Tuesday, December 30, 2014

KHÔNG HẸN MÀ GẶP

CHUYỆN VUI CUỐI NĂM
Hình trên: Thầy Phương, Bảo Lợi, Duy Nhượng, Nguyễn Thắng, Nguyễn Xu và Phạm Tiên
Hôm Chủ Nhật vừa qua (27 tháng 12 năm 2014), tôi nhận được điện thoại từ bạn cũ chúc mừng “Giáng Sinh và Năm mới”.  Tôi hỏi ông bạn già giờ đang ở đâu, thì Nguyễn Xu, cư dân Phoenix, Arizona, nói đang ở San Jose (cách xa khoảng 700 miles).  

Tính rủ anh bạn này đi nhậu, nhưng cu cậu nói đã có hẹn tại nhà "anh zợ" là thầy Ngô Càng Phương, nên tôi liền gọi điện thoại cho Đặng Duy Nhượng, hỏi ảnh có rảnh thì cùng đến nhà thầy cô Phương để đón chào đồng môn từ xa viếng thăm San Jose, rồi nhân dịp chúc mừng năm mới thầy cô, và nhất là để được gặp những đồng hội “sợ zợ” như Nguyễn Xu. 

Anh Nhượng cho biết rất may là hôm đó một '”khách hàng” của anh (có lẽ cũng sợ zợ) nên “cancel” một cái hẹn; vì thế ảnh zui zẻ nhận lời để cùng tôi đến nhà thầy cô Phương trên đường Ensign Way. 

Bảo Lợi, Thầy Phương, Duy Nhượng, Ng. Xu, Phạm Tiên, Phan Lưu, Ng. Thắng, và Phạm Hoàng
Khi đến nơi chúng tôi thấy có khoảng hơn một chục người; trong đó, ngoại trừ thầy Ngô Càng Phương và anh Phạm Hoàng, có vợ "hộ tống",  (Hai người này rất hạnh phúc, vì đều có vợ tên là Hạnh: vợ thầy Phương tên Nguyễn Thị Hạnh; vợ của Phạm Hoàng tên Vương Thị Hạnh), còn lại toàn là “trai độc thân zui tánh” như Duy Nhượng, Phạm Tiên, Ngô Phan Lưu, Diệp Bảo Lợi, Nguyễn Thắng, Nguyễn Hào, và vài người trong gia đình thầy cô Phương mà tôi không biết tên. Dĩ nhiên là cả tui nữa. 
Những món ăn ngon miệng

Dù không hẹn, nhưng buổi hội ngộ rất vui vẻ, đặc biệt có nhiều món ăn rất ngon, trong đó mỗi người được cô Phương đãi một tô bún bò giò heo, mà ai ăn cũng khen ngon; nhất là khách quý Nguyễn Xu, người hùng từ thành phố Phoenix, Arizona, đến San Jose thăm bà con bên zợ, được nhậu món gỏi gà vô cùng khoái khẩu.  Xu nói thích ăn gỏi gà để khỏi bị bệnh..."chicken!" (chicken: nhát gan).

Bổn cũ soạn lại cho người mới.
Không thấy bà xã của Xu, tôi hỏi “Bà Sen” đâu; Xu nói "Lâu lâu mới được bả cho phép xuất ngoại để thăm bên ngoại; hỏi bả làm chi để tui cảm thấy...'tậu lẫu'".
Phạm Hoàng & Vương Hạnh
Khi thấy mọi người cười mình quá “sợ zợ”, Nguyễn Xu chống chế rằng ai mà chẳng sợ zợ; rồi được Vương Hạnh nâng đỡ tinh thần bằng câu: “zợ mình, mình sợ chứ có sợ zợ nẫu đâu mà lo”, làm Phạm Hoàng ngồi bên bị…  “á khẩu”.

Để cứu "cháu zợ" Phạm Hoàng, Nguyễn Xu kể một câu chiện mà cu cậu nói là… “có thật”. Chiện đại khái như zầy:
Khi đọc thống kê về đàn ông Việt Nam sợ zợ nhất thế giới, Uỷ Ban Phòng Chống Sợ Vợ của Liên Hiệp Quốc (UN/AHH: Anti-Henpecked-Husband) liền cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra.
Khi đi, phái đoàn mang theo 7 con thỏ để tặng cho những người sợ zợ, và 3 con ngựa để tặng cho những người không sợ zợ, kèm theo bằng chứng nhận có đóng dấu “KHÔNG SỢ ZỢ” để "phe" với hàng xóm.    

Theo dự trù thì phái đoàn sẽ viếng thăm và phỏng vấn khoảng 10 người, và sẽ tặng 7 con thỏ cho những ai sợ vợ.  [Hình như loài thỏ bẩm sinh cũng sợ zợ như người, vì thế người ta mới nói nhát như…  “thỏ đế” (thỏ đực?)].

Cũng theo "dự kiến" của phái đoàn thì nhiều lắm chỉ có tối đa 7/10 người sợ zợ thôi (Theo thống kê của LHQ thì có đến 70% liền ông Ziệc Nam sợ zợ); nên họ hy vọng có đủ thỏ để phát cho những người nhát gan.
Khi vào làng, phái đoàn liền phỏng vấn một nông dân đầu tiên và ông này trả lời như Vương Hạnh là:
          Trăm năm trong cõi …ta bà,
          Zợ mình, mình sợ, có sợ zợ người ta đâu mà phiền.
Đến ngôi làng thứ 2, một ông chồng để râu “cá chốt” gãi đầu gãi tai,  phân trần với phái đoàn rằng:
            Xưa kia có thế này đâu
            Bởi vì sợ zợ, nên râu quặp zào.
Gặp người đàn ông thứ ba, phái đoàn được ông chồng gốc Phú Thứ (quê của Nguyễn Xu) giải thích như sau:
            Hầu nhỏ thì nẫu sợ cha,
            Lớn lên sợ zợ, zề già sợ con.
            (Ca dao Phú Yên)
Nguyễn Xu đang kể chiện Sợ Zợ

Sau khi phát 7 con thỏ cho 7 chàng râu quặp, phái đoàn rất lo lắng là nếu gặp người thứ 8 mà cũng sợ zợ, thì lấy thỏ đâu ra mà tặng.
May quá, khi thấy một người có dáng đạo mạo (như… Duy Nhượng) thì phái đoàn hỏi ổng có sợ vợ không; ông ta vênh mặt lên trời nói rằng “nhà tôi không có..mả sợ zợ!”(Có người dịch ra tiếng Anh "mả sợ vợ" là..."henpecked husband's tomb").
Phái đoàn mừng lắm, bèn nói rằng họ có 3 con ngựa, một con mầu trắng, một con mầu đen và một con mầu hồng; hỏi ổng muốn lấy con nào.

Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, ổng  chọn con ngựa trắng vì nghĩ mầu trắng là mầu tinh khiết, chứ không xui xẻo như mầu đen, và không…cải lương như mầu hồng! Thế là chàng hăm hở dắt con ngựa trắng về nhà và gặp bà xã ra cổng đón chồng.
Thấy ngựa, bả hỏi ở đâu ra; ông chồng trả lời là phần thưởng “không sợ zợ”. 
Sau khi nghe ông chồng kể lại đầu đuôi câu chiện; bà vợ quắc mắt lên nói:
-Sao ông ngu quá zậy, năm hết tết đến mà ông mang con ngựa trắng về có khác gì mang khăn tang vào nhà; ông muốn sống thì lập tức đổi con ngựa mầu hồng cho tui.
Thế là ông chồng đành phải thui thủi tìm gặp phái đoàn để xin đổi con ngựa hồng.   

Đúng là đàn ông 13 bến nước; trong nhờ, đục chịu; nhưng cái “mả” sợ vợ thì ngay cả Ngọc Hoàng cũng khuyên rằng:
            Thôi mày hãy cố....ngậm tăm,
            Zợ tao còn dữ gấp trăm zợ mày.
Phan Lưu giả ngu, Nguyễn Xu tằng hắng, Nguyễn Thắng chịu trận.

Trước đó, Nguyễn Xu cũng nói rằng anh không những sợ... zợ mình, mà còn sợ cả zợ...nẫu.  

Anh nói mỗi lần gọi điện thoại cho bạn, tính rủ đi nhậu, mà gặp bà xã của bạn ở đầu dây bên kia, là ảnh liền giả giọng Mỹ Đen nói: “Yo, yo, sorry...wrong number, man!” rồi cúp máy cái rụp.  (Hallelujah!)
Ai cũng giành nhau kể chiện cũ và khoe chiện mới; chỉ tội cho nhà văn cho Ngô Phan Lưu, người đã nhỏ con lại còn ngồi đằng sau Phạm Tiên, muốn mở miệng cũng không át nổi giọng khuếch đại âm thanh của anh chàng họ Phạm, làm Nguyễn Thắng ngồi gần đó cứ phải nhắc đi nhắc lại là “dĩa bị...rè quá rầu; có dĩa mới không?”
Pham Tiên hát tuồng cũ

Dù gì thì nhờ có anh chàng hậu duệ của “Phạm Công” mà buổi “tiệc tất niên” trở nên hào hứng hơn.  

Mọi người cũng nhắc đến một số bạn cũ như Nguyễn Nam, Lê Khóa, Lê Văn Bộ, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Hạnh, Trương Minh Chính, Trịnh Thị Phương Tùng, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Quốc Khánh, Đặng Đình Khuê, Hoàng Trọng Nghĩa...., đặc biệt là Phan Thị Tuyết (Lê Thị Hoài Niệm) mà Nguyễn Xu nói là "cháu" mình và là cousin của Phạm Hoàng.  

Nguyễn Xu nói đặc giọng Phú Thứ rằng: "Cái Tuyếch hầu nẩm đi học đâu có giỏ..ỏii lắm, mà giờ ziết zăng làm thơ rồi ra tập chiệng ngắng "Zéng Mây Tìm Lại Nử..ửa Zầng Trăng" hay wá chừng chừng!" (Xin xem "Nửa Vầng Trăng").

Trước khi chia tay, tui có mời Diệp Bảo Lợi tham dự Đại Hội, nhưng cu cậu nói..."để coi"; vì không biết để mấy con chó ở nhà cho ai trông.  (Đúng là nỗi khổ của đàn ông, không có zợ như chàng Lợi chưa chắc được hoàn toàn...tự do). 

Khi tiễn chúng tôi ra cửa, Cô Phương dúi vào tay anh Nhượng một chiếc phong bì nói rằng để ủng hộ cho Đại Hội 5 Cựu Học Sinh Phú Yên tại New Orleans vào đầu tháng 6 năm 2015. (Trưởng Ban Vận Động Tài Chánh Hoàng Thanh Phước nói trong phong bì có tờ 100 dollars).
Khi chúng tôi ra đến ngoài đường, Nguyễn Xu chạy theo, móc túi ra tờ $50 nói là “của ít lòng nhiều”, xin tặng Đại Hội 5 để bầy tỏ sự hậu thuẫn hết mình cho đại hội mà anh là "Đại Diện" từ khu vực Arizona. 

Cám ơn thầy cô Phương, Nguyễn Xu và tất cả thầy cô và anh chị em đã nhiệt tình yểm trợ cho đại hội.

(PS: Thấy anh Nhượng nhe răng cười, tôi hỏi ảnh không sợ zợ sao lại bmất một cái răng cửa; ảnh nói tại "cạp"...cua bị gẫy).  

 
San Jose 31 tháng 12 năm 2015
Viết tặng Nguyễn Xu và Diệp Bảo Lợi, những người bạn “không hẹn mà gặp".  Hy vọng sẽ được tái ngộ cùng các bạn vào tháng 6 năm sau.


Xin bấm vào "Không Hẹn Mà Gặp" để xem thêm hình.











Phạm Đức Hiền 

Friday, December 5, 2014

TÌNH XƯA GIỜ MỚI KỂ

Xin bấm vào hình để xem phóng đại).
Nói đến chuyện tình yêu, đám bạn cũ của tôi nhao nhao phản đối: “Tuổi này rồi đừng đụng chạm vấn đề nhạy cảm đó nữa!” Nhưng khi hỏi “Hồi xưa đi học yêu ai? Tác giả bức thư tình đầu tiên là người nào?” thì ai nấy đều tranh nhau thổ lộ.  Có điều chẳng mấy ai buồn khi nói về tình yêu ngày xưa ấy. Nếu có cũng chỉ là những tiếc nuối vẩn vơ, những âm ba khuấy động tiếng lòng một chút mà thôi. Có lẽ vì đó là những năm tháng đẹp nhất, khó quên nhất, lúc người ta còn trẻ, chưa biết tính toán thiệt hơn, thậm chí ngây thơ nữa. Rồi năm tháng qua đi, khi lo toan dần rơi rụng thì chuyện cũ, những rung động đầu đời tưởng đã ngủ yên bỗng trỗi dậy. Một sớm mai nào thức giấc. Nhẹ nhàng bước ra khỏi giường, pha một tách café, mở một đoạn nhạc và nhớ lại.
Tôi không nhớ mình bắt đầu yêu từ lúc nào, năm bao nhiêu tuổi? Vì mãi đến năm 14, 15 tuổi tôi và đám bạn của tôi vẫn còn rất nghịch. Chúng tôi nghịch đến độ thầy Quát dạy Văn từng chỉ vào mặt cả lớp hăm dọa: “Nè, mấy bà 9A nghịch như quỉ sứ! Mai mốt tui sẽ gả 4,5 bà cho một thằng binh nhì”. Eo ôi! cái chức binh nhì to quá nên vẫn không đủ sức răn đe.
Hôm rồi đám cưới con gái Trần Đình Anh ở Sài Gòn, ông sui nhà gái dành riêng một bàn toàn dân liên lớp 9 Nguyễn Huệ Tuy Hòa khóa 67-74. Khi được hỏi  ngày xưa sao không anh nào tán các nàng 9A? Cả bàn liền ôm bụng cười khi Lê Định lớp 9B phán: “Tán 9A? đừng có mơ. Yêu thì chưa biết, nhưng nghe chửi thì chắc chắn có”. (Trời! không lẽ ngày xưa chúng tôi dễ sợ đến thế ư?)
Công bằng mà nói lời nhận xét đó đúng 50%. Nhưng một nửa còn lại, sự thật hoàn toàn khác hẳn.
Này nhé chúng tôi rất dịu dàng, rất dễ thương, rất nữ tính, nhưng với những ai khác kia chứ có phải với mấy “ông” đâu mà biết. Bên cạnh những trò nghịch phá, chúng tôi cũng có những mối tình rất lâm li, rất lãng mạn. Chưa thể thống kê có bao nhiêu đứa trong lớp tôi biết yêu ngày ấy, vì có nàng đến giờ vẫn đỏ mặt, lắc đầu quầy quậy: “Không có đâu…Không có đâu…”  Nhưng cho dù công khai hay chỉ he hé tấm màn bí mật, các chuyện tình của lớp tôi đều thuộc diện dễ nhớ mà khó quên.
Cũng trong đám cưới con gái Trần Đình Anh, tôi gặp lại Cao Huy Thảo. Ký ức về Thảo, tôi rất mơ hồ, lâu quá rồi còn gì. Nhưng có một điều không bao giờ tôi quên là chuyện tình nổi tiếng một thời của Thảo và Nguyễn Thị Ngọc Tới lớp tôi. Trong bữa tiệc tôi hỏi nhỏ Thảo:
-Nè! Hồi đó ông có gì với bà Tới chưa?
-Tui còn chưa biết giọng nói của bả.
Vừa ngạc nhiên tôi vừa buồn cười khi nhớ  đến sự tưởng tượng phong phú của đám con gái lớp mình hồi đó. Nào là chàng đã làm không biết bao nhiêu bài thơ ca tụng nàng. Nào là Ngọc Tới đã hò hẹn với “Thảo Luối” (biệt hiệu của CHT) ở những đâu. Hóa ra, chuyện tình lãng mạn của cô tiểu thư con ông trưởng ty Ngân Khố và cậu quí tử của ông trưởng ty Tiểu Học Phú Yên chỉ nhẹ tựa sương khói mà thôi.
Gần đây trên diễn đàn Cựu học sinh Phú yên, các nàng lớp tôi rất thích một bài thơ họa theo bài “Hai sắc hoa Ti gôn” của TTKH,  nội dung như sau:
     Nếu biết rằng mai Nẫu lấy chồng
     Tui buồn! tui khóc “Khóc Một Dòng Sông”
     Đức Huy khóc nhỏ, tui khóc rống
     Khóc đến khi mô Nẫu bỏ chồng.
Phải nói chúng tôi “tâm phục khẩu phục” trình độ họa thơ của tác giả. Từ cách vận dụng hết sức lãng mạn bài hát “Khóc Một Dòng Sông” của Đức Huy, cho đến cách dùng từ, nhất là từ RỐNG không thể chê vào đâu được. Nhưng vấn đề ở đây không phải ý nghĩa của bài thơ mà là tên tác giả. Chúng tôi thắc mắc không biết có phải anh Trần Đình Hiệp tức Hiệp Quảng Hòa hay không? Vì cái tên Hiệp Quảng Hòa gợi nhớ đến một chuyện tình mà đến tận bây giờ có thể nhân vật nam chính chưa hề biết mình từng “bị” yêu.
Tôi không hiểu hồi đó tụi nó lấy thông tin ở đâu mà sáng tác thiên tình sử của Phạm Thị Kim Tòng (nhà sách Vạn Kim) với Trần Đình Hiệp (nhà in Quảng Hòa). Mỗi lần thấy Kim Tòng ôm cặp đi vào là cả đám ca nhạc sĩ “tào lao” 9A đồng thanh hát:
Tòng từ là từ Đông Tác
Đã qua dòng sông
Sông Đà Rằng tìm đến Quảng Hòa một nhà in giấy  la…la…la…la…la…la…la…
Ơi! Tình “Sách” duyên “In” là duyên.
Tình chung muôn đời ta đắp xây.
(Hát nhái bài “Khúc Hát Ân Tình”: Người từ là từ phương Bắc…). 
Tội nghiệp Kim Tòng hôm nào cũng lấy tay bịt cả hai tai chạy ù về chỗ ngồi. Cô nàng đã khốn đốn trong suốt năm lớp 9 vì bài hát ghép đôi quái ác này. Nhưng nói gì thì nói, tôi cũng phải công nhận đây là mối tình môn đăng hộ đối, xứng sui gia nhất (Sách với In mà lị!).
Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao có thể tồn tại trong chúng tôi trái tim một thiếu nữ song song với tâm hồn một đứa con nít? Vì lên lớp 10 rồi chúng tôi chưa thôi nghịch ngợm. Mấy “ông” học chung lớp vẫn là những gương mặt quá quen ở trường Nguyễn Huệ cũ. Đến giờ toán bí câu nào là chẳng chút mắc cỡ: “ Ê! Ê! Ông A…ông B…quăng giùm tui câu số…” , thế là chéo…chéo…chéo trong tí tắc một tờ nháp chui ngay vào hộc bàn.
Không thể chọc ghẹo “người ơn” được, chúng tôi chuyển sang một đối tượng “ độc và lạ” trong lớp là thầy tu Trần Văn Nhân. Mỗi lần thầy lên bảng trả bài, ngồi ở bàn đầu chúng tôi hát nho nhỏ: Thầy đi lên đồi cao. Tóc bay về hướng nào (nhái bài “Nguời Đi Hành Hương” của TCS). Hay mỗi lần rằm, mùng một thấy thầy từ xa là cả bọn bắt đầu tụng: “Có ai cắt nghĩa được từ bi. Có khó gì đâu một mái chùa. Nó chiếm hồn ta bằng tiếng mõ. Bằng xôi chè nếp cúng ngày rằm”. (Nhái bài thơ “Vì Sao” của Xuân Diệu). (Hôm về Tuy Hòa họp lớp, ngó quanh quất tìm thầy Nhân để xin lỗi nhưng chẳng thấy. Có lẽ ở một ngôi chùa xa xôi nào đó, thầy cũng đã từ bi hỉ xả cho đám tiểu nữ yêu quái học cùng lớp từ lâu).
Thế đấy! Trong con mắt của chúng tôi, cái nhìn về quí ông học cùng lớp vẫn không hề thay đổi. Nhưng ở trường Nguyễn Huệ mới còn có các anh giai lớp 11, 12 đầy mới lạ nữa, và tình yêu chỉ thật sự bùng nổ với những đối tượng này.   
Hồi đó không hiểu sao ban giám hiệu trường lại nhét liên lớp 10 chúng tôi ra dãy phòng học tole phía sau trường. Mùa Hè gió từ những cánh đồng lúa xung quanh thổi tới mát ơi là mát. Nhưng đến mùa mưa bão, thầy trò lại xấc bấc xang bang chạy lụt. Nguyên nhân là giữa dãy phòng tole và dãy lầu có một bãi cát rất sâu và rộng. Nhiều bữa đang học nước lớn phải vắt giò lên cổ chạy. Nhưng bãi cát cũng chính là nơi chúng tôi chọn làm bãi đáp để đọc thư tình trong giờ ra chơi. Trong đám bạn của tôi, đứa nhiều nhất có 7, 8 anh theo. Đứa ít nhất cũng có 1, 2 mảnh tình vắt vai. Mối tình nào có vấn đề thì tụi nó ém nhẹm, thư từ coi một mình. Tình nào bất kham thì giờ ra chơi tụ tập dưới bãi cát đem “những bức thư tình hay nhất” ra đọc chung. Lắm lúc đối tượng đi ngang qua, mặt nghiêm trang thẳng bước, nghe tiếng cười ngặt nghẽo cứ tưởng cười ai, đâu biết tác phẩm của mình đang bị mổ xẻ tanh bành.
Chúng tôi gọi đoạn đường từ ngã tư Trần Hưng Đạo- Bùi Nguyên Ngãi ( nay là đường Nguyễn Trãi) đến trường Nguyễn Huệ là “Con đường tình ta đi”. Đến giờ cao điểm không khó để phát hiện cái đuôi nào theo mình. Thúy Nga đã từng quăng Hồng A sang bên trái khi thấy đối tượng theo Hồng A đi bên trái, rồi sẵn sàng quăng Hồng A bên phải nếu đối tượng kiên trì bám bên phải.
Tôi phát hiện cái đuôi của mình cũng trên con đường tình đó. Xuân Lan và Minh Vui thì không đủ sức quăng tôi như Thúy Nga, thành thử nếu đang đi phía bên chợ thấy bóng hắn phía sau là tôi xàng ngay qua nhà sách Vạn Kim và ngược lại. Hôm nào bí quá xàng không kịp thì sụp nón nghiêng hẳn một bên để khỏi thấy hắn.
Mùa hè vừa xuống biển, ít phút sau đã thấy hắn nằm đọc sách kế bên. Nhiều hôm đợi hắn bơi ra xa, tôi tò mò sang xem thử hắn đọc sách gì. Trời ạ! Học hơn mình có một lớp mà hắn đã đọc Alexis Zorba Con Người Chịu Chơi, Chiến Tranh Và Hòa Bình, Khung Cửa Hẹp…Đồng ý hắn đáng nể thật nhưng cảm động thì chưa.
Tháng 10 ÂL Tuy Hòa lụt lớn cả trường Nguyễn Huệ được nghỉ học. Nhà hắn lại ở  bên hông trường Bồ Đề ngay rốn lũ. Tưởng sẽ cắt được cái đuôi vài hôm, không ngờ sáng ra đứng trên lầu nhìn xuống đã thấy hắn chèo ghe ngang qua nhà.
Sau một thời gian thực hiện phương châm “Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không lì”, hắn cũng tìm được cơ hội tiếp cận với tôi. Noel năm đó trời rất lạnh. Hắn gặp tôi và Minh Vui trước nhà thờ Tuy Hòa. Không biết hắn đã dàn xếp, mua chuộc Minh Vui bằng cách nào, rốt cuộc chỉ còn hắn và tôi đi bên nhau. Đường Nguyễn Huệ với hàng dương rũ bóng và tiếng nhạc Giáng Sinh vẳng ra từ quán café “Nhớ” là cơ hội vàng để hắn bày tỏ tình cảm:
-Quang thích thơ Quang Dũng không? nói rồi hắn ngâm nho nhỏ: Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc…      
Đang ngây ngất vì “được” đối phương tấn công. Tôi sực nhớ: “Mắt mình cận thị, hắn lại nói u uẩn là sao?” Tôi quay sang hét lớn:
- Mắt tui xấu kệ tui, mắc mớ gì tới ông. Tính chơi khăm tui hả? Còn khuya!
Nói xong tôi biến đi mất. Hắn đứng đó như trời trồng, miệng lắp bắp điều gì không rõ.
Giờ thì kẻ si tình đó không còn trên cõi đời này nữa. Đại dương đã nhấn chìm tâm hồn mơ mộng và mối tình đầu chưa hiểu vì sao lại chấm dứt tức tưởi của hắn.
Tôi vừa gặp lại một người bạn rất thân của hắn, tay trống của trường Nguyễn Huệ ngày xưa. Anh thú nhận từng yêu một nàng thuộc hàng yểu điệu thục nữ “quí hiếm” của 9A. Tình yêu của họ giống y như bộ phim Romeo & Juliet cả hai từng xem ở rạp Diên Hồng. Cũng những ngày tháng bên nhau êm đềm, cũng xung đột giữa hai gia đình, cũng bức thư không đến được địa chỉ cần đến và cũng một cái kết buồn.
Tuy nhiên cả hai không giận hờn hay oán trách gì nhau. Nhìn cái cách họ cư xử  bây giờ cũng có thể đoán được mối tình sâu đậm ngày ấy. Còn người cất giấu những bức thư có đôi lần ân hận: “Phải chi tao đưa hết cho nó”.
Không có “được hay mất, thắng hay thua” như những cuộc tình thường thấy. Cả anh, cả nàng , cả “bồ câu không đưa thư” đến giờ vẫn chơi thân với nhau. Giữa họ có một thứ còn quí hơn cả tình yêu là tình bạn.
Ngoài tình yêu với các nam sinh trường Nguyễn Huệ, chúng tôi còn dành tình cảm cho một đối tượng khác nữa là mấy anh lính chiến (Thời chiến, nữ sinh yêu lính là chuyện bình thường). Và một trong những mối tình đầy “sóng gió” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà tôi đã từng chứng kiến là mối tình chung của Minh Vui, Xuân Lan và tôi với một chàng lính Hải Quân.

Năm 1972 Duyên đoàn 23 Hải Quân đóng ở Sông Cầu mời trường Nguyễn Huệ ra kết nghĩa, giao lưu. Tôi, Minh Vui, Xuân Lan ở trong đội văn nghệ, còn Hồng A, Thúy Nga, Ái Vân, Mỹ Hoa (chân dài hồi đó) thuộc nhóm nữ sinh được chọn trao vòng hoa cho các chiến sĩ.
Tôi còn nhớ hôm đó trời rất đẹp. Tàu Hải quân đón đội văn nghệ của trường tại bãi biển Tuy Hòa. Cả nhóm đứng trên boong tàu, lòng lâng lâng với cảnh mây trời nước biếc. Tuy nhiên giây phút lãng mạn đó không kéo dài được bao lâu, mới ra tới cửa biển Tuy Hòa  chúng tôi đã bị đo ván. Tôi, M Vui, Hồng A bị say sóng nằm la liệt dưới sàn tàu. Tội nghiệp nhất Hồng A, mặt mũi hoa khôi 9A tái xanh, vừa ói, vừa bê bết mồ hôi thều thào nói: “Nước… nước… tụi bay”. Trong lúc vật vã, tôi mới thấy khả năng lướt sóng của Mỹ Hoa và Xuân Lan rất đáng nể. Hai đứa tỉnh bơ cười nói rổn rảng, thỉnh thoảng còn nhìn Hồng A ái ngại: “ Có bao giờ nó chết không bay?”
Sau mấy giờ lênh đênh trên sóng nước, tàu cập bến Sông Cầu. Cả bọn dìu nhau xuống cầu cảng trong bộ áo dài trắng nhàu nát như một đoàn quân thất trận. Nhưng đúng là sức trẻ, về tới căn cứ Hải Quân lần đầu thấy tiệc buffet tụi tôi tỉnh rụi.
Một tuần sau khi đã về lại Tuy Hòa, X Lan nhận được một lá thư có nội dung như sau: “Chào X Lan! Em là X Lan trong nhóm của M Vui, Quang phải không? Anh đã nghe các em hát ở Sông Cầu. Các em hát hay lắm, cho anh làm quen nhé. Anh tên là HV.  À! Anh đã nhặt được căn cước của X Lan trong toilet nhà thuyền trưởng.”   (Ttình yêu bắt đầu từ cái nơi chốn không được cao quí cho lắm)
Thư đi thư lại mấy lần thì nhà trai và nhà gái hẹn gặp nhau lúc 10 h sáng ngày…tại địa điểm…ở  Sông Cầu. Phương tiện di chuyển lần này là xe than.
Địa điểm X. 9h ngó quanh quất không có ai. 9h30 vẫn không có ai. Đúng 10h đường phố vắng tanh, ngoại trừ một người đàn ông “cứng” tuổi, nhan sắc hơi bị “hẻo”, tướng cù lần từ xa đi tới. Bất chợt ba đứa tôi đưa mắt nhìn nhau: “Trời! chàng của mình đấy ư?”. Trong tâm tưởng của chúng tôi, chàng có thể không đẹp trai bằng Duyên đoàn trưởng hay lịch lãm như Duyên đoàn phó, nhưng ít ra cũng hào hoa, rắn rỏi, trẻ trung như các thuyền viên khác. Đằng này nếu đúng, thì cụ là người già nhất của đơn vị. Đã vậy y phục  lại không đụng hàng với ai. Bên trong áo chemise, cụ còn chơi cái áo thun trắng cổ tròn ôm sát cổ y hệt người già nữa chứ.
Tự dưng không ai bảo ai, cả ba đứa tôi vụt cắm đầu chạy. Vừa chạy tôi vừa ngoái đầu nhìn lại. Trời đất! Cụ cũng chạy theo. Cuối cùng ba đứa phải bỏ cuộc vì cụ chạy ghê quá! (Dù gì cũng là dân Hải Quân!). Vừa thở hào hển chúng tôi vừa hỏi: “Dạ… dạ…dạ… anh là HV phải không? Cái gật đầu kèm thêm nụ cười rộng hết cỡ của cụ đã làm giấc mơ “Hoàng tử”  ấp ủ bấy lâu vỡ tan tành.
Cứ tưởng tình đầu của chúng tôi sẽ bùng cháy như cục than đỏ trên chuyến xe than  buổi sáng, đã trở nên chán ngắt như lúc phụ bác tài đẩy chiếc xe hư trên dốc Găng chiều hôm đó.
Chưa hết sốc vì mối duyên tiền định ở Sông Cầu, ít lâu sau chúng tôi lại hăm hở bước vào cuộc tình “ em hậu phương, anh tiền tuyến” mới. Khác với tình chung lần trước, lần này mỗi em là một  chàng sĩ quan Cá Vàng (Alpha vàng ). Tuổi mới lớn lại gặp cơn gió lạ từ các chàng sinh viên y khoa ở Sài Gòn về, tụi tôi xao động ghê gớm. Nhưng đúng là con nít, hẹn hò bất cứ nơi đâu ba đứa lúc nào cũng  bên nhau không chịu tách rời.  Hồng A ra vẻ kinh nghiệm nói “Yêu đương gì ba đứa bay, kè kè sát bên làm sao nói chiện!” Bà cụ non nói đúng! Cái kiểu yêu lính cho có “phong trào” với người ta chẳng mấy chốc đã bị cái tính ngây ngô đè cho dẹp bí.
20 năm sau khi đẻ thằng út ở bên Mỹ, bác sĩ đỡ đẻ cho Minh Vui chính là anh chàng sĩ quan y khoa theo nàng ngày xưa. Không biết trong đầu óc của chàng có còn một Minh Vui cao gầy rất xinh thuở trước, chứ mà trần trụi, bầy hầy như lúc đó thì e…hèm…
Sau cuộc hội ngộ 40 năm ở trường Nguyễn Huệ , các thành viên của lớp tôi liên lạc  với nhau thường xuyên hơn. Chuyện bạn, chuyện mình không cảnh đời nào giống cảnh đời nào.  Một nửa lớp viên mãn với cuộc sống hiện tại, nửa còn lại thì chua chát: “có lẽ hồi trước lớp mình học truyện Kiều kỹ quá!”.
Trong số người hạnh phúc, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ các cặp yêu nhau từ hồi còn đi học. Trong lần họp mặt mới đây ở Sài Gòn, thầy Nguyễn Trọng Hiệp đã tròn mắt ngạc nhiên khi nghe một cặp vợ 9A, chồng 9D giới thiệu: “Con đó vợ em - Thằng đó chồng em”. Một cặp khác vợ 9A, chồng 10A1 mấy mươi năm vẫn xưng hô anh, em ngọt xớt.
Đến giờ này tuy chưa phải là “cặp đôi hoàn hảo”, nhưng các cặp vợ chồng trên đã chứng minh rằng tình yêu xuất phát từ tình bạn là bền vững nhất.
Mấy nàng trót “yêu xa” thì tiếc rẻ: “Giá ngày xưa yêu rồi lấy một tay nào học cùng lớp hay cùng trường Nguyễn Huệ thì hay biết mấy! Mình hiểu hắn, hắn hiểu mình, khỏi sợ lầm lẫn”. Lời tiếc nuối ấy quả có lý. Con tim trinh nguyên chỉ có thể cho và nhận trong những ngày thơ tình thơ mà thôi.
Một đêm mùa hạ năm 1979, có người học lớp 11B1 uống rượu thật say đến ngồi trên thềm nhà một người lớp 9A. Bình thường đã ít nói, có rượu vào người ấy càng lặng lẽ hơn. Người lớp 9A bất chợt hỏi:
- Hồi đi học ông ưa tui phải không?
-Giờ này bà hỏi có ích gì?
Hai câu hỏi cũng là hai câu trả lời. Biên giới giữa yêu và không yêu, giữa tình yêu và tình bạn mong manh như chiếc thuyền chở người ấy ra đi khuya hôm đó.
Bây giờ thì cả hai đang ở Mỹ. Thỉnh thoảng vẫn điện thoại thăm hỏi nhau và thỉnh thoảng nhắc: “Bao giờ cho đến ngày xưa?”

*Cám ơn các bạn lớp 9A đã gởi hình ảnh và tư liệu
                                                                                                     
QUANG  ĐẶNG

Sunday, November 30, 2014

NHỚ ƠN THẦY




Kính thưa quí Thầy Cô,
Nhân mùa lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) con xin kính gởi đến quí Thầy Cô cựu giáo sư các trường trung học tại Tuy Hòa, Phú Yên bài thơ ngắn như là món quà nhỏ bé thay cho lời cám ơn chân thành.
Chúng con rất hy vọng được gặp gỡ tất cả Thầy Cô trong đại hội CHSPY kỳ 5 tại New Orleans vào tháng 6 năm 2015.
Trọng kính,
Hoàng Thanh Phước

NHỚ ƠN THẦY

Nhân mùa lễ Tạ Ơn
Mùa báo đáp ơn Thầy
Lòng nghẹn ngào xúc động
Giữa Thu buồn mưa bay…

Lòng vẫn luôn ghi nhớ
Dù đã mấy mươi năm
Dầu tóc nay đã bạc
Thầy Cô giờ  xa xăm…

Bụi phấn bám tóc Thầy
Trắng như làn  tuyết rơi
Thầy của tôi ngày ấy
Ôi thương đến nghẹn lời!

Dù hơn dăm, bảy tuổi
Nhưng Thầy tựa Mẹ, Cha
Dạy dỗ và yêu quý
Nồng ấm trong rầy la

Từng năm, từng năm hết
Tuổi học trò êm trôi
Một ngày nao từ biệt
Quay đi trong bồi hồi…

Tôi xa Thầy từ đó
Một thoáng năm mươi năm
Chưa một lần gặp lại
Chưa một lần về thăm

Bước phong trần phiêu bạt
Bụi thời gian phủ mờ
Không biết thầy còn nhớ
Đám học trò ngây thơ?

Nay chắc Thầy yếu lắm
Bởi đoạn trường gió sương
Mái tóc xưa chắc trắng
Đâu cần bụi phấn vương!?

Nhìn lá rơi tan tác
Lòng bỗng thấy ngậm ngùi
Mùa Tạ Ơn như nhắc
Thêm thương nhớ Thầy tôi!

Giờ tôi đã thành nhân
Vẫn ghi mãi ơn Thầy
New Orleans đại hội
Mong gặp Thầy nơi đây.

 














San Jose, Mùa Lễ Tạ Ơn 2014

Hoàng thanh Phước.

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Friday, October 24, 2014

HỘI NGỘ LỮ THANH TUYẾT


(Xin bấm vào hình để xem lớn hơn) 
Theo thông lệ của cựu học sinh Nguyễn Huệ Bắc California là mỗi lần có bạn đồng môn hoặc đồng hương Phú Yên ghé thăm thung lũng hoa vàng San Jose thì gia đình Nguyễn Huệ thường tổ chức buổi họp mặt bỏ túi để đón mừng khách quí từ phương xa đến . Trường hợp Lữ Thanh Tuyết cũng không ngoại lệ; chị đến từ Phú Yên, Việt Nam, theo diện du lịch Hoa Kỳ, do người em trai ở Nam Cali bảo lãnh.
 Hôm Thứ Sáu 03-10-2014  vừa qua, nhóm chúng tôi kéo đến nhà hàng Thiên Long, nơi nổi tiếng có nhiều món ăn Việt Nam thuộc hạng ngon nhất ở đây.
Vì thông báo quá trễ, chỉ trước có hai ngày, nên số anh chị em tham dự tương đối ít, nhưng bù lại rất vui nhộn và thân thiện.
Những ai từng ở thành phố Tuy Hòa vào thập niên 60 – 70 hầu hết đều biết gia đình chị Lữ Thanh Tuyết (tiệm gạo Huê Nam) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, kế bên chợ mới.
Chị Thanh Tuyết, chị Lan Anh với tôi không những cùng học chung trường Nguyễn Huệ, mà chúng tôi còn cùng học với nhau từ lớp năm đến lớp nhất ở trường Nữ Tiểu Học. Coi như thân nhau từ tấm bé.
Thời gian trôi qua… mỗi đứa mỗi đường, mỗi người một hướng đi riêng. Tôi nghỉ học, lên xe hoa về nhà chồng; Lan Anh vào Saigon học cán sự y tế; còn Thanh Tuyết cuối năm Đệ Nhị đành phải nghỉ ở nhà phụ cha mẹ buôn bán, lo cho đàn em tiếp tục con đường học vấn.
Thật không ngờ trải qua bao dâu bể, giờ này chúng tôi còn được gặp nhau, nhìn thấy nhau hôm nay, bồi hồi xúc động, mừng mừng, tủi tủi.
Trong lúc chúng tôi vừa nhâm nhi vừa nói chuyện, Thanh Tuyết nhìn tôi thật lâu rồi nói: “Phước à! Nếu gặp nhau ngoài đường chắc chắn không thể nào nhận ra nhau đâu; sao bây giờ mình già quá vậy nè”…  Tôi trả lời: “Nói gì vậy Tuyết, hơn nửa thế kỷ rồi không già, không khác mới là chuyện lạ; bọn mình sắp sửa có chắt gọi bằng ông bà cố rồi mà, làm sao không già cho được”.
Nói là nói vậy chứ khi nhìn thấy Thanh Tuyết tôi đã nhận ra ngay. Vẫn còn nét thanh tú ngày xưa, đôi mắt to, nụ cười hiền hòa, nói năng chậm rãi, và nhất là tình bạn, tình đồng môn, đồng hương vẫn còn sống mãi trong lòng chúng ta. Đó là điều quí giá nhất. Anh Hiền lên tiếng: “chị Tuyết còn nhớ tôi không”, Tuyết còn đang ngờ ngợ chưa kịp trả lờithì anh nói đùa: “Phạm Đức Hiền ngày xưa nổi tiếng học giỏi, đẹp trai nhất vùng mà chị không nhớ là thua rồi”. Chúng tôi phải lôi ra nào tên cha mẹ, anh em họ hàng lúc đó Tuyết mới nói: “À! Nhớ ra rồi, biệt thự "Tứ Mỹ", nhưng anh còn thiếu ba chữ "con nhà giầu", vì hồi đó gia đình anh thuộc tầng lớp "đại gia" mà”. Anh Đặng Đình Khuê pha trò: “Ngày xưa

tụi tôi nối gót theo sau chị mỗi khi tan trường mà chị quên rồi sao? Thật là quá vô tình”. Tôi tiếp lời Lan Anh nói: “Hồi đó nó cũng để ý đến anh Hiền nữa đấy phải vậy không Lan Anh?” Lan Anh cười và nói lớn: “đúng rồi! đúng rồi!” Cả bọn cùng cười vang. Vui thật là vui.
Thanh Tuyết kể ở Tuy Hòa dạo này đi đến đâu cũng nghe xôn xao, rộn ràng bàn tán chuyện chuẩn bị nộp đơn xin đi Mỹ để tham dự đại hội cựu HSPY.
Tuyết nói: “Mình may mắn được cậu em trai bảo lãnh sang du lịch, mình sẽ xin gia hạn và bằng mọi cách để được tham dự đại hội vì đó là niềm mơ ước của mình. Năm 2013, đại hội kỳ 4 tổ chức tại Nam Cali, mình có làm đơn nhưng phỏng vấn bị rớt, buồn ơi là buồn. Các anh chị em bên nhà sang bên này tham dự về kể lại nghe ham lắm, thích lắm, người nào cũng muốn đi hết.”
Tôi nói: “Tuyết đi là đúng lắm vì kỳ 5 này ban tổ chức sẽ cố gắng tạo nhiều tiết mục thật hay, mới lạ, hấp dẫn để phục vụ quí thầy cô cùng tất cả anh chị em đồng môn, đồng hương Phú Yên vào tháng 6-2015 tại thành phố du lịch New Orleans, Louisiana. Không đi là ‘mất quyền lợi’, uổng lắm đó Tuyết à. Phái đoàn San Jose đi đông lắm, trên 50 người.”
Ông bà Hội trưởng Hội Ái Hữu Phú Yên Bắc Cali Hà Ngọc Quỳnh cũng góp mặt trong chuyến này, mặc dù rất bận rộn công việc làm ăn của mình. Thầy Cô Ngô Càng Phương, cựu giáo sư trường Bồ Đề, anh chị Phạm Hoàng & Vương Hạnh trường Nguyễn Huệ cũng đã ghi danh tham dự, toàn những tên tuổi lớn đều có mặt trong đại hội kỳ 5. Thanh Tuyết nghe tôi quảng cáo như thế chị vui mừng lắm nói ngay: “ Phải đi chứ, biết bao giờ mới có được dịp may như thế này, nghĩ đến giây phút sẽ gặp được thầy cô, bạn bè cùng trường cùng lớp ngày xưa lưu lạc khắp bốn phương trời lòng cảm thấy hân hoan vui sướng vô
cùng.”
Chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình, công việc làm ăn của chị thì chị buồn buồn nói: “Ông xã mình mất đến nay đã 26 năm rồi; mình ở vậy thờ chồng nuôi con, được 4 đứa: 2 trai 2 gái; các con của mình đều đã trưởng thành, công việc làm ăn cũng tạm ổn, mấy mẹ con đùm bọc nhau mà sống, ơn trên thương mọi điều cũng được suông sẻ tốt đẹp”. Chúng tôi rất mừng cho chị.
Vì là chiều Thứ Sáu cuối tuần nên nhà hàng rất đông thực khách quá, họ đang đứng đợi xếp hàng dài ngoài cửa nên chúng tôi đành tạm chia tay nhau, hẹn sẽ gặp lại. Bạn bè, thân hữu khắp nơi nếu ai muốn thăm hỏi chị Lữ Thanh Tuyết thì xin cứ tự nhiên gọi về số phone (669) 900-3256, Lữ Thanh Tuyết sẽ rất vui mừng.
Tôi xin mách nhỏ điều này: chị Thanh Tuyết hiện giờ là “single mom”, nấu ăn rất ngon, nhất là món Tuy Hòa, đậm đà quê hương. Quí vị nào còn “độc thân” muốn nhờ chị Tuyết “nấu cơm dùm” thì cứ mạnh dạn gọi phone cho chị Thanh Tuyết nhé!

San Jose, tháng 10-2014
Thanh Phước