Không là gì, không thể là gì đâu. Một chút hoài niệm, có điều khác chút, là nó làm bà Huyền bỗng dưng tươi tắn, sôi nổi hơn bao giờ. Có gì đó như nhốn nháo trong trái tim chừng đã ngủ yên ngót ba mươi năm (ba mươi năm mà bạn bè, con cái gọi bà là tảng băng đá). Có gì đó, mà bà vừa muốn đè lại, vừa muốn xem nó tan ra đến đâu, và tan như thế nào.
Kể ra thì bà cũng đã đắn đo nhiều lắm rồi,
bắt đầu từ một đường dẫn của một cô bạn cũ gửi cho bà, bà đã mon men vào một
trang web, điều mà bà Huyền rất ít thích, có vài lần, mấy cái đường dẫn quái quỉ
đã làm cho cái máy vi tính của bà nhiễm virus, phải đưa đi sửa, suýt trở thành
phế vật, nhưng lần này, nghe đến tên trường xưa, bỗng dưng bà như thấy mình bé
lại… Có chút bồi hồi, ngoài tên của cô bạn, trang web chả có gì thân quen, người
ta in hình trường, màu mè lạ hoắc, chỉ còn được cái tên trường là quen, mà điều
bà muốn tìm, là cái mái trường mười lăm phòng học, ba dãy phòng, xếp thành hình
chữ U, bà nhớ, mỗi mùa mưa lụt, học sinh đã phải nghỉ học, rồi sau đó, đến trường,
từ dãy này qua dãy kia, học sinh và thầy cô
phải bắc những chiếc bàn học làm cầu để bước qua.Ngôi trường trong ký ức
đó đã biến mất theo cái lần gia đình bà phải chuyển đi nơi khác, lúc ấy bà mới
vừa cuối năm đệ lục, và rồi chưa bao giờ có dịp quay lại cái thành phố nhỏ đầy
kỷ niệm ấu thơ đó trong suốt gần năm mươi năm.
Năm mươi năm, con số không nhỏ với rất nhiều
người. Nhiều cuộc đời còn ngắn hơn con số đó rất nhiều, nhất là đoạn đầu hơn mười
năm của năm mươi năm đó, là một cuộc chiến tranh khốc liệt, với mạng sống hàng
triệu người không ai dám tin được là phút trườc, phút sau sẽ ra sao.
Nên với bà Huyền, năm mươi năm trước là một
cái gì rất mơ hồ, chỉ đọng lại chút ít trong trí nhớ bà loáng thoáng những cuộc
di chuyển của một gia đình công chức, từ miền này sang miền kia, từ nơi mới, đến
nơi mới khác, và liên tục thay đổi trường học, liên tục bắt đầu với những lớp mới,
bạn mới, cho đến cái lần di chuyển sau cùng, cô bé mười ba tuổi ấy hầu như không
còn nhớ nổi những gì đã chập chạ chợt có chợt không trong cái biển sóng thời thế
chập chùng bão táp đó.
Vậy mà, điều bà không hiểu được, là có một
cái tên cứ lảng vảng trong tâm trí bà, nhẹ nhàng nhưng dai dẳng, mơ hồ nhưng gần
gũi, mà nếu tự hỏi, có một kỷ niệm gì để gắn bó vậy, thì khó mà nhớ ra. Cũng bởi
vậy, ngay khi bấm vào cái đường dẫn về trường cũ, tên họ của người ấy (mà năm mươi
năm dâu biển, khi thức, khi ngủ yên trong lòng bà) lại nhắc bà tìm thử có hay
không…
**
Thưa
Anh Nguyễn Hữu Đan,
Đã
từ lâu lắm, thỉnh thoảng có được đọc đâu đó cái tên Nguyễn Hữu Đan. Tôi phân
vân mãi mà không dám liên lạc và hỏi anh vì sợ... nhận vơ.
Trước
đây tôi, Đặng Thị Huyền Linh, có học tại Trường TH Nguyễn Huệ (cũ) Tuy Hòa. Đến
hết Đệ Lục, mùa hè 1964, thì theo gia đình vào Saigon.
Vì không biết trước nên tôi đã không giã từ bạn bè, và cũng không có địa chỉ để
liên lạc. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp quay lại Tuy Hòa. Và hiện đang ở Florida.
Giáo sư dạy ngày đó tôi chỉ còn nhớ được Thầy Ô, Thầy Ngọc, Thầy Long. Có một thầy kéo violin dạy lớp hát bài Clementine, không biết có phải Thầy Tế không.
Các
bạn gái chung lớp tôi còn nhớ được Kim Ngân, Châu Kim, Tường Vi, chị Nguyễn Thị
Hạ, Nguyễn Thị Tâm...
Bạn
trai không hiểu sao tôi lại chỉ nhớ được bạn Nguyễn Hữu Đan, và một người nữa ở
gần nhà tên Viên (hình như Lê Lộc Viên), nhà là tiệm may, đối diện tiệm Phước
Minh. Có lẽ tại ngày đó con gái thường ngồi mấy bàn đầu vì ít, rồi con trai
ngồi phía sau nên ít quen. Nhưng nếu có người nhắc hy vọng sẽ nhớ.
Và
thật bất ngờ, tôi lại gặp tên Đan nơi trang web của chính ngôi trường xưa tôi
đã học (Ồ, sao tôi tệ thế, đơn giản vậy mà nếu lâu nay tôi nghĩ ra thì đâu đến
nỗi cứ phải băn khoăn!). Không biết anh có phải là bạn Nguyễn Hữu Đan học cùng
lớp với tôi ngày xưa còn bé đó không. Và nếu đúng thì nửa thế kỷ lâu quá rồi
không biết anh có còn nhận ra bạn cũ không?
Gần
năm mươi năm, dù chưa một lần được trở lại thành phố đó, và dù không sanh ra
tại đó, nhưng trong tâm tưởng lúc nào tôi cũng nhớ đến nơi tôi lớn lên, bắt đầu
từ lớp mẫu giáo, với tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, với những trò chơi... nhà quê dân
dã, với những ngày nước lụt thèm thuồng nhìn các bạn lớn chống bè chuối đi
chơi. Đi học ngày lụt thì trường mênh mông là nước, ngoại trừ đường chính đắp
đất từ cổng vào dãy lớp học ở giữa, phải bắc bàn để đi nối qua hai dãy lớp hai
bên, đợi nước rút đi bắt nòng nọc mà cứ tưởng... cá con, trong đó không ít những
buổi chiều cùng các bạn nhỏ rủ nhau lên Núi Nhạn, nhìn xuống cây Cầu Đà Rằng
hai mươi mốt nhịp bắc qua sông, mà thuở ấy tôi còn chưa biết tên Sông Ba như người
ta gọi sau này.
Hy
vọng Anh đúng là Nguyễn Hữu Đan bạn tôi, và nếu còn nhận ra bạn học cũ thì vui
lòng email cho tôi: huyenlinh@yahoo.com
Cám
ơn Anh rất nhiều.
Huyền
Linh
Cái email bất ngờ làm ông Đan bất chợt thấy
mình như say sóng, và ông trôi, bềnh bồng ngược về quá khứ, vui mừng như không
có nửa thế kỷ sau lưng, khi mới nghe báo danh đỗ vào đệ thất… Ông hối hả trả lời:
Rất mừng có được tin Huyền Linh, nhất là biết Huyền Linh
đang ở Mỹ.
Nếu
thấy vui vui, giữ liên lạc. Mong.
Ông viết ngắn, nhưng hơn ai hết, hơn cả Huyền
Linh, ông biết hai chữ “rất mừng” kia nó ríu rít thế nào. Ông đang khấp khởi mừng
vui, vì ngót năm mươi năm, chưa có khi nào ông không bị những dấu hỏi nhẹ thoáng
qua lòng, nàng đang ở đâu? Thuở ấy, sau chiến tranh, nhà quê ít trường, nên các
phụ huynh khai lại tuổi cho con được vào học lớp tương ứng trình độ, mà đa số là
lớp năm (như lớp 1 bây giờ), nên chuyện cùng một lớp Năm mà tuổi thực tế bé hơn, lớn hơn nhau năm sáu tuổi là chuyện
thường. Lúc Huyền theo gia đình chuyển đi, Đan đã mười bảy, đã biết xôn xao với
ánh mắt long lanh biết nói của một cô nữ sinh thành phố thơ ngây tốt bụng, hơn
một lần “dám” cho anh nhà quê Đan che cùng tấm áo mưa đến lớp, bất kể cả lớp đập
bàn la toáng lên “cắp đôi” hai đứa… Mà quả là hai đứa cũng có nhiều dấu hiệu
“phạm tội” đáng để bị bạn bè “cắp đôi”, với gần hai năm ròng đi chung đường về
chung lối, đêm nào cu cậu cũng mon men đến nhà cô bé để… học chung. Và tất nhiên
vẫn không dám nghĩ về cô điều gì khác hơn một cô bé cứ là ngây thơ như… mười ba
tuổi.
Và chỉ mấy phút sau, ông có được hồi âm, rồi
sau đó mấy email qua lại hỏi han rối rít:
“Đương
nhiên là vui quá và nhất là phải giữ liên lạc với bạn rồi.
Huyền
Linh ở Naples
FL. Còn bạn đang ở đâu trên xứ Mỹ này?
Cell
của HL: 239-4219391”
“Mừng
lắm (muốn ứa nước mắt), Đan đang ở San
Jose Cali.
Sẽ
phone sau.
Bình
an”
“Huyền
thì mừng chảy nước mắt rồi... bạn... già.
Không
phải là hai mươi bốn (hai mươi bốn năm xưa của Phan Khôi) mà là tới... bốn mươi
tám năm sau lận đó. San Jose Huyền Linh cũng có bạn, và cũng có thể trong vài
tuần trở lại HL sẽ có công việc đến San
Jose. Có hy vọng gặp bạn không?
Huyền
Linh”
Ngay từ đầu ông Đan đã thắc mắc, sao người
này ở đây? Sang Mỹ du lịch? Hay mới được người thân bảo lãnh? Biết gì về mình,
nhớ gì về mình mà bỗng dưng tìm mình? Có đôi lần về VN, gặp bạn bè có nhắc tên đến
tên Huyền Linh, nói xưa chúng nó còn học ở đại học, có gặp lại cô bạn đệ lục này,
Ông nhanh chóng xua tan cái ý nghĩ mà trước đó vẫn thường đã gặp “Chắc tại biết
mình ở Mỹ…” Ông bấm điện thoại gọi bà. Bà Huyền reo lên trong điện thoại, nhưng
nói sẽ gọi lại sau, vì đang “meeting”.
Ông bối rối… Vụ gì đây? Làm gì mà meeting?
Mới qua mà đi làm rồi sao? Ông tiếp tục email:
“Huyền
ơi,
Bồi
hồi quá.
Đừng
trách Đan nói bậy nhé, muốn ôm Huyền quá đi, muốn hôn và muốn khóc nữa, cười mà
cứ rưng rưng, Huyền không biết đâu, không biết đâu... đã nói, không biết đâu
mà!
Huyền
đang làm gì? Định cư Mỹ? Từ bao giờ?
Bận thì không cần hồi âm, Đan sẽ phone.
Không
quên cả những “cái” Linh nhỏ ở nhà Huyền: Hoàng, Liên, Lan, Tuyết…
Ui,
sao mà huyên thuyên quá, nói biết bao giờ hết chuyện năm mươi năm đây?
An
lành nhé”
“Đan
nhớ không sai chút nào cả, ngạc nhiên thấy Đan nhớ cả tên gọi ở nhà của Huyền,
và ngay cả thứ tự mấy “Linh” nhỏ.
Huyền
làm ca hai. Bận họp hơi lâu, tối về gặp.”
“Huyền
thân yêu,
Vui
mừng quá đi. Có biết năm mươi năm qua, Thất 4 kia, cứ thiếu mãi một người?
“Năm
mươi năm... Ừ nhỉ, thời gian lâu như thế mà cuối cùng lúc không ngờ nhất vẫn
còn được gặp lại nhau,
Năm
mươi năm... mà vẫn thấy, và cảm giác... Thất 4 chỉ mới như hôm qua
thôi...
Và dường như không thấy
đã có... năm mươi năm trôi qua. Có bao giờ nghe bài hát “Ở lại” của Trần Quảng Nam
chưa?”
“Huyền
Không
nghe bài hát nào cả, chỉ văng vẳng "Tôi yêu quê tôi... (Trịnh Hưng) mà
người xưa bỏ lại bên lớp cũ. “... ngàn năm... không hề phai nhòa...”
Như
đang nằm mơ. Hôn giấc mơ, nha!”
Đêm đó ông Đan gọi cho bà Huyền, họ huyên
thuyên, như chưa bao giờ được nói, về hai cuộc đời nhau. Năm mươi năm được tóm
tắt trong hơn hai tiếng đồng hồ, để biết, ông từ Nguyễn Huệ đã trở thành một sĩ
quan, rồi cùng vợ con sang Mỹ bởi hồ sơ trên ba năm “cải tạo”, đã về hưu sau gần
20 năm cày tối mặt với đồng lương cu li tối thiểu. May có thể liên lạc thoải mái
với bà Huyền nhờ vợ ông mới về Việt Nam thăm Tết mấy tháng, để biết; bà sau khi
từ trường Nữ Trưng Vương Saigon, ra luật khoa, làm việc ở Ngân Hàng Saigon,
sang Mỹ hơn 20 năm, và cũng đã gần ngần ấy thời gian không còn sống chung với
chồng nữa, hai đứa con thành đạt, lập gia đình đã ra riêng nhiều năm, bản thân
bà Huyền cũng đang là kỹ sư trưởng rất được tín nhiệm nơi một hãng điện của Mỹ
mà bà đã “cày” hơn mười năm.
Bà Huyền thật sự xúc đông. Không nghi ngờ gì
nữa cái tình cảm của chàng trai mười bảy tuổi xưa. Đúng là ông Đan nhớ vanh vách
những gì về bà, tên gọi ở nhà của bà, thứ tự tên những đứa em bà, bài hát một lần
bà hát trong lớp, những đêm chụm đầu bên bàn học, những lần đến trường che
chung tấm áo mưa…
Những lời thơ nhạc cũ họ nhắc nhau đã làm
cho bà Huyền đến hơn 2g sáng vẫn còn viết cho ông Đan: “Đêm nay đổi phiên cho người khác mất ngủ rồi đó biết không...” Bà nhắc lại một câu thơ “Che chi chung áo để giờ lạnh nhau”
Làm sao để bà nói “Đan ơi, dừng lại giùm em!” như ông muốn bà nói, quá khứ đã đeo đẳng
mơ hồ rượt đuổi bà đến đây, và đã đến đây rồi! Em không thể. Không muốn, không
nỡ làm buồn anh, mà cũng buồn em. Bà đọc lại cái mail ông viết, mà không nghĩ
ra được gì. “Hôn em ngủ đi. Từ nay,
ta đã có nhau rồi... Có thể em còn đi tìm nguyên nhân từ xưa ấy, nhưng anh thì
không mơ hồ, năm ấy, anh đã 17, tuổi đó người ta lấy vợ được mà, anh biết yêu
cũng không sớm quá phải không? Nói gì đi, Huyền yêu!”
Những điều họ muốn nói, trải đầy trên những
lời thơ, lời nhạc qua gần cả tuần lễ liền, có khi, bằng cả những thúc hối thể
như chỉ còn một ngày để sống “Nói thương, nói nhớ sao không đến đây đi? Sao không
đến em, sao không đến với anh?” Những lời như đùa, như thật đã đành chỉ còn là
mơ ước thầm kín khi bà nhắc tên nhạc phẩm Ở Lại, có câu cuối cùng là Cuối cuộc đời xin cho được gần nhau... hay
như một tiếng thở dài trăm năm tình lỗi
hẹn, nghìn năm… mất nhau không? Có mất nhau không??? Trăm năm dù lỗi hẹn…
Nghìn năm vẫn không quên. Vẫn nhớ y
nguyên…Bà đã không hiểu nổi lòng bà sao bỗng dưng cũng xôn xao thả trôi như
thế.
Thật thật, đùa đùa, mà cũng đủ làm họ thao
thức. Việc gì thế này? Không giống như những háo hức mới mẻ đầu đời, không giống
như họ đang cùng hiếu kỳ muốn biết người của nửa trăm năm ấy bây giờ… Mà như, càng
lúc họ càng thuộc về nhau, càng lúc họ càng tìm lại được bóng mình đã tản mác
muôn phương, từng mảnh, từng mảnh chắp lại.
Hôm nay bà Huyền không làm gì cho xong cả.
Nỗi buồn ở đâu đã không còn vô hình nữa mà hiện ra đầy đủ mặt mũi những con đường,
những bước chân, những mưa, những nắng, xoáy cuốn trong lòng bà. Có thể nào ông
ấy đã giấu kín trong tim hình ảnh quả táo xanh trong vườn cấm tự năm nào. Mà
sao chưa bao giờ có dấu hiệu gì ông ấy tìm mình. Cũng phải mà, chiến tranh, tội
tù, cơm áo, chỉ có những người Việt Nam sống trong cái giai đoạn khốc liệt ấy mới
hiểu và tin được tại sao.
Có phải năm mươi năm kia để đơn giản chỉ là
bạn không? Không là bạn thì là gì?
Và có phải, biết được
về nhau như thế đủ yên lòng. Đủ thỏa mãn để biết mình được người kia hằng quan
tâm. Ít nhiều, cũng đã loáng thoáng qua đời, ít nhiều cũng không đã quên biến
đi, như hằng ngàn hằng vạn điều đã chìm khuất, mất hút trong ký ức.
Chắc là đủ. Thôi vậy.
Mỗi người đều đã có cuộc đời riêng, đã và đang phải đi nốt quãng đường số phận
của mình. Mà, thật ra, hai người đã có gì nhau?
*
Cả hai đang lùng nhùng
đu trên dây, cùng cảm thấy như không thể kéo dài cái cảnh hành hạ nhau thế này
nữa, cùng thót tim nín thở chờ sợi dây đứt, biết sẽ đứt, mà không biết họ còn bịn
được tới bao giờ.
Bất ngờ nhất là ông Đan, từ thuở nào, khi còn ở Việt Nam, nghe bà, đại học này đại học khác, ông đã thấy khoảng cách hai người càng nới thêm ra. Thì ra ông đã tự ti quá, ông không biết là, thực sự, con tim đã không có khoảng cách, giới hạn nào, thực sự, trong lòng bà Huyền cũng có ông (Tất nhiên là có như một kỷ niệm đẹp và không nghĩ có một ngày như hôm nay…)
Như hôm nay, là một
trong những hành khách sau cùng, nên bà Huyền nghĩ, sẽ không khó khăn mấy để
nhận ra giữa hầu hết những người Mỹ bản xứ, một người Việt Nam nhỏ con, với đôi
mắt rất hiền nhấp nháy bên nửa thế kỷ đời bà, đang đứng lẫn trong đám người đến
đón người thân, đăm đăm ngó chừng từng người một trong dòng người mới tuôn
xuống từ chuyến máy bay gần nửa đêm, để tìm bà, bởi một quyết định, một tin
nhắn đến ông Đan rất bất ngờ chiều nay “Huyền
có chuyến đi thăm con ở San Jose, sẽ đáp chuyến bay số 3146, Southwest from
HOUSTON to SJC (San Jose), đáp SJ lúc 11giờ 25
đêm nay”. Có thể đón Huyền không, hay
Huyền báo con Huyền đón, mai gặp sau?” với một câu trả lời cộc lốc của Đan “Muốn đón”
Nhưng nghĩ vậy mà
không vậy. Họ đã không nhận ra được nhau, cho tới khi bà Huyền xuống khỏi thang
cuốn, rảo mắt nhìn quanh khu nhận hành lý, và lại nhìn ngược lên tầng trên, bà
bấm điện thoại:
-Đan đang ở đâu vậy? Ồ, thấy rồi…
Đúng là người đàn ông Á Châu mà bà gặp thoáng
qua trước đó mấy phút vẫn còn có vẻ đợi ai trên tầng trên, vừa móc điện thoại
trả lời bà kia, cũng đảo mắt nhìn xuống và cùng bắt gặp nhau, ông bước vội xuống,
bà dơ hai tay về phía ông, cả hai cười rạng rỡ, Mấy tiếng “Đẹp vậy sao!” vừa buột
khỏi miệng ông là tất cả rơi vào im lặng thảng thốt. họ ôm siết lấy nhau, có vẻ
bà Huyền cũng còn chút tỉnh táo để nhận ra, ông Đan như tan biến vào quá khứ, ông
hôn như mưa lên mặt, lên tóc, lên cổ bà như cố tìm lại mùi hương cũ. Tỉnh táo đủ
để qua vai ông, bà nhìn thấy mấy người đàn bà Mỹ đứng gần đó mỉm cười, nụ cười
nhẹ nhàng như muốn nói họ hiểu hết những gì giữa hai người. Lạ là bà cũng ôm ông
thật chặt và im lặng nhận những nụ hôn òa vỡ như bất tận của ông.
-Đan không khác gì hết, ấn tượng nhất trong
lòng Huyền là đôi mắt rất hiền của Đan. Ồ, mà ngẩn ngơ gì không nhận ra Huyền vậy?
Huyền đoán ra là ông, chỉ có một người Á Châu, mà sao lại đứng cạnh chiếc xe lăn,
như còn chờ ai…
-Chú mục thế mà vẫn sẩy, bảo sao không mất
nửa trăm năm!
Hai người dìu nhau lại hàng ghế đợi, ôm
nhau ngồi:
-Huyền vẫn còn nét Huyền ngày xưa. Còn nhớ….
-Nhớ hết, thế mới lạ, không nhớ ai cả, chỉ
nhớ một tên Nguyễn Hữu Đan này. Định nhờ Đan để tìm ra những người bạn khác.
-Lỡ nhớ một mình Đan, thì một mình Đan đi.
-Ừ, tự dưng giờ không muốn hỏi tới ai nữa.
Mà ước gì có một chuyến nào đó, hai chúng ta cùng về thăm lại phố cũ… Sẽ đứng nơi
Tháp Nhạn nhìn xuống Cầu Đà Rằng… nghe giòng sông chảy ngược về thơ ấu…
Ông Đan lại hôn lên tóc bà Huyền, bà để cho
những ngón tay luồn vào mái tóc đã nhuốm vài sợi bạc, để yên cho má ông áp sát
vào mặt bà, bà bắt đầu huyên thuyên về cuộc đời, về cuộc hôn nhân đến cũng bất
ngờ như đi, về hai mươi năm sống một mình cũng không thiếu những chập chờn ong
bướm, mà trái tim vẫn cứ lạnh tanh nếu không nói là thêm âu lo vì sợ phải va vào
sóng gió.
Bà cũng muốn nghe ông kể những gì trong cuộc
đời ông đã thế nào mà bà vẫn còn trong nỗi nhớ không rời của ông.
Họ không ngăn những đợt sóng cuồn cuộn xô về
rồi cuốn đi, ngan ngát hoa xuân thơm nồng trong tóc, rừng rực nắng hè dậy trên
má ngã chiều, long lánh hơi thu trong đuôi mắt đã chi chít chân chim, cũng như
sướt mướt đêm đông trong vòng tay ngỡ chừng không bao giờ buông nhau nữa.
-Chúng ta đi ăn chút gì nha?
-Thôi khỏi, bộ mình có nhiều thời gian lắm
sao?
-Rời hãng bay tới đây, đã ăn gì đâu mà?
-Ăn 5giờ ở hãng, rồi là xong, về nhà nghỉ,
quen rồi, gần hai mươi năm nay vậy…
-Bây giờ cũng không muốn khác?
-Không, hết giờ rồi.
-Bay từ mấy giờ vậy?
-4giờ 30.
-Gì hết giờ? Đàng nào Đan cũng đưa Huyền về,
sẵn đường…
Bà Huyền cười bí ẩn, choàng tay ôm qua lưng
ông Đan, siết nhẹ, và níu ông đứng dậy:
-Mình đi.
Ông luyến tiếc đứng lên, bước chậm theo bà,
từng bước dùng dằng như qua cầu Nại Hà. Họ đi ngược trở lại thang máy, cùng cầm
tay bước lên thang cuốn đứng, lặng im. Ông Đan lờ mờ hiểu… Huyền cười buồn:
-Cái thang máy bỗng trở nên lãng mạn chi lạ!
-Ngắn quá.
-Nhưng nó dài hơn cây Cầu Đà Rằng, cầu Đà Rằng
mình không có gì ở đó hết. Mà… Ơ hay, Đan này, sao mình thế này nhỉ? Gần một nửa
trăm năm, mình đã bao giờ có gì với nhau đâu? Sao lại cuốn hút nhau thế này?
-Cuốn hút nhau thật không? Hay chỉ là người
này mượn người kia để tìm lại những góc khuất của mình?
-Nếu cây cầu chạy ngược.
-Đang ngược hay đang xuôi?
-Ai cũng muốn ngược cả, mà… làm sao? Ngược được
thì ai cũng muốn sắp xếp lại đời mình, cũng như bao nhiêu chuyện của lịch sử thế
giới này sẽ viết lại được hết.
-Ngược được thì chúng ta sẽ ngược tới chỗ nào
đầu tiên?
-Chỗ nào… chậm nhất.
-Chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau.
Họ ra khỏi thang cuốn, chỉ còn cách khu kiểm
soát an ninh có mấy bước
-Vậy mà bảo để Đan lái đưa Huyền về…
-Không phải nãy giờ lái rồi sao? Qua cầu,
qua sông… Không phải đã đến nơi muốn đến?
Ông ôm chầm Huyền, siết mạnh, tìm môi bà. Huyền
nghiêng đầu né nụ hôn:
-Không được, Đan! Chúng ta chỉ là bạn mà…
-Chứ không phải Huyền đã hiểu chúng ta không
chỉ là bạn?
-Huyền đang ân hận, tại sao tìm ra anh làm
gì để mất… Ít nhất là, mất một tình bạn…
Huyền bắt đầu bước qua hàng rào an ninh:
-Huyền! Sao… tới đây? Là…
Huyền quay lại:
Bà dợm bước vào dòng người đang rồng rắn chờ
nhân viên an ninh gọi đến tên mình. Bất chợt bà quay ngoắt lại, lội ngược dòng
người, lao thật nhanh về chỗ ông Đan đang đứng tần ngần dán mắt vào bà.
Hình như, vòng tay siết chặt, những giọt nước
mắt mặn ấm nhòe nhoẹt trên má, và nụ hôn muốn nuốt trững cả năm mươi năm vào bụng
kia, cùng lúc đã ào ào xảy đến như một cơn lũ không kìm chế nổi.
Ông Đan vuốt tóc bà, bà áp má vào má ông,
thì thầm:
-Mất nhau thật rồi, phải không?
2012
No comments:
Post a Comment