Monday, October 31, 2011

TIẾNG CƯỜI BAO TỰ


Ở Ninh Hòa quê tôi, sân trường thường được che bóng bởi cây phượng, cây bàng. Cho nên khi đổi ra học ở trường Nguyễn Huệ cũ nằm trên đường số Sáu Tuy Hòa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy trường nằm dưới bóng những hàng dương. Trường thì rêu phong cũ kỹ, những hàng dương mang màu xanh sậm gây cho tôi cảm giác buồn và xa lạ. Vào lớp học tôi nhìn thấy thêm một thứ rất lạ nũa: Đó là những đôi dép cao su màu đen làm bằng lốp xe mà một vài bạn nam sinh hàng ngày vẫn mang đến trường. Các chị gái thì luôn giản dị trong tà áo dài trắng vớí chiếc cặp da che ngang ngực và đôi mắt trong sáng ngơ ngác dưới vành nón.

Cuộc sống ở Tuy Hòa thật yên tĩnh, con người hiền lành chất phác. Đường đến trường dần trở nên quen thuộc, bạn bè cũng đã quen tên và sân trường không còn buồn như tiếng rủ rỉ của hàng dương vi vu trong gió.

Những ngày đi học đã trở nên những ngày vui nhất đời. Tôi không nhớ những bài học lịch sử, vạn vật, chẳng hiểu gì về các định lý, định đề, cân bằng phản ứng, quỹ tích, hằng số….nhưng chắc chắn tôi nhớ bạn, nhớ thầy.

Học trò hồi đó thât ngoan, chúng tôi luôn yêu quý, kính trọng thầy …và cũng hay để ý đến thầy. Hôm nào thầy mặc áo mới là học trò nhận ra ngay.

Tôi không hiểu sao thời đó các thầy đều ốm nhom kể cả thầy hiệu tưởng Giang và thầy tổng giám thị Toản. Ốm nhất có lẻ là thầy Đằng. Mỗi khi thầy từ cổng bước vào trường, tôi có cảm giác như thầy được gió thổi tới. Cho nên khi thầy Ngô Văn Chương đổi đến, thầy rất được học trò chú ý.

Thầy Chương không còn trẻ, có lẽ thầy đã trên 40 và thầy không ốm như hầu hết các thầy khác. Thầy mập mạp, tròn trịa như một thương gia; và nếu là một doanh nhân chắc thầy thành công lắm, bởi cách nói chuyện của thầy vô cùng thu hút.

Thầy dạy việt văn, môn học không dính dấp gì đến tướng mạo của thầy, vì giọng giảng bài của thầy sang sảng, thao thao bất tuyệt. Thơ văn cứ thế tuôn vào những cái miệng há hốc của học trò rồi nằm im trong dạ khỏi cần khổ công học bài.

Giảng bài xong thầy ngâm thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn mặc Tử….. Ngâm thơ xong, thầy hát những bài hát trữ tình lãng mạn.

Thầy thổi một làn gió mơ mộng vào tâm hồn bọn học trò quê mùa, chậm chạp của chúng tôi. Thầy rất “tân thời” hồn nhiên phá cách và rất chi lãng mạn.

Một trong số những bài hát của thầy mà tôi còn nhớ là bài “Hỏi Em”:

Em ơi,
Ngồi xuống đây, ngồi xuống đây
Cho anh hỏi nhỏ câu này
Em có nhớ chúng mình
Yêu nhau từ ngày tháng mấy
Có phải từ một đêm
Mùa Xuân trở mình không?
Có phải từ một sáng
Mùa Đông nghe gió heo may
Có phải từ một trưa
Mùa Thu mây giăng đầu ngõ?
Có phải từ một tối
Mùa Hè đom đóm thi nhau bay

Sao mà anh không nhớ?
Sao mà anh không nhớ?
Có phải vì có em hôm nay
Có phải vì có em hôm nay
Có phải vì có em hôm nay
Nên thời gian say
Say đôi môi, hôn đôi môi
Say đôi bàn tay trong đôi bàn tay

Em ơi,
Ngồi xuống đây, ngồi xuống đây
Cho anh hỏi nhỏ câu này…

Bài hát ấy có lẽ do thầy soạn từ chính một bài thơ của thầy và nó không phải là một bài hát….hay.

Nếu hay nó đã được các ca sĩ hát trên đài phát thanh. Bài hát chỉ “lưu hành nội bộ”, nhưng nó phát tán nhanh kinh khủng và trở nên phổ biến, được hát lên khắp sân trường. Mấy anh mang dép lốp cũng trở nên bạo dạn và có lẽ lần đầu anh dám hát “em ơi ngồi xuống đây” mỗi khi có bóng một chị áo trắng đi ngang qua.

Thày Chương có cách dạy rất sống động. Khi dạy đến tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, thầy cho một học sinh thuyết trình về thân phận nàng Kiều.Trong giờ thuyết trình, mỗi học sinh trong lớp đều chuẩn bị một câu hỏi. Thầy muốn rèn luyện cho học trò cách phát biểu ý tưởng, cách chất vấn và một phong cách giao tiếp tự tin.

Học trò hồi đó rất nhút nhát và sợ nhất phải đứng lên nói giữa lớp; cho nên ai nấy đều lo lắng.

Trong lớp có anh T. lớn tuổi nhưng yếu môn việt văn. Anh lại có tật nói lắp nên anh vô cùng sợ hãi khi nghe sắp phải làm một điều khó khăn nhất đời là sẽ phát biểu trôi chảy trước mặt mọi người. Nhìn anh căng thẳng, đau khổ thấy mà thương. Chao ôi, những nỗi khổ tâm tuổi học trò sao mà khó nói và dễ thương đến vậy.

Giở thuyết trình đã đến. Hôm đó thầy Chương đeo cà vạt ngồi ở bàn cuối. Anh bạn giỏi Việt văn nhất lớp lên bàn thầy giáo hùng hồn, tự tin đọc bài thuyết trình dài năm trang giấy. Sau đó anh mời anh T. đứng lên nói cảm nghĩ của anh về nàng Kiều (có lẽ thầy Chương dặn anh bạn thuyết trình nhớ quan tâm gọi những bạn nhút nhát phát biểu). Anh T. đứng lên, mặt tái xanh, tái mét trong không khí im lặng bao trùm lớp học. Chúng tôi có cảm giác mồ hôi đang toát ra khắp người anh T.

Sau mấy giây chờ đợi ngợp thở anh T. bắt đầu lắp bắp “K…K…K…K…K..K...K…K…K.IÊ..Ù…." rồi anh im bặt. Cả lớp không nhịn đựợc, phá ra cười muốn nổ tung cả lớp.

Thầy Chương đứng dậy bước tới cạnh anh T. dịu dàng, ôn tồn nói “em bình tĩnh ngồi xuống đi. Không sao đâu. Tất cả mọi khó khăn trên đời em đều có thể vượt qua. Thầy tin rằng rồi em sẽ tự tin làm được tất cả mọi thứ mà người khác làm được”.

Cả lớp im lặng; một vài bạn cúi đầu rơm rớm nước mắt.

Năm đó thầy Chương đến các lớp tuyển vai nàng Bao Tự cho vở kịch sẽ được diễn trong chương trình văn nghệ cuối năm. Những người đẹp e ấp xuất hiện trước sự chọn lựa khó tính của thầy. Cuối cùng, Võ Thị Châu, học cùng lớp với tôi, được chọn đóng vai này.

(Hình trên: Châu đứng cạnh Huyền Chiêu, Sau lưng thầy Trí. Tấm hình là của lớp Đệ Tứ 5 (NK 1963-1964). Hàng thứ nhì có Quách Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Tành. Hàng Thứ ba có Lưu Phúc Phương , Lý Thị Tuyết Mai. Hàng cao nhất có Nguyễn Thị Hồng Bích).

Châu ngồi cạnh tôi lớp Tứ 5, thế chỗ Hoàng Ánh đổi theo ba mẹ lên học ở Đà Lạt.

Châu đẹp, hiền lành dịu dàng và có khuôn mặt buồn như…nàng Bao Tự.

Tính Châu đa cảm và thương người.

Một lần rủ nhau xuống biển chơi, thấy có xác người chết đuối, trong khi bọn tôi sợ hãi không dám lại gần thì Châu chạy đến bên đám đông khóc thảm thiết như khóc người thân của mình.

Châu viết chữ rất đẹp, học chăm và hát hay. Chúng tôi hãnh diện vì Châu được thầy Chương chọn đóng vai mỹ nhân lừng danh trong sử sách.

Đêm văn nghệ được chờ đợi rồi cũng đến. Anh chàng đóng vai U Vương …. dở quá. Trong cái áo lụng thụng anh quơ tay quơ chân lung tung một cách vụng về trông giống ông thầy cúng, chẳng oai chút nào.

Nhưng Châu thì thật xuất thần. Khuôn mặt ủ rũ của Châu đầm đìa nước mắt; và khi Châu cười, tiếng cười bi thiết lạnh lùng nghe như tiếng xé lụa.

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, thật bất ngờ gặp lại các bạn ngày xưa dưới mái trường Nguyễn Huệ, tôi mừng mừng, tủi tủi khi được trò chuyện qua điện thoại với chị Phan Ái Mai, Hoàng Ánh, Hoàng Yến….

(Hình bên: Nguyễn Thị Cúc , Lưu Phúc Phương, Phan Ái Mai)

Một hôm, qua chị Lưu Phúc Phương tôi được biết người đẹp đóng vai Bao Tự năm xưa đã qua đời, khi còn rất trẻ.

Tôi thực bàng hoàng. Liệu Bao Tự mà Châu thủ vai, có phải là điềm báo trước của số phận “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay không?

Sau khi học xong trung học Châu vào Saigon, là nơi Châu gặp người yêu. Hai người thương nhau lắm.

Rồi người thứ ba xuất hiện! Giàu có hơn, xinh đẹp hơn thì chưa chắc, nhưng có lẽ nhờ khôn khéo hơn nên cô nàng này đã cướp tay trên người mà Châu yêu, làm Châu đau khổ cùng cực.

Một thờì gian sau, Châu chấp nhận lời cầu hôn của một người đàn ông bình thường mà Châu không yêu, nhưng nghĩ rằng anh tử tế và thực lòng yêu Châu.

Có người thấy Châu sống trong một trại gia binh ở Ban Mê Thuật, yên phận và nhẫn nhịn với cuộc đời. Nhưng cuộc đời không tử tế với Châu. Châu đã qua đời năm chưa đầy ba mươi tuổi, để lại hai đứa con thơ dại.

Chị Phương cũng chỉ nghe kể lại như vậy thôi. Chị cũng không biết rõ lý do nào mà Châu rời bỏ cỏi đời sớm như vây.”

Có lẽ cuộc đời này vô cùng khắc nghiệt mà trái tim đa cảm của Châu thì lại quá mong manh.

Khi tôi biết tin về Châu thì linh hồn của Châu đã như một đám mây trắng bay về núi cũ.

Nhưng, hình ảnh Châu hiền lành, tóc xỏa ngang vai, vẫn dịu dàng tha thướt trong sân trường, và, tiếng cười như thủy tinh vỡ của Châu trong vai nàng Bao Tự một ngày rất xa, vẫn còn vang vọng mãi trong lòng tôi đó, Châu ơi!

Lương Lệ Huyền Chiêu

Giáng Sinh 2010.