Wednesday, December 29, 2010

ĐẠI HỘI NGUYỄN HUỆ: “NIỀM VUI TRONG NGẤN LỆ”



Tôi rời xa thành phố Tuy hoà và trường trung học Nguyễn Huệ từ những năm giữa thập niên 1960. Vì hoàn cảnh chiến tranh thời đó, và với sự sinh động của một người tuổi trẻ luôn hướng tới tương lai, nên chưa có cơ hội tìm về trường cũ để thăm lại Thầy, gặp lại bạn.
Rồi cuộc thế xoay vần đưa đẩy, bao nhiêu năm sống trên đất nước người, những sinh hoạt ngày còn nhỏ, thời gian cắp sách đến trường, với nhiều kỷ niệm của Thầy xưa, bạn cũ cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tâm tưởng, triệu chứng của những người có…tuổi, muốn tìm về quá khứ, những lúc đó cười vui hay buồn bã cũng chỉ mình ta biết, mình ta hay. May thay trong mấy năm gần đây, tôi đã bắt liên lạc được một vài bạn học cũ. Hy vọng, ước ao, nôn nóng có một ngày tất cả thầy trò hân hoan mừng rỡ tay bắt, mặt mừng trong một ngày Đại Hội, và ngày đó đã đến.
Chúng tôi đến Nam Cali bằng chuyến bay trưa ngày Thứ Sáu ngày 10 tháng 7 năm 2009. Anh Sang, người bạn cùng trường năm xưa, và tôi trực chỉ đến khách sạn đã được quí anh chị trong ban tổ chức sắp xếp (đến trước đó đã có quí anh chị Chi-Thịnh, Trúc- Ký cũng đi từ
Houston). Nếu có thì giờ đặt sẵn một …camera thu hình, chắc chắn sẽ có được những hình ảnh trung thực, cảm động vô vàn.Vì ngôn từ, chữ nghĩa tiếng Việt dù có phong phú đến đâu, cũng không lột tả được những “niềm vui trong ngấn lệ”. Ở đó, nơi phòng tiếp tân đã có thầy Nhạc, anh Hiền, chị Chương, anh Nết , anh Bổng…., vui quá là vui, vui mà trong mắt người nào cũng long lanh giọt nước mắt. May quá không ai khóc thành tiếng để lấn át những tiếng cười dòn. Cả một khu vực khách sạn, hình như chỉ dành riêng cho cựu Giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Huệ mọi nơi đổ về. Đúng là một ngày hội! Xe cộ tấp nập, người chạy lên lầu, kẻ chạy xuống.
Quí Thầy thì ở dãy phòng ngang, réo gọi, kêu nhau chuẩn bị đi đến nhà hàng để tham dự buổi tiền đại hội. Người ở địa phương Nam Cali có…bổn phận làm …tài xế Tắc xi (anh Đặng Ngọc Bổng bữa đó là người có đông hành khách nhất, vì chiếc xe MiniVan mới toanh, thật đẹp, to đùng, chở được nhiều người). Trước cổng nhà hàng đã có tấm băng-rôn: ĐẠI HỘI CỰU HOC SINH NGUYỄN HUỆ PHÚ YÊN 2009 sáng rực, làm người xa về thấy xao xuyến, rộn ràng. Một Ban Tiếp Tân hùng hậu, toàn là những …“đẹp lão bà bà” muôn màu muôn sắc chẳng thua ai. Mọi người đi tìm lẫn nhau, trò tìm Thầy, Thầy tìm …trò? bạn cũ đi tìm nhau.Chụp hình, mục này là ồn ào hấp dẫn nhất, bao nhiêu là máy hình bấm lia bấm lịa, kèm theo tiếng cười, tiếng gọi. Ở nhà, ngoài xã hội, đa số đã là ông bà Nội Ngoại, nhưng ở đây cứ …mày tao, mi tớ ồn cả lên, hết chạy qua đầu này chụp hình, lại chạy qua chỗ khác như…con nít. Cứ cười lên, dù nếp nhăn có hằn trên trán, nụ cười có nhăn nheo một tí, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Bạn tôi, hơn bốn mươi năm gặp lại, nhận ra nhau nhờ cái …bảng tên gắn trên bâu áoMột chị Thu Cẩm, người đẹp kiêu sa dưới con mắt bọn con nít chúng tôi thời đó, bây giờ vẫn nhỏ nhắn xinh xinh. Anh bạn Khánh, khoẻ người tráng kiện nhờ đi bộ nhiều dặm đường mỗi ngày, đem tin vui và cả bill… đòi nợ đến cho bao người. Anh Xu, vẫn còn ốm tong teo vì mới sang Mỹ, có cả anh bạn Khóa. Chị Hoàng Mai vẫn yêu đời. Anh Lê Từ Như Lâm vẫn còn những bước nhảy điệu đàng thuở nọ….Ở đó, chúng tôi đã gặp lại quá nhiều Thầy cô giáoDù Thầy Thiều đang có bệnh, nhưng Thầy Cô vẫn theo học trò để ủng hộ tinh thần, đổ đường bằng xe đò từ miền bắc xuống miền Nam. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức.Giang đến từ Đan mạch, Thầy Cô Đằng-Phương, Thầy Quỹ-Cô giáo Hiền (Việt nam sang), Thầy Cô Nhạc-Mai Hương(Canada), Thầy Cô Khanh-Thuỷ, Thầy Tùng, Thầy Luận…. Ban tổ chức thật chu đáo trong hai đêm họp mặt. Thật ra thì tiền đại hội mới là “đêm vui’ nhất, vì chỉ toàn Thầy giáo và học trò, khi giờ khai mạc mở màn, “ban hợp ca” cũng hay đáo để, “Nguyễn Huệ Hành Khúc” hùng tráng trong tiếng hát của cựu học trò…già, cũng làm nức lòng những đồng môn có mặt. Một chương trình văn nghệ sống động, toàn những tiếng hát chưa bao giờ…nổi lên, nên không lo chuyện…xuống (cả Thầy lẫn trò). Ấy vậy mà thính giả cũng vỗ tay vang dội khắp phòng. Món ăn tinh thần đã hay, mà ẩm thực trông qua thấy cũng ngon quá chừng chừng (nhưng người viết lo …chạy nhiều quá nên bị …đói) chưa nói đến những slideshow, ghi lại hình ảnh thời trẻ dại của cựu học trò gửi về, ngay cả thông tín bạ một thời trên lớp. Công khó của thầy Huỳnh Bá Củng, anh Phạm đức Hiền và vài anh chị khác. Đêm Đại hội chính thức, những học trò và quan khách đều được ban tổ chức tặng món quà lưu niệm thật có ý nghiã: chiếc tách trà có hình vua Quang Trung, và hình trường Nguyễn Huệ với nhiều người đẹp đứng trước cổng trường. Trong khi quí Thầy Cô giáo được học trò kính biếu tấm plaque ghi nhớ công ơn. Xúc động làm sao khi quí Thầy cầm trên tay nâng niu hàng chữ : “Học sinh Nguyễn Huệ ghi nhớ công ơn Thầy…” Đã bao nhiêu năm rồi, các học trò xưa mới có dịp thể hiện tấm lòng biết ơn Thầy Cô giáo, dù có muộn màng, và không có mặt đầy đủ nhiều Thầy Cô giáo khác. Nhưng….!Sáng Thứ Bảy hôm đó, một nhóm nhỏ của chúng tôi, gồm có anh chị Chương-Nết, chị Hoàng Mai, chị Phương Vân, đã được “thổ địa” Ngọc Bổng đưa đi viếng cảnh biển tình. Biển đẹp, người xinh khí hậu mát mẻ, đã tăng thêm lực cho những trận cười của chúng tôi không dứt, cười đến nỗi “tài xế Bổng” chảy cả nước mắt trong lúc lái xe phải chầm chậm lại. Cười nhiều hơn khi tôi bảo …“dừng xe, để tôi vào xem lại bên trong Hotel đã thiết kế theo đúng ý chủ nhân chưa, để tối nay tôi mời một số Giáo chức và cựu học sinh Nguyễn Huệ đến ở, và rằng đáng lẽ tôi đã đưa chiếc du thuyền lớn nhất thế giới vừa mới hoàn chỉnh vào đây, để cựu học sinh Nguyễn Huệ lên tàu làm tiệc khánh thành, mà cửa biển …hẹp quá nên không vào được, đành khất lại kỳ sau..” Đúng là Nổ banh xác, may mà chưa ai bị gì, chỉ bị cười đến chảy nước mắt. Buổi tối Chủ Nhật, trước khi tan hàng: cố gắng, “nẫu dià xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”.Chủ nhân Đặng Ngọc Bổng đã có hảo ý mời bà con về nhà ăn tối. Lại một trận cười “vô tiền khoáng hậu” xảy ra, cười đến chảy cả nước mắt. Đã bảo “niềm vui trong ngấn lệ” mà! Khi có một người khách “không mời mà đến”, bạn của chị Vân, cô ta đã “chấm” trúng vị chủ nhà, và thao thao bất tuyệt khen chủ nhà “đẹp giai, nói khéo” và không chịu…rời xa, chị Ngọc Chi còn xem tướng số, bảo rằng cô ta có...liên hệ với “người cõi âm”, coi chừng không khéo cả đám trong nhà bị vạ lây, trong khi chị Định từ từ tường thuật lại cuộc đối thoại ly kỳ, hấp dẫn giữa gia chủ và cô khách, mà chúng tôi vì ngồi xa không nghe được, thì anh Định và anh Thịnh từ bên ngoài chạy ùa vào, làm cho Mai Hương tăng thêm phần sợ hãi, lo cho Thầy Nhạc. Chị Thu Thuỷ thì lo cho Thầy Khanh, chỉ có Thầy Hiệu Trưởng Giang là không cần ai lo, vì ai cũng biết Thầy rất vững vàng trong mọi tình huống, báo hại bà chủ nhà phải …khóa cửa đi theo xe, khi gia chủ tình nguyện đi trước dẫn đường cho cô ta ra xa lộ.…hì hì hì….Ngày vui qua mau, dù đã một tuần lễ trôi qua, nhưng trong tôi vẫn còn vọng mãi những tiếng cười , tiếng nói, tiếng gọi mừng rỡ của những người bạn đã từ lâu mới có cơ hội gặp lại. Và cũng từ ngày hội ngộ, chúng tôi lại có thêm những người bạn mới . Dù cũ hay mới, tất cả đều đã có một thời gian ngồi dưới mái trường mang tên NGUYỄN HUỆ, vị anh hùng dân tộc bách chiến bách thắng, thần tốc đại phá quân nhà Thanh tan xác tan hồn trong thời gian ngắn kỷ lục. Xin chân thành cảm ơn quí anh chị trong Ban Tổ Chức, quí Thầy Cô và các anh chị em bạn cũ-mới, đã cho cá nhân chúng tôi những ngày cuối tuần vui thật là vui, cười mỏi cả miệng. Mong rằng, năm tới và nhiều năm kế tiếp, nếu có cơ hội, và nhiều anh chị em Nguyễn Huệ chịu …vác sừng voi, sẽ có những ngày đại hội thật huy hoàng, đông đảo hơn nữa, để những người ở xa thật xa cũng sẽ tìm về tham dự. “Tương lai gần, quá khứ xa”! nay còn –mai mất. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Mong rằng kỳ tới sẽ gặp được nhiều anh chị em hơn nữa.Chừng đó, dù có vui mấy, chắc chẳng dám cười nhiều, sợ khóe miệng sẽ chạy tới mang tai!!! Xin gửi tặng quí đọc giả Nguyễn Huệ một phần bài dân ca xứ Nẫu: “Con Qvuịt(vịt) đua dứ(dưới) nước, Chớ con cá lậu(lội) bầu sen, Hầu(hồi) rày mong gặp bạn qvuen (quen) quá chừng Bầu(bồi) hầu (hồi) mà thương Phượng chớ nhớ Lon(Loan) Thức thời thương nhớ chớ ngủ thời chim(chiêm) bao Đặt mình trên tấm qvuán(ván) sao Giựt mình thức dzậy chớ nước mắt trào như mưa…….”

Kính mời quý thầy cô và quý vị xem thêm hình ảnh Đại Hội:



1. Ngày 10 tháng 7 năm 2009
2. Ngày 11 tháng 7 năm 2009


Lê Thị Hoài Niệm

Tuesday, December 21, 2010

HOÀNG KHAI NHAN

Trong Phiên họp khoáng đại vào ngày 17 tháng 10 năm 2010, nhân dịp báo cáo tài chánh của Đại Hội 2, chị Thủ Quỹ Nguyễn Thị Hằng “bật mí” là chị đã nhờ được một người bạn cũ setup cho Nguyễn Huệ một blog và được anh nhận lời.
Chị Hằng nói bạn cũ của chị là người có nhiều biệt tài, vì vừa là nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, và…ảnh sĩ nữa!
Khi nghe giới thiệu nhân vật có nhiều chữ “sĩ” này, Hồng Hà, người có biệt danh là “Tu Sĩ” (two sis: vì vừa là Bác sĩ vừa là Thi Sĩ) bèn hỏi tôi:
-Có phải người đó là anh không? Tôi nói:
-Không phải đâu, cái anh chàng này giỏi hơn tôi nhiều, đó là Hoàng Khai Nhan
Tôi gặp Hoàng Khai Nhan lần cuối cùng ở Tuy Hòa vào năm 1969 tại quán cóc có tên là “Chỗ Chúng Ta” do một nhóm nghệ sĩ tại địa phương tụ hội mỗi tối để nhâm nhi cà phê và hát cho nhau nghe.
Đây có lẽ là diễn đàn văn nghệ đầu tiên của Tuy Hòa, nơi quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng của tỉnh Phú Yên như Ái Mỹ, Cẩm Nguyên, Ly Ly, Nguyên Lưu (đã mất), Vũ Dân, Cẩm Túy, Bích Thọ, Phan Bá Chức, Nguyễn Hữu Ninh, La Nhiên, Trần Văn Khương (đã mất) … và đặc biệt có 2 cố vấn là thầy Phùng Quyên và thầy Nguyễn Văn Minh. (Đầu năm nay, trong buổi đón tiếp Hoàng Yến và Đặng Thị Xuân tại nhà của anh chi Dậm-Phương, anh Lưu Văn Kiệt, em của chị chủ nhà đã nhắc lại “Chỗ Chúng Ta” và nói với tôi: “nhờ chỗ này mà em mới biết như thế nào là nhạc tiền chiến để không còn thích… “Nhạc Sến” nữa…” (Quý anh chị nào có những "dật s" nào về "Chỗ Chúng Ta" xin cho biết thêm để cập nhật; cám ơn nhiều, PDH).Cũng tại nơi này, Nguyễn Hữu Ninh, anh chàng Thiếu Úy thất tình vì người yêu đi lấy Mỹ, đã làm bài chòi “Trách Thân” trong đó có câu:
“Bởi thân tôi, tôi cực khổ, tôi eo nghèo,Nên vợ tôi nó không ở nữa, nó theo Mỹ rồi.”
Bài thơ này sau đó đã được Phan Bá Chức ký âm và được phổ biến rộng rãi từ trong nước ra hải ngoại, đặc biệt tại Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; nhưng đổi 2 chữ “theo Mỹ” thành “theo Nẫu” cho hợp “biệt danh” của 3 tỉnh này.
Thật đáng tiếc, khi hát bài này không ai còn nhớ đến Nguyễn Hữu Ninh, người đã qua đời cách đây gần 10 năm. (Ninh là anh ruột của chị Nguyễn Thị Cảnh, phu nhân của anh Ngô Hướng, đang sinh sống tại San Jose).
Trong buổi tiệc Tân Niên của Hội Tây Sơn Bình Định năm ngoái, anh Nguyễn Đình Cai đã cầm mũ hát bài này đã xin được một mớ tiền.
Tại Đại hội Nguyễn Huệ kỳ 1 ở Santa Ana vào mùa Hè năm ngoái, chị Lê Thị Hoài Niệm đã hóa trang thành chàng nông dân lên sân khấu hát bài này cũng được hội chúng nhiệt liệt hoan hô.
Trở lại “Chỗ Chúng Ta”, cũng trong thời gian này, anh Hoàng Khai Nhan đã sáng tác bản nhạc đầu tiên mang tựa đề “Tình Trầm” có lời ca mềm mại của những người mới biết yêu, mà mãi đến nay tôi còn nhớ:
Em đi vào đời bằng mùa hạ
Em đến với tình bằng mùa thu
Mùa đông đưa gió lên trời ,
Mùa xuân cho thành phố
Lời yêu thương rạng rỡ
Đen mắt nai tơ…
HKN còn là một thi sĩ, anh làm rất nhiều bài thơ Hoang Khai Nhan’s Poetry, nhưng có lẽ bài thơ tôi thích nhất dịch từ bản Hán văn của anh Trương Văn Thuấn, tựa đề
暖 冬 詩 Noãn Đông Thi
枯 葉 園 前 滿 地 迎 Khô diệp viên tiền mãn địa nghênh
熹 陽 亭 角 問 無 情 Hy dương đình giác vấn vô tình
今 年 故 雪 遊 何 處 Kim niên cố tuyết du hà xứ
紅 鳥 上 枝 段 曲 鳴 Hồng điểu thướng chi đoạn khúc minh
Lá khô vườn trước rơi đầy lối
Mái sớm vô tình nắng vấn vương
Tuyết cũ năm nào không thấy nữa
Để con chim hót điệu buồn thương.
Hoàng Khai Nhan (Jan 12, 2007)
Cách đây khoảng vài năm, Hoàng Khai Nhan có rất nhiều websites trên internet, mỗi homepage của anh mang những chủ đề khác nhau như nhạc, thơ, văn và họa, và cả gia phả nữa; nhưng bây giờ, không hiểu vì lý do gì (có lẽ như lời anh nói là muốn “keep a low profile”, nên chỉ còn lại một vài blogs như Hoàng Khai Nhan’s Place cho những bản nhạc của anh, hoặc Hoàng Khai Nhan’s Photography để giới thiệu hình ảnh từ khắp nơi trên thế giới mà anh ghi vào ống kính, trong đó có rất nhiều tác phẩm được dùng làm biểu tượng danh lam thắng cảnh du lịch và bản đồ cho nhiều tổ chức quốc tế có tầm vóc như National Geopraphic và Google…
Nếu muốn biết thêm biệt tài của anh, chúng ta chỉ cần đánh 3 chữ hoang khai nhan vào bất cứ internet browser nào cũng thấy đầy dẫy tác phẩm của anh.
Một trong những bài hát quen thuộc của anh trên Youtube và thường được giới thiệu trên diễn đàn của chúng ta là bài Buồn Nào Như Lá Bay, xin mời quý thầy cô và các bạn cùng thưởng thức.
Trân trong giới thiệu,
San Jose ngày 12/15/10
Phạm Đức Hiền

Saturday, December 18, 2010

THƯ GỞI THẦY


(Kính tặng quí thầy của con nhân mùa Thanksgiving )
Kính thưa thầy,
Khi con viết những dòng chữ này không biết Thầy đang làm gì ? Ở đâu ? Có đang hít thở không khí dưới bầu trời này hay đang yên bình nơi vĩnh cữu?
Cho dù Thầy đang ở đâu con cũng mong thầy đọc những dòng chữ này để biết rằng con vẫn luôn luôn nhớ đến thầy.
Từ cô Bào đã cầm tay con viết chữ A đầu tiên. Chữ A Di Đà hay chữ A men. Cha mẹ đã cho con hình hài nhưng chính thầy cô đã cho con kiến thức hôm nay. Cho dù chữ A di Đà hay chữ AMen cũng đã cho con được 2 dòng tư tưởng. Con vẫn nhớ mấy chữ ABC đầu đời, học không thuộc, viết không xong nên hôm nào Cô cũng bắt phạt con quỳ hằng giờ sau bữa học và chị Yến phải chờ con ngoài cổng.
Đến khi con học lớp 1, lớp 3 thầy Tương thương con nhất. Nguyễn văn Tương, Thầy Tương lớp 3, lớp 3 con 8 tuổi hôm nào thầy cũng bắt con ôm đóng bài tập cả lớp đem về nhà thầy chấm rồi hôn con, lúc nào con cũng về trễ. Thầy kể cho con nghe nơi thầy ở -Huế -Huế xa xôi Huế lãng đãng mưa phùn. Nơi thầy ở con đã một lần ghé qua, tháng 4 trời không có nắng, con đã vào thành Nội, ra thành ngọai, qua sông Hương vào chùa Thiên Mụ trời lại lác đác mưa phùn. Thầy ơi con đến để thăm Thầy, nhưng Thầy nơi nào, sao con không thấy mưa vẫn cứ rơi …Thầy có biết con bé 8 tuổi ngày xưa đi tìm Thầy, người Thầy mà con nhận nhiều hình nhất cụng có lúc Thầy tặng hình chị thầy và luôn đề sau tấm hình “Tặng cháu Xát cưng để luôn nhớ đến thầy”. Những lời ấy đã theo con ấm áp một đời. Ngày thầy về Huế con đã khóc như mưa.
Thầy hứa sẽ gởi cho con xấp vải may áo đầm. Con đã chờ và những giọt nước mắt cũng theo thời gian vơi dần. Nhưng rồi ngày vượt biên con lo lắng, con sợ hải con để lại những tấm hình của thầy cùng những ngày vàng son của tuổi mới lớn.
Năm đệ thất con di học Đông Mỹ, nơi nhà thờ con nguyện cầu mỗi sáng, đêm đêm con đắp chăn để làm dấu thánh giá, cha Dần gần rửa tội cho con, rồi chiến tranh lan tràn, con phải từ giã trường Đông Mỹ từ giã cha Dần. Cha Dần bảo hôm nào cha đi Tuy Hoa, ghé Lê thánh Tôn thăm con. Ngày tháng trôi nhanh Cha cũng chẳng một lần thăm con và con cũng chưa được rữa tội. Năm đệ lục con theo học trường Bồ đề, con bắt đầu nghe giáo lý. Những thầy Thích Viên Dung thầy Chung, thầy Kiệt, thầy Trích, thầy Thơ thầy Hựu thầy Phương. Con chắc thầy cũng khó mà quên con, vì con học siêng lắm.
Con nhớ những bài toán chạy của thầy Phương, những bài luận văn thầy Kiệt.
Có môt lần chẳng biết con tả ráng chiều thế nào mà thầy Kiệt khen hay và đọc cho cả lớp nghe rồi thầy tặng cho con quyển Văn.
Ôm quyển Văn trong tay mà mơ một ngày mai làm văn sĩ.
Thầy Thích Viên Dung đi Nhật, thầy có gởi cho con và Điệp một tấm hình núi Phú Sĩ sơn. Hai đứa giành nhau một tấm hình con ức quá viết thư hỏi thầy. Thầy bảo dể quá mà, lấy tấm hình cắt làm hai, mỗi đứa một nửa, cả hai cùng cười, con hy sinh cho Điệp giữ tấm hình.
Con đã có lần đến Nhật nhưng chẳng biết thầy nơi đâu. Hoa anh đào nở rộ tháng 3. những cánh hoa lác đác bay, những cánh hoa tươi thắm trắng xóa lãng đãng cả bầu trời, rồi tan tác mỏng manh như cuộc đời có đó rồi lại không. Thầy ơi Thầy Thích viên Dung của con ơi thầy đang ở một ngôi chùa nào đó hay đã viên tịch cõi vĩnh hằng? Thầy ơi con, nợ trần gian vẫn còn lụy nên con chưa đi lễ chùa thường nhật, cũng như thành con chiên ngoan đạo. Người ta bảo cái gì cũng có duyên số của nó. Chẳng biết có phải thế không mà con vẫn lao đao giữa hai dòng tư tưởng.
Thưa Thầy,
Ba năm từ đệ lục đến đệ tứ ở trường Bồ Đề, rồi con được chọn vào top 5 đến trường Nguyễn Huệ học đệ nhị cấp, lúc ấy thầy Quyên dạy Triêt và Pháp văn con theo học ban C. Năm con 16 tuổi, cái tuổi của trăng non, như tơ trời mong manh, con bắt đầu mơ mộng, bắt đầu của một cuộc đời thì Ba mất, như một người xô xuống vực thẳm. Con lao đao hụt hẩng, vì còn quá trẻ để nghiệm ra rằng: cuộc đời vốn dĩ đến rồi đi, không có gì vĩnh viễn. Con không thể nào chịu nổi mất mát to lớn như vậy, nên con đã từ bỏ tất cả, thì sự học hành có nghĩa gì phải không thầy. Mấy tháng sau thầy Quyên từ tu nghiệp trở về đã khuyên con trở lại trường sau khi xin thầy hiệu trưởng Giang cho con tiếp tục. Hôm đó ở nhà thầy về thầy đã cầm tay con và bảo:
-Mọi vịêc rồi sẽ qua con nhớ đừng bỏ học.
Thầy Quyên ơi hôm đó mùi hương Ngọc lan ở nhà thầy đã theo con vào một giấc mơ êm đềm, để rồi từ đó mỗi lần nghe mùi hương Ngọc lan lại nhớ thầy man mác.
Tháng tư vừa rồi con trở lại Đà lạt lần thứ hai, bên bờ hồ Xuân Hương nhìn những cành liễu rũ, đi dọc theo những ngọn đồi thoai thoài lại nhớ đến thầy, chẳng biết bây giờ. Thầy có còn ở chốn sương mù này hay đang ẩn mình ở một nơi nào đó?
Thầy ạ nhiều lúc con nghĩ lại những ngày tháng đi qua trong đời con tưởng chừng như không có thực, thầy dạy triết mà hãy giảng cho con nghe cuộc đời này có thực hay không?
Nhưng con chắc một điều là nỗi buồn của con có thực …!

Los Angeles Xat Tuy Han






Friday, December 17, 2010

NGUYỄN HUỆ TÂN NIÊN 2010



Năm 2009 đã qua, nhân loại đón mừng năm mới với lễ hội và pháo bông sáng rực bầu trời tại các thành phố lớn trên khắp địa cầu, với niềm hy vọng mới và cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, người dân được ấm no hạnh phúc.
Hòa chung niềm vui đó, gia đình Nguyễn Huệ Bắc California đã tổ chức buổi họp mặt đầu năm theo truyền thống vào Chủ Nhật ngày 03-01-2010 tại hội quán của Liên Đoàn Hướng Đạo Ra Khơi số 420 Tully Road, San Jose.
Chưa đến 9 giờ sáng, các anh chị trong BTC đã có mặt đầy đủ, mỗi người mỗi việc theo phân nhiệm; tuy vất vả, nhưng ai cũng hân hoan tươi cười. Đến 11 giờ 30, công việc chuẩn bị đã hoàn tất cũng là lúc thầy trò và thân hữu tề tựu đông đủ.
Khung cảnh trong hội trường thật đẹp mắt và trang trọng với bức tranh cầu Đà Rằng 21 nhịp của anh chị Đặng Kim Nhựt được treo lên làm phông sân khấu, gợi nhớ cho chúng ta một thời sinh sống tại đất Phú quê hương thanh bình.
Ba dẫy bàn dài được xếp hình chữ U cùng với năm chiếc bàn tròn ở chính giữa, và trước sân khấu là một khoảng trống rất rộng với sàn gỗ bóng loáng.
Thực hành câu “Tôn Sư trọng đạo” quý thầy cô được trịnh trọng mời an vị ở dẫy bàn trải khăn đỏ bên phải sân
khấu, trên bàn những đĩa trái cây đẹp mắt do bàn tay khéo léo của chị Phan My sắp xếp. Phía bên trái trên bàn tiếp tân là những chậu phong lan tươi thắm, đủ mầu ẻo lả khoe sắc cùng với nụ cười trên môi của quí chị trong những chiếc áo dài xinh đẹp chào đón quan khách. Thân hữu và anh chị em cựu học sinh ngồi chật kín 5 bàn tròn và những dẫy bàn còn lại. Thức ăn, nước uống,
rượu đỏ, chè, trái cây được bầy trên hai chiếc bàn dài do quý thầy cô và các anh chị cùng thân hữu mang đến để phụ thêm vào mấy món ăn nóng hổi mà ban tổ chức đã chuẩn bị cho bữa cơm trưa được thêm phần thịnh soạn.
Mở đầu anh Tổng Thư Ký Phạm Đức Hiền cho biết lý do buổi họp mặt không ngoài mục đích hâm nóng tình thân ái, đoàn kết giữa thầy trò và thân hữu, đồng thời cũng là dịp để chúng ta cùng đón mừng năm mới, trao cho nhau những lời chúc lành tốt đẹp, và thông qua chương trình.
Anh Đặng Duy Nhượng thay mặt BTC chào mừng quý thầy cô, quan khách và các bạn với những lời tuy mộc mạc nhưng đầy ắp chân tình, anh nói “… chúng ta đang ở vào mùa Đông, thời tiết bên ngoài giá lạnh nhưng không khí trong căn phòng này thật ấm cúng vô cùng, ấm cúng không phải bởi máy sưởi mà bởi tình người, tình thầy trò, tình bằng hữu nhất là trong khung cảnh đón mừng năm mới của người viễn xứ, xa quê hương. Tình cảm này thật đáng quý, thật đáng trân trọng, là món quà tinh thần vô giá thân ái trao tặng, chia sẻ cho nhau. Sự hiện diện của quý thầy cô, các bạn và thân hữu là niềm an ủi, khích lệ và cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng em mạnh dạn tiến bước đưa sinh hoạt của gia đình Nguyễn Huệ Bắc Cali ngày thêm khởi sắc và vững mạnh. Anh cho biết sau Đại Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Huệ Phú Yên tại miền Nam California vào tháng 7/2009, Ban Tổ Chức đã nhận được nhiều lời khen tặng và cám ơn làm cho chúng em rất xúc động, nhiều người không có cơ hội tham dự cũng đã hối thúc BCH hãy sớm tổ chức đại hội thứ nhì để họ được gặp thầy cô cũ và bạn xưa. Anh Nhượng nói công lao này không phải chỉ riêng cho BTC mà còn do sự nhiệt tình của quý thầy cô, quan khách và các bạn, vì nếu không có người đến tham dự thì đại hội đã không thể thực hiện được…”.
Tiếp đến, anh Hiền cũng đã trình bày sơ lược về những hoạt động của Hội Cựu Học Sinh Phú Yên, đặc biệt là gia đình Cựu Học Phú Yên tại Bắc California, với sinh hoạt có tính cách xã hội như thăm viếng thầy cô, tham dự “quan hôn tang tế”của nhũng gia đình cựu học sinh; và đặc biệt gần đây là hợp tác với Hội Ái Hữu Phú Yên Bắc California phát động chiến dịch cứu trợ nạn nhân bão lụt tại quê nhà.
Anh Nguyễn Đình Cai, trưởng ban cứu trợ cho biết, nhờ sự hưởng ứng tích cực của đồng hương Phú Yên, đặc biệt là cựu học sinh Phú Yên, ban cứu trợ quyên góp đuợc 8001 Mỹ kim và đã phối hợp với các thiện nguyện viên tại quê nhà trao tận tay cho hàng trăm gia đình bị thiên tai tại những thôn làng xa xôi hẻo lánh; công tác cứu trợ đã được phổ biến trên diễn đàn của hội cùng với danh sách và hình ảnh của các nạn nhân. Tham dự buổi hội ngộ tân niên gồm có thầy cô Phan Văn Luận đến từ Sacramento, thầy Lê Ngọc Thiều, thầy cô Nguyễn Khoa Đằng, thầy cô Phan Văn Tùng. Phía quan khách gồm có Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phú Yên Trần Hoàng Thân; phía thân hữu anh Nhượng giới thiệu có bà Kim Trung, Hội Trưởng Hội Văn Hóa Người Việt Cao Niên, Bà Nguyễn Thiện Hội Phó, ông Nguyễn Xuân Hách Hội phó, thi sĩ Trúc Giang đến từ Stockton, anh chị Ái Lan & Vũ Cảnh, anh chị Lệ Hằng & Công Thuận, anh chị Bích Châu & Văn Thịnh là những thân hữu gắn bó với Nguyễn Huệ và Hội Ái Hữu Phú Yên Bắc Cali trong suốt thời gian hơn mười năm qua. Ngoài ra còn một số thân hữu khác và anh chị em cựu học sinh, nâng tổng số tham dự lên gần bảy chục người.
Trong phần phát biểu, thầy Phan Văn Luận bầy tỏ sự xúc động khi được học trò tôn kính, nhớ ơn, thầy rất vui và khen ngợi sinh hoạt của gia đình Nguyễn Huệ và chúc mừng năm mới đến mọi người; thầy Lê Ngọc Thiều cho biết thầy đã dậy nhiều nơi nhưng thầy có thiện cảm với học trò Nguyễn Huệ nhất, thầy nhắc lại nhiều kỷ niệm dấu ấn trong thời gian giảng dậy ở Tuy Hòa; thầy Nguyễn Khoa Đằng phát biểu, thầy rất có cảm tình và đối xử với học trò như bạn, thầy đã đóng góp tích cực cho diễn đàn
Nguyễn Huệ rất nhiều Slide Show đặc sắc; thầy Phan Văn Tùng nói mặc dù trong số những học cựu sinh tham dự vào ngày hôm nay không có ai học trò của thầy, nhưng thầy cô cũng rất vui và cám ơn khi được mời đến chung vui, thầy hy vọng trong những lần sinh hoạt kế tiếp sẽ có nhiều anh chị là học trò cũ của thầy đến tham dự, chắc chắn lúc đó thầy cô sẽ càng vui hơn nếu có những học sinh từ niên khóa 1965, là năm mà thầy được bổ nhiệm đến trường Nguyễn Huệ. Tưởng cũng cần nói thêm cô Hoa, phu nhân của thầy Tùng, là ái nữ của ông Phó Tỉnh Trưởng Phú Yên và cũng là một cựu học sinh Nguyễn Huệ.

Anh Phạm Đức Hiền đã chuyển lời chào hỏi của thầy cô Nguyễn Đức Giang từ Đan Mạch đến các thầy cô và anh chị em cựu học sinh Nguyễn Huệ, với lời ước mong là các học trò cũ của thầy sẽ sang Đan Mạch để thầy có cơ hội đón tiếp. Cũng theo BTC cho biết, lẽ ra thầy Bửu Đôn và một số các anh chị từ các nơi khác trong đó có chị Lê Thị Chính và chị Cảo Thơm từ miền nam California cũng đến chung vui với gia đình cựu học sinh Nguyễn Huệ bắc California, nhưng đến phút chót đã không thể đến được; nên theo dự trù, chị Hoàng thị Yến (Yến Tóc Đỏ) từ Florida, và chị Đặng Thị Xuân (em của anh Đặng Đình Khuê) từ Đức quốc sẽ đến thăm Thung lũng Hoa Vàng vào cuối tháng này. Kính mời các anh chị tham dự buổi tiếp đón sẽ được thông báo sau.
Chị Nguyễn Thị Hằng thay mặt BTC chúc mừng năm mới và tặng hoa cho quý thầy cô. Những giỏ phong lan tươi thắm, rực rỡ mầu sắc được các chị lần lượt trao tặng đến quý thầy để tỏ lòng biết ơn công lao dậy dỗ. Riêng các vị khách quí được nêu danh ở trên, anh Đặng Duy Nhượng đã trao tặng DVD đại hội Nguyễn Huệ để làm kỷ niệm.
Nhân dịp này, anh Trần Hoàng Thân đại diện cho 2 hội trao 5 món quà đặc biệt cho phu nhân của các anh đã không cằn nhằn chồng mình ăn cơm nhà vác ngà voi cho công việc của hội. Xin cám ơn anh Thân rất nhiều.
Trước khi nhập tiệc, quan khách, quý thầy cô, cựu học sinh và thân hữu đã chụp hình lưu niệm.
Với lòng hiếu khách, anh Đặng Duy Nhượng rót rượu đi mời từng người, chẳng bao lâu 5 chai rượu đỏ đã cạn sạch, mọi người vui vẻ nâng ly chúc mừng năm mới và cùng nói lớn “không say không về”.
Chương trình văn nghệ rất phong phú, để chào mừng thầy cô và quan khách, toàn ban mở đầu bằng bản đồng ca Ly Rượu Mừng. Qua tài khéo léo dẫn dắt của MC Đặng Kim Nhựt đã làm cho chương trình văn nghệ thật nhịp nhàng vui nhộn. Giọng ca ngọt ngào, trầm ấm và điêu luyện của các ca sĩ Kim Yến, Ái Lan, Lệ Hằng, Bích Châu, Ngọc Hằng, Ngọc Nghĩa, Ngọc Hoa, Thanh Hoa, Kim Trung, Julie, Xuân Thủy, Kim Huyền, Kim Nhựt, Vũ Cảnh, Văn Thịnh, Xuân Hách, Xuân Thanh, Anh Dũng, Anh Sơn, Anh Tiến, Trần Anh, Vương Trường…, thi sĩ Trúc Giang đã ngâm bài thơ “Xuân Hạnh Ngộ” do chính anh sáng tác để tặng cho gia đình Nguyễn Huệ
………..
Ngờ đâu đời bềnh bồng như chiếc lá
Qua cuộc bể dâu Tổ Quốc đôi bờ
Xuân tha hương Thầy, Trò xưa hạnh ngộ
Trên những mái đầu tóc nhuộm mầu tơ.

Tất cả đã làm cho không khí buổi họp mặt đầu năm thêm ý nghĩa, sinh động và hào hứng, đặc biệt là giọng ca truyên cảm của Bác sĩ Ngọc Hằng, ái nữ củ thầy Luận.
Thanh Phước tôi lúc bấy giờ tuy rất bận rộn nhưng cũng đưa mắt nhìn lên sân khấu chợt thấy “ông xã” đứng trong hàng ca sĩ, tôi mỉm cười cảm thấy vui vui, thầm nghĩ cũng nhờ phước của Nguyễn Huệ, từ ngày ông nhà tôi lên “nắm chính quyền” bỗng dưng trở thành “ca sĩ” lúc nào không ai hay biết!
Nói đến văn nghệ mà không nói đến khiêu vũ thì thật là thiếu sót. Trong tiếng nhạc du dương trầm bổng, khoan thai réo rắc, dưới ánh đèn mầu xoay tròn, chớp nháy không khác gì không khí vũ trường, nhiều cặp tài tử giai nhân dìu nhau lả lướt, quay cuồng theo điệu nhạc. Điểm nổi bật nhất của năm nay là chị Diễm Hoa phu nhân anh Đức Hiền được rất nhiều người mời ra sàn nhảy, mầu áo cánh sen làm nổi bật làn da trắng trên khuôn mặt khả ái của chị.

Thật tình mà nói: hai hội Phú Yên, Nguyễn Huệ rất lấy làm hãnh diện với Ban Nhạc của mình, dàn nhạc cụ hảo hạng với âm thanh cực mạnh công suất 7,000 watts. Ba nhạc sĩ tài danh: Hoàng Thụy keyboard, Hoàng Thân, Đức Hiền guitar, cả ba anh vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm giá trị. Hy vọng một ngày rất gần các anh sẽ ra mắt trình làng.
Ban tổ chức xin chân thành cám ơn quý thầy cô, quý quan khách cùng các bạn đã dành thì giờ quí báu của ngày Chủ nhật đầu năm đến tham dự đông đủ. Đặc biệt xin cám ơn Liên Đoàn Trưởng Trần Hoàng Thân và Liên Đoàn Hướng Đạo Ra Khơi đã có nhã ý cho mượn hội trường miễn phí, anh Trần Hoàng Thụy không những cho mượn dàn nhạc không nhận thù lao mà còn xuất sắc trong vai trò của mình, anh Nguyễn Đình Cai, anh Đặng Kim Nhựt rất đắc lực trong công tác làm cho buổi họp mặt được thành công tốt đẹp.
Buổi họp mặt mừng Năm Mới của gia đình Nguyễn Huệ Bắc Cali kết thúc vào lúc 4:30 chiều, Thầy Trò lưu luyến chia tay trong niềm vui của ngày đầu năm.

San Jose, ngày 10 tháng 01 năm 2010
Hoàng Thanh Phước

Xin mời xem thêm Hình Ảnh trong link
Hội Ngộ 2010



MỘT CHUYẾN VIẾNG THĂM

Chủ Nhật ngày 6-9-2009, nắng thật đẹp, đẹp từ phong cảnh hữu tình, đẹp tận trong lòng, trong tâm tim của mỗi chúng tôi, những người học trò cũ từ nhiều thập niên trước viếng thăm thầy cô của mình.
Dẫn đầu phái đoàn là thầy cô Nguyễn Khoa Đằng, thầy cô Đặng thị Mỹ, thầy cô Phan Văn Tùng, cùng với anh chị em cựu học sinh Nguyễn Huệ gồm Đặng Thị Nga, Nguyễn Mộng Tuyết, Nguyễn Thị Hằng, Đặng Đình Khuê, Phạm Đức Hiền & Diễm Hoa, Phạm Lan Anh & Lưu Tiền, Lưu Phúc Phương & Nguyễn Dậm, Nguyễn Đình Cai & Phan My, Lê Thị Cúc & Ngô Hòa, Đặng Duy Nhượng & Thanh Phước.
Thầy Phan Văn Luận ở cách xa gần ba mươi phút lái xe cũng đến chung vui.
Theo dự trù cuộc thăm viếng này sẽ do thầy Cô Lê Ngọc Thiều hướng dẫn, nhưng đến giờ chót thầy không được khỏe nên không đi được.
Bốn chiếc xe “Huê Kỳ” bóng lộn khởi hành từ San Jose lúc 9:00 sáng, phom phom tiến thẳng về hướng thủ đô của tiểu bang California. Anh Nguyễn Dậm và chị Lưu Phúc Phương vất vả nhiều nhất trong chuyến đi này. Anh Dậm chưa đi Sacto lần nào nhưng cũng can đảm tình nguyện làm tài xế. Cũng may nhờ có máy chỉ đường chứ không thì không biết đường nào đến Lâu Đài Tình Ái của thầy Nguyễn Đình Quỹ và cô Ngô Thị Hiền, những người mà chúng tôi kính yêu, đã từ nửa vòng trái đất đến Hoa Kỳ và sẽ về lại Việt Nam vào gữa tháng 10-2009 sau những ngày tháng dài du lịch, thăm con cháu trên đất “thần tiên”, mặc dù chúng tôi đã được vinh hạnh diện kiến thầy cô trong ngày đại hội cựu học sinh trung học Nguyễn Huệ vừa qua tại miền nam Cali.
Tuy nhiên vì thầy Quỹ hát hay quá, cô Hiền phát biểu cảm động quá nên chúng tôi cần phải tìm gặp thêm nhiều lần nữa mới thỏa lòng hâm mộ. Nếu quí vị nào không đi dự đại hội cũng nên tìm xem cho kỳ được cuốn DVD của hai ngày đại hội, sẽ được nhìn thấy và nghe thầy hát bài Giấc Mơ Hồi Hương. Cô Hiền phát biểu cảm tưởng: “nếu cho tôi chọn lại nghề, tôi cũng chọn nghề giáo”. Một câu nói thật thân thương, thật chân tình mà chúng ta không thể không suy gẫm.
Thầy Quỹ còn là một nhân tài “đẹp trai, con nhà giầu. học giỏi, hát hay, văn thơ lưu loát”. Cô Hiền, còn hiền hơn cả tên của cô: cô thật duyên dáng, vui vẻ, cởi mở, nhất là thích trò chuyện, tâm sự với học trò nữ như chúng tôi.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ rong ruổi, đoàn xe đến trước cửa nhà thầy cô vào lúc 11:30 AM.
Thật ra lâu đài tình ái này là tư gia của đôi uyên ương Tú Anh – Tấn Lộc, ái nữ và hiền tế của thầy cô. Tòa lâu đài tình ái này mới chín tuổi, đẹp đẽ, khang trang, sân trước, sân sau mênh mông rộng lớn với nhiều cây kiểng và hoa hồng đủ mầu sắc, lả lơi theo gió.
Thầy cô quả thật quá chu đáo, chúng tôi còn đang ngắm cảnh trí chung quanh chưa kịp bước vào nhà, thầy cô đã ra tận cửa đon đả, vui vẻ đón mời.
Trong nhà, ngay giữa phòng khách được chưng bày hai bộ bàn ăn lớn, trải khăn trắng rất lịch sự, chén bát, muỗng nĩa được bầy ra trang trọng như yến tiệc, tôi thầm nghĩ (tụi em là học trò thôi mà, sao thầy cô lại vất vả quá thế này?) nhưng tôi đã kịp nhận ra ngoài chúng tôi còn có quý thầy cô nữa. Thế là chúng tôi cũng được “ăn theo”.
Trong lúc chờ đợi nhập tiệc và muốn có những tấm hình lưu niệm, thầy trò ra trước nhà xếp hàng chụp chung rồi lại chụp riêng, từng cặp từng nhóm, chỗ này kéo chỗ kia dành, gọi nhau ơi ới, làm náo động cả xóm làng, vui thật là vui.
Buổi họp mặt tuy không đông đảo lắm nhưng sao mà vui quá thể, tiếng nói tiếng cười, tiếng vỗ tay thi nhau nổ dòn như pháo tết. Hai em Tú Anh & Tấn Lộc chắc là lo nấu nướng mệt lắm nhưng vẫn thấy hai em cười thật tươi và cứ liên tục mang lên những thức ăn món này món khác, món nào cũng ngon cũng đặc sắc.
Chúng tôi dự trù làm theo tập quán potluck của Mỹ, mỗi người một món để thầy cô đỡ vất vả nhưng thầy cô cấm ngặt, không cho chúng tôi mang theo bầt cứ món ăn thức uống nào, mà còn “dọa” là nếu em nào mang đến thì thầy cô sẽ bắt mang về. Thầy cô đích thân nấu nướng để chiêu đãi phái đoàn chúng tôi.
Thầy trò hàn huyên tâm sự, chuyện xưa chuyện nay trong bầu không khí thân mật, ấm cúng vô cùng khiến cho chúng tôi có cảm tưởng như được lên chức, không còn là học trò nữa mà là những đứa em ngoan từ lúc nào rồi. Nghĩ đến đây tôi lại bùi ngùi nước mắt như chực sẵn để rơi xuống.
Thời gian thầy cô trở lại quê nhà chỉ còn được tính từng ngày. Bọn con gái chúng tôi theo sau lưng cô léo nhéo, dụ thầy cô sang đây ở luôn cho rồi chứ đi đi về về vất vả quá. Cô Hiền, hiền hậu nhỏ nhẹ mà rằng: khổ lắm các em ạ, thầy cô lâm vào cảnh hai quê, còn kẹt các em bên nhà nữa, cho nên thân này ví xẻ làm ba (một phần chia cho các em học trò nữa). Thật là khổ cho thân cô, ai nói được yêu thương nhiều là vui sướng.
Buổi cơm trưa kéo dài đến hai giờ chiều mới dứt, sau đó chúng tôi rủ nhau ra sân sau hóng mát, uống trà, ngắm hoa; quý thầy cô ngồi ở chiếc bàn tròn còn chúng tôi đứng bao chung quanh để nghe thầy Quỹ kể chuyện và đọc thơ. Thầy nói về mối tình thắm thiết đầy thơ mộng của thầy cô lúc còn xuân thời. Có một dạo khi còn ở Saigon, cô phải lên Bảo Lộc, Lâm Đồng để thăm và ở lại chơi một người người bạn thân trong vài ngày; ở nhà một mình buồn thơ thẩn, nhớ cô quá, thầy liền sáng tác bài thơ NHỚ như sau:


Thế là nàng đã đi rồi
Để tôi ôm trọn khoảng trời đơn côi
Nhớ nàng hết đứng lại ngồi
Thơ thơ thẩn thẩn như người mộng du

*
**
Nàng đi lên xứ sương mù
Mây giăng đầu núi trăng thu mơ màng
Đồi chè xanh ngát thênh thang
Sương rơi mờ lối, nắng vàng nhẹ tênh
Nhà xinh gác mái chênh chênh
Gối đầu núi biếc, soi mình hàng cây
Gió chiều thoang thoảng hương bay
Bóng đêm chầm chậm tiễn ngày dần xa
Dáng đêm thoáng nét kiêu sa
Với hoa lộng gió chan hòa ánh trăng
Sáng soi tận chỗ em nằm
Ru em ngọt giấc trăm năm địa đàng
*
**
Em đi liệu có xốn xang
Nhớ về ngõ nhỏ anh đang mong chờ
Vắng em anh sống vật vờ
Như cây rũ lá còn trơ thân gầy
Em ơi em hỡi có hay
Thiếu em cả thế gian này bằng không.

Mặt trời đã ngả về hướng tây, sân sau rợp bóng mát, mấy chị em chúng tôi cùng ngồi trên chiếc xích đu lớn gần đó đong đưa nhìn mây trắng bay trên bầu trời trong xanh.
Ôi ! sao mà thơ mộng quá. Tiếc thay cuộc vui nào cũng sẽ tàn, hội ngộ nào cũng phải tan, trước khi chào tạm biệt, gia đình Nguyễn Huệ bắc Cali trao tặng đến thầy cô Nguyễn Đình Quỹ món quà nho nhỏ để làm kỷ niệm MỘT CHUYẾN VIẾNG THĂM.
Đúng 3:00 chiều chúng tôi từ giã thầy cô và gia đình ra về trong sự luyến lưu bịn rịn, không quên những lời chúc tốt đẹp và hẹn ngày tái ngộ.
Đáp lời mời của thầy Phan Văn Luận, trên đường về chúng tôi đã ghé vào Elk Gove để thăm cô Luận vì sáng nay cô không tham dự được. Thầy cô cư ngụ trong một ngôi nhà rộng lớn, xinh đẹp, trang hoàng nhiều đồ quí giá trông thật lỗng lẫy. Thầy đã ngoài tám mươi mà vẫn còn lái xe đi đây đi đó, cô rất khỏe mạnh, tiếng nói trong trẻo, nụ cười dòn tan.
Thầy cô tiếp chúng tôi thật chí tình, đãi thêm một chầu trái cây tươi ngọt, vừa ăn vừa nghe thầy cô kể chuyện đời xưa…
Trước khi từ giã ra về thầy trò cùng đứng bên nhau chụp hình lưu niệm, thể hiện tình cảm gắn bó của gia đình Nguyễn Huệ.
Những hình ảnh cao đẹp này tìm đâu thấy?... Duy nhất chỉ có ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN HUỆ mà thôi!...

California, ngày 18 tháng 9 năm 2009
Hoàng Thanh Phước

Xin mời xem tiếp hình ảnh Một Chuyến Viếng Thăm





PHÚ YÊN THÂN ÁI

Một buổi chiều hè hò hẹn ấy
Phú-Yên ơi! nhớ mãi trong tôi


Tôi đến Phú Yên, trời Xuân vào Hạ
Hẹn thăm nàng khi gặp ở Văn-Khoa
Chiều lênh-đênh mây trắng dệt nắng tà
Tôi lững thững chờ Em trên lối hẹn!

Gió xôn xao hoa hờn phai vạt nắng
Hồn lặng chuỗi nghe chiều xuống cô đơn!
Tôi bâng khuâng thầm nhủ: nàng dỗi hờn
Bắt năn nỉ những lần Em nũng nịu.

Thế giới yêu đương cơ hồ khó hiểu
Đưa ta vào cõi hư thức cuồng si
Đường vào yêu thấp thoáng nẻo phân kỳ!
Có phải chăng là Tháp ngà ảo mộng

Từng phút trôi tôi mõi mòn trông ngóng
Nghe tơ lòng từng sợi kết cô liêu!
Rặng non xa cũng nhuốm khói lam chiều
Buồn da diết nhìn khung trời vắng lặng!

Tôi rộn lên! xa xa tà áo trắng
Suối tóc huyền lăn lóc trải bờ vai
Dán mắt tôi theo dáng ngọc chảy dài
Khơi ký ức trên khung trời Đại học

Phút yêu dấu! hôn nàng thơm hương tóc
Em mơ màng đẩy nhẹ và trách yêu
Tôi đắm say trên chiếc bóng diễm kiều
Và lịm chết trong vòng tay âu yếm!

Tuy-Hòa trong tôi bài thơ kỷ niệm
Dệt chuyện tình thơ mộng thuở thư sinh
Nước Đà Giang soi núi Chóp đa tình
Đêm Sông Cầu người tình xưa yêu dấu!


Người Tình Phú Yên Trong Ký Ức
Kỷ niệm Picnic Hè 2000,
TRÚC-GIANG

HỌP MẶT GIÁNG SINH 2006



Vào trưa Chủ Nhật 10 tháng 12 năm 2006, cựu học sinh Phú yên, mà đa số là từ trưòng Trung Học Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa, đã tổ chức một cuộc họp mặt luân phiên vào dịp lễ Giáng Sinh tại nhà của anh Đặng Duy Nhượng; nhưng vì tổ ấm của vợ chồng anh không đủ sức chứa cho hơn 40 người, nên anh đành phải mượn phòng sinh hoạt của khu chung cư gần đó để tiếp đón các thầy cô, bạn hữu cùng thân nhân của những người từng mài đũng quần trên ghế nhà trường cách đây nhiều thập niên và cách xa thành phố San Jose gần một bán cầu.
Hơn 2 chục món ăn chọn lọc được mọi người mang đến, trong đó có cả bánh bột lọc thơm ngon của Cô Nguyễn Khoa Đằng và món gỏi đu đủ soài tuyệt hảo do chính tay Cô Lê Ngọc Thiều làm (ai ăn cũng tấm tắc khen ngon), dù rằng ban tổ chức nhiều lần yêu cầu thầy cô không cần phải mang bất cứ “nồi may mắn” (potluck?) nào cả.
Buổi tiệc lần này linh đình và đông đảo hơn các lần trước, vì các bạn cũ muốn đón tiếp 2 nhân vật nổi tiếng của cộng đồng chúng ta đó là anh Lữ Đức Kỳ từ Washington DC và chị Trần Thị Tấm từ nam California đến chung vui, nhưng đáng tiếc là 2 VIP này đều không thể đến được.
Vào phút chót, qua internet, anh Kỳ cho biết, sau khi năn nỉ ỉ ôi bà xã và được sự chấp thuận của nội tướng để anh được phép thỏa mãn điều mà anh mô tả là “Thiếp trong song cửa, chàng ngoài chân mây” và “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”, thì anh mới khám phá ra là cuộc họp mặt diễn ra vào Chủ Nhật này chứ không phải là Chủ Nhật tới (oops!), nên anh không thể nào mua vé máy bay kịp để đi từ miền Đông qua miền Tây hội ngộ với thầy cô và các bạn cũ.
Sự lầm lẫn của anh Kỳ dù sao cũng còn có thể thông cảm được, chứ không như chị Tấm (người đã đổi thành họ Nguyễn vì phải ràng buộc với một người mà chị mô tả là “không có họ hàng”) giải thích qua email sự lỗi hẹn của mình là “nghe gà hóa cuốc” vì tưởng là cuộc hội ngộ sẽ diễn ra vào đầu năm tới chứ không phải là năm nay (oh oh!), nên chị đã hăng hái hứa tham dự với hy vọng sẽ có một rendez-vous hào hứng với anh Kỳ (xin đừng ai nghĩ tầm bậy tầm bạ) để bầy tỏ sự cảm kích đối với anh trong việc anh tiếp tay vận động cho ái nữ của chị là cô Dina Nguyễn Hoàng Linh vừa đắc cử Nghị viên Hội đồng thành phố Garden Grove. (Người viết rất vui mừng vì có thêm 2 người chưa già mà đã lẩm cẩm có thể sẽ tham gia vào hội đãng trí sắp được thành lập).
Ước mong chị Tấm và anh Kỳ có thể tham dự bữa tiệc tất niên của Hội Ái Hữu Phú Yên (chứ không phải là Hội Cựu Học Sinh Phú Yên) sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 1 năm 2007! Chị Ngô Ái Mỹ ở Washington DC, anh Trương Minh Chính ở Maryland, chị Nguyễn Thị Thanh ở Seattle (18 Gian) và chị Kim Quy (Thừa Thiên) ở L.A., hứa, nếu sắp xếp được công việc, sẽ đến hội ngộ cố nhân. (Tính mời chị Lê Hoài Niệm làm MC không biết chị có chịu nhận hay không.)
Tuy thiếu vắng 2 nhân vật “too busy-turns-crazy” này, nhưng cuộc gặp gỡ vào hôm Chủ Nhật cũng có một số các quan khách và bạn học cũ từ các nơi khác đến, trong đó có anh Lê Tám từ tiểu bang Virginia, người mang đến một tin nóng hổi hơn nhiều so với các món ăn trong khí hậu khá lạnh lẽo của mùa Đông, đó là tin thầy Trần Xuân Ngọc, từng dậy Anh ngữ tại trường Nguyễn Huệ, vẫn còn sống, chứ chưa qua đời như một nguồn tin nói rằng gia đình thầy đã bỏ mình trên biển cả trong chuyến vượt biên vào thập niên 1980. Mọi người đã vui mừng hoan hô khi thầy Thiều thông báo tin tức do anh Tám công bố. (Hy vọng nguồn tin này, mà anh nói là nghe từ người khác, không đến từ một thành viên của Hội Đãng Trí).
Mở đầu cuộc gặp mặt nhân lễ Giáng Sinh, anh Phạm Hoàng, chủ tịch Hội Cựu Học Sinh Phú Yên, đã chào mừng thầy cô, quan khách và các bạn hữu, trong đó có cả người chồng mới được “gả” cho cô Phạm Bội Lan là anh Mark, người tình nguyện theo chế độ mẫu hệ bằng cách lấy họ Phạm của vợ. Anh Mark là người da trắng ăn chay, nhưng may mắn là có súp măng cua của chị Phước, bánh bèo của chị Lan Anh, cùng ổi xá lị của chị Hằng, nên anh đã không phải ngồi chơi xơi nước, nhìn những người khác ăn. (Tuy là một vegetarian nhưng anh Mark có thể ăn được một vài loại hải sản như tôm hoặc cua). Anh Mark từng cùng cô Lan trở về thăm Trường Nguyễn Huệ, và đã gặp thầy Giám Thị Trần Tiến Toản nhân ngày hội ngộ cựu học sinh truờng này vào năm ngoái. Anh Mark cho biết sau khi về hưu anh sẽ tìm một căn nhà tại Hòn Chùa dậy Anh văn cho những dân chài muốn vượt biên!
Tiếp lời anh Hoàng, anh Đặng Duy Nhượng, host của buổi gặp mặt lần này, cho biết, sau khi nghe tin thời tiết tiên đoán là sẽ có mưa vào Chủ Nhật, anh đã ăn chay và cử thịt, để cầu nguyện; và lời cầu xin thống thiết của anh đã làm cho ông Trời động lòng trắc ẩn, ngưng khóc, ban cho trời quang mưa tạnh, nên mọi người đã có thể đến tham dự đông đủ và ra ngoài trời để chụp hình.
Trong không khí của mùa Giáng sinh, tiếng nhạc từ chiếc keyboard vang lên qua tài trình diễn của bé Ý Nhi. Tuy mới chính thức học piano chỉ mới hơn 3 tháng, nhưng bé Ý Nhi, 8 tuổi, cháu ngoại của anh chị Nhượng đã có thể thi thố được tài năng thiên phú của mình trên những phiếm đàn qua những bản nhạc cổ điển, trong đó cả tác phẩm “Fur Elise” nổi tiếng mà nhạc sư Beethoven từng gởi gấm tâm sự của mình qua những nốt nhạc trữ tình cho người yêu Elise cách đây gần 200 năm.
Trong lúc mọi người đang thưởng thức những món ăn ngon thì 2 “thần đồng” Kevin Nguyễn, 2 tuổi, và Nicholas Nguyễn, 3 tuổi rưỡi, cháu ngoại của anh Hoàng và chị Hạnh đã giúp vui cho thực khách bằng chưong trình văn nghệ miễn phí với những bản nhạc của thiếu nhi. Điều ngạc nhiên là tuy nói chưa sõi nhưng bé Nicholas đã có thể thuộc lòng nhiều bản nhạc, trong đó có cả bản quốc ca Hoa Kỳ “Star-Spangled Banner”. Giọng hát cao và điêu luyện của bé đã khiến cho anh Mark phải thốt lên là nếu bé trình diễn trong buổi khai mạc giải Super Bowl chắc chắn sẽ được mọi người nhiệt liệt hoan hô. (Mark là fan của đội San Jose States University Football mà anh là một alumnus).
Tài năng của 2 nhạc sĩ này đã làm cho anh Phạm Đức Hiền phải e dè, nên sau vài phút do dự anh đành phải giới thiệu chưong trình văn nghệ phụ diễn mà anh nói là để vinh danh những người vợ qua những bản tình ca (anh Hiền là một công nhân của Công ty Server), mở đầu bằng tác phẩm “Mãi Mãi Bên Em” của Từ Công Phụng để tặng cho thầy cô Thiều và thầy cô Đằng là những người làm gương cho những cặp tình nhân bền vững không bao giờ có thể lay chuyển được.
Theo yêu cầu của anh Hoàng, anh Hiền đã hát lại bản “Tuy Hòa Quê Cũ” mà anh phổ nhạc từ thơ của anh Diệp Thế Hùng.
Chuơng trình văn nghệ đã được nối tiếp với gọng ca truyền cảm của anh Lực, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phú Yên, nhưng rất tiếc hôm nay anh phải solo vì không thể nào thuyết phục được bà xã nghỉ làm để chung vui với anh, do đó tiếng ca của anh ít truyền cảm hơn lần anh hát tặng chị Mỹ Linh trong buổi đón tiếp anh Nguyễn Tịnh tại tư gia của anh vào ngày 13 tháng 9. Bản nhạc “Trả Nợ Chồng” do anh Hiền sáng tác mà anh Lực hát để tặng cho vợ có đoạn Chú Cuội (người dụ bán mặt trăng cho Phú Ông để lấy tiền chinh phục chị Hằng và chơi stock, rồi 2 người trở nên vợ chồng, nhưng sau đó Phú Ông biết bị lừa, đòi tiền lại, nên chị Hằng phải làm nail để trả nợ cho chồng) thuật lại rằng:
Xưa vì anh bán trăng, nên thân mắc nợ hồng,
Bây giờ em cố nai lưng ong trả nợ chồng,
Cuộc đời dù bất công, nhưng em vẫn một lòng,
Anh tạ ơn em, anh tạ ơn em….
(Tôi nói nhỏ với anh Lực là nếu lần sau mà bả không chịu đi kèm thì rủ boyfriend đi chung là bả sẽ tản thần.)
Chị Phưóc, vợ anh Nhượng, thay mặt cho các bà tặng các ông, đặc biệt là ông xã, ngưòi đã từng phải lòng chị kể từ năm Đệ Lục, và sau đó 2 người đã rủ nhau lên Núi Chớp Chài xây tổ uyên ương (theo lời kể của anh Đặng Văn Khuê), bản nhạc “60 Năm Cuộc Đời”, của nhạc sĩ Y Vân; nhưng vì muốn cùng anh Nhượng quyết tâm sống cho đến khi 4 hàm răng không còn cản trở sự âu yếm của đôi tình nhân móm miệng, nên chị hát thật lớn:
Anh ơi có bao nhiêu, 90 năm cuộc đời,
Khi xa anh rồi em biết yêu thương ai,
Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời,
Anh ơi ta sống được bao!
Anh Nhượng cho biết, 2 Trung tâm Thúy Nga và Asia đã giành nhau mời vợ anh làm ca sĩ độc quyền cho chương trình văn nghệ của họ, nhưng anh đã khước từ vì không muốn vợ mê hát sẽ bỏ mình thui thủi ở nhà một mình . Anh nói rằng “thà ăn rau uống nước, còn hơn phải đợi chim thước bắc cầu!”
Chị Bích Diệp và chị Bách Hợp cũng giúp vui qua bản nhạc Mùa Thu Cho Em.
Nhân dịp cuộc hội ngộ lần này, anh Hoàng cũng đã nêu lên 2 ước vọng của hội cựu học sinh Phú Yên, đó là làm cách nào để có thể ra được một tờ đặc san như thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang, anh Lữ Đức Kỳ và một số các bạn đã đề nghị. Ước vọng thứ nhì là có thể tổ được một cuộc hội ngộ quy tụ toàn thể cựu giáo sư và cựu học sinh Phú Yên lưu lạc trên khắp thế giới tại thành phố San Jose ở miền bắc California trong tương lai.
Việc đầu tiên và khó khăn nhất đó là đặt tên cho tờ đặc san. Có nhiều người đề nghị những danh xưng như Đặc San Cựu Học Sinh Phú Yên, Tuy Hòa, Núi Nhạn, Sông Đà…
Đại diện cho các cựu học sinh, anh Đặng Nhượng, một trong những lão tướng của Nguyễn Huệ, nói rằng các trường nổi tiếng như Võ Trường Toản, Gia Long, Trưng Vương hoặc Chu Văn An, đều có những đặc san mang tên của họ, vì thế không lý do gì trường Nguyễn Huệ lại không thể có một tờ đặc san cho mình.
Đại diện cho các bậc trưởng thượng, thầy Lê Ngọc Thiều giải thích thêm rằng, mỗi địa phương đều có một cơ sở văn hóa chính, cho dù thành phồ lớn như Huế của tỉnh Thừa thiên thì trường Quốc Học vẫn là biểu tượng văn hóa của miền Trung; đo đó trường Nguyễn Huệ cũng là biểu tuợng giáo dục của thành phố Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, vì đa số những người thành danh tại tỉnh Phú Yên cũng đã từng học tại trường Nguyễn Huệ.
Để xóa tan nỗi ưu tư của anh Phạm Hoàng về việc nếu lấy tên Nguyễn Huệ thì có thể tạo ra sự cách biệt với các cựu học sinh không học tại trường này; anh Nguyễn Lực, đại diện cho Hội Ái Hữu Phú Yên lý luận rằng, Trường Nguyễn Huệ nói lớn thì không lớn mà nói nhỏ cũng không nhỏ, vì tuy lớn mà nhỏ, tuy nhỏ mà lớn. Anh giải thích rằng, nếu nói về số lượng thì số cựu học sinh Nguyễn Huệ tại miền bắc California có thể nhỏ hơn so với số người đồng hương của Hội Ái Hữu Phú Yên, nhưng nếu tính trên toàn thế giới thì những người từng học tại trường này nhiều hơn, vì nơi nào cũng có, từ Đan Mạch cho đến Pháp Quốc và Anh quốc; nên với tư cách là một cựu học sinh Bồ Đề, anh không cảm thấy có vấn đề gì đối với danh xưng Nguyễn Huệ, vì tất các học sinh tại các trường khác trong tỉnh này nếu muốn học cao lên thì thường cũng phải qua trường Nguyễn Huệ. Chị Phạm Bách Hợp, một cựu học sinh của trường Đặng Đức Tuấn cũng đồng ý với nhận xét của anh Lực.
Cuối cùng tất cả mọi người đều đồng ý chọn danh xưng Nguyễn Huệ, giống như chị Vương Hạnh đã đề nghị từ ban đầu. (Thế mới biết là Tôn Ngộ Không Phạm Hoàng không thề nào thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Bà Vương Hạnh!)
Sau khi thống nhất về danh xưng, anh Hoàng đã kêu gọi mọi ngưòi, bất kể thuộc trường nào hoặc bất cứ ở đâu, hãy đóng góp tư liệu (&$ ) để tờ đặc san sớm được hình thành, miễn là cốt truyện, tài liệu và tranh ảnh không nhằm mục đích quảng bá chính trị, tôn giáo, dục tính, hay đả kích cá nhân. Trọng tâm của đặc san sẽ là những kỷ niệm, hình ảnh có liên hệ đến Phú Yên và mái trường thân yêu của chúng ta, cùng với những tác phẩm văn chương, khoa học, kỹ thuật, lịch sử, địa dư; đặc biệt là những chuyện tiếu lâm ý nhị và những mối tình thật thơ mộng.
Anh Hoàng cho biết có một số thầy đã đồng ý làm ban cố vấn cho tờ đặc san này, đó là:
1.Thầy Nguyễn Đức Giang
2.Thầy Lê Ngọc Thiều
3.Thầy Nguyễn Khoa Đằng
4.Thầy Lê Trọng Ngưng
5.Thầy Lê Quang Khanh.
Ban biên tập gồm có:
1.Phạm Hoàng (San Jose, CA)
2.Lê thị Hoài Niệm (Houston, TX)
3.Đặng Duy Nhượng (San Jose, CA)
4.Phạm Cao Hoàng (Centreville, VA)
5.Phan Ngọc Hà (Chicago, IL)
6.Trần Hoàng Thân (San Jose, CA)
7.Phạm Đức Hiền (San Jose, CA)
Nhân dịp này ban Ban đại diện Hội Ái Hữu Phú Yên cũng gởi thiệp mời đến các đồng hương gia đình và bạn hữu tham gia vào buổi Dạ tiệc Tất niên vào ngày 19 tháng 1 năm 2007. Anh Lực sẽ gởi thiệp mời đến quý thầy và các bạn, đồng thời sẵn sàng sắp xếp phương tiện cho các thầy cô và bạn hữu ở xa muốn chung vui với cộng đồng Phú yên tại San Jose. Hy vọng mọi người sẽ đến họp mặt đông đủ. Xin anh Kỳ và chị Tấm đừng lộn ngày nữa nhe. Nhớ là ngày Tây chứ không phải là ngày Ta, kẻo không lại đợi qua Tết rồi mới đến là hỏng bét.
Buổi tiệc Họp mặt Giáng Sinh kết thúc trong không khí lưu luyến và mọi người hẹn sẽ tái ngộ trong buổi Dạ Tiệc Tất Niên Bính Tuất, đồng thời mong chờ một cuộc trùng phùng “lịch sử”của toàn thể cựu giáo chức và học sinh Phú Yên tại San Jose.

(Thành thật xin lỗi quý thầy cô và các bạn vì đã làm mất thì giờ của quý vị qua bài tường thuật hơi dài. Bài này đặc biệt tặng cho thầy Đằng, người lúc nào cũng im lặng mỉm cười, nhưng rất thích đọc những bài phóng sự của học trò mình.)

San Jose, 12/12/06
Phạm Đức Hiền

PICNIC HÈ 2000


Thân ái kính tặng Nhóm Thầy & Cựu Học Sinh

Trung Hoc Tuy Hòa, Phu Yên “Hè về gợi nhớ

Mùa phượng vĩ Ký ức sân trường bỗng xôn xao”


Thung lũng hoa vàng một ngày hạ thắm

Tôi về đây ! tham dự picnic hè

Thầy, Trò cũ tìm lại vùng ký ức

Trên sân trường Nguyễn Huệ, Phú Yên xưa


Tôi là bạn đồng môn, là tình thân hữu

Chưa một lần gặp gỡ thuở ngày xanh

Tôi đến đó một chiều tàn nắng hạ

Lần thăm nàng khi hẹn ở Văn Khoa


Chỉ một lần thôi, dù duyên chưa thắm
Tình ban đầu tôi dệt mộng thành thơ !
Chuyện ngày xưa tôi vẽ thành kỷ niệm
Thoáng gợi buồn, khơi tiếc nhớ vu vơ !

Tất cả lắng sâu vào dòng dĩ vãng
Gặp nhau đây qua biến cố cuộc đời !
Tôi yêu quý những mảnh tình kẻ sĩ
Giữ mãi tinh thần “Trọng đạo, Tôn Sư”

Ánh mắt Thầy, Trò trao niềm khả kính
Cảm xúc nhìn Thầy mái tóc bạc phơ !
Thầy nhìn họ, nguồn tinh hoa dân tộc
Là Master, Kỹ Sư, Bác Sĩ, Nhà Thơ

Tôi vui lây, ngày trường xưa hội ngộ
Trong mơ màng chạnh nhớ tà áo xưa !
Buồn man mác, lần tìm qua ánh mắt
Bóng người yêu dấu ấy đã về chưa ?

Tuyệt vọng ! hình bóng xưa đâu chẳng thấy ?
Nghe gió về hôn nhẹ lá xôn xao
Hồ thu thủy, liễu rũ buồn hiu hắt !
Soi mây sầu từng cánh nhẹ bay cao

Ngày Picnic người về từ khắp nẻo
Dáng hao gầy phảng phất tuổi thanh xuân
Trường xưa bỗng trôi về trong khoảnh khắc
Phút giây này trút hết những bâng khuâng.


TRUC-GIANG

CON CÒ


Trong bài “Thương vợ”, Tú Xương ngâm:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!

Trong âm nhạc Việt nam cũng có nhiều bài hát về con cò, cái cò và thân cò; và mới đây có một bản nhạc được nhiều người ưa thích mang tựa đề Cái Cò do nhạc sĩ Nguyệt Ánh sáng tác, qua tiêng hát của ca sĩ Băng Tâm.


Từ Taxas, Anh Phạm Phích cũng đã được ngẫu hứng bởi bản nhạc cảm động này nên anh đã viết những lời tâm huyết sau:

…Hãy quên hiện tại- Tuổi già-
Ai trong chúng ta không ở độ tuổi sắp đến 70-

Không ai không qua gian khổ, nhất là thời điểm sau 75,
sự đau khổ và tuyệt vọng đến từng người- Nhưng thời đó qua rồi- Đừng nhớ lại làm chi –
Hãy nghĩ hiện tại-

Chúng mình đã thoát qua, nhưng bà bạn mình còn chịu nhiều đau khổ triền miên, đó là chị PHẠM THỊ TÍCH

Suốt hơn 30 năm , một nách 9 con với người chồng thương tật, nuôi con, nuôi chồng với thân cò lặn lội trên ruộng đồng Phước Khánh.
Thật là vĩ đại cho người
Phụ nữ VIỆT NAM, khổ nhọc không hề than vãn:

Cái cò lội giữa ruộng sâu,

Lom khom cấy lúa, lưng đèo con thơ.

"Ôi ' sao đủ gạo bây giờ,"

Đàn con "9" đứa biết nhờ cậy ai.

Chồng cò thương tích "72"
Vết thù còn đó trên vai thân cò.....
Nét thanh xuân xưa không còn nữa,
với 67 tuổi đầu tóc bạc phơ.
Và cũng vì dõi theo chồng từng bước để đem chồng về (chồng chị bị thương ở đầu nên lang thang khắp phố phường, làng xã) nên chị té ngã gãy 3 xương sườn,BS Kính chữa cho chị mà không nhận thù lao, còn giúp đỡ chị thêm ( BS Kính cũng là cựu HS Nguyễn Huệ từ những ngày đầu tiên).
Giờ đây còn thêm cột sống thoái hóa, ba sườn tái phát chị đã phải vào Saigon để nhờ BS Kính chữa trị.

Thông tin này vừa mới nhận được,
gởi các anh chị và các bạn, chung lớp chung trường và bạn bè PHÚ YÊN. Kinh mong các anh chị và các bạn giang rộng đôi tay từ bi, bác ái (và chỉ dùng hai ngón tay phải –hai ngón thôi nhé- cho vào túi gắp ra một tờ- bất luận là bao nhiêu cũng là tấm lòng vàng của anh chị và các bạn). Xin các bạn đừng cười chúng tôi- Chúng tôi ngửa tay xin các bạn đó.
Chúng tôi đang ôm thùng Phước sương và ngửa mũ bác ái. Xin các bạn đưa tay ngọc thọc tay vàng (nếu tôi ở Cali sẽ tổ chức đại nhạc hội toàn ca sĩ cây nhà lá vườn).
Các chị trong chúng ta có ai bằng chị Tích không ? Chị đoạt giải vô địch, bà con chúng ta nên tặng chị cúp vàng 9 con:
Lấy chàng từ thuở 23
Đến năm 38 thiếp đà 9 con.

Ra đường thiếp vẫn còn son ,

Về nhà thiếp đã 9 con cùng chàng.
Phạm Phích

Sau khi nhận đưọc “huyết thư” này, anh Đặng Duy Nhượng tính mở đại Nhạc Hội gây quỹ thiện nguyện giúp cho chị Tích theo lời khuyên của anh Phích, nhưng vì bà xã Thanh Phước của anh bị mệt hát không ra hơi, nên vào ngày 5 tháng 5 năm 2008, anh đành phải gởi thư cầu cứu với những ngưòi bạn cũ và một số ngưòi thân quen với những lời tha thiết sau:


…Xin thân ái giới thiệu đến các Bạn và quý Anh Chị:
chị Phạm Thị Tích là cựu học sinh Nguyễn Huệ và cũng là đồng hương Phú Yên, đang sinh sống tại Đội 1, thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên VN. Chị đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, mang trong người nhiều chứng bệnh nan y nhưng không có tiền để chữa trị. Phu quân của Chị là anh Phạm Trường Trân, cựu Đại úy quân lực VNCH, bị thương ở đầu trong một trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, vì là thương binh nên thời gian “cải tạo” chưa đến 3 năm. Do đó không đủ tiêu chuẩn được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Nhận thấy hoàn cảnh của chị Tích hiện tại thật tôi nghiệp, rất đáng được chúng ta nhường cơm sẻ áo. Chúng tôi Nhượng và Phích, thay mặt cho các Bạn cùng lớp kêu gọi lòng từ tâm của các Bạn cựu học sinh Nguyễn Huệ và quý anh chị Đồng Hương Phú Yên, tùy theo hoàn cảnh “của ít lòng nhiều”, mỗi người giúp đỡ một ít, “góp gió thành bão” để chúng ta có một món quà “tình nghĩa” gửi về an ủi và xoa dịu hoàn cảnh thương tâm của gia đình chị Tích…. Đặng Duy Nhượng

Lẽ ra anh Nhượng định phổ biến cho toàn nhóm Liên Trường, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại, anh cho rằng đây là vấn đề “TẾ NHỊ”, nên anh chỉ vận động trong số những bạn bè cùng lớp, một số đồng môn và đồng hương thân thích. Các bạn nào muốn giúp đỡ riêng liên lạc trực tiếp theo địa chỉ sau đây:Phạm Thị Tích: Đ1, Thôn Phước Khánh, Xã Hòa Trị, Huyện Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên, ĐT: 057-869336.


Cách đây hơn nửa thế kỷ, cái cò Phạm Thị Tích là một trong những mỹ nhân của Trường Nguyễn Huệ như cái Hằng, cái Tấm, cái Mai... được rất nhiều bạn học nam để ý, vì vừa đẹp gái, vừa học giỏi lại là con nhà giầu.
Mấy chàng học sinh thời bấy giờ như Phạm Phích, Đặng Nhượng hoặc Tử Hòa… vì xấu trai, học dốt, lại con nhà nghèo, đâu dám ngó lên, nên chỉ đành ca câu vọng cổ của Phạm Thiên Thư “Anh theo Ngọ về, đường mưa nho nhỏ…” (Bộ 3 này được mệnh danh là 3 Chàng Pháo…Tịt !L) Giai nhân phải để cho anh hùng, vì thế chị Phạm Thị Tích đã lên xe zíp với một chàng sĩ quan vừa cao lớn vừa đẹp trai là anh Phạm Trưòng Trân. Nhưng hỡi ơi, dường như trời xanh quen thói anh hùng đánh ghen, những con đại bàng như Võ Đông Sương thì bị cụt một chân và hư một mắt; còn anh Phạm Trường Trân thì được chị Tích mô tả như sau: Anh Trân là sĩ quan khóa 14 Thủ Đức; sinh năm 1937, số quân 37/145255 lên cấp Đại Úy năm 1971 thuộc tiểu khu Bình Định; năm 1972 giữ chức Trưởng hành quân “Phân khu Bắc Bình Định” đóng ở Tam Quan. Vào mùa Hè đỏ lửa năm 72 anh bị thương, trúng mảnh bom vào đầu tại Tam Quan để lại di chứng. Sau khi “cải tạo” về anh bị đau nặng và từ đó mắc chứng bệnh “Tâm thần phân liệt” Còn chị Tích thì bây giờ ra sao? -Xin hãy đọc những lời tâm sự của chị: “…Ai có ngờ đâu “Cô Tích, nữ sinh Nguyễn Huệ” ngày nào bây giờ ra như thế này? Tích có 9 người con, có vợ, chồng 4 còn lại 5 người chưa có gia đình mà chỉ 2 đứa có việc làm còn 3 đứa chưa tìm được việc làm phải làm nông. Chồng thì đau yếu triền miên con cái với đồng lương ít ỏi hoặc công việc đồng áng không lo nổi cho gia đình mình, làm sao nuôi được cho cha mẹ hàng tháng chỉ chút quà gọi là lòng hiếu thảo. Suốt bao nhiêu năm, T lặn lội nuôi chồng, con… nhưng bây giờ thân tàn, sức kiệt thêm bị bệnh đại tràng mãn tính, cột sống và bao tử không biết còn sống được bao lâu. Xin các bạn vui lòng giúp đỡ cho Tích vượt qua cảnh khốn khó này. Tích chân thành cảm ơn các bạn.” Phạm Thị Tích

Sở dĩ chúng ta biết được hoành cảnh của anh Trân là nhờ anh Sương.
Như chúng ta đã biết, cách đây khoảng hơn 1 tháng, anh Phích và anh Nhượng cũng đã quyên góp được 1400 Mỹ kim giúp cho anh Võ Đông Xương (Xin xem Món Quà Tình Nghĩa 2), và anh Sương đã đến “khoe” với chị Tích, nhờ vậy mà chị Tích đã có thể liên lạc được với các bạn cũ để cầu cứu. Sau khoảng 1 tháng vận động, vào ngày ngày 27 tháng 05 năm 2008, anh Nhượng viết một lá thư Cảm Ơn như sau:

Thân gửi :Quí Anh Chị Ân Nhân
Sau một thời gian tìm hiểu, thu thập tin tức, hình ảnh về hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Phạm thị Tích hiện còn đang sống tại quê nhà (Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên), chúng tôi gồm Hòa, Phích, Nhượng (năm xưa được các bạn đặt cho biệt danh: 3 chàng ngự lâm) đã phát động đợt quyên góp vào ngày 05-05-08 để có “món quà tình thương” gửi về trao tặng cho người bạn học Nguyễn Huệ năm xưa. Mặc dù chỉ giới hạn trong phạm vi bạn bè thân quen nhưng được quí Anh Chị nồng nhiệt hưởng ứng, mở rộng lòng từ tâm, tích cực đóng góp, kết quả đã thu được số tiền rất đáng khích lệ là $1,100 Mỹ kim (danh sách đính kèm). Sau khi khấu trừ lệ phí gửi tiền là $20. Số tiền 1,080 dollars còn lại được nhân viên dịch vụ ở Tuy Hòa đến trao tận nhà và chị Phạm thị Tích đã ký nhận đủ. Trong thời gian trên dưới một tháng, chúng tôi liên tiếp 2 lần kêu gọi sự đóng góp để giúp đỡ cho anh Võ đông Sương và chị Phạm thị Tích, chúng tôi rất áy náy vì đã làm phiền, tuy nhiên quí Anh Chị cũng cảm thông được việc làm từ tâm này nên đã mở rộng tấm lòng, nhiệt tình ủng hộ làm cho 3 chúng tôi vô cùng xúc động và cám ơn rất nhiều. Được quý Anh Chị tiếp tay, chúng ta đã củng nhau hoàn thành một công việc tốt đẹp đối với những người bạn học cũ kém may mắn hiện đang có cuộc sống lầm lũi, bệnh đau tại quê nhà. Nhượng biết trong 2 đợt quyên góp vừa qua không làm sao tránh khỏi sai sót, phiền toái, nhưng vì tình thương kính mong các Bạn thông cảm bỏ qua cho. Một lần nữa xin chân thành tri ân, nguyện cầu Ơn Trên độ trì, ban cho các Bạn cùng gia đình an lành, mạnh khỏe và được nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống. Thân ái, Trần tử Hòa - Phạm Phích - Đặng duy Nhượng
DANH SÁCH QUÝ ÂN NHÂN
Giúp đỡ cho Chị Phạm thị Tích:

01
Anh Ch Tin – Lan Anh
20
03
Ch Nguyn mng Tuyết
20
04
Ch Dương th Mai
100
05
Ch Nguyn Trn Tm
100 (đt 1)
06
Anh Hà công Đnh
20
07
Anh Phm Phích
50
08
Anh Trn thanh Danh
100
09
Anh Trn t Hòa
50
11
Ch Nguyn th Hng
100
12
Anh L đc K
100
13
Anh Nguyn tn Cnh
30
14
Anh Phm đc Hin
20
15
Anh Trn hoàng Thân
50
16
Ch Nguyn th Nghiêm
50
17
Anh Võ trng Khanh
50
18
Anh Đng quc Hin
50
19
Đng duy Nhưng
50
20
Ch Nguyn Trn Tm
100 (đt 2)



Cng $ 1,100 USD
Tr l phí gi tin 20
S tin còn li gi cho ch Tích $ 1,080 USD

Phước Khánh, ngày 26/5/2008
Anh Nhượng cùng các bạn thân mến ! Đầu thư Tích cầu chúc tất cả các anh, chị và các bạn được vạn sự như ý. Hôm nay là ngày rất vui đối với gia đình Tích, tất cả gia đình hân hoan đón nhận những tình cảm thân thương mà các anh, chị và các bạn đã ưu ái dành cho T… T đã nhận món quà tình nghĩa mà các anh, chị và các bạn là quý ân nhân đã gởi tặng T tổng cộng là 1.080 USD (một nghìn không trăm tám mươi đô la Mỹ). T, Trân và toàn thể các con của T xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các anh, chị và các bạn học cùng lớp: 1/ Anh Đặng Duy Nhượng - Phước; 2/ Anh Phạm Phích - Hiếu; 3/ Anh chị Tiền - Lan Anh; 4/ Anh chị Dậm – Phương; 5/ Chị Nguyễn Mộng Tuyết; 6/ Chị Dương Thị Mai; 7/ Chị Nguyễn Thị Nghiêm; 8/ Em Nguyễn Trần Tấm; 9/ Chị Nguyễn Thị Hằng; 10/ Anh Hà Công Định; 11/ Anh Trần Thanh Danh; 12/ Anh Trần Tử Hòa; 13/ Anh Đặng Kim Nhựt; 14/ Anh Lữ Đức Kỳ; 15/ Anh Nguyễn Tấn Cảnh; 16/ Anh Phạm Đức Hiền; 17/ Anh Trần Hoàng Thân; 18/ Anh Võ Trọng Khanh; 19/ Anh Đặng Quốc Hiển. Cuối thư T xin cầu trời phật phù hộ các anh, chị và các bạn luôn được an khang hạnh phúc.
Chào thân ái!
Phạm Thị Tích.

Thành thật cảm ơn quý thầy cô và các bạn.

San Jose ngày 30 tháng 5 năm 2008

Phạm Đức Hiền.