Wednesday, April 13, 2011

THÔNG BÁO VĂN NGHỆ ĐẠI HỘI



(Bản Tin Số 8)
Để Đại Hội Cựu Học Sinh Phú Yên thêm hào hứng và đáng nhớ, Ban Tổ Chức trân trọng kính mời quý thầy cô và đồng môn đóng góp tài năng của minh qua những tiết mục như thi, ca, vũ, nhạc, kịch…
Để tiện việc sắp xếp, xin quý vị cho biết:
· Tên tiết mục,
· Thời lượng,
· Số người trình diễn.
Nếu là tân nhạc, xin cho biết:
· Tên bài hát,
· Tên tác giả,
· Cung nhạc (chord),
· Điệu nhạc (style).
Vì thời gian có hạn, nên BTC sẽ:
· Theo đúng chương trình,
· Ưu tiên cho người ghi danh trước.
Ghi chú: Nếu được yêu cầu, BTC sẽ sắp xếp thời gian trập dợt.
Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc:
Email: famduchien@yahoo.com

Trân trọng thông báo,
San Jose ngày 10 tháng 4 năm 2011
Thay mặt ban tổ chức
Phạm Đức Hiền

ĐỌC "MỘT NGÀY, NGÀN NGÀY" CỦA ĐẶNG KIM CÔN


Nguyễn Thị Hải Hà

Tập truyện này bao gồm 12 truyện ngắn. Truyện đầu tiên có tên là Đâu Đó, Ngày Mai viết năm 1972. Truyện cuối cùng là Một Ngày, Một Ngàn Ngày xuất hiện năm 2010.

Tập truyện này do Thư Quán Bản Thảo xuất bản. Độc giả nếu muốn có tác phẩm có thể liên lạc với ông Đặng Kim Côn dangkimcon@gmail.com hay tranhoaithu@veion.net .

Trong lời tựa của tập truyện này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét: “Đặng Kim Côn vẫn cho người đọc thấy những trang chữ của ông không rời khỏi không khí của một cuộc chiến bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam .” Ở một đoạn khác ông viết: “Truyện của Đặng Kim Côn là chuyện về số phận con người trong cuộc chiến Việt Nam . Chuyện của những người lính ngoài mặt trận, giữa tiếng súng và bom mìn, trên một miền đất cách xa đô thị, họ phải giết và họ bị giết chính bàn tay của những người cùng chủng tộc. Họ sống trong bầu khí chiến tranh và thở hơi thở của một cuộc chiến mà không hề biết đâu là biên giới của địch và ta. Mặt trận ở đâu? Và tình yêu đến với họ dễ dàng như cứ đưa bàn tay ra là bắt được.” Kết thúc lời tựa nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hỏi độc giả nghĩ thế nào sau khi đọc hết quyển sách này.

Nhà văn Trần Hoài Thư trong lời bạt nhận xét như sau: “Anh có một lối viết rất thông minh, những nhận xét rất tinh tế, những chữ nghĩa rất óng mượt mà gợi cảm làm sao.” Ông đưa ra hai trích đoạn trong Mùa Xuân Nếu Có Thật và Sông Núi Trở Màu.

Ông nhận xét tiếp về văn của Đặng Kim Côn như “Ưu điểm thứ hai là cách viết đối thoại của anh.” Và “ĐKC đã biết khai thác đối thoại như là một yếu tố cần thiết để làm tươi mát thêm. sinh động thêm cái cốt truyện đầy màu đen tối... Chúng như những tia nắng ấm giữa một mùa đông u ám. Chúng cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật.

Không phải dễ dàng để sắp xếp một đoạn đối thoại cho mạch lạc, hào hứng, thi vị, để độc giả cùng vui, cùng buồn cùng mỉm cười, hay cùng cay đắng với người trong cuộc.”

Đây là nhận xét tinh tế của hai nhà văn giàu kinh nghiệm. Ngắn gọn và súc tích hai vị đã nói những điều căn bản nhất một cách vô cùng chính xác. Điều này thật là khó khăn cho tôi không ít bởi vì chẳng những các vị đã nói hết những điều quan trọng, các vị còn lại nói rất hay. Tôi làm sao dám múa rìu qua mắt thợ? Tôi chỉ là người đọc, thích viết. Đọc những tác giả đi trước là một cách tôi tìm kiếm kinh nghiệm cho riêng tôi.

Truyện ngắn Say Mộng viết năm 1974 theo tôi là truyện có kỹ thuật viết cứng cáp nhất trong tập truyện. Từ tốn nhưng đầy tự chủ và rất tỉnh táo, tác giả khai triển chi tiết của truyện rất tròn đầy. Ông luân phiên ở trạng thái kể chuyện và đối thoại, tỉnh táo và mê sảng, đặt nhân vật ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, mơ mộng và thực tế. Tuy đào sâu nội tâm người lính, tác giả cũng cho thấy tình hình chiến trường đang rất sôi động.

Nhân vật tham gia những trận đánh khốc liệt nhưng vẫn an toàn; cuối cùng lại bị thương nặng vì một cậu bé chăn trâu mười hai tuổi ôm B40 phục kích bắn lật xe của nhân vật. Tác giả nói lên cái đau đớn về thể xác của người lính bị thương. Nhân vật trong truyện may mắn có gia đình và chiến hữu thăm nom săn sóc. Tôi tưởng tượng ra cái đau của thể xác cộng với cái đau tinh thần của những người lính không có thân nhân.

Hình ảnh Kim mặc bộ đồ đen đứng ở chân giường của nhân vật có thể là mộng cũng có thể là thật. Đây là một biểu tượng, dường như, tác giả dùng để nhấn mạnh cái đức tính dịu hiền của người vợ hay tăng thêm chút hương vị đa tình của anh lính. Ở đây tôi nhận ra cái đam mêviết văn của tác giả qua hình ảnh anh lính sắp chết mà vẫn đọc cho vợ viết những suy nghĩ cuối cùng của anh ta.

Trong các truyện ngắn khác tôi không gặp lại cái chăm chút về kỹ thuật viết này.

Rất khó mà mang những chi tiết vụn vặt hằng ngày vào tác phẩm để biến những tủn mủn của đời sống thành truyện; ở một phạm vi rất khiêm tốn, tác giả muốn người đọc nhìn thấy, ở một mức độ nào đó cũng rất khiêm tốn, những điều tác giả quan sát và cảm nhận đã được tác giả dùng ảo thuật biến chúng thành...văn chương.

Nhà văn Đặng Kim Côn đã cố gắng làm công việc ấy. Truyện Chiếc Bánh Giáng Sinh viết năm 1980 đã thể hiện xã hội thời bao cấp, người quân nhân của chế độ cũ đang ở trong trại tù và vì thế cái bánh làm bằng “sợi sắn mì ngào đường đen” “đầu tiên trong cuộc đời một gã không đạo, sao mà nó thiêng liêng, nó quí giá, nó thánh khiết, nó sáng lóa một tin mừng.”

Truyện này được viết bằng giọng văn trau chuốt, phảng phất nhạc điệu của thơ. Đây là một trong hai truyện làm tôi cảm động nhất. Truyện kia là Buổi Chiều Đang Hết viết vào năm 2009.

Truyện Buổi Chiều Đang Hết hoàn toàn khác hẳn những truyện trước. Không còn chuyện tình lãng mạn gặp nhau trên đường, yêu nhau, làm tình với nhau, và xa nhau trong vòng mười ngày. Truyện này nói về cái hối hận của một người con trai đã đối xử không phải với bà mẹ. Không khéo léo trau chuốt đến độ “đổi cả trăm năm tiếng mẹ cười” nhưng qua những lời văn rất bình dị nhà văn Đặng Kim Côn cho thấy suy nghĩ của nhân vật luân phiên giữa cơn giận dữ và lòng hối hận, qua đó đã gián tiếp nói về lòng yêu mẹ. Truyện này lấy bối cảnh ở Mỹ.

Truyện Vỡ Tổ (2009) cũng lấy bối cảnh ở Mỹ đã nói lên cái những tủn mủn của đời sống ở hải ngoại, khi tất cả những giá trị văn hóa đã được thiết lập hơn mấy mươi năm trong đời sống của nhân vật hoàn toàn bị sụp đổ.

Ba truyện ngắn trong tuyển tập này Đâu Đó, Ngày Mai (1972), Chiếc Bánh Giáng Sinh (1980), và Một Ngày Một Ngàn Ngày (2010) có nhiều điểm tương đồng. Một anh lính, yêu một cô gái hoạt động cho mặt trận đối nghịch, vì hoàn cảnh họ xa nhau và nhiều năm sau họ gặp lại nhau. Cô gái vẫn còn yêu anh lính. Xin độc giả chú ý thời gian truyện được viết ra.

Truyện Đâu Đó, Ngày Mai tác giả viết lúc ông 24 tuổi. Truyện Chiếc Bánh Giáng Sinh được viết sau năm 1975 thời điểm hầu hết mọi sĩ quan VNCH đều bị đi cải tạo, Truyện Một Ngày, Một Ngàn Ngày cách truyện đầu tiên gần 40 năm.

Điều gì đã khiến tác giả Đặng Kim Côn viết ba truyện ngắn có cốt truyện giông giống nhau chỉ khác chi tiết mà thôi? Tôi tự hỏi cũng như tôi đã tự hỏi điều gì đã khiến bà Marguerite Duras cứ viết về một người tình là đàn ông Á châu từ Người Tình, đến Người Tình Hoa Bắc, đến Người Tình ở Hiroshima?

Điều gì đã khiến Gabriel Garcia Marquez viết về một cô điếm 14 tuổi Love in the Time of Cholera và 23 năm sau ông viết cũng về một cô điếm 14 tuổi trong My Melancholy Whores?

Với Đặng Kim Côn có phải đó là mong ước được viết nên một tình yêu bất tử với thời gian, vượt biên giới chính trị? Hay có một ẩn khúc nào đó cứ làm ông cảm thấy cần phải viết cho đúng, sửa cho ngay, hay gìn giữ một mảnh quá khứ đã bắt đầu phai nhòa? Hay ông muốn bảo cho độc giả biết kẻ thù có thể là người yêu trong khi người ở hậu phương hay đồng ngũ có thể là kẻ thù?

Đặng Kim Côn là một nhà văn lãng mạn. Nhân vật của ông yêu nhau dễ dàng mau chóng. Nhân vật nam thường khéo nói, giỏi tán tỉnh, lẻo mép một cách duyên dáng. Nhân vật nữ của ông luôn luôn nhiều cảm xúc tính tình mềm mại đa cảm, hễ đã yêu thì đến mấy mươi năm sau họ vẫn còn yêu. Những mối tình này dường như trẻ mãi không già, sau mấy mươi năm họ vẫn còn yêu một cách rất là . . .tình yêu tuổi ngọc.

Tôi thường quan sát truyện ngắn ở cấu trúc, và cách xây dựng nhân vật. Đặng Kim Côn không quá chú trọng đến cấu trúc nhưng cấu trúc truyện của ông vững vàng hợp lý, ông không quá chú trọng đến những thắt mở gút ly kì nhưng đủ chi tiết để thu hút độc giả. Nếu có thể than phiền tôi sẽ than phiền một điều các nhân vật nữ của ông yêu mù quáng, thờ phượng người đàn ông nhiều quá, chung tình quá, lý tưởng đến độ trở thành khuôn mẫu. Đôi khi ông giải thích nhiều quá (trang 57), tôi đã thầm ước ông mù mờ hơn, ngầm hơn, ẩn dụ hơn, để độc giả tưởng tượng thêm.

Như nhà văn Trần Hoài Thư đã nhận xét. Ưu điểm của nhà văn Đặng Kim Côn là viết đối thoại. Nhân vật của ông có những câu nói lém lỉnh như:

“Phá em, em qua giường kia nằm, bỏ anh chết lạnh bây giờ.”

“Giường em có hàng rào kẽm gai hả?” Trích trong Đâu Đó, Ngày Mai.

Hoặc là:

“Em đã là vợ anh rồi đấy nhé.” “Cho anh đứa con. Em mà không chịu có bầu, cục đá này có bầu đấy. Em có muốn lên đồi với anh không?”

Trích trong Chiếc Bánh Giáng Sinh. Đặng Kim Côn cũng là nhà thơ.

Ông cho biết ông làm thơ dễ dàng hơn viết văn. Văn của ông cũng mượt mà óng ả như những đoạn thơ. Thí dụ như:

“Ba năm lầm lũi bước giữa mây mù, chờ đợi một mặt trời không mọc, những thứ ánh sáng ngày mai mù mờ như những lời hứa hẹn sáo rỗng.”

Và.

“Chàng sững người. Cánh chim đó đã bay đi. Những yêu thương, đau khổ, hy sinh và chịu đựng chỉ là tiếng hót hư ảo của chim trống đặt ra như những bài ca không lời, ru ngủ, mê hoặc những con tim mềm yếu.” Trích trong Chiếc Bánh Giáng Sinh.

Tôi không nghĩ đây là tập truyện hay nhất của ông. Truyện hay nhất

của ông vẫn còn đang chờ xuất hiện.

Nguyễn Thị Hải Hà

New Jersey 3-2011

(Trích Sài Gòn Nhỏ số 691, ngày 2 tháng 4, 2011)

Monday, April 11, 2011

HỌP MẶT NAM BẮC CALIFORNIA




Tục ngữ Việt Nam có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Vì vậy, để nối kết tình thân ái, thể hiện sự đoàn kết, chung lưng đấu cật giữa hai miền Nam Bắc Cali nhằm chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức đại hội thế giới Cựu Học Sinh Phú Yên kỳ II được thành công tốt đẹp. Một phái đoàn do anh Đặng Duy Nhượng dẫn đầu từ San Jose nhắm hướng Phước Lộc Thọ trực chỉ.
Khởi hành vào lúc 7 giờ sáng Thứ Sáu ngày 04-3-2011, trong lòng mọi người mang theo tâm trạng hớn hở, vui mừng. Suốt chặng đường dài hơn 400 miles, trên xe lúc nào cũng vang tiếng cười bởi những câu chuyện tiếu lâm thời đại đã làm cho mọi người cảm thấy cuộc hành trình được thu ngắn lại và quên hết sự mệt nhọc của một ngày rong ruổi.
Trong bữa cơm chiều do chủ nhà Nguyễn Quỳnh & Trần Tấm khoản đãi, buổi họp sơ khởi đã được diễn ra vào lúc 6 giở 30. Ngoài bảy người của San Jose, anh chị Quỳnh & Tấm còn có sự hiện diện của anh Hoàng Khai Nhan, một nhân vật nổi tiếng của Nguyễn Huệ mà nhiều người biết đến.
Buổi họp chính thức giữa hai miền Nam Bắc Cali đã được khai diễn vào lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy ngày 05-3-2011, địa điểm vẫn tại tư gia của anh chị Quỳnh & Tấm số 6265 Cherokee Dr, Westminster, CA 9292683.
Tham dự, đặc biệt có sự hiện diện của quý thầy Nguyễn Văn Bình, Lê Quang Khanh và Bửu Đôn; riêng thầy Lê Trọng Ngưng đã nhận lời mời nhưng đến giờ chót bị trở ngại nên không đến được, thầy gọi phone thăm hỏi và gửi ủng hộ đại hội 100 dollars. Xin chân thành cám ơn sự ưu ái và lòng thương yêu học trò của quý thầy.
Phía cựu học sinh có các chị: Nguyễn Trần Tấm, Cao thị Cảo Thơm, Nguyễn Thị Hằng, Lê Thị Chính, Lê Thị Diệu Thanh, Vũ Thị Thiêm, Nguyễn Thị Út, Hàn Ái Liên, Phạm Lan Anh, Nguyễn Thị Để, Hoàng Thanh Phước, các anh: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Quốc Khánh, Đặng Quốc Hiển, Trần Tử Hòa, Nguyễn Văn Bửu, Đặng Đình Khuê, Phạm Đức Hiền, Đặng Duy Nhượng.
Mở đầu, anh Phạm Đức Hiền tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, chị thủ quỹ Nguyễn Thị Hằng báo cáo tài chánh.
Tiếp theo anh Đặng Duy Nhượng thay mặt Ban Tổ Chức lần lượt trình bày diễn tiến chuẩn bị cho đại hội, những công việc đã, đang và sẽ thực hiện. Phác họa và soạn thảo chương trình tổng quát hai ngày đại hội, phân công, phân nhiệm cho các thành viên trong Ban Tổ Chức. Công bố bảng dự trù ngân khoản chi tiêu,
với số tiền quỹ hiện có, việc tổ chức sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Trong phần phát biểu, thầy Nguyễn Văn Bình cho biết tuy sức khỏe của thầy không được khả quan, phải thường xuyên uống thuốc và chỉ có thể ngồi lâu một tiếng đồng hồ nhưng thầy vẫn vui vẻ đến tham dự. Thầy hứa sẽ có mặt trong ngày đại hội.
Thầy Lê Trọng Khanh ngỏ lời ngợi khen, thán phục sự hy sinh, tình nguyện làm việc bất vụ lợi của các anh chị trong thời gian vừa qua cũng như những ngày sắp đến. Thầy chúc đại hội thành công.
Từ ngày qua định cư tại Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên thầy Bửu Đôn sinh hoạt với gia đình Nguyễn Huệ, thầy rất vui, rất xúc động, cám ơn và ca ngợi tinh thần dấn thân của BTC, thầy ước mong có nhiều dịp được gần gũi với học trò như thế này.
Các thành viên đã chăm chú lắng nghe phần trình bày của ban tổ chức, các bạn sốt sắng đóng góp ý kiến. Chị Nguyễn Trần Tấm được đề cử chức vụ Trưởng Ban Tiếp Tân, ngoài ra các anh chị khác cũng hoan hỉ với công tác được phân nhiệm.
Anh Nguyễn Văn Bửu (ĐS.16) cho biết sẽ tặng cho đại hội hai bức hình nghệ thuật do chính anh chụp để BTC bán đấu giá, tiền bán được hoàn toàn sung vào quỹ. Xin hoan nghênh tinh thần cao quý và chân thành cám ơn lòng tốt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bửu.
Buổi họp chấm dứt vào lúc 3 giờ 30 cùng ngày, mọi người ra về trong niềm hân hoan, nôn nóng chờ đợi ngày đại hội mau chóng đến gần.
Sau đó thầy trò cùng kéo nhau sang thăm vườn lan nhà chị Chính, người đứng góc này, người ngồi góc kia, nụ cười hé nở cùng những đóa hoa khoe sắc, máy hình chớp nháy lia lịa, vui thật là vui.
Sáng Chủ Nhật, trong khi gia chủ và “khách quí” đang bịn rịn chia tay, anh Đỗ Ngọc Huỳnh mặc dù đang phải tất bật dọn nhà cũng vội vã chạy đến chào tạm biệt. Nhìn anh trong chiếc áo thun, quần ống cao ống thấp, chúng tôi cảm động vô cùng. Thế mới biết tình đồng môn, tình bạn hữu cao quí, thắm thiết làm sao!.

Hai tuần lễ sau, buổi họp thứ hai đã được tổ chức tại Bắc Cali vào Chủ Nhật ngày 20-3-2011 tại tư gia chị Nguyễn Hồng Vân số 3662 Lightfare Ct. San Jose, CA 95121.
Thành phần tham dự gồm có các chị Nguyễn Hồng Vân, Phạm Bích Diệp đại diện trường Bồ Đề, Nguyễn Thị Hằng, Đặng Thị Nga, Phạm Lan Anh, Nguyễn Thị Để, Nguyễn Thị Tuyết, Dương Thị Hoa, Hoàng Thanh Phước, đặc biệt có khách quí Lê Thị Hải Đường cùng phu quân đến từ Canada, các anh Trương Kỉnh Thành đại diện trường Đặng Đức Tuấn, Đặng Đình Khuê, Phạm Đức Hiền, Đặng Duy Nhượng.
Khai mạc vào lúc 1:30 chiều sau bữa cơm trưa rất ngon miệng, như thường lệ anh TTK. Phạm đức Hiền chào mừng, cám ơn gia chủ cùng các anh chị hiện diện và trình bày mục đích buổi họp, chị thủ quỹ Nguyễn Thị Hằng báo cáo tài chánh.
Anh Đặng Duy Nhượng sơ lược công việc chuẩn bị cho đại hội và đề cử anh Phạm Đức Hiền kiêm chức vụ Trưởng Ban Văn Nghệ, chị Nguyễn Thị Để làm Phó Ban Tiếp Tân, hy vọng sẽ có một Ban Tiếp Tân thật hùng hậu.
Nhân dịp này quỹ “Nhớ Bạn” được thành lập do đề nghị của anh Lữ Đức Kỳ và một số anh chị khác. Trong lúc thầy trò chúng ta ở hải ngoại tổ chức đại hội vui chơi với nhau nhưng vẫn không quên đến một số bạn kém may mắn ở quê nhà, bị thương tật trong cuộc chiến trước năm 1975, hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn, sau đại hội BTC sẽ gửi một chút quà như lời thăm hỏi và chia sẻ với họ.
Hoàng Thanh Phước xin tặng bức hình Quang Trung Đại Đế đấu giá được trong tiệc mừng tân niên Tân Mão của Hội Tây Sơn Bình Định Bắc Cali với giá $400 dollars để BTC bán lại trong ngày đại hội. Sau đó, nhiều cánh tay dơ lên xin ủng hộ, kẻ ít người nhiều, sơ khởi số tiền đã thu được $600. Chị Đặng Thị Nga “quản lý” quỹ này. Hy vọng trong ngày đại hội quỹ “Nhớ Bạn” sẽ được các bạn ủng hộ rất nhiều.
Buổi họp kết thúc vào lúc 3:30 PM, các bạn vui vẻ chia tay, hẹn gặp lại vào lần tới.
Thanh Phước.
Xin xem thêm hình ảnh: