấy sao nó nhỏ bé, chật hẹp quá. Đó không phải là cảm giác sai lệch vì mình đã lớn. Rõ ràng diện tích đất đã bị thu hep rất nhiều. Thuở mình còn học ở đây, trường đứng biệt lập ở một khu đất rộng gần khu công chức vô cùng yên tỉnh. Phía sau trường là một nội cỏ mênh mông ngút mắt. Đứng trên lầu tôi có thể nhìn thấy hàng dương trãi dài đến bờ biển Mỹ Á. Còn bây giờ trường như bị lọt thỏm vào một khu dân cư ồn ào .”
“Vậy anh có còn tìm được chút gì để nhớ?”
Anh Nhượng đưa tay chỉ về phía cuối sân trường giọng ngậm ngùi.
“Chỉ còn mấy cây phượng kia. Chính tay tụi tôi đã trồng những cây phượng ấy năm đầu về học ở trường mới”.
Sáng hôm ấy trời mưa không dứt. Chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất một thời đầy kỷ niệm, nhưng lòng sao buồn chứ không vui. Trường vẫn giữ tên anh hùng Nguyễn Huệ, vẫn những phòng học đó, những cây dương cây phượng đó, vẫn nghe vang vang tiếng học trò, nhưng lắng sâu tận tâm hồn chúng tôi một mái trường Nguyễn Huệ năm xưa tuy đơn sơ nhưng đầm ấm hơn. Phải chăng chúng tôi đã già hay hồn xưa đã mất?!

THĂM THÂY XƯA

Buổi chiều, chúng tôi được anh Phan Diệu, bạn cùng lớp của anh Nhượng đưa đến nhà thầy Trần
Tiến Toản.
Thầy Toản dạy tôi môn toán. Thầy cô vẫn sống trong căn nhà cũ ở đường Cao Thắng. Hồi đó tôi sống ở ngôi nhà ngay ngã ba Lê Thánh Tôn, Cao Thắng gần nhà thầy. Tôi còn nhớ cạnh nhà thầy, có nhà chị Thanh Vân, chị Ngoc Hoan, chị Đặng Thị Quý. Xóm Cao Thắng đối với tôi quá là quen thuộc.
Thật xúc động, mừng vui khi nhìn thấy thầy cô vẫn còn khỏe mạnh. Cô Toản tươi cười cầm tay tôi “A Huyền Chiêu đây hả. Hồi đó cô nhớ em gầy gầy , mảnh khảnh dễ thương lắm” “Dạ, đã 45 qua năm rồi đó cô…”Thầy Toản rất vui kể chuyện trường xưa, tiếng cười của thầy vẫn còn giòn dã như độ nào.
Anh Nhượng chúc sức khỏe thầy cô và chúng tôi chào tạm biệt để đến thăm thầy Quát. Thầy Quát đã 80 tuổi. Thầy có vẻ yếu nhưng thấy học trò cũ đến thăm thầy mừng lắm. Thầy cô sống trong một ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng xinh xắn và ấm cúng .
Cuối cùng chúng tôi tìm thăm thầy Đảm. Nhà thầy Đảm nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh. Thầy đang ngồi trước màn hình máy vi tính khi chúng tôi bước vào nhà. Thầy Đảm vẫn còn khỏe và thầy vẫn còn say mê viết blog.
Chặng cuối của cuộc đời, mừng cho các thầy vẫn còn được bàn tay ấm áp của các cô chăm sóc.

HỌP MẶT

Anh Nhượng đúng là mát tay trong nghề tổ chức. Tối hôm ấy, không biết bằng cách nào mà một người khách xa lạ trở về sau 45 năm xa cách lại có thể mời được hầu như tất cả các bạn cùng lớp của anh, cùng quý thầy cô đang sống tại Tuy Hòa. Thầy xưa bạn cũ đã cùng nhau hội ngộ trong một buổi tiệc thân mật tại nhà hàng Hoàng Gia. Không gian rền vang tiếng nói, tiếng cười tươi trẻ dù các anh các chị tóc đã bạc, nét mặt đã phôi pha màu năm tháng.
Anh Nhượng đứng lên nói lời cám ơn thầy cô, cám ơn các bạn dù trời mưa tầm tã, dù lời mời quá gấp gáp vẫn bỏ thời gian“đến với Nhượng”.
Mọi người như lặng đi vì xúc động sau những câu nói chân tình của anh Nhượng. Bữa tiệc mừng trở nên vô cùng thân mật, vui vẻ khi một anh bạn đứng lên ngâm mấy câu thơ trong Chinh Phụ ngâm, trong Cung Oán Ngâm Khúc , trong Kiều…
Thầy Toản ôn tồn cho điểm anh Nhượng: “Có nhiều em học sinh cũ về thăm lại Tuy Hòa và muốn có một cuôc họp mặt bạn bè, thầy cô nhưng rồi không em nào thực hiện được. Với một quỹ thời gian eo hẹp, với thời tiết không thuận lợi, hơn 30 người đã đội mưa đến đây. Nhượng đã gắn kết được một buổi tối ấm cúng tình thầy trò như thế này thật là ngoài sức tưởng tượng”. Tiếng vỗ tay ấm áp vang lên đón nhận “điểm 20” của thầy.
Bây giờ thì tôi hiểu rằng cái hồn của trường Nguyễn Huệ thực ra không nằm ở ngôi trường hiện tại. Nó nằm ngay trong trái tim của mọi người dù họ đang sống tại quê hương hay đang phiêu dạt tận góc bể, chân trời.
Rồi mọi người bịn rịn chia tay trong tiếng cười ấm áp và những cái choàng vai thân ái.
Tôi biết anh Nhượng chị Phước thật hạnh phúc vì đã có một buổi gặp mặt quá là vui vẻ, thân tình.

TUY HÒA BY NIGHT

Tiệc tàn. Trời vẫn mưa tầm tã nhưng vui quá nên chúng tôi muốn tìm một chỗ ngồi nhấm nháp lại niềm vui, nổi buồn trong hai ngày đầy sự kiện. Theo lời mời của anh Học, chị Hoàng, hai người bạn trẻ đang sinh sống tại Tuy Hòa đã từng tham dự cuộc họp mặt Nguyễn Huệ năm 2009 tại Cali, chúng tôi đến quán café Rau Muống Biển, nghe người Tuy Hòa hát cho nhau nghe. Quán nằm trên một con đường ven biển. Trời vẫn mưa to nhưng quán khá đông khách. Người Tuy Hòa nhã nhặn và lịch sự. Họ ỵên lặng ngồi nghe những tình khúc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng do chính bạn mình hát. “Nhạc Vàng” một thời bị kết án, có sức sống mạnh mẽ như cỏ gấu, loại cỏ đã từng bị nhổ tận gốc nhưng rồi năm tháng qua đi chúng lại hồi sinh khỏe mạnh hơn, tươi tốt hơn. Chiến tranh qua rồi, những khó khăn của cuộc sống vẫn còn nối tiếp, nhưng ai cũng muốn tạm quên đi mọi thứ để trong giây phút lắng chìm vào trong tiếng nhạc. Mọi người dìu nhau ra pist. Anh Nhượng, chị Phước cũng hòa mình vào những đôi nhảy đẹp. Dưới ánh đèn màu, tôi thích thú ngắm nhìn chị Phước xinh đẹp và trẻ trung đến bất ngờ bay lượn theo bước chân hào hoa của anh Nhượng.
Một đêm lãng mạn vừa đủ kết thúc cho một ngày Tuy Hòa buồn vui lẫn lộn.

TẠM BIỆT SÔNG BA

Sáng hôm sau, trời vẫn mưa không dứt. Chưa có năm nào mưa nhiều và lớn như năm nay. Cả cánh đồng Tuy Hòa mênh mông nước lũ. Thành phố lọt thỏm giữa nước bạc như một đảo nhỏ. Chúng tôi ngậm ngùi từ biệt thành phố của tuổi thơ. Tạm biệt Tháp Nhạn đang chìm trong mưa mù. Tạm biệt sông Ba gầm gừ sóng dữ.
Chia tay anh chị Nhượng, tôi cầu chúc cho anh chị giữ được niềm mến yêu vừa tìm lại sau 45 năn. Tôi cũng xin gửi đến quý thầy bạn trong Phuyennese những hình ảnh thân yêu của mảnh đất Tuy Hòa như một chút tình của quê hương.
Cầu mong tất cả được an lành.

Lương Lệ Huyền Chiêu
Ninh Hòa mùa mưa lũ 2010.

Xin mời xem thêm hình ảnh trong link Về Thăm Trường Cũ

HỌP MẶT LIÊN TRƯỜNG BẮC CALI 2009


Qua sự giới thiệu của thầy Lê Ngọc Thiều, trường trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên được vinh hạnh gia nhập vào Hội Hè của Liên Trường đã tổ chức vào Chủ Nhật ngày 16-8-09 vừa qua.
Thầy Lê Ngọc Thiều cũng là giáo sư của các trường Quốc Học Huế và Võ Trường Toản Sàigon, thầy được mời tham dự picnic Liên Trường từ nhiều năm trước đây.
Năm nay là năm đầu tiên gia đình Nguyễn Huệ, một trường công lập duy nhất của thành phố Tuy Hòa thơ mộng thuở xưa được may mắn bước vào ngưỡng cửa Liên Trường. Thật là niềm vui lớn cho trường chúng ta.
Sáng Chủ Nhật trời thật đẹp, nắng ấm chan hòa, gió nhẹ thổi hiu hiu, chúng tôi hớn hở tiến về park Cunningham. Vừa vào đến cổng đã nhìn thầy hai tấm banner lớn “Picnic Liên Trường” nền trắng chữ đỏ và “Họp Mặt Liên Trường 2009” nền trắng chữ xanh được treo ngay mặt tiền của bốn ngôi nhà lồng rộng lớn. Ngoài ra, mỗi trường đều có một banner đủ mầu sắc để dễ phân biệt “giang sơn” của mình.
Picnic Liên Trường được khởi xướng bởi trường Chu Văn An, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998 tại Hellyer Park, lúc đầu có 6 trường nhưng dần dần mỗi năm lại tăng thêm và được tổ chức tại Cunningham Park. Năm nay 2009 có thêm trường Nông Lâm Súc và trường Nguyễn Huệ gia nhập, nâng tổng số lên 16 trường (Châu Văn Tiếp, Chu Văn An, Gia Long, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huệ, Nông Lâm Súc, Petrus Ký, Phan Thanh Giản/Đoàn Thị Điểm, Quốc Gia Nghĩa Tử, Quốc Học/Đồng Khánh, Trần Quốc Tuấn, Trưng Vương và Võ Trường Toản).
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng Nguyễn Huệ lại gặp nhiều may mắn, được quí anh chị Liên Trường thương yêu, khuyến khích, giúp đỡ, “nhường cơm xẻ áo”, dành cho chỗ ngồi rất tươm tất bên cạnh khán đài, giữa hai trường nổi tiếng là Trưng Vương và Chu Văn An.
Buổi ban đầu hơi bỡ ngỡ, luống cuống như “cô dâu mới về nhà chồng”, thức ăn nước uống chưa được chuẩn bị dồi dào cho lắm nên anh cả Chu Văn An thương hại mời qua cho “ăn ké”.
Hội Nguyễn Huệ tham gia đông đủ, có thầy cô Lê Ngọc Thiều và gia đình, thầy cô Phan Văn Luận đến từ Sacramento và rất nhiều cựu học sinh, khoảng gần năm chục người, ngồi một dẫy ba chiếc bàn dài không đủ, phải ngồi lấn qua trường hai bên.
Trong lúc chờ đến giờ khai mạc, thầy trò chúng tôi kéo nhau ra đứng dưới tấm banner để chụp hình lưu niệm. Hàng chữ trường Nguyễn Huệ Phú Yên trắng vàng nổi bật trên nền nâu đậm, rất đẹp, rất hài hòa. Anh Nhượng và anh Hiền tế nhị không dám làm tấm banner lớn sợ mất lòng các anh chị đi trước, tuy thế, nhìn tới nhìn lui “trường mình” vẫn nổi nhất (vì nó mới nhất và nhỏ nhất).
Năm nay Ban Tổ Chức do trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) đảm nhận, bắt đầu khai mạc vào lúc 12 giờ trưa. Anh Châu Minh Hoàng trưởng ban tổ chức lên sân khấu gửi lời chào đến quí vị quan khách, quý thầy cô và sự tham dự đông đủ của các trường. MC Nguyễn Xuân Giang người điều hợp rất xuất sắc, khéo léo dẫn dắt chương trình sống động, vui tươi náo nhiệt.
Trong số mười sáu người đại diện cho mỗi trường được mời lên sân khấu chuẩn bị làm lễ chào cờ có chim đầu đàn Đặng Duy Nhượng của Nguyễn Huệ Phú Yên. Trong giây phút này tôi vô cùng xúc động, lòng rộn lên một niềm vui, niềm hãnh diện cho trường chúng ta được đứng chung với mười lăm trường lớn của miền Nam Việt Nam dưới lá quốc kỳ Việt – Mỹ.
Chủ đề của Hội Hè Liên Trường năm nay là Indians and Cowboys nên các chị cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt mặc y phục hóa trang của sắc dân người Da Đỏ và cao bồi Texas trông rất đẹp mắt. Những vũ điệu Hawai, Đôi guốc gỗ, nhạc kích động Nam Mỹ Lambada, Salasa, ngựa phi đường xa, hoạt cảnh Bang Bang, đường về sơn cước, Khúc ca mùa hè… với ban nhac Cali Rose Band do anh Huỳnh Minh Châu điều khiển , dàn âm thanh cực mạnh, lôi cuốn người xem và họ đã hòa nhập tràn ra ngoài sân dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, cùng nhau nhảy múa, ca hát không khác gì ngày hội của người bản xứ.
Anh Đặng Kim Nhựt cựu học sinh Nguyễn Huệ cũng thi thố tài năng với nhạc phẩm “Khúc Thụy Du”, các anh chị trong ban tổ chức vỗ tay hoan hô và nói lớn “Nguyễn Huệ mới vô mà sao hát hay thế”.
Đông quá là đông, bốn ngôi nhà mát rộng lớn chật kín người, có đến cả ngàn người tham dự, chưa kể giữa sân dưới những tấm lều lớn từng dãy ghế dài dành riêng cho hàng trăm khách mời danh dự.
Vui thật là vui, đúng nghĩa một ngày hội lớn. Cũng trong dịp này chúng ta lại tình cờ được hội ngộ với cô Đặng Thị Mỹ giáo sư dạy môn Vạn Vật từ 1965 đến 1967, cô Mỹ hiện đang cư ngụ tại Santa Clara, hy vọng trong những lần sinh hoạt tới sẽ có sự tham dự của cô.
Picnic Liên Trường trải qua 11 lần tổ chức đã gây được tiếng vang tại vùng bắc Cali nhưng bấy lâu Nguyễn Huệ chưa dám tham gia vì tự lượng sức mình còn yếu kém, năm nay nhờ tổ chức đại hội thành công, thừa thắng xông lên và được sự vận động của thầy Lê Ngọc Thiều, thầy Nguyễn Khoa Đằng, Nguyễn Huệ đã mạnh dạn gia nhập Liên Trường.
Xin cám ơn Liên Trường và Ban Tổ Chức đã ân cần tiếp nhận, dành mọi sự ưu đãi. Xin cám ơn quý Thầy Cô và các Bạn đã dành thì giờ vàng ngọc cuối tuần đến tham dự đông đủ tạo cho sinh hoạt của gia đình Nguyễn Huệ bắc Cali càng ngày càng khởi sắc và có uy tín trong Liên Trường. Đặc biệt, cám ơn đến anh Tổng Thư Ký Phạm Đức Hiền và anh Nguyễn Đình Cai đã phải vất vả rất nhiều để cho Hội có được những hình ảnh thật đẹp.
Hội Hè 2009 của Liên Trường kết thúc vào lúc 3:30 PM trong sự thành công tốt đẹp, thầy trò vui vẻ chia tay và hẹn gặp lại vào hè năm tới.

San Jose, ngày 26 tháng 8 năm 2009
Hoàng Thanh Phước

Xin bấm vào link để xem thêm hình ảnh: Họp Mặt Liên Trường

Saturday, November 27, 2010

ÂM ĐIỆU PHÚ YÊN

(Tặng bạn Lê Ngọc Thọ nhân chuyến về Phú yên năm 2010)

Nẫu dìa quê nẫu đến anh em
Ghé chợ mua phai hầu nẳm thèm
Thăm lại cầu xưa thời trộm nhớ
Tìm dìa bạn cũ thở cà rem
Đường trơn lầy lậu quần xăn bó
Mưa lớn gió to áo ướt nhèm
Gần bốn mư năm như có khác
Tuổi cao thuận tiện đến anh em

Phạm hồng Thái

Tuesday, November 23, 2010

TÌM ĐÀN

Đây là lời khai mạc do bạn Nguyễn Đình Nghĩa thay mặt ban liên lạc trình bày trong buổi hợp mặt cựu học sinh lớp 10C, 11C, 12C Nguyễn Huệ từ năm 1971 đến năm 1974, tổ chức vào ngày 25/4/2010 tại TP Tuy Hòa, có ảnh và danh sách kèm theo. Qua đây chúng tôi mong liên lạc được với các bạn cùng lớp hiện ở nước ngoài.

Kính thưa thầy Trương Xuân Huy,
Thưa các bạn,
Mùa thu năm 1971, chúng ta bắt đầu năm lớp 10C tại trường Trung học Nguyễn Huệ. Lúc ấy trường có khoảng một chục lớp 10 ban A, ban B, nhưng chỉ có mỗi một lớp ban C – Ban Văn chương - Sinh ngữ, với 52 học sinh. Thời điểm làm tấm ảnh ghép giữa năm lớp 11C còn lại 45 bạn, trong đó có 15 bạn gái. Đến cuối năm 11 (học kỳ 2) chỉ còn 37 bạn vì giữa năm 11 có gần 10 bạn trai sinh năm 1954, 1955 bị gọi đi quân dịch và hai bạn gái đi lấy chồng. Lên lớp 12C có thêm mấy bạn vào học lớp mình như Lê Đình Hải Vân, Lê Thị Năm, Lê Thị Hà, nhưng đến khi kết thúc năm học, dự thi Tú tài phổ thông chỉ còn có hơn 30 bạn. Hiện nay có gần 10 bạn đang ở nước ngoài và gần 10 bạn chưa liên lạc được, và có 2 bạn đã qua đời đó là anh Cao Văn Tường mất năm 1975, anh Lê Văn Lệnh giáo viên, quê xã Hòa An, bệnh mất năm 2002.

Lâu nay các bạn Lê Thị Mỹ Hoa, Trần Văn Thành, Trần Quang Dũng, Nguyễn Tấn Hạnh và tôi vẫn thường gặp gỡ, hầu như Tết nào cũng có đến thăm nhau. Chúng tôi có bàn chuyện tổ chức họp lớp nhưng ai cũng bận rộn quá nên không thực hiện sớm được. Cách đây 2 tháng có bạn Bùi Thị Lệ Dung ở TP Kom Tum về Tuy Hòa, bạn cũ lớp mình có gần 10 người cùng đến đón mừng bạn Lệ Dung tại nhà bạn Nghĩa rồi kéo nhau tới thăm bạn Mỹ Hoa. Các bạn đã cử ra ban liên lạc, và mong muốn chúng tôi sớm lo chuẩn bị tổ chức họp lớp. Ban liên lạc có đến nhà mời Thầy Nguyễn Bá Quát. Thầy nay đã 80 tuổi, tinh thần vẫn còn minh mẫn nhưng sức khỏe yếu vì đau khớp nên không đến dự được. Thầy cảm ơn các học trò vẫn nhớ đến thầy và chúc lớp mình có cuộc họp mặt vui vẻ. Thầy Phan Văn Chạy cũng vậy, thầy rất vui mừng khi biết lớp mình có cuộc họp này và rất tiếc không vào được. Thầy có gửi thư chúc mừng như sau:
“Kính gửi học sinh lớp 12C Nguyễn Huệ 1973-1974,
Tôi đã nhận thư mời cùng với ảnh của lớp thời 1972 và hiện nay. Rất cảm động và thành thật cảm ơn. Vì lý do neo đơn (ở nhà một mình, vợ con đi vắng) nên rất tiếc sẽ không vào được. Trong ý nguyện thế nào tôi cũng vào Tuy Hoà thăm lại cảnh cũ người xưa, nhất là các cựu học sinh trường Nguyễn Huệ. Sẽ có dịp để tâm sự nhiều sau 35 năm xa cách. Kính chúc lớp họp mặt vui vẻ. Nhớ chụp ảnh gửi cho xem nhé! Phan Văn Chạy, TP Huế”
Vậy nên sự có mặt của Thầy Trương Xuân Huy trong cuộc họp lớp này thật là niềm vinh dự to lớn đối với lớp chúng ta. Xin các bạn hãy cho một tràng pháo tay cảm ơn Thầy Phan Văn Chạy và nồng nhiệt chào đón Thầy Trương Xuân Huy!

Thưa các bạn,
Lớp ban C các môn toán lý hóa mỗi tuần chỉ học có 1 giờ, các môn chính như Viêt văn, Anh văn, Pháp văn, Triết học mỗi tuần 6 giờ. Phần lớn học sinh lớp 10C năm ấy chăm chỉ học hành, song cũng có một số bạn ngồi trong lớp không lo học mà hay kiếm chuyện nghịch ngợm, quậy phá, trêu chọc nhau. Hồi đó học sinh ở các trường tư thục cuối năm lớp 9 xếp hạng từ thứ nhất đến thứ 10 được cho vào lớp 10 trường Nguyễn Huệ, nhưng từ thứ 6 xuống thứ 10 thì bị buộc vào lớp ban C (chắc là vì chủ trương của nhà trường cho đủ sĩ số một lớp ban C). Những bạn bị buộc vào lớp C học không vô các môn chính nên không hòa nhập được với lớp sinh ra chán nản, không còn hứng thú với việc học hành. Thầy cô khá phiền lòng, đôi khi phải rầy la, có bạn còn bị đuổi ra ngoài. Một số bạn theo không được nên đã xin chuyển sang trường tư để theo học các lớp ban A, ban B.
Lớp C môn chính là văn chương sinh ngữ, triết học nên đương nhiên học sinh lớp chúng ta có phong cách khác hơn các lớp khác! Ngày từ lớp 10 các bạn lớp mình ít nhiều đã thể hiện được tính cách của “dân ban C”. Các bạn gái thì dịu dàng duyên dáng, thướt tha (nhưng cũng thường hay lý sự và ăn hiếp các bạn trai, cứ muốn làm “chị” không à). Các bạn trai thì ra vẻ chững chạc đàng hoàng, ăn nói cũng ý tứ bóng bẩy hơn! Nhiều bạn trong lớp tỏ ra mình yêu thích văn thơ, và cũng biết làm thơ… Lên lớp 11, 12 bắt đầu học môn Triết Đông Triết Tây: nào Đạo đức học, Luận lý học, Siêu hình học đã làm cho chúng ta không còn là những “ông khỉ nhỏ - bà nhỏ khỉ” (lời Thầy Quát) mà đã ra dáng những “ông cụ non, bà cụ non” hơn. Hồi ấy tâm hồn chúng ta là tâm hồn của những người trẻ tuổi, đầy lãng mạn, mộng mơ. Lòng yêu thích văn nghệ của chúng ta cứ như bay bổng, bằng chứng là nhiều bạn lớp mình có tác phẩm văn, thơ được chọn đăng trong các quyển đặc san của Trưởng vào dịp Tết, và lớp 10C chúng ta còn làm được một tập thơ có tên “Xanh lá sân trường” với nhiều bài thơ hay đầy mộng mơ lãng mạn yêu đương thuở tuổi học trò, với nhiều bút danh chỉ mới nghe qua đã rất ấn tượng: Nào “Đăng Thùy”, nào “Kha Trầm Du”, nào “Khung Huyền”, nào “Ngông Tử”, “Tiêu Dao”, “Thi Khách”… Số lượng in bao nhiêu các bạn biết không? Những 300 cuốn! Bạn Nguyễn Đình Chiến, bạn Lê Thị Hồng (A) và một số bạn khác phải đem đi bán dạo (cùng với tập “Nắng Xuân Xanh” của trường mình) tận bên trường Bồ Đề bên Phú Lâm. Bây giờ có bạn nào còn giữ được tập thơ ấy không? Chắc chỉ có một mình tôi còn giữ được mà thôi! Tôi đã đem chụp ra 25 bản để tặng các bạn có mặt hôm nay. Cô bé nhân viên hiệu photocoppy đã xin phép tôi cho chụp thêm 1 bản để dành đọc vì “Cháu thích lắm, sao hồi đó các chú các cô mới học lớp 10 mà làm thơ hay quá vậy?”
Vào năm lớp 12, nhóm bạn Trần Quang Dũng, Hồ Văn Thích, Nguyễn Mai Kỳ, Nguyễn Đình Nghĩa cũng làm được 1 tập thơ có tên là “Suối tiếc” khoảng 20 bài thơ, đánh máy trên giấy pơluya được đúng 10 tập. Có lẽ do hồi đó anh nào cũng lo học, sợ thi rớt tú tài sẽ bị bắt lính nên không dành nhiều thời gian cho thơ văn nữa. Bạn nào còn giữ được tập thơ ấy giờ sẽ là một món đồ cổ quý hiếm đấy!

Các bạn thân mến, gần 40 năm trôi qua, mỗi người một cảnh ai cũng phải lo bươn chải làm ăn, ai cũng có một thời vất vả mưu sinh, phải lo làm tròn trách nhiệm đối với gia đình. Đến nay cuộc sống tương đối ổn định chúng ta mới có điều kiên tụ hội về đây. Thưa thầy Huy kính mến, có câu “trước mặt cha mẹ không được kêu mình già”. Trước mặt Thầy cũ cũng vậy, nhưng thầy ơi xin thầy thông cảm cho chúng em khi sau gần 40 năm gặp lại nhiều bạn cũ, nhìn lại bạn bè chúng em tóc đều đã bạc khá nhiều rồi tính ra ai cũng đã trên dưới sáu mươi tuổi cả rổi, nhiều bạn đã lên chức ông, chức bà. Có mấy bạn đã nghỉ hưu như anh Hồ Văn Thích, chị Lê Thị Hà, chị Võ Thị Hồng Hạnh, còn chị Lê Thị Hồng (A) một cô bạn ngày xưa trẻ trung tinh nghịch liến thoắng thường được thầy Quát khen là thông minh, học giỏi của chúng em hồi đó bây giờ cũng sắp tới ngày rời xa bục giảng. Hỏi sao chúng em không khỏi bồi hồi xúc động và phải than với nhau “mình già rồi sao?” Học sinh ban C chúng em đúng là “trong lớp thì mộng mơ ra đời thì lơ ngơ” thế nào ấy, như lời nhận xét của Thầy Huy nên không có ai làm được ông to bà lớn hoặc là “đại gia” nhưng điều đáng mừng là phần lớn học sinh lớp này đã có công việc làm và cuộc sống ổn định, nhiều bạn là doanh nhân, công chức, giáo viên, có bạn từng là giáo viên nhưng hoàn cảnh khó khăn không theo nghề được giờ chỉ là nông dân bình thường nhưng đều có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc nuôi dạy con cái ăn học nên người.
Năm lớp 11C chúng ta có sáng kiến làm tấm hình ghép của lớp, nhờ đó hình ảnh bạn cũ luôn rõ ràng trong tâm trí mình, tạo điều kiện cho việc truy tìm gần đủ bạn cùng lớp. Hôm nay gặp nhau đây tay bắt mặt mừng, chúng ta sẽ tiếp tục hàn huyên tâm sự cùng nhau vì ba năm cùng chung một lớp dưới mái trường Nguyễn Huệ có rất nhiều kỷ niệm, nhiều hình ảnh, nhiều chuyện vui buồn thời đi học cùng với nhiều chuyện đã qua và hiện nay ai cũng muốn thăm hỏi, sẻ chia. Bản thân tôi nói riêng và chắc là tất cả chúng ta có mặt ở đây ai cũng vậy, đều rất trân trọng tình đồng môn, nghĩa thầy trò. Chúng ta đã luôn dành cho thầy cũ, bạn cũ của mình nhiều tình cảm tốt đẹp vì thế khi được gặp nhau trong khung cảnh này ai cũng cảm động và vui mừng khôn tả. Mong rằng tình cảm này của chúng ta tiếp tục được duy trì, vun đắp. Nay đã biết địa chỉ, số điện thoại, chúng ta hãy thường xuyên liên lạc thăm hỏi nhau, có gì vui buồn cũng nhớ thông báo cho nhau. Trong cuộc họp này đề nghị các bạn bàn xem chúng ta có tiếp tục tổ chức họp lớp hàng năm không, và tổ chức vào thời điểm nào là phù hợp nhất.

Thưa Thầy Huy kính mến!
Hồi đó các thầy Pháp văn, Anh văn, Việt văn, Triết học dạy chúng em một tuần 6 giờ, trong 2-3 năm liên tiếp nên tình thầy trò có nhiều gắn bó. Ngoài bài vở trong chương trình chúng em được học hỏi nhiều về kiến thức, về phong cách của các thầy trong cách ứng xử của một con người có học thức, có văn hóa. Các Thầy đã gợi mở, định hướng cho chúng em trong việc học tập và tìm hiểu thêm về những lĩnh vực thơ ca nhạc họa, văn học, lịch sử v.v… để nâng cao hiểu biết, phong phú tâm hồn, trở thành những hành trang quí giá trên bước đường đời và nhờ đó chúng em đã trưởng thành. Vì vậy chúng em luôn nhớ về thầy Quát, thầy Huy, thày Giáo, thầy Chạy, thầy Quế, cô Oanh và nhiều thầy cô khác với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu đậm.
Cuối cùng chúng em xin chân thành cảm ơn Thầy Huy đã dành nhiều thời gian đến chung vui cùng với tập thể lớp 12C chúng em. Kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Kính chúc các bạn tiếp tục đạt được nhiều thành công và luôn lạc quan yêu đời, giữ mãi tâm hồn trẻ trung, gắn liền những kỷ niệm của tuổi học trò! Xin kính mời Thầy và các bạn cùng nâng ly chúc mừng nhau trong cuộc hội ngộ này!

DANH SÁCH BẠN HỌC LỚP 11C, TRƯỜNG TH NGUYỄN HUỆ, NĂM HỌC 1972-1973
Trong tấm ảnh ghép lớp 11C, xem từ trái sang, từ trên xuống:
TT Họ và tên Ghi chú
Giáo sư hướng dẫn: PHAN VĂN CHẠY, hiện ở TP Huế
1 Võ Minh Hoàng Ngọc Lãng, Bình Ngọc, TP Tuy Hòa
2 Nguyễn Văn Bích Chưa biết ở đâu
3 Hàn Lục Quang ở nước Mỹ
4 Nguyễn Tấn Hạnh Giáo viên ở Hòa Xuân Tây, Đông Hòa, Phú Yên
5 Nguyễn Mai Kỳ ở nước Úc
6 Trần Quang Dũng Phường 3, TP Tuy Hòa
7 Trần Thị Thanh Tâm ở nước Mỹ
8 Nguyễn Đình Nghĩa Phường 8, TP Tuy Hòa, 057 3826949 nghiathuha@yahoo.com
9 Lê Tiền Chấn ở TP HCM
10 Nguyễn Thúy Nga ở nước Mỹ
11 Ngô Văn Thành Giáo viên, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, Phú Yên
12 Nguyễn Minh Tùng ở nước Mỹ
13 Quách Hải Thân ở xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa, Phú Yên
14 Nguyễn Đồng Thanh xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa
15 Trần Thị Chúc ở TP HCM
16 Phan Văn Hóa Giáo viên, Phường 2, TP Tuy Hòa
17 Lê Văn Lệnh Hòa An, Phú Hòa. Đã qua đời năm 2002
18 Nguyễn Thị Hồng Thanh Phường 2, TP Tuy Hòa
19 Trần Văn Thành Phường Phú Đông, TP Tuy Hòa
20 Nguyễn Phúc Niệm Phường 2, TP Tuy Hòa
21 Nguyễn Thị Minh Phụng ở TP Mỹ Tho
22 Hồ Công Ở Phường 4, TP Tuy Hòa
23 Lê Thị Mỹ Hoa Phường 3, TP Tuy Hòa
24 Hà Tiên Phước Phường 4, TP Tuy Hòa
25 Võ Thị Hồng Hạnh Hòa Bình 2, Tây Hòa.Giáo viên nghỉ hưu
26 Đào Tấn Phụ GV tiếng Anh, xã Hòa Thắng, Phú Hòa
27 Bùi Thị Lệ Dung Ở Kon-Tum.
28 Lê Văn Huệ ở nước Mỹ
29 Cao Văn Tường Đã qua đời
30 Lê Tịnh ở La Hai, Đồng Xuân
31 Lưu Thị Lệ Chi Phường 5 TP Tuy Hòa, giáo viên đã nghỉ hưu
32 Nguyễn Đình Chiến xã Phước Đồng TP Nha Trang
33 Phan Ái Vân ở nước Mỹ
34 Hồ Văn Thích Hòa Thắng, Phú Hòa, Phú Yên (mới qua đời tháng 9/2010)
35 Lê Thị Hồng (A) Giáo viên đã nghỉ hưu, P5, TP TH
36 Đặng Văn Thơm Xã Hòa An, huyện Phú Hòa
37 Nguyễn Thị Lạc Phường 2, TP Tuy Hòa, 3826331
38 Vương Ái Mỹ ở nước Mỹ
39 Nguyễn Thọ Hương ở Nha Trang
40 Nguyễn Văn Minh Chưa biết ở đâu
41 Nguyễn Văn May Đang ở Phan Thiết, Bình Thuận
42 Nguyễn Văn Nhật Đang ở TP HCM
43 Lê Thị Hương Chưa biết ở đâu
44 Lê Thị Hậu Phường 8, TP Tuy Hòa
45 Đặng Phúc Vũ Ở Phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa
46 Lê Thị Hưởng (*) Phường 4, TP Tuy Hòa
47 Nguyễn Hà (*) Đông Mỹ, Hòa Vinh, Đông Hòa
48 Trần Đình Luân (*) Hiện ở nước Lào
49 Lê Thị Hà (**) Phường 2, TP Tuy Hòa. CB ngành Y tế, mới nghỉ hưu.
50 Lê Thị Năm (**) La Hai, Đồng Xuân
51 Lê Đình Hải Vân (**) Chưa biết ở đâu
(* Giữa năm lớp 11 nghỉ học nên không có trong ảnh)
(** Vào học từ năm lớp 12 nên không có trong ảnh)

Monday, November 15, 2010

BẠN TÔI


Nếu tôi là một cái gương thần và nếu được hỏi "ai là người con gái đẹp nhất trên đời này?" tôi sẽ không ngần ngại trả lời "Hoàng Ánh".
Hoàng Ánh là người bạn cùng lớp, ngồi cạnh tôi ở lớp đệ lục 5 trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa và mặc dù chúng tôi chỉ được học chung một niên khóa rồi xa nhau năm chúng tôi mới có 13 tuổi, tôi vẫn giữ mãi trong lòng hình ảnh rất đẹp về bạn tôi.
Ánh có đôi mắt màu xanh. Không phải màu xanh ve chai của mắt người tây phương, không phải màu xanh xao động và quyến rũ của biển, đó là màu xanh rêu của một hồ nước thanh tịnh, bình yên. Tóc Ánh thường được buộc thành đuôi bằng một dãi ruy-băng hay một cái khăn vải và tôi không quên những sợi tóc con cong hình chữ C lòa xòa trước vầng trán xinh của Ánh. Ánh xinh đẹp lắm nhưng điều làm tôi yêu mến bạn chính là sự khiêm nhường và nhỏ nhẹ. Điều hiếm có nơi những người đẹp, dù họ chỉ đang là một cô gái nhỏ tuổi.
Lần đầu cầm tờ giấy chuyển trường lo sợ bước vào lớp học mới, tôi nhớ mãi nụ cười thân thiện của Hoàng Ánh khi bạn khẻ xích vào, nhường cho tôi một chỗ bên cạnh bạn.
Từ đó Hoàng Ánh luôn là người bạn tốt nhất, chân thực nhất, dịu dàng nhất giúp tôi làm quen với trường, với lớp với thành phố Tuy Hòa.
Ánh có tên gọi ở nhà là Tino "Hồi Ánh sinh ra mấy bà chị đang mê giọng hát của Tino Rossi nên gọi Ánh là Tino" Ánh giải thích. Ánh người Huế, con gái bác Nguyễn Ngọc Nông, Trưởng Ty Thông Tin. Nhà Ánh khá xa nhà tôi nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng ở bên cạnh nhau sau giờ học. Ánh thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện phim hay mà bạn từng được xem.
"Hè rồi Ánh đi Sài Gòn và có xem phim Ảo Ảnh Cuộc Đời. Phim có Sadra Dee đóng. Phim hay thật là hay. Xem là mình muốn khóc. Có một bà mẹ da đen sinh một đứa con da trắng. Nhưng đó lại là một bất hạnh. Cô gái lớn lên, đau khổ và muốn chối bỏ mẹ mình...."

Ngoài những chuyện phim hay, Ánh còn kể cho tôi nghe nhiều chuyên....bí mật

- "Ca sĩ TT ốm nhom hà. Cô ấy phải mặc 3 cái áo lót trước khi mặc áo dài".


Chúng tôi rủ rỉ nói vối nhau đủ thứ chuyện và không chán được ở bên cạnh nhau. Thuở ấy không gian và thời gian đều hào phóng. Ngày thì dài và niềm vui đầy ắp. Có lúc Ánh đi bộ lên nhà tôi. Gặp lúc tôi đang giặt quần áo, Ánh sà vào ngồi bên cành vò giúp. Chúng tôi phải lẹ lên để còn rủ nhau trèo lên núi Nhạn nhìn trời, nhìn đất.
Ánh dung dị và chân thành quá cho nên tôi rất ngạc nhiên khi sau đó biết rằng bạn tôi là một ngôi sao của trường. Bạn là cây văn nghệ nổi tiếng và được toàn trường ngưởng mộ. Ánh không tham gia hát, múa như hầu hết các nữ sinh xinh đẹp. Ánh là một.....diễn viên chuyên đóng hài kịch. Một lần, vào dịp văn nghệ quốc khánh tôi đã xem bạn tôi diễn kịch. Tôi không ngờ người bạn xinh đẹp như một nàng công chúa của tôi đã dám bôi mặt, vẽ râu để trở thành một thằng ở ngây ngô, khờ khạo và cả một rừng khá giả đã vỗ tay hoan hô vai diễn tài ba của Ánh..
Ánh hiểu biết con người và cuộc sống hơn tuổi của mình. Nhưng bạn không kiêu ngạo, ích kỷ, ranh mảnh. Bạn quá dễ thương để sớm biết rằng sống là để quên mình, yêu thương và tạo niềm vui cho người khác.
Như vậy làm sao tôi không yêu mến bạn và không bất ngờ, đau buồn nghe tin bạn sắp phải rồi xa chúng tôi.
Hè năm 1962, Hoàng Ánh theo gia đình chuyển về Dalat. Ngày Ánh lên tàu ra đi, tôi đứng ở sân ga nhìn theo chuyến tàu cho đến khi nó mất hút sau lưng núi Nhạn.
Ánh đi rồi tôi buồn muốn khóc. Thật không có tình bạn nào trong trẻo hơn, đằm thắm hơn, chân thành hơn tình bạn dưới mái trường. Nhưng ngày sau đó tôi thường nhận được thư Ánh kèm theo những tấm hình của bạn và đôi khi là những cành hoa pensee màu tím ép vào trang giấy.
Chúng tôi mất liên lạc khi ba năm sau chính tôi cũng phải rời xa thành phố Tuy Hòa thân yêu. Từ đó tôi cất dấu hính bóng Hoàng Ánh trang trọng và thắm thiết trong ký ức có ngôi trường Nguyễn Huệ rêu phong, cũ kỷ nằm trên con đường số Sáu rất vắng dường như chỉ để dành riêng cho học trò. Ôi, làm sao tôi quên được con đường chạy giữa những buội xương rồng, buội gai bàn chải và những hàng cây dương mang trên mình màu xanh rất buồn đứng phơi mình dưới cái nắng Tuy Hòa hiu hắt.
48 năm rồi xa cách, tiếc không được nhìn thấy bạn mình xinh đẹp như thế nào ở lứa tuổi đôi mươi. Nhưng nếu có phép mầu để chúng ta được gặp lại dù ở tuổi bà nội, bà ngoại thì cũng biết bao hạnh phúc phải không Hoàng Ánh.
*
* *
Đầu năm 2010 qua nhạc sĩ LMST tôi được biết chị Hoàng Yến, vợ anh cũng là một cựu học sinh Nguyễn Huệ. Từ mối duyên đó tôi gặp lại một số bạn cũ và bất ngờ nhất là tôi có được thông tin về Hoàng Ánh.
Thật vui mừng, cảm động.
Xin cám ơn phép mầu của cuộc đời, cám ơn ninh-hoa.com. cám ơn anh chị LMST.
Hoàng Ánh thân mến, bạn luôn là người đẹp và đáng yêu nhất trên đời, đối với riêng tôi.

Lương Lệ Huyền Chiêu

ĐI VỀ

Đọc Thơ Lữ Đức Kỳ
Trong lúc bị bịnh vì ăn uống quá độ tại buổi Dạ Tiệc của Hội Ái Hữu Phú Yên và Họp Mặt Cựu Thân Hữu Học Sinh Phú Yên thì nhận được bài thơ của anh Lữ Đức Kỳ, và tôi cảm thấy hơi đỡ đỡ, liền ngồi dậy để viết vài hàng ca ngợi bài thơ của anh mang tựa đề “Đi Về”:

Đi về nhìn đống hồ sơ,
Ngày vui chưa dứt thấy phờ người ra.
Đi về lòng dạ xót xa,
Thầy xưa bạn cũ thật là nhớ nhung.
Đi về vườn nhớ mông lung,
Hương xưa phảng phất hình dung như là.
Đi về nhìn ngắm Vợ ta,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.

Tuy anh Kỳ nói rằng đây là bài thơ “con cóc” nhưng tôi thấy bài thơ làm theo thể loại Lục Bát này mang thân xác của hoàng tử (Hoàng Tử Cóc) có giá trị văn học hơn là những bài thơ Đường Luật mà tôi mới đọc gần đây vốn bị thất luật về đối tự và đối nghĩa trong 2 câu “thực” và 2 câu “luận” của thể thơ “thất ngôn bát cú”, mà thông thường thì 4 câu giữa của thể thơ này phải đối nhau, không những về hình thức mà còn cả nội dung. Chẳng hạn như bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan:

Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bài thơ nay có 4 câu ở giữa đối nhau rất là chỉnh, cả về ngữ vựng lẫn ý nghĩa. Nên nhớ 4 câu giữa của thơ Đường luật thì danh từ, động từ hoặc tĩnh tự phải đối với nhau như: dưói núi, bên sông; nhớ nước, thương nhà; con quốc quốc, cái gia gia….
Thơ của anh Kỳ thì không thuộc dạng phức tạp này, mà là một ngẫu hứng tự nhiên thoát ra từ cõi lòng.

Tôi cũng đã đọc những bài thơ lục bát gần đây mà một số các bạn đã gởi, trong đó có vài bài rất súc tích, còn đa số không có gì đặc sắc, vì chỉ là những xáo ngữ gượng ép vào vần và luật. Thơ của anh Kỳ làm người ta nhớ đến văn hào Nguyễn Du được ngẫu hứng bởi nội tâm của mình phát ra mà bất cứ ai đọc lên cũng có thể hình dung ra được ý nghĩa thâm sâu của nó; chẳng hạn như:

Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miêng chén có bò đi đâu?

Khi nghe 2 câu thơ này, người ta không những tưởng tượng ra được một con kiến đang bò trên miệng một chiếc chén rồi nghĩ về hoàn cảnh của mình, hình dung ra được trên cõi đời này con người ta cũng chỉ là những con kiến, cứ bôn ba chạy chung quanh cái vòng luẩn quẩn nhưng rồi chẳng đi đến đâu.


Thơ của Anh Kỳ cũng vậy, dù trong 2 câu mở đầu chỉ có 14 chữ rất đơn sơ, nhưng người đọc có thể tượng tượng ra được một hoàn cảnh vô cùng chán nản:

Đi về nhìn đống hồ sơ
Ngày vui chưa dứt thấy phờ người ra.

Tôi có thể tưởng tượng ra được trước khi đi, anh Kỳ đã lo giải quyết một loạt hồ sơ của các bệnh nhân với hy vọng có thể tạm quên đi công việc để vui chơi với thầy cũ và bạn xưa. Thế rồi khi anh trở về nhìn thấy chồng giấy tờ mà lòng ngao ngán, giống như tâm trạng của Nguyễn Du khi ngẫm nghĩ về cuộc đời:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Tôi chưa hề quen biết anh Kỳ, chỉ gặp nhau trên email nhưng có cảm tình với anh vì cảm giác được thái độ thân thiện và tinh thần năng nổ của anh trong các sinh hoạt cộng đồng.
Tôi gặp anh Kỳ lần đầu vào hôm dạ tiệc tất niên do Hội Ái Hữu Phú Yên tổ chức tại San Jose. Khi gặp tôi, anh hỏi “Bộ thấy thất vọng lắm phải không?” (Ý của ảnh muốn nói là ngoài đời anh ít "quậy" hơn trên điễn đàn).

Phải nói là trong vài ngày tại San Jose, anh Kỳ đã sống hết mình với bạn bè, đặc biệt là các bà các cô mà anh đã từng quen hoặc chưa quen biết; quàng tay người này, ôm vai người kia, cứ như mình còn là một học sinh đang học tại trường Nguyễn Huệ, quên bẵng đi mất là tại Virginia anh đang có một cô vợ trẻ mong chồng trở về. Cuộc vui nào chẳng tàn, anh đành phải từ giã bạn bè để trở về bằng 2 câu thơ:

Đi về lòng dạ xót xa,
Thầy xưa bạn cũ thật là nhớ nhung.

Đây là một cảm xúc vừa có tình vừa có nghĩa: tình bằng hữu, nghĩa thầy trò. Tiếng than của anh làm cho ta hiểu được tâm trạng của Nguyễn Du khi ông lấy hoàn cảnh của Kiều để diễn ta tâm sự của mình:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Tôi thích nhất 2 câu thơ kế tiếp, vì chúng mang ý nghĩa nhiều hơn những gì mà anh muốn diễn tả:

Đi về vườn nhớ mông lung,
Hương Xưa phảng phất hình dung như là.
Khi đọc 2 câu thơ này tôi nhớ đến bản nhạc Hương Xưa của Cung Tiến, trong đó có đoạn:

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.

Không biết nàng Quỳnh Như này là ai, nhưng hình như những người mà anh gặp lại đều có dáng dấp của một nàng Quỳnh Như nào đó. Nhưng thà rằng sống với ảo ảnh còn hơn hiện thực.
Anh Kỳ nói rằng bài thơ của anh không có đoạn kết, nhưng tôi thấy 2 câu cuối là một đoạn kết rất chân tình và thành thật, ít ra là với bà xã của mình.

Đi về nhìn ngắm Vợ ta,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.
Có thể anh Kỳ đã có một chút ăn năn và hối lỗi đối với vợ mình nên đã thốt ra những lời có vẻ nịnh bợ và nịnh vợ.

Anh Kỳ đặt tên bài thơ là “Đi về” mà theo nghĩa thực đó là trở về nhà, hay đúng là trở về với công việc hàng ngày của mình, và trở về với vợ. Nhưng thật ra “đi về” còn có nghĩa bóng bao quát hơn, đó là “đi” và “về” như câu ca dao tả sự chung thủy của một cặp vợ chồng:

Làm sao cho trọn nghĩa phu thê
Đây chồng đấy vợ ĐI VỀ có đôi!

Người ta thường nói thơ lục bát là loại thơ trữ tình nhất, vì nó vừa đơn giản vừa thâm sâu. Theo hán tự thì “lục bát” có nghĩa là sáu tám, thuộc thể liên hoàn gồm 1 câu 6 chữ tiếp theo bằng câu 8 chữ; nhưng nói theo tiếng của người miền Trung thì “lục bát” là “lục đọi” và tiếng miền Nam thì gọi là “lục chén”. Khi nói đến lục bát, lục đọi, hay lục chén, ngưòi ta thường nghĩ đến ăn vụng. Có lẽ anh Kỳ làm bài thơ “lục bát” này tặng vợ là để thú tội ăn vụng của mình. Thường những người đi chơi khuya khi về nhà hay lục bát để ăn cơm nguội; giống như câu ca dao:

Cơm đâu cho bằng cơm nhà,
Ăn dăm ba miếng cho “bà” khỏi ghen.

Rất may là anh Kỳ không viết 2 câu kết như thế này:

ĐI VỀ NHỚ VỢ NGƯỜI TA,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.
Phạm Đức Hiền

GẠCH MỀM

Huyền Chiêu có hỏi thăm một trong những cậu em của tôi, nhưng không nhớ tên, vì áy náy là chưa thể nói lời xin lỗi một sự việc xảy ra cách đây hơn 40 năm.

Chuyện là như thế này:
Trong tiêu đề email “Bỗng Dưng Nhớ Ra Một Chuyện”, HC viết:

…hình như anh Hiền có một em trai đi lính đóng ở Dục Mỹ, cách Ninh Hòa (quê hương của HC) 15 cây số. Một lần em trai của anh có lòng tốt dẫn theo mấy cô em gái đến thăm HC…(nhưng) lúc đó HC đã không còn tinh thần nào mà tiếp khách. Mẹ HC sinh em bé út ở nhà thương và đang bị băng huyết. Đưa mẹ đi nhà thương xong, khi trở về nhà lấy thêm chăn màn và quần áo thị gặp khách đến….chơi. HC lúc đó tối tăm mặt mũi và không thể ở thêm một giây phút nào nên đã lơ là để khách đi về. HC không thể nói ra cảnh nhà cửa của mình cho khách nghe được. Thật là đau khổ! HC cũng không nhớ ra người em nào đã đến thăm HC trong cảnh bi đát như vậy. Xin anh Hiền chuyển lời xin lỗi muộn màng…và sẽ đãi ăn nem chua Ninh Hòa để tạ lỗi.

Trong thư trả lời, tôi nói HC khỏi cần bận tâm, vì cả 2 đứa em trai của tôi đều đã…từ trần rồi: Cậu em út (Phạm Đức Linh) đã chết mất xác trong trại tập trung của Việt Cộng năm 1976; còn cậu em kế là Phạm Đức Thành đã qua đời cách đây gần 2 năm. Người mà HC muốn xin lỗi chính là Thành. Tôi nói với HC là mai mốt sang…bên đó nhớ mang theo ít nem chua Ninh Hòa để….tạ lỗi với Thành.

Tôi kể ra một mẩu chuyện nhỏ này là để nói lên tâm hồn đa sầu, đa cảm mà HC gởi gấm vào những tác phẩm của mình trong blog Lương Lệ Huyền Chiêu, qua đó HC đã nhắc lại những kỷ niệm khi còn đi học ở Trường Nguyễn Huệ, trong đó có những bạn xưa như Bích Thủy, Hoàng Ánh, Hoàng Yến, Kiều Oanh, Phúc Phương…và cả những thầy cũ của như Thầy Giang, Thầy Đằng, Thầy Trí….và dĩ nhiên là cả...Thầy Gạch, người mà Lê Thị Hoài Niệm nói là sát thủ của phái “Bạch Y” chuyên thanh toán những môn đệ “Hắc Y” của phái Nga My (Xin Một Lần Gợi Nhớ).

Thế nhưng trong tùy bút mới nhất của mình, HC đã cho chúng ta thấy yếu điểm (softside) của Thầy Gạch, chứ không cứng như…cục gạch, mà bọn nam sinh chúng tôi thường ra sau trường Nguyễn Huệ Cũ lấy cục gạch làm trái banh đá qua đá lại cho…bõ ghét!

Mời quý thầy cô và các bạn cùng đọc: Tình Bằng Có Cái Trống Cơm
San Jose 4/9/10
Phạm Đức Hiền


THẦY ĐẰNG

Trong truyện chưởng của Kim Dung, chúng ta thưòng thấy nhũng sư phụ tự nhốt mình trong động vài tháng, nửa năm, có khi đến vài năm cho đến khi râu tóc bạc phơ, rồi xuất động để truyền thụ cho các môn đồ vài câu khẩu quyết để họ tự nghiền ngẫm, nghiên cứu và lần mò hầu trở thành cao thủ xuất chúng của võ lâm. Ít thấy khi sư phụ giao đấu với đồ đệ, có lẽ là để gây ấn tượng huyền bí cho mình; nên học trò cũng không rõ là sư phụ của mình cao minh đến mức độ nào, cho đến khi ông ta thực thực sự giao đấu với kẻ thù.
-Đó là chuyện sư đồ của Tầu.

Khi còn nhỏ, tôi thường thích nghe đi nghe lại câu chuyện về một ông thầy cố gắng truyền thụ võ công cho một học trò, nhưng không ngờ tên đệ tử này đã trở thành một kẻ phản đồ, cuối cùng nó dụ ông thầy ra nơi vắng vẻ, ỉ sức trai tráng, đòi sư phụ phải tuyền hết bí kíp võ công cho hắn. Sư phụ liền bảo tên nghịch đồ này nhảy qua đầu ổng, và ổng đã dùng tuyệt chiêu cuối cùng của bảo đao chặt đứt hạ bộ của tên phản đồ này khiến cho nó bị tuyệt tử tuyện tôn.
-Đó là chuyện sư đồ của An Nam ta.

Lần đầu tiên coi chưong trình “Wheel of Fortune” hoặc “Jeopardy”, tôi thấy có những ông thầy tranh đua với học trò, vô cùng ngạc nhiên khi những sư phụ này không hề tỏ ra xấu hổ hoặc mất mặt gì khi thua học trò của mình. Mới đây trên TV Mỹ có một chưong trình tên là “Are You Smarter than 5th Graders?” qua đó có những ông thầy bà cô đã lên diễn đàn thi trả lời nhũng câu hỏi trình độ của lớp 5; nhiều khi mấy thầy bí, đành phải tham vấn mấy cô cậu chỉ mới có 9 hoặc 10 tuổi.
-Đó là chuyện thầy trò của xứ Cờ Hoa.

Trong cộng đồng của chúng ta, Thầy Nguyễn Khoa Đằng là một trong những sư phụ mà tôi thấy cũng có tinh thần học tập giống như những ông thầy bà cô của Mỹ, và cũng là một trong những sư phụ mà tôi vô cùng cảm phục. Cảm phục không phải là do trình độ của thầy, mà là một người thầy lúc nào cũng tự nghiên cứu và học hỏi từ những ngưòi khác, kể cả học trò của mình, trong đó có anh Ngô Tấn Phổ, người đã truyền thụ môn võ công PowerPoint để thầy làm những slideshow cống hiến cho diễn đàn của Nguyễn Huệ.

Thầy Đằng (tên ở trường Nguyễn Huệ là ..."Thằng Đầy") sinh trưởng và lớn lên tại tỉnh Xiengkhouang (nơi có Cánh Đồng Chum ở Lào Quốc) và đậu bằng Tiểu Học Lào-Pháp trước khi về Việt Nam vào năm 1952 học chưong trình Việt ngữ.

Sau khi đậu Tú Tài 2 vào năm 1960 thầy thi vào Đại Học Huế để học Toán nhưng bị rớt, đành phải học Luật.

Năm 1961 thầy được bổ nhiệm ra dậy Công Dân và Vạn Vật đệ nhất cấp tại Trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, Phú Yên, và đến năm 1966 thì vào quân đội làm việc tại Sở Tâm Chiến, thường đi giúp vui cho các binh sĩ ở các tiền đồn, và sau đó tham gia vào Chương trình Truyền Hình Quân đội Sư đoàn 1 Bộ Binh.

Năm 1970 thầy được đổi về Huế dậy Toán tại trường Nguyễn Tri Phương, tiếp tục học Văn Khoa và đậu Cử Nhân vào năm 1973 để, như thầy nói là, “trở thành giáo sư đệ nhị cấp như người ta” cho đến khi mất nước vào năm 1975 thì vào trại “lao động cải tạo.”

Sau khi ra tù, thầy làm đủ nghề, từ xe đạp ôm, bán vé số, bán bánh mì, bán báo, bán xôi và cả cuốc đất thuê…cho đến khi được sang Mỹ năm 1995 theo diện HO và mở tiệm giặt ủi sống một cuộc đời mới với cô Diệu Phương cùng 2 con trai và một ái nữ.

Sau khi gặp vợ chồng anh Đặng Duy Nhượng, thầy cô đã trở thành đệ tử 2 người này về môn nhảy đầm; từ đó thầy cô tìm được nguồn vui mới tại các vũ trường ở San Jose, yêu đời và yêu người, bất cần mọi việc. Anh Nhượng, khi giới thiệu thầy Đằng, đã có lần mô tả thầy như sau:

… bản chất thầy chân thật, khiêm nhường, hiền hòa, với cuộc sống bình dị cả tâm hồn lẫn thể xác, dễ hòa hợp với mọi người nên thu hút được cảm tình của những người chung quanh…Thầy có sức khỏe tốt như vậy là nhờ lúc nào tâm hồn cũng an bình và thường xuyên tập luyện thân thể như đi bộ, khiêu vũ vv… Với tuổi “cổ lai hy, thầy vẫn không ngừng học hỏi để tiến lên (cho bằng lớp trẻ), thật đúng với câu : “gừng càng già, càng cay”.

Hiện nay, ngoài công tác cô Phương giao là trồng cây, tưới cây và dọn dẹp sau vườn; vào những lúc rảnh rỗi thầy thường làm những slideshows mà thầy nghiên cứu hoặc học được từ những học trò cũ của mình, mà sư phụ đầu tiên của thầy là anh Ngô Tấn Phổ.

San Jose Oct. 3 tháng, 2008

Phạm Đức Hiền.

Sunday, November 14, 2010

VẸN LỜI NGUYỀN

Chúc mừng Đức Tín và Khánh Nguyên,
Cam kết đi chung một chiếc thuyền:
“Nẫu” từ Mộ Đức, miền Quảng Ngãi,
“Wa” ở Sông Cầu, đất Phú Yên.
Tha hương Đại Học trao thề ước,
Đoàn tụ Sài Thành kết nhân duyên.
Gia đình Nguyễn Huệ cầu 2 họ:
Phùng-Võ trăm năm vẹn lời nguyền.

California ngày 19 tháng 10 năm 2009

Phạm Đức Hiền

Hai họ Phùng-Võ Kính báo lễ thành hôn hai con:
Võ Đức Tín - Phùng Khánh Nguyên
08/09/Kỷ Sửu (25/10/2009) tại Sài Gòn
Phùng Quang Minh

DIỄN ĐÀN THƠ ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ

Nhờ slideshow của thầy Nguyễn Khoa Đằng mà chúng ta đã đựợc thưởng thức bài thơ Đường nguyên thủy (xướng) của nhà thơ NX Vạn mang tựa đề "Tuyết Trắng" để tặng “Tuyết Đen”

Tuyết ơi! Tuyết trắng dễ đâu già
Tuyết ngắm mây vờn gió lượn qua
Tuyết đổ ngoài hồ hoa vội chớm
Tuyết rơi trên nóc bóng không nhòa
Tuyết xuyên cành lá thêm thương mẹ
Tuyết ẩn vườn lan lại nhớ cha
Tuyết điểm tô đời muôn ánh đẹp
Tuyết luôn tươi tắn ấy duyên mà.

Từ Texas Lê Thị Hoài Niệm họa thành Nắng:

Nắng sáng trườn qua bụi cúc già
Nắng cười với lá lúc mưa qua
Nắng trưa chiếu thẳng đài hoa thẫm
Nắng xế soi nghiêng bóng lá nhòa
Nắng rải vườn hồng vui bụng mẹ
Nắng nung vạt cỏ phật lòng cha
Nắng bồi cảnh trí thêm tươi đẹp
Nắng rất cần cho sự sống mà !

Từ Việt nam, Phùng Quang Minh tức cảnh sinh biến “Nắng” thành “Lạnh”

Lạnh thêm bởi Tuyết phủ thân già
Lạnh buồn – nếu Tuyết phủ lướt qua!
Lạnh vui – nếu Tuyết còn phủ mãi
Lạnh đắm quanh ta…đừng xóa nhòa
Lạnh làm eo sèo tấm thân Mẹ
Lạnh xanh thảm cỏ đẹp lòng Cha
Lạnh bồi đêm tối thêm buổi sáng
Lạnh mà thiếu Tuyết chẳng mặn mà.

Từ Canada, Phạm Hải đã cũng nổi máu khôi hài biến “Lạnh” thành “Gió” (Tình):

Gió Tuyết rét căm trẻ hóa già
Gió Hè cực nắng tuổi Xuân qua,
Gió Thu ảm đạm tình thêm đẹp .
Đông phong về lại mát thịt da;
Gió Xuân nung nấu lòng thương mẹ
Gió Tết ấm lòng kiếp làm cha.
Gió lùa khung cửa yêu say đắm ,
Gió mát trăng thanh cứ thế mà…

(Chú thích của tác giả: Bạn Hiền ơi.
Cho toi tham dự nhé. Moi ban hay Ban Chap Hanh họa thêm bài Mưa Tình nữa thi se tuyet voi. Hihihi!!!)

Được ngẫu hứng bởi bài thơ “Gió”…lái của anh Phạm Quang Hải, anh Nguyễn Đình Cai, người có hỗn danh là Cai…dù cũng ngứa cổ và ngâm bài thơ bằng giọng nẫu qua bài họa “Thâu” để kêu gọi trời hãy thôi nắng, tuyết, mưa, gió và lạnh cho anh được sống vui với cây…dù của anh:
THÂU

Thâu nẩu dừng rơn, chạnh thân già
Thâu xin đừng NẮNG cực lòng wa
Thâu TUYẾT, bớt đi đầu gấu nhức
Thâu MƯA, giảm lợi mắt nhập nhoà
Thâu GIÓ, dường như mừng chớt mẹ
Thâu LẠNH, tưởng chừng dui thấy cha
Thâu đừng nhắc chi trời MƯA GIÓ
Thâu để cho tui sống dới mà
NĐC

Từ San Jose, nữ sĩ Hồng Hà cảm thấy tủi thân cho thân phận tha hương của mình đã biến cái vui tươi yêu đời của Hoài Niệm từ “Nắng” thành “Mưa”:

Mưa rơi mờ mịt thung lũng già (*)
Mưa khóc thương ai những ngày qua
Mưa chiều thấm lạnh lòng viễn xứ
Mưa sáng tha hương mắt lệ nhoà
Mưa trải ngàn xanh như ý mẹ
Mưa nghiêng khóm trúc quặn lòng cha
Mưa nhiều, ngẫm tiếc ngày nắng đẹp
Mưa nơi xa xứ chạnh nhớ nhà.
(*) Silicon Valley

(Ghi chú của tác giả: Hello anh Hiền,
HH cũng múa chữ cho vui đối bài Nắng nhưng câu cuối thì không. HH muốn bài Mưa có hồn thơ một chút vì thơ Đường thường hơi bị cứng. Hơn nữa câu 8 phải có ý liên đới với câu 1.
Happy New Year.
HH)

Và cuối cùng là bài NÓNG LẠNH của Phạm Đức Hiền

Lạnh quá thì thương mấy cụ già
Nóng nhiều thì tội cái thân wa
Lạnh ở ngoài trời còn quên được
Nóng tận tâm can khó xóa nhòa
Lạnh tay mụ vợ dance hip hop
Nóng cẳng thằng chồng nhót cha cha
Lạnh lùng y hệt như…Long Nữ
Nóng Lạnh là hương vị đó mà.


01/05/10
(*) Tiểu Long Nữ (Kim Dung)

MƯA TUY HÒA

Tuy Hòa thưởng thức mùa mưa
Lâm râm, ào ạt cũng vừa chờ mong
Nước lên nhuộm trắng cánh đồng
Phố phường được dịp nhuộm hồng phù sa
Mưa về ký ức hiện ra
Nghiêng vành nón lá đôi ta chung đường
Mưa lên Áo Trắng đến trường
Hạt mưa dính áo, giọt sương vướng mày
Khăn tay lau nhẹ má hây
Ngớt mưa áo vẫn trắng bay sân trường
Bồ Đề, Nguyễn Huệ trắng thương
Văn Minh, Đức Tuấn hai phương đẹp trời
Duy Tân, Hưng Đạo mưa rơi
Phố phường thêm đẹp, phố ơi đừng buồn
Thánh Tôn, Lê Lợi mưa tuôn
Ngang lưng Áo Trắng duỗi muôn tóc thề
Vui nào bằng tuổi mộng mơ
Đẹp nào qua được đợi chờ trong mưa
Chút râm mái tóc lưa thưa
Nhìn trò đi học trong mưa- mình thèm

Phạm hồng Thái

Saturday, November 13, 2010

MƠ XƯA

Đêm qua tôi nằm mơ
Tôi thấy tôi bay đêm
Ánh trăng xuyên phòng lái
Đẹp như đôi mắt em

Trong những chuyến bay đêm
Không gian buồn tê tái
Tôi mơ tôi và em
Hai đứa cùng bay mãi

Làm sao quên hỡi em?
Đêm ngại ngùng hò hẹn
Nơi xưa mình làm quen
Từ khi còn chinh chiến

Phi vụ tôi đêm nay
Chở đầy em ánh mắt
Chở đầy môi em hồng
Mềm và thơm như mật

Đêm muộn màng trở giấc
Tơi tả phi bào xưa
Nón bay buồn như đất
Thương nhớ mấy cho vừa

Cống Huy
Oct. 10, 10.

TAO NGỘ (Phóng sự tếu)



 

“TAO” theo tiếng Viêt có nghĩa là “tôi”,
đại danh từ ngôi thứ nhất đối đáp thân mật
giữa những người bạn như ca dao hát rằng:

Cái kiến mày kiện củ khoai
Mày chê tao khó, lấy ai cho giầu
Nhà tao chín ruộng, mười trâu
Có ao thả cá, có cầu rửa chân.

Hoặc để bầy tỏ sự giận hờn như:

Tao cầm cái dao
Mày làm sao tao làm vậy
Mày đi buôn cậy
Tao đi buôn hồng
Mày đi lấy chồng
Tao đi lấy vợ
Mày đi chợ
Tao đi chơi
Mày lên trời
Tao xuống địa ngục….

Tao cũng để chứng tỏ quyền uy của một người nào đó:

Ăn cơm tao, mày khổng biết lo,
Chẳng thà tao cho chó ăn no giữ nhà.

Còn NGỘ cũng là “tôi” theo tiếng Quảng Đông, như một anh chàng Đài Loan nào mà nói "ngộ ái nị" là coi như cuộc đời của cô gái Việt sẽ được lên voi hoặc xuống chó. Xin mời thưởng thức bản nhạc “Ngộ Ái Nị” mà hồi nẫm chàng Khánh từng hát để dụ dỗ cô Nga.

Hoặc giống như một anh Chệt Chợ Lớn bị thất tình ngâm bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” của TTKH rằng :

Nếu piết rằng lị đã lí chồng
Ngộ dzìa ngộ pán kái Hồng Kông
Mang tiền ngộ lổ dzô “Chị Lín”
Làm dzốn đầu tư ngộ mát lòng.

Thế những hai chữ “tao” và “ngộ” ghép chung với nhau lại là một cuộc trùng phùng hi hữu, đó là trường hợp TAO NGỘ giữa Trương Minh Chính và Nguyễn Thị Hồng Vân…..

Hồng Vân là một trong mỹ nữ nổi tiếng của Tuy Hòa như Hồng Hài, Hồng Bích, Hồng Phúc, Hồng Ân, Hồng Hoa, Hồng Hà và…..Hồng Thất Công, nhưng cô nàng này có lẽ có số “đỏ” hơn những cô “Hồng” khác, vì cậu con trai vừa mới tặng một căn nhà khang trang ở miền nam San Jose.

Vì Hồng Vân tính mở tiệc ăn mừng nhà mới nên tôi đề nghị cô nàng cho gia đính cựu học sinh Phú Yên Bắc California mượn nhà để đón tiếp 2 vị khách quý là Nguyễn Quốc Khánh từ Los Angeles và Trương Minh Chính từ Washington DC, và liền được chủ nhà nhiệt tình đồng ý.

Với sự vận động của Thanh Phước, vào chiều Chủ Nhật 24 tháng 10 có hơn 20 người đến tham dự buổi tiếp đón thượng khách, trong đó có cả thầy cô Lê Ngọc Thiều; nhưng lại thiếu khách quý Quốc Khánh, cái anh chàng thích quậy này vào tối hôm trước tham dự lễ sinh nhật 60 của Sáu Đông Thành, bị chủ nhà hát câu “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (gặp bạn rượu thì uống ngàn chén vẫn không đủ), nên sáng hôm sau long thể bất an phải đón xe về LA, để ông bạn Chính bơ vơ một mình nơi đất khách quê người. Lẽ ra lần này cũng có Nguyễn Thị Thanh từ Seattle nữa, nhưng cuối cùng vì có một mớ cá Hồi cần mang về Việt Nam bán, nên đã lỡ hẹn.

Ban đầu Chính ta đơn thân độc mã không muốn đến nhà Hồng Vân, với lý do là không quen cô nàng, nhưng sau khi được tôi thuyết phục, cu cậu đã miễn cưỡng rủ Đặng Ngọc Lâm (em Đặng Ngọc Tú) cùng đến, mang theo món tôm ngâm kim chi với ngô, cay đến nỗi ai ăn cũng bốc khói trên đầu. Thi sĩ Hồng Hà trót rại ăn một trái bắp bị dị ứng tôm, suốt đêm thao thức, nằm ca rằng:

Đêm khuya không ngủ, tôi khẩn cầu
Cầu xin Thượng Đế xót từng câu…
Cầu mai “hết ngứa” đời tươi sáng
Nhân loại bình yên hết khổ sầu !!!

(Trích Bài Thơ “Đêm Không Ngủ” trong tập thơ “Giấc Mộng Vừa” của HH).

Khi khách bước vào căn nhà mới khang trang ngăn nắp của mình, Hồng Vân liền chỉ ngón tay vào mặt khách, còn khách cũng chỉ ngón tay vào mặt chủ rồi hai bên điểm tên nhau:
-Chính?
-Vân?

Té ra 2 người này từng làm việc chung với nhau tại MACV ở Tuy Hòa cách đây 40 năm. Thật là một cuộc “tao-ngộ” lý thú giống như:

Lâu nay liễu bắc đào đông
Bây giờ tao ngộ như rồng gặp mây
Forty-year breakaway
Nhờ tay tạo hoá đó đây tương phùng.

Thế là chuyện trò vui như tết trong lúc mấy bà chen chúc nhau trong bếp chuẩn bị những món potluck nóng hổi.

Vì số quan khách đến quá đông trong một căn nhà mới chưa kịp mua đủ furniture, nên có vài người phải đứng, kể cả chủ nhà.

Đầu tiên Đức Hiền giới thiệu quan khách, dĩ nhiên là thầy cô Thiểu trước, rồi đến Hội trưởng AHPY Hoàng Thân, cựu Hội trưởng Nguyễn Lực, Kim Côn, Đình Khuê, Ngọc Lâm, Minh Chính, Dậm-Phương, Nhượng-Phước, Hiền-Hoa, Thanh-Hoa, Lan Anh, Hồng Hà, Sáu Để, Hằng-Nga, và đặc biệt có hai người bạn mới An-Lệ.

Đại diện cho gia đình cựu học sinh Phú Yên tại San Jose, Duy Nhượng chào mừng quan khách và cảm ơn thầy cô Thiều cùng các anh chị đã bầy tỏ sự hiếu khách của Thung Lũng Hoa Vàng, bất chấp trời mưa, đến tham dự buổi tao ngộ trong không khí ấm áp của mùa Thu; anh cũng chúc mừng Hồng Vân có một căn nhà khang trang, 4 phòng ngủ, ở một mình không hết, nhất là sau vườn lại có một cái piscine xinh xắn, nên hướng mắt về phía Minh Chính, như nhắn nhủ rằng:

Nhà em có cái hồ bơi,
Một mình mà tắm: buồn ơi là buồn!

làm Hồng Vân, bẽn lẽn như cô gái mới về nhà chồng, cảm ơn mọi người đã đến viếng thăm ngôi nhà mới của mình; nhưng trong bụng rủa thầm:

Được chư vị đến viếng thăm
Em mừng...xanh mặt: hàng trăm việc làm!
Nào là mua ghế mua bàn,
Nào là phải nấu tôm càng, canh chua,
Dọn nhà gặp phải trời mưa
Cái chân bị trặc vẫn chưa được lành!

(Hôm dọn nhà Hồng Vân đã bị trặc chân nên không thể tham dự Picnic Hè của Hội Ái Hữu Phú Yên!)

Thấy sự nhiệt tình của quý thầy cô và các bạn hiếu khách tại San Jose, Minh Chính cảm động nói anh không ngờ lại được đón tiếp long trọng như như một hoàng tử, khiến mấy chị độc thân lấm lét nhìn chàng như nhắn nhủ:

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Làm Duy Nhượng ghé vào tai tôi nói nhỏ:

Thấy nẫu đơn độc mà ham,
Ước gì tui cũng “đồng nam”* như chàng.
(* đồng nam: con trai chưa dzợ)

Thầy Thiều cũng bầy tỏ tâm sự được gặp lại một trong những học trò cũ đắc ý nhất của mình, nhưng bị cô Thiều ngồi bên cạnh cứ nhéo vào đùi thầy, sợ thầy nói nhiều làm bà con đói bụng, làm thầy lẩm bẩm:

Cho tui nói chút đi bà
Ở đây không được nói về nhà tui nói với ai?
(Thiện Tai, thiện tai!)

Phải nói chuyến viếng thăm California lần này của Minh Chính đáng đồng tiền bát gạo, vì khi xuống Los Angeles anh được Quốc Khánh và một nhóm bạn bè rủ đi Las Vegas, vừa được ngắm cảnh, lại còn được đánh bài và được tiền.

Đến San Jose anh cũng được dịp viếng thăm gia đình của anh Đặng Ngọc Tú, một trong những người bạn rất thân từng sống trong Xóm Di Cư Tuy Hòa, nhưng đã từ trần cùng với vợ cách đây khoảng 5 năm. Chính cũng đã có dịp thăm đại gia đình của cụ bà Phạm Đức Tuyền, gia đình thầy cô Thiều và một số bạn bè khác.

Nhân dịp này Chính cũng gặp lại một người bạn cũ là Vũ Thế Chính (con của ông Vũ Thế Bảo, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nam Tiểu Học Tuy Hòa). Chính “Sữa” và Chính “Sói” cũng là bạn trong Xóm Di Cư. Bức hình này chụp lúc 5 người bạn cũ Đức Hiền, Đình Cai, Thế Chính, Minh Chính và Quốc Khánh gặp nhau bên ngoài “Coffee Lover” uống cà phê bị gió thổi bay đi những bộ tóc giả. (Cám ơn Đình Cai đã chớp được bức hình lịch sử này!)

Chiều hôm trước, Minh Chính cũng đã đến viếng thăm gia đình của anh chị Lê Đình Lãm và Nguyễn Thị Hằng, tại đây có Nguyễn Huy Cường, người mà

Tôi đề nghị Chính nên về San Jose lập Xóm Di Cư mới rồi làm Xóm Trưởng tha hồ mà đi đêm.

Nhân dịp này tôi cũng được nghe một câu chuyện khá hy hữu đó là vợ chồng An-Lệ nói hôm đi dự Hội Ái Hữu Phú Yên, khi gặp tôi, anh chị tưởng tôi là Mục Sư Phạm Đức Long nên chào tôi nhưng thấy tôi tỉnh bơ, nên hôm nay gặp lại, Mỹ Lệ liền hỏi tôi có phải là anh em gì với Mục Sư Long không. Tôi trả lời rằng tuy 2 người cùng cha, cùng mẹ nhưng không phải là anh em, làm cho cho cô nàng vô cùng sửng sốt. Tôi giải thích rằng trước kia chúng tôi là anh em, nhưng bây giờ ảnh là con Chúa, còn tôi vẫn là chiên đen (black sheep), nên không còn là anh em nữa !

Tôi cũng khám phá ra Mỹ Lệ không những là một thi sĩ, mà hát cũng rất hay (sẽ giới thiệu văn thơ của Mỹ Lệ trong blog của Nguyễn Huệ). Mỹ Lệ từng là đồ đệ của Phạm Ngọc Thanh(em gái của Phạm Hồng Thái) khi còn học ở trường Tiểu học Thiên Ân, cạnh Vườn Trẻ Tình Thương trên đường số 6 Tuy Hòa mà Hồng Bích làm hiệu trưởng.

Trong phần karaoke, Mỹ Lệ đã hát tặng Minh Chính bài “Biển Nhớ” nghe rất…tới.

Hôm sau, Minh Chính trở lại miền nam California, chơi thêm 2 ngày nữa, gặp một số bạn bè như Hoàng Trọng Nghĩa, Thái Vân…, trước khi về Washington DC và đọc bài thơ “Về Đây” của Thanh Phước rồi ngẫu hứng họa bài:

DZỀ DZỐI!
Dzui N(ờ)..ắm!
Dzề đi.... khi mình còn s(ờ)…ung!
Gặp nhau.. tay bắt, mặt mừng...hân hoan,
Chuyện mình, chuyện bạn...râm ran,
Trên trờì, dưới đất.. lan man .. quên ngày !.....
Bạn bè mấy chục năm nay!
Bây giờ... được dịp...mày.. mày, tao.. tao,
Từ đứng đắn, đến ...tào lao.......
Đừng bỏ lỡ dịp (rồi) tiếc dzào ..tiếc dza !!!
Ngộ đây..mới đến đó...nha,
Dzui lắm ! đừng lỡ..kẻo tiếc dza..rồi tiếc dzào.

San Jose 11/5/10
Phạm Đức Hiền

Xin bấm và đây để xem hình ảnh Tao Ngộ