Monday, December 9, 2013

MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR!



Kính thưa quý Thầy Cô và các Bạn,

Thời gian thấm thoát qua nhanh, mới đó mà một năm đã trôi qua, nhân loại trên toàn thế giới đang chuẩn bị mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh và Năm Mới 2014. 
Nhân dịp này, Diễn Đàn Cựu Học Sinh Phú Yên và Blog Cánh Chim Tìm Đàn xin kính chúc quý Thầy, Cô và các Bạn cùng quý quyến được an lành, hạnh phúc trong hồng ân Chúa Hài Đồng, qua năm Giáp Ngọ được dồi dào sức khỏe, vạn sự may mắn và thành công tốt đẹp. 

Diễn Đàn Cựu Học Sinh Phú Yên và Blog Cánh Chim Tìm Đàn được thành lập tuy còn rất non trẻ nhưng đã đáp ứng nhu cầu cần thiết, được quý Thầy, Cô, các Bạn thương mến, tán thưởng và nồng nhiệt hưởng ứng. 

Trong thời gian 4 năm qua (2009-2013), Diễn đàn HSPY và Blog CCTĐ đã đón nhận rất nhiều ý kiến xây dựng, thông tin liên lạc giữa thầy – trò khắp mọi nơi, từ trong nước đến hải ngoại, Chia sẻ cho nhau chuyện vui, buồn trong cuộc sống về mọi lãnh vực như văn hóa, khoa học, nghệ thuật và giải trí lành mạnh. Ngoài ra còn tiếp tay trong việc phổ biến và cổ động hữu hiệu cho 4 kỳ đại hội thế giới CHSPY. 

Nhóm thực hiện ước mong được quý Thầy, Cô và các Bạn tiếp tục ủng hộ, đóng góp nhiều hơn nữa để sinh hoạt của CHSPY ngày thêm sinh động và phong phú.

Trong tinh thần thiện nguyện, bất vụ lợi, tuy đã cố gắng hết sức nhưng trong khả năng hạn hẹp, diễn đàn CHSPY và Blog CCTĐ còn nhiều thiếu sót. Ước mong được quý Thầy, Cô và các Bạn vui lòng bỏ qua và hoan hỉ đón nhận như một món quà tinh thần nhỏ bé cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Mọi đóng góp ý kiến, bài vở và chia sẻ về mọi lãnh vực xin gửi về địa chỉ email: cuuhocsinhphuyen@gmail.com

Xin chân thành cám ơn,

Trân trọng kính chào,

California, ngày 15 tháng 12 năm 2013,
TM. Nhóm thực hiện,
Đặng Duy Nhượng

Tuesday, November 5, 2013

GIẤC MƠ ĐẠI HỘI 4























(Hài kịch 1 cảnh, 1 màn)
Sáng tác: Thu Kỳ
Nhân vật: -Chồng: Lê Văn Cống,  răng hô, mập và lùn.
       -Vợ: Nguyễn Thị Mương, cao và gầy.
Cảnh: Một căn nhà nghèo ở Quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên….
Ông chồng vác cuốc từ đồng ruộng về nhà thấy bà vợ mặc áo dài vừa đi, vừa nhún nhảy bắt chước điệu bộ người mẫu,  miệng hát bài  “Đời Bỗng Dưng Vui”…

Chồng: (nói giọng Nẫu) Mới sẩm tấu mà bà làm trò khỉ zì dzậy? Bộ hầu xuân rầu hay sao mà “ngựa” quá zậy.

Vợ: Nè ông xã, zợ chồng mình khổ cực trong suốt mấy năm qua, quyết tâm làm ruộng, nuôi heo để sống, nhưng nghèo càng nghèo thêm, nơn kỳ này tui quyết sang Mỹ để tìm cơ hậu.

Chồng: ở Đồng Xuân hay Mỹ Tho thì cũng như nhau thôi, đâu có gì khác gì mà bà tình dọn sang Mỹ Tho để làm cái gì?

Vợ: Ông ơi, sao ông “wuê” zậy, “Mỹ” đây là Mỹ thiệt, là Wuê Kỳ đàng hoàng, chứ không phải Mỹ Tho đâu.

Chồng: Cái gì? Bà tính đi Mỹ thiệt hả, làm sao mà đi, đi với lý do gì, rầu tiền đâu mà đi.

Vợ: Ông còn nhớ con nhỏ Thu Kỳ cao giò ở La Hai không; nó vừa gọi điện thoại cho tui nói năm nay có đại hậu cựu học sinh Phú Yên ở Nam Cali; nó nói nó cũng có chân trong BTC nên rủ tui đi cho vui, nó nói nó sẽ gởi thư mời, rầu mình nộp đơn lơn tòa đại sứ.  Nghe nẫu nói kỳ này có cuộc thi “woa hậu” áo dài nữa, nên tui quyết định đi thi; biết đâu trúng giải nhất tui sẽ xin tị nạn, họ thấy tui đẹp chắc chắn sẽ cho tôi quy chế tị nạn zới lý do “too sexy to live in Việt Nam”; lúc đó tui sẽ gởi tiền zề cho ông mua một bầy heo nái.

Chồng: Trầư âư, bà mà sexy cái nẩu gì, ngực thì xẹp lép như cái bánh tiêu; lại còn đòi thi woa hậu nữa chứ; tui thấy bà thi mẫu hậu thì còn có lý hơn.

Vợ: (Uốn éo thân hình, sờ mông sờ ngực khiêu gợi) Bộ ông quên rầu hả, hầu nẩm ông cứ ngân nga “La Hai có gái mỹ miều, anh thương anh nhớ anh liều anh theo.” Hầu nẩm tui là hoa khâu chứ bộ; còn nữa, tui mặc áo dài ông thấy có “phơ” không.  Kỳ này tui quyết sang Mỹ để được le lói như bà Tiết Liêng.  Ông nhớ bà Tiết Liêng hầu nẩm làm ở ngân hàng Đông Phương Ti wòa không?  Giờ bả làm thủ quỷ, thủ ma gì đó cho đại hậu; tiền bạc sài không hớt, sáng uống “cà phơ”, trưa ăn “búp phơ”, chiều ăn “phở”, tấu đi coi zũ “ba lơ”, rầu khuya zề nhà nằm phơ, thấy mà…mơ.  Làm thủ quỷ thấy xướng gơ, chứ đâu có lơ ngơ như ông zới tui.

Chồng: Tui nhớ rầu, không ngờ bây giờ bà Tiết Liêng lại “ngon cơ” như zậy.  Nhưng tiền đâu mà bà mua vé máy bay, tiền đâu mua quà cáp cho mấy bà con nghèo ở bển.

Vợ: Ông khỏi lo, tui tính rầu, mình bán bầy heo là đủ tiền máy bay, còn tiền ăn, tiền uống thì tui bảo  mấy con nhỏ “đại gia” như Lan Hương và Xuân Thanh bao, chắc ăn như bắp. Tui trúng giải woa hậu sẽ trả ông cả zốn lẫn lời.

Chồng: Trầư âư, tui có mấy con heo làm bạn, bà bỉu tui bán chúng,  rầu mỗi lần tui giận bà, lấy ai mà “chử” đồ mặt heo đây?.  Hổng được, nếu bán bầy heo thì tui cũng đi theo bà, “hớt” heo thì nhìn mặt bà cũng đỡ nhớ; zới lại tui nghe cu Tịnh nói kỳ này cũng có thi cả Nam zương Áo Dài mà, tui còn bộ áo dài khăn đống hầu “đám cứ” đó, mặc zô coi cũng còn “phơ” ra “phớt”. Để tui zô trỏng mặc thử cho bà coi. 

(Trong lúc chồng vào trong, bà vợ ở ngoài tiếp tục nhún nhẩy, hát nhạc ráp giọng Nẫu theo điệu “60 Năm Cuộc Đời”, một lúc sau thì ông chồng mặc bộ đồ hát bộ đi ra).

Vợ: Trầư âư, tui thấy ông đi thi “Diêm zương” có lý hơn là thi “Nam zương”; ông sang bển mở nhà quàn chắc đắt khách lắm; nhất là ông lại có tài thổi kèn đám ma nữa.

Chồng: Sao bà coi thường tui quá zậy, bà nên nhớ quê tui là “Đồng Cọ” đó nghen.  Bà quơn rầu sao, ngừ ta nói “Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Cọ” mà.  Hầu nẩm thíu gì mấy con nhỏ ở miệt dưới mê tui tới “bớn” luôn; nhưng tui trót zại lấy nhằm phải con nhỏ “La Hai” nên bây giờ một ngày bị nó “la hai” ba lần; khổ quá.

Vợ: Ông nhắc trai “Đồng Cọ” mà không thấy xấu hổ sao; hầu đó tui tưởng ông cọ giỏi lắm, nơn mới lấy ông; ai ngờ ông cọ mấy năm mà chẳng ra được một thằng “cọ con” nào để lo ziệc nhang khói.

Chồng: Chiện con cái là do “trời cho” chứ đâu phải “trò chơi”, lại không phải phải là do kỳ cọ; zới lại nhờ không có thằng “cọ con” nào nên đỡ được phần ăn.  Nếu kỳ này tui đoạt giải “Nam zương” tôi hứa sẽ cọ nồi và cọ niêu cho bà, được không?

Vợ: Tui nói cho ông biết, ngoài thân hình kiều diễm như tôi ra, người ta còn thi cả tài năng nữa đó; ông vô tài lại bất tướng làm sao mà thi được.  Ngoài xã hội ông đã “không có chỗ đứng” còn chiện gia đình ông lại “không cứng chỗ đó” thì làm sao mà đậu Nam Dương được, có giải nào “liệt dương” thì may ra.  Còn tôi, ngược lại, ngoài vẻ đẹp ra, tôi còn quen nhiều bạn bè, và đa số những người trong ban giám khảo từng theo đuổi tui, nhưng tui quyết định ngân câu “em chỉ là em gái thôi, người em sầu mông muôn đời”, nên kỳ này tôi chắc chắn sẽ đoạt giải hoa khôi cho mà xem.

Chồng: Bà hoa hôi ơi, bà có tài gì thì biểu diễn cho tui coi đi.

Vợ: Nè, nếu thi hát thì tui sẽ hát bản “60 năm cuộc đời” như zừa rầu ông nghe đó; còn thi áo tắm thì khỏi chê, tui có thể tự hào là chưa có ai được 3 vòng bằng nhau như tui, mốt mới ở bên Mỹ bây giờ là cứ thẳng đuột chừng nào là tốt chừng đó; còn tiếng Anh thì ông khỏi lo, ông nhớ hầu còn đi học tui đứng đầu cuộc thi Anh ngữ đó sao; nè nghe cho kỹ:
Hello có nghĩa là chào;
Goodbye là tạm biệt, thì thào là Whisper;
Lie: nằm, Sleep: ngủ, Dream: mơ;
Đi: go, Ngồi: sit, bow: nơ, soul: hồn;
Yêu: love, want: muốn, kiss: hôn
Lím mâu là “lick lip”,  ... sướng rầu là ...” oh yeah!” 
Ông muốn nghe nữa không?

Chồng: Thâu, đủ rầu,  tui biết bà giỏi rầu; mà đó là những chiện xa lắc, xa lơ, nó đã “ấu vờ rầu”  (ít’s over rồi!) bà ơi, đó là những chữ thường ai cũng biết, dậy mà cũng đòi “phe” (khoe), không biết xấu hổ là gì.  Nè tui hỏi bà “xấu hổ” tiếng Anh dịch là gì nào?

Vợ: Dễ ợt:  Xấu là “ugly”, hổ là “tiger”; xấu hổ là… “ugly tiger”!

Chồng: Chời đất, đó là con “hổ xấu” chứ không phải “xấu hổ”.

Vợ: “Hổ xấu” hay “xấu hổ” cũng như nhau; mình cứ nói đại thì Mỹ nó cũng hiểu thôi. 

Chồng: Nhưng tui nghe lên tòa đại sứ phỏng vấn họ còn đòi phải có những điều kiện như trình độ học vấn, nghề nghiệp và cả danh thiếp nữa. Mình phải khai nghề gì cho oai để mấy ông Mỹ nể chứ.

Vợ: Mình cứ khai đại đi, mấy ông nội , bà nội Việt Kiều ở bển làm lao công, về đây cũng chẳng khai là ông giám đốc này, bà giám đốc nọ sao? Hai đứa mình trót được đẻ ra gần kho đạn thì tội gì lần này mình sang bển không “nổ” một phen cho thiên hạ lé mắt chơi.

Chồng: Vậy bà tính khai làm nghề gì?

Vợ: Khai là Bác sĩ Đê Đê chứ còn gì nữa.

Chồng: Tui nghe người ta nói MD là Medicine Doctor, còn DD có phải là Dentist Doctor không?

Vợ: Đồ ngu, bác sĩ Đê Đê là bác sĩ đỡ đẻ, có thế mà không biết.

Chồng: Nhưng bà lấy bằng bác sĩ ở đâu?

Vợ: Bỏ ra vài trăm ngàn mua cái bằng giả là xong ngay; ngoài ra,  việc đỡ đẻ tôi cũng rất rành; một bầy heo này chẳng do tôi “đỡ” thì còn là ai.

Chồng: Ờ hé; còn tôi thì khai nghề gì?

Vợ: Ông cứ khai đại là Nha sĩ đi.

Chồng: Chời đất, bà thử nhìn bộ răng hô của tôi để xem tôi khai đại là nha sĩ có ai tin không?

Vợ: Ông cứ mang theo một cái búa và một cái kềm rồi nói là ông tốt nghiệp nha sĩ từ Ấn Độ là người ta tin ngay thôi.  Không thấy ở Việt Nam mấy ông nha sĩ cũng vẽ bảng quảng cáo với một bộ răng hô rồi đề tên trên danh thiếp “Doctor Hăng Rô” là gì. Mốt mới đấy, khỏi cần mua bàn nạo dừa, cha nội ơi.

Chồng:  Được rồi, tôi sẽ đi in 2 cái danh thiếp như bà nói.

Vợ: Kỳ này sang được bển mình cứ chìa danh thiếp ra là mấy thầy cô và bạn bè sẽ lé mắt và nể phục sát đất.

Chồng: Anh là người đầu tiên nể phục em đó; cho anh hun một cái đi.

Vợ: Đồ quỷ, lèm người ta mắc cở chết, xin lẫu, em hổng biết “núc lử” đâu.

Chồng: Nhưng nếu sang bển mà hai đứa mình không đậu giải nào thì sao?

Vợ: ông khỏi lo, kỳ này mình mua one-way-ticket, nên got no choice.

Chồng: Nghĩa là gi?

Vợ: Chời đất, có bây nhiêu đó không biết mà đòi làm Nha Sĩ, ông ở zới bầy heo goài nên bây giờ quên hết tiếng anh tiến u rầu; one way ticket là vé một chiều, là một đi không trở zề; còn no choice là không còn sự lựa chọn nào khác. 

Chồng: Okay, để tui gọi ông Hiền ở Xóm Lò Heo nhờ bán giùm bầy heo của mình.  (Móc điện thoại gọi): Alô! Alô, phải ông Hiền đó không? 

(Anh Hiền đi ra): Tui đây.  (Giới thiệu tác giả và nhân vật).

(Hết).

Navarre August 8, 2013
ThuKỳ

Thursday, October 31, 2013

CHÀO MỪNG CÔ GIÁO NGỌC


(Xin bấm vào hình để xem lớn hơn).
 

Vào chiều ngày Thứ Sáu 18-10-2013 tại San Jose, được mệnh danh là “thung lũng tình thương” đã hân hoan đón chào giáo sư Linda Nguyễn Thị Ngọc cùng phu quân là thầy Trần Xuân Thời viếng thăm đồng nghiệp, đồng môn cùng học trò cũ của cô sau hơn 40 năm xa cách. 
Cô Ngọc là cựu giáo sư trường thánh Giuse và cũng là cựu học sinh trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên niên khóa 1955, năm thành lập trường. Cô là nữ sinh của trường Nguyễn Huệ và cũng là người phụ nữ đầu tiên của tỉnh Phú Yên đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp vào năm 1959, sau đó cô đậu Tú Tài I, Tú Tài II, về dậy trường Thánh Giuse Tuy Hòa và sau này cô tốt nghiệp cao học Quốc Gia Hành Chánh ra làm công chức thời đệ nhị VNCH. Đến năm 1975, Cô di tản qua Hoa Kỳ, làm Thanh Tra Ngân Hàng suốt 35 năm tại tiểu bang Minnesota và mới vể hưu cách đây vài tháng.
Gia đình cựu học sinh Phú Yên tại bắc Cali tổ chức buổi họp mặt tại tư gia của anh chị Phạm Đức Hiền để đón mừng thầy cô; đây là lần đầu tiên chúng tôi được hân hạnh gặp mặt, ngồi bên cạnh thầy cô cùng hàn huyên tâm sự. Thầy cô tuy đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng dáng người rất phúc hậu, mạnh khỏe, tâm tình hiền hòa, vui vẻ, cởi mở và rất gần gũi, thân thiện với mọi người.
Sau khi tham dự đại hội CHSPY kỳ 4 tại nam Cali, cô Ngọc và thầy Thời đã tự lái xe đi một vòng qua nhiều địa phương để thăm bạn bè, thân hữu cùng học trò cũ của mình.
Chúng tôi rất kính phục và biết ơn tấm chân tình của cô. Mặc dù trong 3 ngày tham dự đại hội tại miền Nam cô đã gặp được nhiều người, tuy nhiên vẫn cảm thấy còn chưa đủ nên cô muốn được gặp tất cả những người mà vì lý do nào đó không tham dự đại hội được, trong đó có chúng tôi.
Anh Đặng Duy Nhượng mặc dù vừa “qua cơn mê” sau ca phẫu thuật, sức khỏe còn yếu cũng cố gắng tổ chức buổi họp mặt bỏ túi và đến tham dự.
Buổi họp mặt hơi bất ngờ, chỉ thông báo trước vài ngày và lại tổ chức không phải vào cuối tuần. Hơn nữa, các bạn vừa đi tham dự đại hội về, phần bận rộn nhiều công việc gia đình, phần sức khỏe còn uể oải nên số người tham dự không được đông đủ lắm. Chúng tôi ghi nhận có sự hiện diệm của thầy Ngô Càng Phương, cựu giáo sư trường Bồ Đề, anh Hà Ngọc Quỳnh, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phú Yên Bắc Cali, các anh chị Phạm Tiên, Phạm Hoàng, Trần Thế Hùng, Phạm Bích Diệp, Đặng Đình Khuê, Ngô Xuân Đức, Phạm Lan Anh, Lữ Hoàng & Danh, Đặng Duy Nhượng, Hoàng Thanh Phước và dĩ nhiên không thể thiếu gia chủ Phạm Đức Hiền và Diễm Hoa.
Bắc Cali đã bước vào Thu, ban ngày bầu trời vẫn còn trong sáng,  ánh nắng chan hòa nhưng chiều đến gió hiu hiu thổi về, lá cây xanh đã chuyển dần sang mầu vàng, bắt dầu rơi rụng, vương vãi trên lối đi. Không gian se se lạnh. Người tha hương lòng chợt cảm thấy man mác buồn, chạnh nhớ người thân, nhớ quê hương.
Trong căn phòng rộng rãi, không khí ấm cúng thân mật, sau buổi cơm chiều đạm bạc, chúng tôi cùng thầy cô quây quần bên nhau chuyện trò vui vẻ, chuyện xưa với những kỷ niệm êm đềm thời cắp sách, thời phấn trắng bảng đen được khơi dậy như mới hôm nào, làm cho lòng thầy trò chúng tôi chùng xuống, bâng khuâng. Hết chuyện dĩ vãng đến chuyện thời sự thế giới hôm nay, chuyện quê nhà, chuyện đại hội 4 tại miền Nam Cali thành công rực rỡ. Chuyện thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang kính yêu của chúng ta vì “đôi chân nũng nịu” nên thầy bất đắc dĩ vắng mặt kỳ đại hội này, thầy không đi được nhưng vẫn theo dõi tin tức sinh hoạt của gia đình CHSPY hải ngoại, gửi email trên diễn đàn khuyến khích chúng ta nên tiếp tục tổ chức đại hội kỳ V và thầy hứa sẽ tham dự. Chúng em xin cám ơn thầy rất nhiều. Mặc dù thầy ở rất xa, từ Đan Mạch nhưng luôn luôn lưu tâm và thăm hỏi đến tất cả học trò cũ trên toàn thế giới.
Căn nhà của anh chị Hiền có một phòng trống rộng rãi,  hầu như để dành riêng cho những buổi họp mặt, party. Chúng tôi thường gọi đùa nơi đây là “trụ sở” của gia đình Cựu Học Sinh và Ái Hữu Phú Yên. Mỗi khi có hội họp hay party đón chào thầy cô hay bạn bè, thân hữu từ các phương xa ghé lại thăm đồng môn, đồng hương tại thung lũng hoa vàng thì chỗ này là nơi lý tưởng nhất để tổ chức những cuộc hội ngộ. Cám ơn anh chị Hiền rất nhiều.
Nói đến chuyện đại hội kỳ 4, chúng tôi mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường nhưng đến giờ phút chót anh Nhượng “dân thể” bất an phải vào bệnh viện nên vắng mặt, đúng là “ý trời”, thật đáng tiếc. Tuy không được tham dự nhưng qua những hình ảnh và video clip post lên diễn đàn CHSPY chúng tôi nhận thấy đại hội rất thành công. Rất ngưỡng mộ và xin cám ơn các bạn trẻ đã bỏ nhiều công sức, tài chánh, chuẩn bị cả năm trời để có một kỳ họp mặt CHSPY thế giới thật vui vẻ, ý nghĩa và lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng thầy và trò chúng ta.
Chúng tôi kêu gọi quí anh chị ở các địa phương khác tiếp nối truyền thống, mạnh dạn đứng ra tổ chức những kỳ đại hội kế tiếp để chúng ta lại có dịp hội ngộ và du lịch đó đây.
Nhân dịp này, xin cho phép chúng tôi (Duy Nhượng & Thanh Phước) chân thành cám ơn đến quý thầy cô và các bạn ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam khi nghe được tin anh Nhượng bị bệnh đã ân cần gọi phone, gửi thư, gửi email thăm hỏi và cầu chúc mau bình phục. Một lần nữa chúng tôi xin cám ơn tấm chân tình và lòng thương mến của quý thầy cô và các bạn.
Xin cám ơn Thượng Đế đã ban ơn và che chở cho anh “tai qua nạn khỏi”, sức khỏe của anh Duy Nhượng nay đã dần dần hồi phục.
Buổi họp mặt “bỏ túi” đón mừng cô Linda Ngọc được tổ chức tuy đơn sơ nhưng đầy ắp tình thầy trò đã kết thúc trong sự luyến tiếc, bịn rin chia tay. Ra về, trong lòng mọi người đều vui vẻ, ước mong thầy trò được gặp lại trong đại hội kỳ 5!!!.

San Jose, ngày 27 tháng 10 năm 2013
Hoàng Thanh Phước

 Xin xem thêm một số hình ảnh buổi họp mặt:











































































Friday, October 25, 2013

Dòng Sông Chảy Ngược

(Trích từ tập truyện ngắn "Lóng Lánh Trời Xưa" của Đặng Kim Côn) 
 Không là gì, không thể là gì đâu. Một chút hoài niệm, có điều khác chút, là nó làm bà Huyền bỗng dưng tươi tắn, sôi nổi hơn bao giờ. Có gì đó như nhốn nháo trong trái tim chừng đã ngủ yên ngót ba mươi năm (ba mươi năm mà bạn bè, con cái gọi bà là tảng băng đá). Có gì đó, mà bà vừa muốn đè lại, vừa muốn xem nó tan ra đến đâu, và tan như thế nào.
Kể ra thì bà cũng đã đắn đo nhiều lắm rồi, bắt đầu từ một đường dẫn của một cô bạn cũ gửi cho bà, bà đã mon men vào một trang web, điều mà bà Huyền rất ít thích, có vài lần, mấy cái đường dẫn quái quỉ đã làm cho cái máy vi tính của bà nhiễm virus, phải đưa đi sửa, suýt trở thành phế vật, nhưng lần này, nghe đến tên trường xưa, bỗng dưng bà như thấy mình bé lại… Có chút bồi hồi, ngoài tên của cô bạn, trang web chả có gì thân quen, người ta in hình trường, màu mè lạ hoắc, chỉ còn được cái tên trường là quen, mà điều bà muốn tìm, là cái mái trường mười lăm phòng học, ba dãy phòng, xếp thành hình chữ U, bà nhớ, mỗi mùa mưa lụt, học sinh đã phải nghỉ học, rồi sau đó, đến trường, từ dãy này qua dãy kia, học sinh và thầy cô  phải bắc những chiếc bàn học làm cầu để bước qua.Ngôi trường trong ký ức đó đã biến mất theo cái lần gia đình bà phải chuyển đi nơi khác, lúc ấy bà mới vừa cuối năm đệ lục, và rồi chưa bao giờ có dịp quay lại cái thành phố nhỏ đầy kỷ niệm ấu thơ đó trong suốt gần năm mươi năm.
Năm mươi năm, con số không nhỏ với rất nhiều người. Nhiều cuộc đời còn ngắn hơn con số đó rất nhiều, nhất là đoạn đầu hơn mười năm của năm mươi năm đó, là một cuộc chiến tranh khốc liệt, với mạng sống hàng triệu người không ai dám tin được là phút trườc, phút sau sẽ ra sao.
Nên với bà Huyền, năm mươi năm trước là một cái gì rất mơ hồ, chỉ đọng lại chút ít trong trí nhớ bà loáng thoáng những cuộc di chuyển của một gia đình công chức, từ miền này sang miền kia, từ nơi mới, đến nơi mới khác, và liên tục thay đổi trường học, liên tục bắt đầu với những lớp mới, bạn mới, cho đến cái lần di chuyển sau cùng, cô bé mười ba tuổi ấy hầu như không còn nhớ nổi những gì đã chập chạ chợt có chợt không trong cái biển sóng thời thế chập chùng bão táp đó.
Vậy mà, điều bà không hiểu được, là có một cái tên cứ lảng vảng trong tâm trí bà, nhẹ nhàng nhưng dai dẳng, mơ hồ nhưng gần gũi, mà nếu tự hỏi, có một kỷ niệm gì để gắn bó vậy, thì khó mà nhớ ra. Cũng bởi vậy, ngay khi bấm vào cái đường dẫn về trường cũ, tên họ của người ấy (mà năm mươi năm dâu biển, khi thức, khi ngủ yên trong lòng bà) lại nhắc bà tìm thử có hay không…

**
Thưa Anh Nguyễn Hữu Đan,
          Đã từ lâu lắm, thỉnh thoảng có được đọc đâu đó cái tên Nguyễn Hữu Đan. Tôi phân vân mãi mà không dám liên lạc và hỏi anh vì sợ... nhận vơ.
          Trước đây tôi, Đặng Thị Huyền Linh, có học tại Trường TH Nguyễn Huệ (cũ) Tuy Hòa. Đến hết Đệ Lục, mùa hè 1964, thì theo gia đình vào Saigon. Vì không biết trước nên tôi đã không giã từ bạn bè, và cũng không có địa chỉ để liên lạc. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp quay lại Tuy Hòa. Và hiện đang ở Florida.
        
  Giáo sư dạy ngày đó tôi chỉ còn nhớ được Thầy Ô, Thầy Ngọc, Thầy Long. Có một thầy kéo violin dạy lớp hát bài Clementine, không biết có phải Thầy Tế không.
          Các bạn gái chung lớp tôi còn nhớ được Kim Ngân, Châu Kim, Tường Vi, chị Nguyễn Thị Hạ, Nguyễn Thị Tâm...
          Bạn trai không hiểu sao tôi lại chỉ nhớ được bạn Nguyễn Hữu Đan, và một người nữa ở gần nhà tên Viên (hình như Lê Lộc Viên), nhà là tiệm may, đối diện tiệm Phước Minh. Có lẽ tại ngày đó con gái thường ngồi mấy bàn đầu vì ít, rồi con trai ngồi phía sau nên ít quen. Nhưng nếu có người nhắc hy vọng sẽ nhớ.
          Và thật bất ngờ, tôi lại gặp tên Đan nơi trang web của chính ngôi trường xưa tôi đã học (Ồ, sao tôi tệ thế, đơn giản vậy mà nếu lâu nay tôi nghĩ ra thì đâu đến nỗi cứ phải băn khoăn!). Không biết anh có phải là bạn Nguyễn Hữu Đan học cùng lớp với tôi ngày xưa còn bé đó không. Và nếu đúng thì nửa thế kỷ lâu quá rồi không biết anh có còn nhận ra bạn cũ không?
          Gần năm mươi năm, dù chưa một lần được trở lại thành phố đó, và dù không sanh ra tại đó, nhưng trong tâm tưởng lúc nào tôi cũng nhớ đến nơi tôi lớn lên, bắt đầu từ lớp mẫu giáo, với tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, với những trò chơi... nhà quê dân dã, với những ngày nước lụt thèm thuồng nhìn các bạn lớn chống bè chuối đi chơi. Đi học ngày lụt thì trường mênh mông là nước, ngoại trừ đường chính đắp đất từ cổng vào dãy lớp học ở giữa, phải bắc bàn để đi nối qua hai dãy lớp hai bên, đợi nước rút đi bắt nòng nọc mà cứ tưởng... cá con, trong đó không ít những buổi chiều cùng các bạn nhỏ rủ nhau lên Núi Nhạn, nhìn xuống cây Cầu Đà Rằng hai mươi mốt nhịp bắc qua sông, mà thuở ấy tôi còn chưa biết tên Sông Ba như người ta gọi sau này.
          Hy vọng Anh đúng là Nguyễn Hữu Đan bạn tôi, và nếu còn nhận ra bạn học cũ thì vui lòng email cho tôi:  huyenlinh@yahoo.com
          Cám ơn Anh rất nhiều.
          Huyền Linh

Cái email bất ngờ làm ông Đan bất chợt thấy mình như say sóng, và ông trôi, bềnh bồng ngược về quá khứ, vui mừng như không có nửa thế kỷ sau lưng, khi mới nghe báo danh đỗ vào đệ thất… Ông hối hả trả lời:
          Rất mừng có được tin Huyền Linh, nhất là biết Huyền Linh đang ở Mỹ.
Nếu thấy vui vui, giữ liên lạc. Mong.

Ông viết ngắn, nhưng hơn ai hết, hơn cả Huyền Linh, ông biết hai chữ “rất mừng” kia nó ríu rít thế nào. Ông đang khấp khởi mừng vui, vì ngót năm mươi năm, chưa có khi nào ông không bị những dấu hỏi nhẹ thoáng qua lòng, nàng đang ở đâu? Thuở ấy, sau chiến tranh, nhà quê ít trường, nên các phụ huynh khai lại tuổi cho con được vào học lớp tương ứng trình độ, mà đa số là lớp năm (như lớp 1 bây giờ), nên chuyện cùng một lớp Năm mà tuổi thực tế  bé hơn, lớn hơn nhau năm sáu tuổi là chuyện thường. Lúc Huyền theo gia đình chuyển đi, Đan đã mười bảy, đã biết xôn xao với ánh mắt long lanh biết nói của một cô nữ sinh thành phố thơ ngây tốt bụng, hơn một lần “dám” cho anh nhà quê Đan che cùng tấm áo mưa đến lớp, bất kể cả lớp đập bàn la toáng lên “cắp đôi” hai đứa… Mà quả là hai đứa cũng có nhiều dấu hiệu “phạm tội” đáng để bị bạn bè “cắp đôi”, với gần hai năm ròng đi chung đường về chung lối, đêm nào cu cậu cũng mon men đến nhà cô bé để… học chung. Và tất nhiên vẫn không dám nghĩ về cô điều gì khác hơn một cô bé cứ là ngây thơ như… mười ba tuổi.
Và chỉ mấy phút sau, ông có được hồi âm, rồi sau đó mấy email qua lại hỏi han rối rít:

“Đương nhiên là vui quá và nhất là phải giữ liên lạc với bạn rồi.
Huyền Linh ở Naples FL. Còn bạn đang ở đâu trên xứ Mỹ này?
Cell của HL: 239-4219391”

“Mừng lắm (muốn ứa nước mắt), Đan đang ở San Jose Cali.
Sẽ phone sau.
Bình an”

“Huyền thì mừng chảy nước mắt rồi... bạn... già.  
Không phải là hai mươi bốn (hai mươi bốn năm xưa của Phan Khôi) mà là tới... bốn mươi tám năm sau lận đó. San Jose Huyền Linh cũng có bạn, và cũng có thể trong vài tuần trở lại HL sẽ có công việc đến San Jose. Có hy vọng gặp bạn không?
Huyền Linh”

Ngay từ đầu ông Đan đã thắc mắc, sao người này ở đây? Sang Mỹ du lịch? Hay mới được người thân bảo lãnh? Biết gì về mình, nhớ gì về mình mà bỗng dưng tìm mình? Có đôi lần về VN, gặp bạn bè có nhắc tên đến tên Huyền Linh, nói xưa chúng nó còn học ở đại học, có gặp lại cô bạn đệ lục này, Ông nhanh chóng xua tan cái ý nghĩ mà trước đó vẫn thường đã gặp “Chắc tại biết mình ở Mỹ…” Ông bấm điện thoại gọi bà. Bà Huyền reo lên trong điện thoại, nhưng nói sẽ gọi lại sau, vì đang “meeting”.
Ông bối rối… Vụ gì đây? Làm gì mà meeting? Mới qua mà đi làm rồi sao? Ông tiếp tục email:
“Huyền ơi,
Cố lên nào! Sớm càng tốt nhé! Hy vọng sẽ được làm tài xế riêng của H ít nhất một lần trong đời
Bồi hồi quá.
Đừng trách Đan nói bậy nhé, muốn ôm Huyền quá đi, muốn hôn và muốn khóc nữa, cười mà cứ rưng rưng, Huyền không biết đâu, không biết đâu... đã nói, không biết đâu mà!
Huyền đang làm gì? Định cư Mỹ? Từ bao giờ?
          Bận thì không cần hồi âm, Đan sẽ phone.
Không quên cả những “cái” Linh nhỏ ở nhà Huyền: Hoàng, Liên, Lan, Tuyết…
Ui, sao mà huyên thuyên quá, nói biết bao giờ hết chuyện năm mươi năm đây?
An lành nhé”

“Đan nhớ không sai chút nào cả, ngạc nhiên thấy Đan nhớ cả tên gọi ở nhà của Huyền, và ngay cả thứ tự mấy “Linh” nhỏ.
Huyền làm ca hai. Bận họp hơi lâu, tối về gặp.”

“Huyền thân yêu,
Vui mừng quá đi. Có biết năm mươi năm qua, Thất 4 kia, cứ thiếu mãi một người?

“Năm mươi năm... Ừ nhỉ, thời gian lâu như thế mà cuối cùng lúc không ngờ nhất vẫn còn được gặp lại nhau,
Năm mươi năm...  mà vẫn thấy, và cảm giác... Thất 4 chỉ mới như hôm qua thôi...
Và dường như không thấy đã có... năm mươi năm trôi qua. Có bao giờ nghe bài hát “Ở lại” của Trần Quảng Nam chưa?”

 “Huyền
Không nghe bài hát nào cả, chỉ văng vẳng "Tôi yêu quê tôi... (Trịnh Hưng) mà người xưa bỏ lại bên lớp cũ. “... ngàn năm... không hề phai nhòa...”
Như đang nằm mơ. Hôn giấc mơ, nha!”

Đêm đó ông Đan gọi cho bà Huyền, họ huyên thuyên, như chưa bao giờ được nói, về hai cuộc đời nhau. Năm mươi năm được tóm tắt trong hơn hai tiếng đồng hồ, để biết, ông từ Nguyễn Huệ đã trở thành một sĩ quan, rồi cùng vợ con sang Mỹ bởi hồ sơ trên ba năm “cải tạo”, đã về hưu sau gần 20 năm cày tối mặt với đồng lương cu li tối thiểu. May có thể liên lạc thoải mái với bà Huyền nhờ vợ ông mới về Việt Nam thăm Tết mấy tháng, để biết; bà sau khi từ trường Nữ Trưng Vương Saigon, ra luật khoa, làm việc ở Ngân Hàng Saigon, sang Mỹ hơn 20 năm, và cũng đã gần ngần ấy thời gian không còn sống chung với chồng nữa, hai đứa con thành đạt, lập gia đình đã ra riêng nhiều năm, bản thân bà Huyền cũng đang là kỹ sư trưởng rất được tín nhiệm nơi một hãng điện của Mỹ mà bà đã  “cày” hơn mười năm.

Bà Huyền thật sự xúc đông. Không nghi ngờ gì nữa cái tình cảm của chàng trai mười bảy tuổi xưa. Đúng là ông Đan nhớ vanh vách những gì về bà, tên gọi ở nhà của bà, thứ tự tên những đứa em bà, bài hát một lần bà hát trong lớp, những đêm chụm đầu bên bàn học, những lần đến trường che chung tấm áo mưa…
Những lời thơ nhạc cũ họ nhắc nhau đã làm cho bà Huyền đến hơn 2g sáng vẫn còn viết cho ông Đan: “Đêm nay đổi phiên cho người khác mất ngủ rồi đó biết không...”  Bà nhắc lại một câu thơ “Che chi chung áo để giờ lạnh nhau”
Làm sao để bà nói “Đan ơi, dừng lại giùm em!” như ông muốn bà nói, quá khứ đã đeo đẳng mơ hồ rượt đuổi bà đến đây, và đã đến đây rồi! Em không thể. Không muốn, không nỡ làm buồn anh, mà cũng buồn em. Bà đọc lại cái mail ông viết, mà không nghĩ ra được gì. “Hôn em ngủ đi. Từ nay, ta đã có nhau rồi... Có thể em còn đi tìm nguyên nhân từ xưa ấy, nhưng anh thì không mơ hồ, năm ấy, anh đã 17, tuổi đó người ta lấy vợ được mà, anh biết yêu cũng không sớm quá phải không? Nói gì đi, Huyền yêu!”
Những điều họ muốn nói, trải đầy trên những lời thơ, lời nhạc qua gần cả tuần lễ liền, có khi, bằng cả những thúc hối thể như chỉ còn một ngày để sống “Nói thương, nói nhớ sao không đến đây đi? Sao không đến em, sao không đến với anh?” Những lời như đùa, như thật đã đành chỉ còn là mơ ước thầm kín khi bà nhắc tên nhạc phẩm Ở Lại, có câu cuối cùng là Cuối cuộc đời xin cho được gần nhau... hay như một tiếng thở dài trăm năm tình lỗi hẹn, nghìn năm… mất nhau không? Có mất nhau không??? Trăm năm dù lỗi hẹn… Nghìn năm vẫn không quên. Vẫn nhớ y nguyên…Bà đã không hiểu nổi lòng bà sao bỗng dưng cũng xôn xao thả trôi như thế.

Thật thật, đùa đùa, mà cũng đủ làm họ thao thức. Việc gì thế này? Không giống như những háo hức mới mẻ đầu đời, không giống như họ đang cùng hiếu kỳ muốn biết người của nửa trăm năm ấy bây giờ… Mà như, càng lúc họ càng thuộc về nhau, càng lúc họ càng tìm lại được bóng mình đã tản mác muôn phương, từng mảnh, từng mảnh chắp lại.
Hôm nay bà Huyền không làm gì cho xong cả. Nỗi buồn ở đâu đã không còn vô hình nữa mà hiện ra đầy đủ mặt mũi những con đường, những bước chân, những mưa, những nắng, xoáy cuốn trong lòng bà. Có thể nào ông ấy đã giấu kín trong tim hình ảnh quả táo xanh trong vườn cấm tự năm nào. Mà sao chưa bao giờ có dấu hiệu gì ông ấy tìm mình. Cũng phải mà, chiến tranh, tội tù, cơm áo, chỉ có những người Việt Nam sống trong cái giai đoạn khốc liệt ấy mới hiểu và tin được tại sao.
Có phải năm mươi năm kia để đơn giản chỉ là bạn không? Không là bạn thì là gì?
Và có phải, biết được về nhau như thế đủ yên lòng. Đủ thỏa mãn để biết mình được người kia hằng quan tâm. Ít nhiều, cũng đã loáng thoáng qua đời, ít nhiều cũng không đã quên biến đi, như hằng ngàn hằng vạn điều đã chìm khuất, mất hút trong ký ức.
Chắc là đủ. Thôi vậy. Mỗi người đều đã có cuộc đời riêng, đã và đang phải đi nốt quãng đường số phận của mình. Mà, thật ra, hai người đã có gì nhau?

*

Cả hai đang lùng nhùng đu trên dây, cùng cảm thấy như không thể kéo dài cái cảnh hành hạ nhau thế này nữa, cùng thót tim nín thở chờ sợi dây đứt, biết sẽ đứt, mà không biết họ còn bịn được tới bao giờ.


Bất ngờ nhất là ông Đan, từ thuở nào, khi còn ở  Việt Nam, nghe bà, đại học này đại học khác, ông đã thấy khoảng cách hai người càng nới thêm ra. Thì ra ông đã tự ti quá, ông không biết là, thực sự, con tim đã không có khoảng cách, giới hạn nào, thực sự, trong lòng bà Huyền cũng có ông (Tất nhiên là có như một kỷ niệm đẹp và không nghĩ có một ngày như hôm nay…)
Như hôm nay, là một trong những hành khách sau cùng, nên bà Huyền nghĩ, sẽ không khó khăn mấy để nhận ra giữa hầu hết những người Mỹ bản xứ, một người Việt Nam nhỏ con, với đôi mắt rất hiền nhấp nháy bên nửa thế kỷ đời bà, đang đứng lẫn trong đám người đến đón người thân, đăm đăm ngó chừng từng người một trong dòng người mới tuôn xuống từ chuyến máy bay gần nửa đêm, để tìm bà, bởi một quyết định, một tin nhắn đến ông Đan rất bất ngờ chiều nay “Huyền có chuyến đi thăm con ở San Jose, sẽ đáp chuyến bay số 3146, Southwest from HOUSTON to SJC (San Jose), đáp SJ lúc 11giờ 25 đêm nay”. Có thể đón Huyền không, hay Huyền báo con Huyền đón, mai gặp sau?” với một câu trả lời cộc lốc của Đan “Muốn đón”
Nhưng nghĩ vậy mà không vậy. Họ đã không nhận ra được nhau, cho tới khi bà Huyền xuống khỏi thang cuốn, rảo mắt nhìn quanh khu nhận hành lý, và lại nhìn ngược lên tầng trên, bà bấm điện thoại:
-Đan đang ở đâu vậy? Ồ, thấy rồi…
Đúng là người đàn ông Á Châu mà bà gặp thoáng qua trước đó mấy phút vẫn còn có vẻ đợi ai trên tầng trên, vừa móc điện thoại trả lời bà kia, cũng đảo mắt nhìn xuống và cùng bắt gặp nhau, ông bước vội xuống, bà dơ hai tay về phía ông, cả hai cười rạng rỡ, Mấy tiếng “Đẹp vậy sao!” vừa buột khỏi miệng ông là tất cả rơi vào im lặng thảng thốt. họ ôm siết lấy nhau, có vẻ bà Huyền cũng còn chút tỉnh táo để nhận ra, ông Đan như tan biến vào quá khứ, ông hôn như mưa lên mặt, lên tóc, lên cổ bà như cố tìm lại mùi hương cũ. Tỉnh táo đủ để qua vai ông, bà nhìn thấy mấy người đàn bà Mỹ đứng gần đó mỉm cười, nụ cười nhẹ nhàng như muốn nói họ hiểu hết những gì giữa hai người. Lạ là bà cũng ôm ông thật chặt và im lặng nhận những nụ hôn òa vỡ như bất tận của ông.
-Đan không khác gì hết, ấn tượng nhất trong lòng Huyền là đôi mắt rất hiền của Đan. Ồ, mà ngẩn ngơ gì không nhận ra Huyền vậy? Huyền đoán ra là ông, chỉ có một người Á Châu, mà sao lại đứng cạnh chiếc xe lăn, như còn chờ ai…
-Chú mục thế mà vẫn sẩy, bảo sao không mất nửa trăm năm!
Hai người dìu nhau lại hàng ghế đợi, ôm nhau ngồi:
-Huyền vẫn còn nét Huyền ngày xưa. Còn nhớ….
-Nhớ hết, thế mới lạ, không nhớ ai cả, chỉ nhớ một tên Nguyễn Hữu Đan này. Định nhờ Đan để tìm ra những người bạn khác.
-Lỡ nhớ một mình Đan, thì một mình Đan đi.
-Ừ, tự dưng giờ không muốn hỏi tới ai nữa. Mà ước gì có một chuyến nào đó, hai chúng ta cùng về thăm lại phố cũ… Sẽ đứng nơi Tháp Nhạn nhìn xuống Cầu Đà Rằng… nghe giòng sông chảy ngược về thơ ấu…
Ông Đan lại hôn lên tóc bà Huyền, bà để cho những ngón tay luồn vào mái tóc đã nhuốm vài sợi bạc, để yên cho má ông áp sát vào mặt bà, bà bắt đầu huyên thuyên về cuộc đời, về cuộc hôn nhân đến cũng bất ngờ như đi, về hai mươi năm sống một mình cũng không thiếu những chập chờn ong bướm, mà trái tim vẫn cứ lạnh tanh nếu không nói là thêm âu lo vì sợ phải va vào sóng gió.
Bà cũng muốn nghe ông kể những gì trong cuộc đời ông đã thế nào mà bà vẫn còn trong nỗi nhớ không rời của ông.
Họ không ngăn những đợt sóng cuồn cuộn xô về rồi cuốn đi, ngan ngát hoa xuân thơm nồng trong tóc, rừng rực nắng hè dậy trên má ngã chiều, long lánh hơi thu trong đuôi mắt đã chi chít chân chim, cũng như sướt mướt đêm đông trong vòng tay ngỡ chừng không bao giờ buông nhau nữa.
-Chúng ta đi ăn chút gì nha?
-Thôi khỏi, bộ mình có nhiều thời gian lắm sao?
-Rời hãng bay tới đây, đã ăn gì đâu mà?
-Ăn 5giờ ở hãng, rồi là xong, về nhà nghỉ, quen rồi, gần hai mươi năm nay vậy…
-Bây giờ cũng không muốn khác?
-Không, hết giờ rồi.
-Bay từ mấy giờ vậy?
-4giờ 30.
-Gì hết giờ? Đàng nào Đan cũng đưa Huyền về, sẵn đường…
Bà Huyền cười bí ẩn, choàng tay ôm qua lưng ông Đan, siết nhẹ, và níu ông đứng dậy:
-Mình đi.
Ông luyến tiếc đứng lên, bước chậm theo bà, từng bước dùng dằng như qua cầu Nại Hà. Họ đi ngược trở lại thang máy, cùng cầm tay bước lên thang cuốn đứng, lặng im. Ông Đan lờ mờ hiểu… Huyền cười buồn:
-Cái thang máy bỗng trở nên lãng mạn chi lạ!
-Ngắn quá.
-Nhưng nó dài hơn cây Cầu Đà Rằng, cầu Đà Rằng mình không có gì ở đó hết. Mà… Ơ hay, Đan này, sao mình thế này nhỉ? Gần một nửa trăm năm, mình đã bao giờ có gì với nhau đâu? Sao lại cuốn hút nhau thế này?
-Cuốn hút nhau thật không? Hay chỉ là người này mượn người kia để tìm lại những góc khuất của mình?
-Nếu cây cầu chạy ngược.
-Đang ngược hay đang xuôi?
-Ai cũng muốn ngược cả, mà… làm sao? Ngược được thì ai cũng muốn sắp xếp lại đời mình, cũng như bao nhiêu chuyện của lịch sử thế giới này sẽ viết lại được hết.
-Ngược được thì chúng ta sẽ ngược tới chỗ nào đầu tiên?
-Chỗ nào… chậm nhất.
-Chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau.
Họ ra khỏi thang cuốn, chỉ còn cách khu kiểm soát an ninh có mấy bước
-Vậy mà bảo để Đan lái đưa Huyền về…
-Không phải nãy giờ lái rồi sao? Qua cầu, qua sông… Không phải đã đến nơi muốn đến?
Ông ôm chầm Huyền, siết mạnh, tìm môi bà. Huyền nghiêng đầu né nụ hôn:
-Không được, Đan! Chúng ta chỉ là bạn mà…
-Chứ không phải Huyền đã hiểu chúng ta không chỉ là bạn?
-Huyền đang ân hận, tại sao tìm ra anh làm gì để mất… Ít nhất là, mất một tình bạn…
Huyền bắt đầu bước qua hàng rào an ninh:
-Huyền! Sao… tới đây? Là…
Huyền quay lại:
-Là… chỉ có hơn một giờ ấy thôi, Huyền lấy vé khứ hồi, và bây giờ, Huyền về lại chỗ của mình.
Bà dợm bước vào dòng người đang rồng rắn chờ nhân viên an ninh gọi đến tên mình. Bất chợt bà quay ngoắt lại, lội ngược dòng người, lao thật nhanh về chỗ ông Đan đang đứng tần ngần dán mắt vào bà.
Hình như, vòng tay siết chặt, những giọt nước mắt mặn ấm nhòe nhoẹt trên má, và nụ hôn muốn nuốt trững cả năm mươi năm vào bụng kia, cùng lúc đã ào ào xảy đến như một cơn lũ không kìm chế nổi.
Ông Đan vuốt tóc bà, bà áp má vào má ông, thì thầm:
-Mất nhau thật rồi, phải không?

2012