Wednesday, March 30, 2011

"KIM KÔN" VÀ "KIM KỔ"

Tản mạn nhân đọc bài thơ

"Chén rượu cho Tuy Hòa"

của Đặng Kim Côn

trong web Ái Hữu Phú Yên Bắc Cali

ĐKC là ai? Không biết !Tôi chỉ biết, có một đêm nào, anh đã uống rượu, với Tháp Nhạn, với Tuy Hòa, (mà như đã uống với tôi), trong giờ phút anh sắp mang theo một vết thương mới: "cạn nước lang thang". Để, bất ngờ, anh để lại cho Tuy Hòa, ngập ngụa trong lòng những người yêu thơ một mùi vị đắng cay của "cuộc cờ kim cổ" mà anh trải qua nơi quê hương đầy kỷ niệm của mình. Ở đó, Tháp đã say, anh linh sông núi say và... chúng tôi say!

Kim cổ ta người chung thế cuộc

Lưng ngựa buông gươm quỵ giữa đời

Những Sông Ba, Tháp Nhạn, Đà Rằng, Đá Bia, mỗi địa danh mỗi bàng bạc sâu thẳm trong tâm hồn anh thổn thức, anh gởi gấm qua những vần thơ - Tình yêu quê hương muôn thuở của anh đã phải nằm vĩnh viễn lại bên chân Tháp ngậm ngùi như Chiêm Quốc ngày xưa với:

Đá Bia phủ mây, Chóp Chài đội mũ

Cho người ở lại phải cay mắt với những giọt mưa nghèn nghẹn theo bước ai đi:

Để vài giọt mưa trên mắt ai cay

Đến nỗi Chiêm Khách, Chiêm Nữ xưa cũng cùng về bên Tháp ngóng theo:

Kim cổ ngậm ngùi đêm tiễn đưa

Như Trịnh Công Sơn nói "quê hương đời đời còn đó - tình yêu đời đời vẫn còn đó - người nào mất đi quê hương thì cũng sẽ mất đi tình yêu... "nhưng tôi không nghĩ thế, Đ K C mất đi quê hương mà vẫn mang theo (cũng như để lại) một tình yêu bất biến, dù là:

Nghe những vầng trăng hẹn tròn hẹn khuyết,

Giữa những cuộc đời nay bể mai dâu

Chìm, nổi cuộc đời dâu bể ra đi, xa lìa quê hương... chỉ vì Anh "lỗi hẹn" với non sông, xuôi tay với thế cuộc... Thời gian dài lê thê... đêm đợi, đêm chờ... nuối tiếc xa xôi... Để chỉ còn:

Giọt lệ, giọt mưa, giọt trăng, giọt rượu,

Cạn chén binh đao chưa thấy thanh bình.

Đ K C, anh uống rượu... hay anh uống những dòng nước mắt quê hương? Niềm đau quê hương chưa dứt! Lời thơ của anh làm xao xuyến lòng người "xứ nẫu" ... Anh đã bày tỏ cảm xúc thật của anh đến với độc giả, và say trong lòng độc giả! chứng tỏ là anh " chưa say!" anh vẫn còn nhớ thắp lên ngọn đèn trong đêm tối... Anh ngồi đó để giọt lệ hòa trong cốc rượu cay!

Như Nguyễn Hữu Ninh "giọt lệ sầu, giọt lệ thảm... nước trong mình nó tuôn ra... anh bây giờ như con cuốc nó kêu tu qua nó lẻ "đâu" nó lẻ bạn....ôi chu cha... ôi là buồn (Trách Thân) Đấy, N H N! Anh khóc cho đời - anh chết rồi mà tiếng trách của anh còn làm cho thế nhân bề bộn...

Một "tiền bối", Thi bá Bùi Giáng, ông "say, điên" cho người ta tỉnh. Tỉnh, tỉnh... say say... Để những vần thơ của ông trở nên bất hủ...

"Chén rượu cho Tuy Hòa", Đ K C cũng say cho những "động dài, động tố" trên quê hương. Cuộc đời này mấy ai có "chén rượu" đó để mà "say"!

Mời núi, mời sông, mời trăng, mời phố.

Đừng để rượu đầy trong đêm vơi

Anh lưu luyến mảnh đất quê hương. Anh trò chuyện với nó như trò chuyện với người tình trăm năm, bằng những lời "vĩnh biệt". Nhìn quê hương cõi lòng anh tan nát, tâm hồn anh chết lặng, nặng đến không giở nổi bàn tay trong giây phút chia lìa:

Để buồn không vẫy nổi bàn tay

Tôi đã buồn, cũng đã thấy người ta buồn rụng rời tay chân, nhưng đem được vào thơ cái điều " không vẫy nổi bàn tay" thì có thi sỹ nào đã làm cho người đọc chết sững đến thế?

Lời thơ u uất, anh ru hồn sông núi vào giấc ngủ chập chùng miên viễn... để anh đi! Đi như trốn chay một ân tình! Nhưng làm sao quên được... niềm đau trên da thịt bao năm...

Để lạ Chóp Chài ngoan giấc ngủ

...

Thôi cứ ngủ yên biển trời sông núi

Để một đồi say, một Tháp mơ màng

Và đi về đâu... cõi lòng cô đơn trống vắng như

Một dòng sông cạn nước lang thang!!!

ĐKC cạn nước mà anh vẫn cứ muốn ôm nước yêu dấu vào lòng. Anh gọi "Đà Rằng ơi..." tha thiết. Tiếng gọi ray rứt, bâng khuâng... Đêm chia tay cay nồng, quyến luyến... anh tự tình với núi sông, với bàn tay tay rũ rượi kia, anh vẫy, anh vẫy Tuy Hòa, vẫy tôi và vẫy cả anh:

Cho ta gượng một bàn tay vẫy

Chào Tuy Hòa và tiễn đưa ta

"Chén rượu cho Tuy Hòa" Những giọt rượu đắng ân tình, anh tưới lên chân Tháp quê hương.

Ai...Ta...Người..."chung thế cuộc" hãy cùng ngồi lại đây!... nhấp hớp rượu cảm nhận lời từ tạ của ĐKC.

CẨM LOAN

(Tuy Hòa một ngày tháng tư/ kỷ niệm 400 năm Phú Yên)

Saturday, March 19, 2011

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG


CHI TIẾT VỀ ĐẠI HỘI
(Bản Tin Số 05)
I/- Ngày giờ Đại Hội: 2 ngày đại hội và 1 ngày thăm viếng
- Thứ Bảy, ngày 28-05-2011, từ 5:30 PM – 10:30 PM
- Chủ Nhật, ngày 29-05-2011, từ 5:30 PM – 10:30 PM
- Thứ Hai, ngày 30-05-2011, từ 09:30 AN – 4:30 PM
Du lịch cầu Golden Gate và thành phố San Francisco
II/- Địa điểm Đại Hội:
Nhà Hàng Grand Fortune Seafood
4100 Monterey Road # 108, San Jose, CA 95111, USA
Phone: (408) 226-8888, Fax: (408) 226-8913
III/- Lệ phí tham dự:
- Dạ tiệc ngày Thứ Bảy (28-5-11): $30/1 người
- Dạ tiệc ngày Chủ Nhật (29-5-11): $35/1 người
- Du lịch San Francisco Thứ Hai (30-5-11): $40 - $50/1 người)
(xin xem chi tiết trong Thông Báo Số 06)
IV/- Khách sạn: Days Inn (có 34 phòng, nên book trước kẻo hết phòng)
4170 Monterey Road, San Jose, CA 95111, USA
phone: (408) 224-4122, Fax: (408) 224-4177
- Phòng 1 giường: $65/1 đêm cả thuế (1 – 2 người)
- Phòng 2 giường: đồng giá $65/1 đêm cả thuế (2 – 4 người), nếu tổng số đại hội mướn dưới 10 phòng thì giá $75/1 đêm
- Muốn được hưởng giá đặc biệt phải nói code HangNguyen
(Cách địa điểm đại hội 5 phút đi bộ)
V/- Giá cước Taxi Việt Nam:
- Từ San Francisco Airport đến Khách Sạn ở San Jose: $50
(nếu 2 người đi chung xe: $30/1 người, người thứ 3 thêm $10)
- Đi xe Shuttle bus từ SF airport về San Jose: $20/người)
(Chờ đợi lâu và không bảo đảm)
- Từ San Jose Airport đến Khách Sạn: $20
(nếu đi chung xe, người thứ 2, 3, 4 trả thêm $5/1 người)
- Từ bến xe đò Hoàng (Lee Sandwich) đến Khách Sạn: $20
(người thứ 2 thêm $5)
VI/- Liên lạc Taxi:
- Ông Thiện (408) 885-9489, (408) 623-3370
- Anh Hùng (408) 476-5656, (408) 229-2048
- Anh Trúc (408) 386-1713, (408) 528-0434
- Ông Quỳnh (408) 396-1706
- Ông Minh (408) 238-5475, (408) 460-0872
(hỏi giá trước khi đi)
VII/- Liên Lạc BTC:
- Đặng Duy Nhượng (408) 888-0637
- Phạm Đức Hiền (408) 840-3038
- Cao Thị Cảo Thơm (951) 372-9887
- Trương Kỉnh Thành (408) 892-5739
- Nguyễn Hồng Vân (408) 857-2762
- Phan Ái Mai (301) 972-0005
- Nguyễn Thị Hằng (408) 272-1313
- Nguyễn Trần Tấm (714) 856-5696
- Đặng Thị Nga (408) 296-6630
- Hoàng Thanh Phước (408) 723-2912
San Jose, ngày 18 tháng 03 năm 2011
TM. Ban Tổ Chức
Đặng Duy Nhượng

Wednesday, March 9, 2011

EM CÓ VỀ PHỐ XƯA


Em có về phố cũ
thăm lại Tuy Hoà xưa
thăm giùm tôi dốc nắng
với những con đường mưa

Em có về Ngã Năm
thăm ai người tóc ngắn
hiên nhà tôi mưa tạnh
hiên người vẫn mưa thưa

Em có lên Nhạn Tháp
thăm giùm dấu rêu xưa
đàn dơi gầy cánh mỏi
người xa vẫn chưa về

Em có về Lê Lợi
đường bụi mù lê thê
thăm giùm tôi bóng lá
dấu thềm rêu lệ mờ

Em có qua Ngọc Lãng
thăm giùm tôi ruộng dưa
có về qua đò vắng
xin đậu bến sông xưa

Em có về Nguyễn Huệ
thăm lại mái trường xưa
chỗ ngồi giờ hoang phế
loang lỗ từng ước mơ

Em có về Tân Dân
xin ghé lại Bồ Đề
có về qua Giu Se
nhớ thăm Đặng Đức Tuấn

Thăm giúp tôi tất cả
ghế bàn buổi hôm xưa
em có buồn bụi phấn
rơi bục thầy bơ vơ

Em có về phố chợ
xin ghé lại hàng quà
có về qua tiệm sách
ngắm bóng mình đã xa

Em có về phố trưa
nghe giùm tôi tiếng guốc
guốc gõ đều phố thơ
tiếng đời thay tiếng khóc

Em có về phố biển
thăm giùm tôi ngàn lau
dấu chân xưa dẫu xóa
sóng bạc đầu vẫn đau
Ý Liên

Thursday, March 3, 2011

THÔNG BÁO THIỆP MỜI ĐẠI HỘI

THÔNG BÁO THIỆP MỜI ĐẠI HỘI
(Bản Tin Số 6)
Kính gửi: Quý Thầy Cô và các Bạn Cựu Học Sinh Phú Yên,
Ban Tổ Chức Đại Hội Cựu Học Sinh Phú Yên 2011 xin trân trọng thông báo.
Thiệp Mời tham dự đại hội đã in xong, gồm 2 loại:
  1. Thiệp mời đặc biệt: dành cho quý Thầy Cô, Quan Khách và Truyền Thông.
  2. Thiệp mời thường: phân phối cho đồng môn, gia đình và thân hữu. Có thể mua từng nhóm để ngồi chung bàn hoặc mua cá nhân, theo chi tiết sau:
    • Thiệp Mời Thứ Bảy ngày 28-5-2011: xin ủng hộ $30,
    • Thiệp Mời Chủ Nhật ngày 29-5-2011: xin ủng hộ $35,
    • Thực đơn như tiệc cưới: gồm 8 món ăn + tráng miệng,
    • Có thể mua 2 ngày hoặc chọn riêng từng ngày,
    • Ưu tiên chỗ ngồi cho người mua trước.
    • Mua vé: xin liên lạc chị Thủ quỹ Nguyễn Thị Hằng:
Địa chỉ: 2660 Middleborough Cir
San Jose, CA 95132. USA
Phone: 408-272-1313, hoặc
Check hoặc Money Order xin đề: Mrs. Hang Nguyen
Memo: Thiệp Mời
Ghi chú:
  • Thiệp Mời được gởi qua bưu điện hoặc giao đến tận nhà.
  • Thiệp Mời là vé vào cửa, xin nhớ mang theo để Ban Tiếp Tân tiện sắp xếp chỗ ngồi.
  • Xin vui lòng mua vé trước, vì nhà hàng chỉ cung cấp thêm tối đa 20 chỗ ngồi phụ trội.

Trân trọng thông báo và kính mời,
San Jose ngày 01 tháng 03 năm 2011
Thay mặt Ban Tổ Chức,
TTK. Phạm Đức Hiền

Wednesday, March 2, 2011

NINH NANG

NGUYỄN HỮU NINHSỐNG ĐỂ MÀ CHƠI…

Y Nguyên

…Tôi làm khổ vợ con lo chạy gạo

Tôi hành bạn bè lo trà thuốc, cà phê

Tôi la cà nhậu nhẹt say sưa

Trời không giết tôi cứ hoài gây tội!

(Nguyễn Hữu Ninh)

Định là không viết về anh; bởi hoàn cảnh, sắc thái mối giao tình của tôi cùng Nguyễn Hữu Ninh quá khác so với các “chiến hữu” cùng thời với anh. Tính theo niên kỉ, tôi thuộc thế hệ đàn em xa (em út!) khi Ninh vốn là bạn đồng niên (trung học Nguyễn Huệ), đồng tuế (Canh Dần – 1950), đồng khóa (võ bị Thủ Đức) với… ông anh cả của tôi! Nói vậy để thấy rằng cái Generation gap (tức khoảng cách thế hệ) giữa chúng tôi là khá lớn. Khoảng cách lớn thì điều kiện khác, hoàn cảnh khác, nhận thức khác; và, quan trọng hơn, đến thời tôi, Nguyễn Hữu Ninh cũng đã là một con người khác. Ấy là tôi căn cứ vào nhận định của ông bạn vong niên Nguyễn Đình Chiến khi anh có lần tâm sự (lúc nghe tôi ca cẩm về sự bê tha, xuống cấp của Ninh): Ngày xưa, trong tù, anh Ninh bảnh lắm…. Tôi nghe và tôi tin điều đó; bởi có một điều hết sức kì lạ, vào những năm cuối đời – tức giai đoạn Ninh trở nên vô cùng hư hỏng; lúc say sưa, thậm chí anh còn có những hành vi không khác chi (xin lỗi hương hồn anh) người mất trí – thì vẫn có những người đàng hoàng (thậm chí rất đàng hoàng) vẫn không bỏ anh, vẫn thích giao du với anh! Điều ấy củng cố niềm tin cho tôi về quá khứ một thời oanh liệt của Nguyễn Hữu Ninh. Phải; thằng tôi lúc bấy giờ đoan chắc: quá khứ đẹp ấy đã vớt vát cho Ninh. Nói cách khác, người ta yêu là yêu cái Nguyễn Hữu Ninh dĩ vãng; chứ với cái Nguyễn Hữu Ninh (lại xin lỗi hương hồn anh) nửa người nửa ngợm như bây giờ - ai yêu cho nổi???

Vậy nhưng, hết sức quái chiêu, có những người biết rất ít, hay thậm chí không biết gì, về quá khứ của Ninh vẫn… cứ thích anh! Mâu thuẫn chưa? Hiện tượng ấy khiến tôi cụt đường, loay hoay chê chán để sau cùng mới sực nhớ ra: chính tôi cũng là… một trong số đó. Đúng; tôi cũng biết anh trước khi biết về dĩ vãng của anh. Ngày ấy, cái chất văn nghệ đằng sau vẻ ngoài bệ rạc, khó ưa của anh đã thu hút tôi. Phải, nguyễn Hữu Ninh là một con người văn nghệ - đúng như anh đã có lần ề à khẳng định cùng tôi: tao biết tao là một thằng nghệ sĩ đích thực…. Điều này thì, cho đến bây giờ, tôi thực sự công nhận. Miễn trừ đi mọi định chế xã hội, quy chuẩn hành xử, phán xét đạo đức, Nguyễn Hữu Ninh đúng là nghệ sĩ; một kiểu nghệ sĩ lạc loài, bơ vơ (hay, nói chính xác, lơ ngơ) đứng giữa trần gian, mang cung cách sống, suy nghĩ và hành xử “hổng giống ai”; một UFO (vật thể lạ ngoài hành tinh) – hay lãng mạn hơn thì cũng có thể bảo anh là Trích Tiên, tức Tiên bị… trời đày! (Mà cái đám “nghĩ sợ”, nói trắng ra, có tên nào là chẳng bị trời đày. Có điều án tích nặng nhẹ khác nhau thôi. Trong số này chắc chắn Nguyễn Hữu Ninh thuộc hàng… trọng án, đi đày khổ sai!). Từ kinh nghiệm bản thân tôi mà suy ra, căn nguyên hiện tượng thiên hạ anh lập tức có lời giải ngay: mê nhau tức thị ít nhiều có họ với nhau – hay nói theo ngôn từ Phật gia thì là… cộng nghiệp! Nghiệp gì? Thì nghiệp viết lách, đàn ca, vẽ vời, múa hát v.v và v.v… (kêu xướng ca vô loại thì gọn hơn; nhưng mà tội quá!); nói nôm na cho mau, ta cứ bảo phắt là nghiệp chơi. Phải; văn nghệ văn gừng thực chất là công nghệ giải trí, là chuyện chơi. Còn nếu nó có đa mang thêm vài ba chức-tính năng gì gì đó (giáo dục, truyền thông, đạo đức, nhân bản v.v…) thì ấy chỉ là những chức-tính năng phát sinh, không phải do (bản) ý đồ của người sáng tạo! Tư duy theo hướng này thì Nguyễn Hữu Ninh đúng là nghệ sĩ zin, kinh điển, vẹn toàn, nguyên chất (hay như ngôn từ của anh: Nghệ Sĩ Đích Thực!) bởi suốt đời anh chỉ biết có chơi. Cả cuộc đời anh là một cuộc chơi. Anh sống như chơi, học hành như chơi, mặc đồ nhà binh cầm súng ra trận như chơi, đi tù như đi chơi; thậm chí (khốn nạn thân anh!), anh lập gia đình sinh con đẻ cái cũng như thể… chuyện chơi(?!). Chơisợi chỉ đỏ xuyên suốt, quán xuyến cuộc hành trình trần thế năm mươi năm dài hơi mộng mị của anh. Vốn sinh ra để chơi nên hễ anh rớ tới bất cứ chuyện gì đòi hỏi cái tư duy làm là xem như… nát bét. Anh đi đãi vàng chỉ được mỗi món… vàng mắt. Anh đi nuôi vịt thì kết cục “đút sào vô bụi”, vốn liếng đi đoong. Anh tổ chức dạy nhạc, dạy kèm Anh văn, ngày đầu môn sinh đến đông đen, khí thế đùng đùng. Nửa tháng sau, lớp chỉ còn mỗi mình… thầy và một lũ bàn ghế lơ ngơ, câm hến! Chưa hết; anh còn trồng sâm nam, làm rẫy, cùng vài ba công việc “thợ đụng” linh tinh khác (cũng cố chí làm ăn dữ!). Làm gì cũng thua; duy có mỗi chuyện chơi là thắng, đại thắng – như anh đã có lúc tự trào: …ngẫm cho kĩ ta lớn mà phỉnh nhỏ/ Dở chuyện làm mà lại giỏi chuyện chơi/ Để bắc thang lên ta hỏi ông trời…. Theo cái biết của tôi, “Nẫu ca” hay “Trách phận” của Nguyễn Hữu Ninh là một bàn thắng lớn. Cái bàn thắng mà chính Ninh cũng không ngờ tới – bởi anh viết và hát “Nẫu ca” chỉ duy nhất với mục đích để… chơi, không có ý tưởng gì nghiêm túc (điều ấy lí giải được căn nguyên vì sao phần kí âm của “Nẫu ca” anh không tự làm mà phải đợi đến tay nhạc sĩ Phan Bá Chức). Ấy vậy mà nó lại nổi tiếng “ngang xương”; trong khi những nhạc phẩm có đầu tư của anh lại không mấy người biết đến! Thế nhưng, chỗ yếu của Ninh là anh không dám thẳng thắn thừa nhận điều đó, cứ để cho những giai thoại lập lờ lưu truyền kiểu vẽ rắn thêm chân gây không ít ngộ nhận cho những người thực tâm muốn tìm hiểu về bản thân lẫn sáng tác của mình. Sợ đời nghĩ mình “ăn may” – âu cũng là bịnh chung của rất nhiều kẻ sĩ khi thành công có vẻ gì đó giống như chuyện… tình cờ. Chỉ hơi tội cho Ninh, anh làm (xin lỗi, chơi) nghệ thuật mà không biết một nguyên lí rất cơ bản của cuộc chơi, là: trong nghệ thuật, làm quái gì có chuyện… ăn may? Nghệ thuật là cuộc chơi thì chơi mà được là thuận đạo, đương nhiên; không phải cứ hùng hục gồng lưng mà được! Hơi tội và hơi tiếc cho sự yếu đuối của Ninh, bởi theo nhận định của tôi và những anh em từng cùng hội cùng thuyền với Ninh, trong cuộc đối nhân xử thế giữa cõi Ta Bà, Ninh luôn tỏ ra khá là dũng cảm (uy vũ bất năng khuất).

Ngày chưa dính nghiệp cầm bút, tôi cũng là một kẻ máu mê âm nhạc. Tôi đã mất hàng năm trời mầy mò tự học nhạc lí, tự sáng tác được ca khúc phổ thông trước khi cay đắng nhận ra mình… cóc có năng khiếu về chuyện nhạc nhùng! Tuy vậy, công phu ấy cũng không đến nỗi “dã tràng” khi nó giúp tôi nhận ra trong những sáng tác của Ninh (được anh hát cho nghe trong những cơn cao hứng lúc tửu hậu, trà dư) cái chất riêng trong giai điệu của anh. Dở hay chưa dám nói; nhưng lạ và cá tính, ấy là nhận định của tôi. Mà, kinh nghiệm làm nghệ thuật, khi anh tạo được một giọng riêng không lẫn là anh đã đi được nửa đường đến thành công. Nhạc Ninh không mượtthô, mộc, khỏe bởi anh khoái dùng nghịch âm; biến tấu nhiều, đột ngột; biên độ giọng lớn. Chính vì thế mà nhạc Ninh không dễ hát (phải chăng, đó cũng là yếu tố khiến nhạc anh khó phổ biến???). Vẻ như Ninh viết nhạc chỉ để mình anh hát. Quả thực, tôi chưa từng nghe ai hát trôi nhạc của Ninh ngoại trừ… chính anh! (Sau này, khi đã giọng đã bể vì hậu quả của thuốc lá, rượu chè… có khi chính Ninh cũng không… hát nổi nhạc của mình!) Ngay cả bài “Nẫu ca” trứ danh, tôi nghe Hoài Linh hát vẫn không đã bằng Ninh. Ấy vậy nhưng, không phổ biến hoặc khó hát chưa chắc đồng nghĩa cùng không hay. Chuyện trần gian vốn dĩ khá vô thường. Vậy nên, mong các vị bằng hữu, gia đình, người thân – nếu có thể - nỗ lực liên hệ nhau để làm một cuộc tập hợp, gom góp những gì còn sót lại trong sự nghiệp sáng tác của anh - xem như chút di sản tinh thần - dành cho hậu thế mai sau có cái mà nghiên cứu về hiện tượng Nguyễn Hữu Ninh! Ấy là thiển ý của tôi – góp cho cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng. nếu có gì sai sót, chủ quan, mong chư huynh, quí bằng hữu, độc giả gần xa cùng người thân anh Ninh độ lượng cho qua. Ấy là chuyện chung; còn phần riêng tôi, tôi phải thẳng thắn thừa nhận một điều: cái chất nổi loạn, dằn vặt, trở trăn, muốn phá tung nhà tù khuôn thước trong dòng nhạc của Ninh không phải không ít nhiều ảnh hưởng đến ngòi bút của tôi. Ấy là điều tôi phải chân thành tri ân anh – dẫu lời tri ân ấy có hơi bị muộn màng…

Lạ kì chưa; lần đầu cầm bút viết về anh mới chợt phát hiện ra: còn nhiều, nhiều nữa những điều tôi muốn viết, muốn kể về Nguyễn Hữu Ninh! Nhưng thôi; tôi không muốn vội vàng; xin dành lại những gì chưa nói cho các kì giỗ sau…

Miền Thùy Dương - tháng giêng năm Tân Mão

Y.N