Wednesday, April 13, 2011

ĐỌC "MỘT NGÀY, NGÀN NGÀY" CỦA ĐẶNG KIM CÔN


Nguyễn Thị Hải Hà

Tập truyện này bao gồm 12 truyện ngắn. Truyện đầu tiên có tên là Đâu Đó, Ngày Mai viết năm 1972. Truyện cuối cùng là Một Ngày, Một Ngàn Ngày xuất hiện năm 2010.

Tập truyện này do Thư Quán Bản Thảo xuất bản. Độc giả nếu muốn có tác phẩm có thể liên lạc với ông Đặng Kim Côn dangkimcon@gmail.com hay tranhoaithu@veion.net .

Trong lời tựa của tập truyện này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét: “Đặng Kim Côn vẫn cho người đọc thấy những trang chữ của ông không rời khỏi không khí của một cuộc chiến bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam .” Ở một đoạn khác ông viết: “Truyện của Đặng Kim Côn là chuyện về số phận con người trong cuộc chiến Việt Nam . Chuyện của những người lính ngoài mặt trận, giữa tiếng súng và bom mìn, trên một miền đất cách xa đô thị, họ phải giết và họ bị giết chính bàn tay của những người cùng chủng tộc. Họ sống trong bầu khí chiến tranh và thở hơi thở của một cuộc chiến mà không hề biết đâu là biên giới của địch và ta. Mặt trận ở đâu? Và tình yêu đến với họ dễ dàng như cứ đưa bàn tay ra là bắt được.” Kết thúc lời tựa nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hỏi độc giả nghĩ thế nào sau khi đọc hết quyển sách này.

Nhà văn Trần Hoài Thư trong lời bạt nhận xét như sau: “Anh có một lối viết rất thông minh, những nhận xét rất tinh tế, những chữ nghĩa rất óng mượt mà gợi cảm làm sao.” Ông đưa ra hai trích đoạn trong Mùa Xuân Nếu Có Thật và Sông Núi Trở Màu.

Ông nhận xét tiếp về văn của Đặng Kim Côn như “Ưu điểm thứ hai là cách viết đối thoại của anh.” Và “ĐKC đã biết khai thác đối thoại như là một yếu tố cần thiết để làm tươi mát thêm. sinh động thêm cái cốt truyện đầy màu đen tối... Chúng như những tia nắng ấm giữa một mùa đông u ám. Chúng cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật.

Không phải dễ dàng để sắp xếp một đoạn đối thoại cho mạch lạc, hào hứng, thi vị, để độc giả cùng vui, cùng buồn cùng mỉm cười, hay cùng cay đắng với người trong cuộc.”

Đây là nhận xét tinh tế của hai nhà văn giàu kinh nghiệm. Ngắn gọn và súc tích hai vị đã nói những điều căn bản nhất một cách vô cùng chính xác. Điều này thật là khó khăn cho tôi không ít bởi vì chẳng những các vị đã nói hết những điều quan trọng, các vị còn lại nói rất hay. Tôi làm sao dám múa rìu qua mắt thợ? Tôi chỉ là người đọc, thích viết. Đọc những tác giả đi trước là một cách tôi tìm kiếm kinh nghiệm cho riêng tôi.

Truyện ngắn Say Mộng viết năm 1974 theo tôi là truyện có kỹ thuật viết cứng cáp nhất trong tập truyện. Từ tốn nhưng đầy tự chủ và rất tỉnh táo, tác giả khai triển chi tiết của truyện rất tròn đầy. Ông luân phiên ở trạng thái kể chuyện và đối thoại, tỉnh táo và mê sảng, đặt nhân vật ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, mơ mộng và thực tế. Tuy đào sâu nội tâm người lính, tác giả cũng cho thấy tình hình chiến trường đang rất sôi động.

Nhân vật tham gia những trận đánh khốc liệt nhưng vẫn an toàn; cuối cùng lại bị thương nặng vì một cậu bé chăn trâu mười hai tuổi ôm B40 phục kích bắn lật xe của nhân vật. Tác giả nói lên cái đau đớn về thể xác của người lính bị thương. Nhân vật trong truyện may mắn có gia đình và chiến hữu thăm nom săn sóc. Tôi tưởng tượng ra cái đau của thể xác cộng với cái đau tinh thần của những người lính không có thân nhân.

Hình ảnh Kim mặc bộ đồ đen đứng ở chân giường của nhân vật có thể là mộng cũng có thể là thật. Đây là một biểu tượng, dường như, tác giả dùng để nhấn mạnh cái đức tính dịu hiền của người vợ hay tăng thêm chút hương vị đa tình của anh lính. Ở đây tôi nhận ra cái đam mêviết văn của tác giả qua hình ảnh anh lính sắp chết mà vẫn đọc cho vợ viết những suy nghĩ cuối cùng của anh ta.

Trong các truyện ngắn khác tôi không gặp lại cái chăm chút về kỹ thuật viết này.

Rất khó mà mang những chi tiết vụn vặt hằng ngày vào tác phẩm để biến những tủn mủn của đời sống thành truyện; ở một phạm vi rất khiêm tốn, tác giả muốn người đọc nhìn thấy, ở một mức độ nào đó cũng rất khiêm tốn, những điều tác giả quan sát và cảm nhận đã được tác giả dùng ảo thuật biến chúng thành...văn chương.

Nhà văn Đặng Kim Côn đã cố gắng làm công việc ấy. Truyện Chiếc Bánh Giáng Sinh viết năm 1980 đã thể hiện xã hội thời bao cấp, người quân nhân của chế độ cũ đang ở trong trại tù và vì thế cái bánh làm bằng “sợi sắn mì ngào đường đen” “đầu tiên trong cuộc đời một gã không đạo, sao mà nó thiêng liêng, nó quí giá, nó thánh khiết, nó sáng lóa một tin mừng.”

Truyện này được viết bằng giọng văn trau chuốt, phảng phất nhạc điệu của thơ. Đây là một trong hai truyện làm tôi cảm động nhất. Truyện kia là Buổi Chiều Đang Hết viết vào năm 2009.

Truyện Buổi Chiều Đang Hết hoàn toàn khác hẳn những truyện trước. Không còn chuyện tình lãng mạn gặp nhau trên đường, yêu nhau, làm tình với nhau, và xa nhau trong vòng mười ngày. Truyện này nói về cái hối hận của một người con trai đã đối xử không phải với bà mẹ. Không khéo léo trau chuốt đến độ “đổi cả trăm năm tiếng mẹ cười” nhưng qua những lời văn rất bình dị nhà văn Đặng Kim Côn cho thấy suy nghĩ của nhân vật luân phiên giữa cơn giận dữ và lòng hối hận, qua đó đã gián tiếp nói về lòng yêu mẹ. Truyện này lấy bối cảnh ở Mỹ.

Truyện Vỡ Tổ (2009) cũng lấy bối cảnh ở Mỹ đã nói lên cái những tủn mủn của đời sống ở hải ngoại, khi tất cả những giá trị văn hóa đã được thiết lập hơn mấy mươi năm trong đời sống của nhân vật hoàn toàn bị sụp đổ.

Ba truyện ngắn trong tuyển tập này Đâu Đó, Ngày Mai (1972), Chiếc Bánh Giáng Sinh (1980), và Một Ngày Một Ngàn Ngày (2010) có nhiều điểm tương đồng. Một anh lính, yêu một cô gái hoạt động cho mặt trận đối nghịch, vì hoàn cảnh họ xa nhau và nhiều năm sau họ gặp lại nhau. Cô gái vẫn còn yêu anh lính. Xin độc giả chú ý thời gian truyện được viết ra.

Truyện Đâu Đó, Ngày Mai tác giả viết lúc ông 24 tuổi. Truyện Chiếc Bánh Giáng Sinh được viết sau năm 1975 thời điểm hầu hết mọi sĩ quan VNCH đều bị đi cải tạo, Truyện Một Ngày, Một Ngàn Ngày cách truyện đầu tiên gần 40 năm.

Điều gì đã khiến tác giả Đặng Kim Côn viết ba truyện ngắn có cốt truyện giông giống nhau chỉ khác chi tiết mà thôi? Tôi tự hỏi cũng như tôi đã tự hỏi điều gì đã khiến bà Marguerite Duras cứ viết về một người tình là đàn ông Á châu từ Người Tình, đến Người Tình Hoa Bắc, đến Người Tình ở Hiroshima?

Điều gì đã khiến Gabriel Garcia Marquez viết về một cô điếm 14 tuổi Love in the Time of Cholera và 23 năm sau ông viết cũng về một cô điếm 14 tuổi trong My Melancholy Whores?

Với Đặng Kim Côn có phải đó là mong ước được viết nên một tình yêu bất tử với thời gian, vượt biên giới chính trị? Hay có một ẩn khúc nào đó cứ làm ông cảm thấy cần phải viết cho đúng, sửa cho ngay, hay gìn giữ một mảnh quá khứ đã bắt đầu phai nhòa? Hay ông muốn bảo cho độc giả biết kẻ thù có thể là người yêu trong khi người ở hậu phương hay đồng ngũ có thể là kẻ thù?

Đặng Kim Côn là một nhà văn lãng mạn. Nhân vật của ông yêu nhau dễ dàng mau chóng. Nhân vật nam thường khéo nói, giỏi tán tỉnh, lẻo mép một cách duyên dáng. Nhân vật nữ của ông luôn luôn nhiều cảm xúc tính tình mềm mại đa cảm, hễ đã yêu thì đến mấy mươi năm sau họ vẫn còn yêu. Những mối tình này dường như trẻ mãi không già, sau mấy mươi năm họ vẫn còn yêu một cách rất là . . .tình yêu tuổi ngọc.

Tôi thường quan sát truyện ngắn ở cấu trúc, và cách xây dựng nhân vật. Đặng Kim Côn không quá chú trọng đến cấu trúc nhưng cấu trúc truyện của ông vững vàng hợp lý, ông không quá chú trọng đến những thắt mở gút ly kì nhưng đủ chi tiết để thu hút độc giả. Nếu có thể than phiền tôi sẽ than phiền một điều các nhân vật nữ của ông yêu mù quáng, thờ phượng người đàn ông nhiều quá, chung tình quá, lý tưởng đến độ trở thành khuôn mẫu. Đôi khi ông giải thích nhiều quá (trang 57), tôi đã thầm ước ông mù mờ hơn, ngầm hơn, ẩn dụ hơn, để độc giả tưởng tượng thêm.

Như nhà văn Trần Hoài Thư đã nhận xét. Ưu điểm của nhà văn Đặng Kim Côn là viết đối thoại. Nhân vật của ông có những câu nói lém lỉnh như:

“Phá em, em qua giường kia nằm, bỏ anh chết lạnh bây giờ.”

“Giường em có hàng rào kẽm gai hả?” Trích trong Đâu Đó, Ngày Mai.

Hoặc là:

“Em đã là vợ anh rồi đấy nhé.” “Cho anh đứa con. Em mà không chịu có bầu, cục đá này có bầu đấy. Em có muốn lên đồi với anh không?”

Trích trong Chiếc Bánh Giáng Sinh. Đặng Kim Côn cũng là nhà thơ.

Ông cho biết ông làm thơ dễ dàng hơn viết văn. Văn của ông cũng mượt mà óng ả như những đoạn thơ. Thí dụ như:

“Ba năm lầm lũi bước giữa mây mù, chờ đợi một mặt trời không mọc, những thứ ánh sáng ngày mai mù mờ như những lời hứa hẹn sáo rỗng.”

Và.

“Chàng sững người. Cánh chim đó đã bay đi. Những yêu thương, đau khổ, hy sinh và chịu đựng chỉ là tiếng hót hư ảo của chim trống đặt ra như những bài ca không lời, ru ngủ, mê hoặc những con tim mềm yếu.” Trích trong Chiếc Bánh Giáng Sinh.

Tôi không nghĩ đây là tập truyện hay nhất của ông. Truyện hay nhất

của ông vẫn còn đang chờ xuất hiện.

Nguyễn Thị Hải Hà

New Jersey 3-2011

(Trích Sài Gòn Nhỏ số 691, ngày 2 tháng 4, 2011)

No comments:

Post a Comment