Thursday, August 1, 2013

THƯ CHO BẠN (2)

Hằng mến,
Tôi nhớ lúc còn ở tiểu học, làm môn sinh của thầy Đào Huy Huân, cụ rất dữ đòn, đứa nào đọc vocabulaire không thuộc là bị ăn roi quắn đít, chui xuống gầm bàn hay chạy nấp sau bảng đen cụ cũng không tha. Cây roi rõ dài, đánh mãi mà không gãy. Đám học trò nhỏ ghét và sợ cây roi đó hơn mọi thứ trên đời. Kể cũng tức cười, học trò tiểu học đọc chữ Việt chưa rành lấy gì để học tiếng Tây tiếng u!

Thầy rất khó tính, nhưng chúng mình đều biết cụ là một ông Thầy rất siêng năng, tận tâm và thương học trò. Thầy lúc nào cũng muốn học trò giỏi bằng Thầy. Nhưng Thầy vẫn theo lối xưa, “thương cho roi cho vọt”.  Năm cuối cùng của bậc tiểu học, ngày tan trường, Thầy ôm từng đứa học trò, mắt đỏ hoe mếu máo nói: “Các trò phải chăm chỉ học hành nghe, kẻo người ta chê Thầy không biết dạy dỗ.” Chúng tôi nào có biết gì, chỉ mừng đã thoát nạn, không còn bị Thầy dậy dỗ khắc nghiệt nữa.

Hồi mới lên trung học có mấy bà Cô từ trong Nam ra dạy, mấy Cô nói tiếng Nam rặt, nghe rất lạ và hay hay. Mấy đứa chúng tôi hay nấp sau lưng nhại lại nho nhỏ "dzạ em hổng biết gì hết trơn á, ngày mai có wuỡng mời cô lại nhà tụi em chơi, chỉ bài cho tụi em".

Này Hằng, còn nhớ Thầy Nguyễn Văn Chút dạy Việt Văn không? Thầy nói chuyện rất có duyên và hay kể chuyện ngoài lề cho bọn học trò nhà quê chúng mình ôm bụng cười không? Có lần thầy ra đề tài luận văn: “Hãy nói về giấc mơ tương lai của em”. Tuấn nói nhỏ với tôi, hắn muốn trở thành một Thầy giáo ngon lành như Thầy Chút vậy để giật le với mấy cô nho nhỏ xinh xinh ngồi bàn đầu ấy. Tôi nói khi cậu làm thầy giáo thì mấy cô đâu còn học đây nữa.
“Ừ hé”
Hắn luôn ngây thơ như vậy đó.

Tôi đã viết về giấc mơ của tôi là muốn trở thành một văn sĩ. Thầy phê trong bài viết như sau:
 “Viết văn cũng như làm thơ, Thầy có thể dạy em vần bằng, trắc của thơ Đường Luật, nhưng để làm một bài thơ, thì cần trái tim của em!”

Tôi chỉ được điểm trung bình cho bài luận văn đó thôi. Thời thế và hoàn cảnh đẩy tôi trôi mãi trên dòng đời, tôi chỉ cố vùng vẫy để sống còn và quên khuấy đi giấc mơ thời thơ ấu của mình.

Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, đám con trai chúng tôi cũng không ngoại lệ.  Có lần, cả lớp nói chuyện ồn ào nghịch ngợm, nhất là mấy cậu lớn còn làm máy bay giấy ném vào đám học trò con gái ngồi phía trước trong khi chờ cô Hượt tới dạy. Thầy Hưng Tổng Giám Thị, rất nghiêm khắc, đi ngang và bắt phạt cả lớp đứng úp mặt vào tường. Hôm ấy, giờ nghỉ trưa, anh Thành họp lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi lại, chỉ có dăm đứa thôi để tổ chức một trò chơi liều lĩnh, táo bạo. Chúng tôi đứng khuất vào một bức tường giữa hai dãy phòng học và bàn kế hoạch phá Thầy Hưng. Anh Thành lên tiếng trước: “Đứa nào dám xì lốp xe đạp
Thầy Hưng, sáng mai tao sẽ thưởng một gói xôi vò?” Cả bọn chúng tôi đứng im khe. Anh nhìn một lượt từng đứa một rồi nói: “Nhát thế mà đòi làm anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ”. Nguyễn Hóa bèn hiên ngang dơ tay lên: “Tớ làm”. Anh Thành liền chia nhiệm vụ: “Thằng Hoàng và thằng Tuấn đứng sớ rớ gần phòng Tổng Giám Thị canh me Thầy Hưng, nếu thấy động tĩnh gì thì giơ tay lên gãi đầu, tao sẽ dòm chừng. Thằng Hóa vừa xì lốp xe vừa nhìn tao, nếu tao chống một tay lên hông thì cứ hành động, mà hai tay lên hông là chạy cho lẹ, tất cả hiểu chưa? Đứa nào mét Thầy, tao xí không cho chơi u quạ nữa”. Chúng tôi sợ Thầy nhiều lắm, nhưng nghĩ đến màn không được chơi chung với lũ Trời đánh này thì còn sợ hơn. Hai bánh xe đạp của Thầy Hưng bị xì không còn chút hơi, đúng như dự tính.

Buổi chiều chúng tôi núp trong phòng học, mở hé cửa ra nhìn. Trước tiên, Thầy dắt xe ra, cưỡi lên đạp, chợt thấy cả hai bánh đều xẹp lép, Thầy đứng tần ngần một chút rồi bắt đầu bơm. Buổi chiều nắng vẫn còn cao, Thầy vừa bơm vừa quẹt mồ hôi trán, Chúng tôi vừa buồn cười vừa hối hận. Thầy bơm bánh xe một lúc rồi nhấc lên quay từng bánh và áp lỗ tai gần xe để nghe ngóng, chắc là kiểm soát xem có bị lủng chỗ nào không. Rồi bơm, rồi nghe ngóng, cứ thế nhiều lần, cuối cùng thầy lắc đầu, đoán là đám học trò nào phá phách rồi đây. Chúng tôi sợ run, chui cả vào góc phòng không dám nhìn trộm nữa. Giá lúc đó có ai mở cửa bước vào, chắc cả đám sẽ ù té bỏ chạy. Sáng hôm sau, có giờ công dân giáo dục với Thầy, cả đám chúng tôi ngồi im thin thít. Thành và Hóa là hai tay quậy nhất trong lớp mà cũng ngồi nín khe. Giờ học đi qua nặng nề và chậm chạp, cho đến khi nghe tiếng kẻng tan trường, tôi thở phào nhẹ nhõm, như một tử tù vừa được phóng thích.
Bây giờ tôi vẫn là một “Tử Tù” nhưng chưa được phóng thích, bạn cũng biết ai là chúa ngục phải không?
Chúc Hằng một ngày hạnh phúc.
Hoàng

oo00oo

Hoàng mến,

Nói đến giai đoạn Tiểu Học, Hoàng nhắc đến Thầy Huân ở trong khu “Bắc Kỳ Di Cư”, làm tôi hình dung ngay ra Thầy, lớn tuổi, nhỏ người, lại còn hơi khòm và đúng như Hoàng nói, Thầy rất nghiêm khắc với học trò.  Tôi  học không đến nỗi tệ nên thỉnh thoảng được bảng danh dự và vinh hạnh giữ sổ cho thầy, mặc dù là học trò cưng của thầy nhưng mỗi lần đứng gần thầy khi đến nhà Thầy lấy sổ, tôi vẫn sợ chết khiếp.

Khi lên đến Trung Học tương đối các Thầy Cô còn rất trẻ, có người dễ chừng chỉ hơn bọn mình vài tuổi. Vì trường mình ở miền Trung xa xôi, nhiều khi không được cung cấp đủ giáo sư nên có một số Thầy Cô phải dạy mấy môn một lúc.

Ngoài những thầy ở địa phương như Thầy Nguyễn Đảm, Nguyễn Bá Quát, Sư Huynh Mai văn Hùng, và mấy Giáo Sư từ Saigon đến như Thầy Hàn Huy Quang, Nguyễn Đức Quang, Trần Tiến Toản, Nguyễn Khắc Truyền,  Bộ Giáo Dục gửi ra một loạt các thầy, phần lớn là người Huế như Cô Tôn Nữ Minh Châu, Thầy Đặng Văn Bình, Nguyễn Văn Chút, Bửu Đôn, Dương Đình Đống, Lê Văn Gạch, Lê Ngọc Giáng, Nguyễn Văn Hàng, Lê Quang Khanh, Lê Văn Lâm, Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Như Lộc, Trần Viết Ngạc, Hồ Văn Phú, Trần Xuân Phúc,  Tôn Thất Hoàng hỏi tôi có nhớ Thầy Chút không hả? làm sao mà quên được ông thầy dạy Việt Văn có duyên đó, lúc nào cũng pha trò cho học sinh cười rũ rượi.
Tôi nhớ Thầy Hướng cũng dạy Việt Văn và có lần thầy đọc một đoạn văn của một bạn học trong lớp viết: “đứng trên đồi cao, phóng hai con mắt xuống thung lũng…”, thầy bảo “anh nên viết “phóng tầm mắt xuống” chứ anh “phóng hai con mắt xuống” thì còn mắt đâu để nhìn”, nói xong Thầy phì cười và bọn học trò cũng bò ra mà cười. 

Có một người mà tôi không quên được là Thầy Toản dạy môn Toán, tôi còn nhớ mấy lần làm “toán chạy”, khi tôi làm trúng hết, Thầy Toản dõng dạc bảo là “bà ốc tiêu kia, bà đuợc 10 điểm ngon như óc chó nhá!”, những chữ “ốc tiêu và ngon như óc chó” là “trade mark” của Thầy Toản đấy, Hoàng nhớ không?

Thầy Ngạc vừa dạy Sử, Địa vừa làm Thầy Hường Dẫn của lớp mình, vàthỉnh thoảng dẫn tụi mình đi cắm trại Rừng Dương, Mỹ Á vì thế Thầy rất thân với học trò, bây giờ lâu lâu Thầy vẫn viết thư thăm gia đình tôi. 

Những cuộc họp mặt ngoài trời, nấu nướng ăn chung, tối lại hát hò, làm cả Thầy lẫn trò gắn bó và thân thiết nhau hơn.
Riêng Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang được học trò thương vì Thầy rất gần gũi với tụi mình, nhất là thời gian gần đây, trong 3 lần tổ chức Đại Hội Cựu Học Sinh Phú Yên  ở Nam và Bắc California rồi Houston (Texas), dù ở rất xa, (Đan Mạch, Âu Châu), lần nào Thầy cũng qua tham dự, sát cánh với học trò và trợ lực với Ban Tổ Chức, có lần thầy còn lên trình diễn văn nghệ nữa cơ. Chúng mình tất cả đều cầu mong thầy luôn được dồi dào sức khỏe để còn tiếp tục hướng dẫn và ủng hộ học trò của thầy.
Bạn cũng nhắc đến những cô giáo ở trong Nam ra dạy, các cô Cúc, Cô Hoa, Cô Hượt  đến từ Saigon với những tà áo tha thướt, lạ mắt và rất đẹp, như đem một luồng gió mới mát dịu từ nơi văn minh đến cho ngôi trường Nguyễn Huệ nhỏ bé, hiền hòa của chúng mình.  Tôi nhớ là Cô Cúc hay mặc áo dài màu xanh nên thường bị đám học trò con trai, trong đó có cả ông anh ruột của tôi, đi qua đi lại thỉnh thoảng hát câu “màu áo xanh là màu anh trót yêu” trong bài hát “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, tuy hát nho nhỏ nhưng cũng đủ cho mọi người và Cô Cúc nghe thấy, Cô ấy chắc vừa phiền vừa sướng trong bụng.  Học trò ngày ấy mà cũng bạo thế cơ đấy.
Mỗi lần nghĩ đến các Thầy Cô là mình lại không khỏi liên tưởng đến câu người xưa đã nói “không thầy đố mầy làm nên”, quả thật không sai.  Nếu không nhờ các Thẩy Cô đã xây dựng một nền tảng căn bản tốt đẹp trong bọn chúng mình thì làm sao mình có ngày nay.
Thôi, kể về thầy cô và bạn bè như vậy chắc cũng đủ rồi, càng nói nhiều càng lưu luyến thuở học trò, mặc dù phài lo lắng chuyện học hành thi cử, nhưng đó là thời gian êm đềm, trong sáng và hạnh phúc nhất của mọi người.
Thư tới Hoàng muốn nói chuyện gì nhỉ?
Trong khi chờ đợi câu trả lời của Hoàng, tôi cầu mong bạn không bị “cai ngục” hành hạ như ở Guantanamo Bay, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu Hoàng tình nguyện xin làm “tử tù”, Trời cũng không cứu được chứ lời cầu xin của tôi thì đi đến đâu.
Hằng

oo00oo

Hằng mến,
Chúng ta thật may mắn lớn lên và học hành trong một môi trường lành mạnh, tư do, nhân bản, lấy giáo điều của Khổng Mạnh làm châm ngôn: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, nhất tự vi sư bán tự vi sư, và quan trọng hơn cả “Tiên học lễ, hậu học văn”. Xã hội một thời tương đối quy củ, thầy ra thầy và trò ra trò. Các Thầy Cô đã trang bị cho chúng ta một kiến thức căn bản và một lương tâm trong sáng để xây dựng gia đình và xã hội vững chắc, ngay thẳng. Những công ơn ấy phần lớn do học đường và các bậc thầy đã bỏ bao nhiêu tâm huyết để đào tạo nhiều thế hệ người trẻ miền Nam Việt Nam thời đó. Thế hệ chúng ta lớn lên thành nhân, ngẩng cao mặt hãnh diện là những cựu học sinh Nguyễn Huệ cũng nhờ sự giáo dục tân tụy của các Thầy Cô, đó là điều không thể chối cãi được.
Xin vinh danh các nhà giáo, các vị thầy khả kính của chúng ta, nhất là các Thầy Cô trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa!
“Người ta trồng cỏ trồng cây,
Thầy Cô Nguyễn Huệ về đây trồng người”
Chứ không như bây giờ, xã hội không lấy đạo đức làm đầu cho nên xẩy  ra bao nhiêu hệ lụy. Cho nên, thêm một lý do nữa chúng ta những  hậu duệ của Quang Trung Nguyễn Huệ phải nhớ công ơn của các Thầy Cô Nguyễn Huệ đã trồng được một đám rừng “Nhân” rậm rạp, tươi tốt, mạnh khỏe, ngay thẳng trong đó có tôi và Hằng, và những Hạnh, Tấm, Cẩm, Chính, Thơm, Nhượng, Hiền, Phổ, Phích, Hiền và biết bao nhiêu nữa kể ra không hết.
Tôi cũng cám ơn Trời đã cho chúng ta sống trên một đất nước tự do, nhân bản để con cháu chúng ta được hấp thụ một nền giáo dục lành mạnh, dựa trên công bằng bác ái.
Chúc Hằng những ngày rong chơi hạnh phúc.
Hoàng