Monday, December 14, 2015

KỶ NIỆM 60 NĂM TRƯỜNG NGUYỄN HUỆ

HUỲNH BÁ CỦNG
Chạy 61 Năm? Cũng như lần kỷ niệm 55 năm trước kia, có sự tranh cãi của các cựu học sinh là kỷ niệm 55 (1955-2005) Năm hay 56 (1954-2005) Năm. Ý của phe chính quyền thắng. Họ đưa ra quyết định ký ngày 20/6/1956 và chọn tên “Kỷ Niệm 55 Năm.” Nay gọi kỷ niệm 60 Năm (1955-2015) chỉ là thông lệ, cái không đúng nói riết và nhiều người nói thì thành cái đúng. Ngày  nay ai cũng nghĩ Trung Học Nguyễn Huệ ra đời từ niên khóa 1955-56, chẳng biết “cha sinh mẹ đẻ” đã đẻ nó ra từ năm 1954. Một khía cạnh éo le trong lịch sử là cái không đúng cứ nói mãi và được nhiều người nói thì sẽ là cái đúng như trường họp Trường Chuyên Lương Văn Chánh là một trường chuyên cuối thập niên 1980s cứ nói mãi là Trường Lương Văn Chánh(TLVC) thì thành TLVC có bề dày lịch sử tới 70 năm (1946-2016) tồn tại! Sự thực TLVC mở ra năm 1946 với các tên lớp gọi là Nhất Niên, Nhị Niên, Tam Niên và Tứ Niên y chang như College de Qui Nhơn học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn tới năm cải tổ giáo dục 1950 thì chấm hết. Tiếp theo là các trường cấp 2 có tên trường và địa điểm độc lập thuộc hệ 10 năm với tên gọi Trường Cấp 2 Tuy Hòa, Cấp 2 Tuy An… với các lớp có tên khác hoắc là lớp 5, 6 và 7. Năm 1975 không có thầy cô nào ở phe bên kia dẫn học sinh về Tuy Hòa tiếp quản 1 trường trung học để ngày nay có TLVC với bề dày 70 năm!

“Sĩ khí rụt rè gà phải cáo, văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.” (Cái Học Nhà Nho-Trần Tế Xương). Trần Tế Xương than phiền sĩ khí thời 80 Năm chịu Đô Hộ Giặc Tây của ông. Sĩ khí so không bằng “sĩ ký” thằng Bờm dân dã. “Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu/Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…xâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi…đổi cục xôi Bờm cười.” Chịu đấm để được ăn xôi là kiểu đánh vào bản năng sinh tồn để dễ sai khiến. Nhờ có “khí”, dân khí hay sĩ khí, mà con người chịu đấm để được ăn xôi trong chừng mực nào đó mà thôi. Phần sĩ khí còn lại sẽ giúp con người giữ được nhân tính. Chịu đổi cái quạt mo lấy cục xôi là thực dụng trong cái chừng mực hợp với sự phải chăng nào đó. Đủ rồi. Không mơ đến bè gỗ lim hay con chim đồi mồi. Tiền tài thế lực của phú ông đừng hòng dụ được thằng Bờm có lòng trung thực, có óc thực tiễn. Tính trung thực giúp ta giữ lòng cho được ngay thẳng. Quạt mo đáng giá bằng cục xôi là một sự thực, một cái chính danh. Thằng Bờm dân dã mà cũng nhận ra và phân biệt được thực hư, nhận ra lời nói láo không thực của kẻ có thế lực là phú ông nằm dụ thằng Bờm.
 Trở lại chuyện sĩ khí. Sĩ khí giúp thăng tiến con người lên tầm mức “Dân sinh dũng” cao hơn mức thằng Bờm “Dân sinh yếu”. Năm 1945-46 nhạc sĩ Hùng Lân(HL) viết: “Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc. /Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc. /Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần. /Cho dân trí phương cường và hưng phấn. /Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân”. Tôi đồng ý với nhạc sĩ Cao Đắc Tuấn là HL mượn phong trào tập thể dục để cơ thể được tráng kiện dóng lời kêu gọi “khỏe” cái trí khí như Phong Tào Duy Tân chủ trương để phục hưng xứ sở như Nhật như Tây (Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh). Sau 70 năm VN lẻo đẻo đi sau Nam Hàn, Thái Lan, Singapore, chỉ bằng Campuchia, Lào, Myamar (Asean 4) có lẽ do sĩ khí ngày nay yếu kém lôi kéo yếu kém dân trí chăng? Mẹ cha hay người trên cứ thích dùng uy để cư xử thì con cái người dưới phải sợ thôi. Thế hệ này kế thừa thế hệ kế tiếp cái sợ triền miên thì làm gì có “Dân sinh dũng.” Sự thật cái quạt mo đáng giá cục xôi, một sự hiển nhiên như vậy mà không dám nhận, thua thằng Bờm, thì làm gì có cái dũng khí như người Nhật.
Chuyện ở đất Tuy Hòa. Giáo viên mà không dám nhận 1 sự thực thì làm sao dạy học sinh của mình tri thức theo kiểu khoa học được. Làm sao phát huy tính khách quan của khoa học cho học trò của mình được. Chỉ có mỗi một cái chuyện Trung Học Nguyễn Huệ ở Phú Thứ sinh ra tại cái nôi của đảng Đại Việt ở Phú Yên năm 1954 và người đặt tên “Nguyễn Huệ” cho trường có liên quan đến đảng này mà Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ bị tử vong không có hậu. Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa là một thực thể mới tinh. Kỷ niệm 55 Năm thay vì 56 Năm. Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ là 1 thực thể có thật, sinh ra toàn vẹn với đầy đủ chân tay, chẳng đui mù sứt mẻ, sống đầy đủ 1 niên khóa và họp pháp(có đóng con dấu QGVN). Năm 1955 dời về Tuy Hòa, cũng trong thời QGVN(trước 23-10-1955) với đầy đủ bầu đoàn thê tử cả thầy lẫn trò, lẫn giấy tờ Thông Tín Bạ. Năm đó mới làm “giấy khai sinh” đóng dấu VNCH. Có đứa con bình thường nào mà khi khai sinh ở địa chỉ mới mà quên nguyên quán và cha mẹ đẻ của mình? Đạo đức làm người ở đâu. Người chẳng ra gì mới “thấy người ta sang, bắt quàng làm họ.” Thằng Bờm mà cũng giữ được lòng ngay thẳng, không chối bỏ một sự thật là cái quạt mo đáng giá cục xôi, không bị phú ông lấy bè gỗ lim bắt quàng nịnh theo phú ông cho sang.
Lấy nghị định số 463-GD/NĐ ký ngày 20/6/1956 để khai sinh Trung Học Nguyễn Huệ niên khóa 1955-56 thì không họp pháp. Đây không phải nghị định thành lập trường mà là nghị định xác nhận tên trường. Tên này đã đặt vào niên khóa 1954-55 tại Phú Thứ: Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ. Điều thứ nhất NĐ nói trên viết: “Để họp thức hóa, các trường trung học thiết lập từ niên khóa 1955-56 tại Huế(Thành nội), Quảng Ngãi(tĩnh lị), Bồng Sơn(Bình Định), Tuy hòa(Phú Yên) nay được mệnh danh như sau: trường Trung Học Hàm Nghi, TH Trần Quốc Tuấn, TH Tăng Bạt Hổ và TH Nguyễn Huệ.” Nếu căn cứ máy móc vào cụm từ “Để họp thức hóa”, gọi là khai sinh, của NĐ này thì phải kỷ niệm 54 năm thay vì 55 như trước đây đã làm vì ngày ký NĐ vào mùa Hè năm 1956. Niên khóa 1955-56 sắp mãn khóa niên khóa thứ 2 kể từ ngày nó ra đời tại Phú Thứ! Hiệu trưởng Đinh Thành Bài còn ký tên vào Đệ Nhị Bán Niên niên khóa 1955-56. Niên khóa thứ ba 1956-57 Vũ Trí Phú mới làm hiệu trưởng. Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ lớn lên được 2 tuổi cùng vị hiệu trưởng đầu tiên của nó, một tuổi thiết lập tại Phú Thứ và một tuổi “thiết lập” tại Tuy Hòa như NĐ trên viết. Các văn bản pháp qui thường viết “Có hiệu lực kể từ ngày ký” là để tôn trọng sự hiện diện thực thể có trước đó.
Người dân Phú Yên hiếu học. Vì “nhạy cảm” chính trị nên người làm giáo dục ở PY sau 1975 dấu nhẹm lịch sử giáo dục đoạn 1954-1955. Hậu sinh cứ ngỡ đến niên khóa 1955-56, khi “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”ở VN, đàn anh của họ mới chịu lục tục đi học. Sự thực không phải như vậy. Sự học của dân chúng ở Phú Yên tiếp tục bình thường dù ở dưới chính thể nào.
Hiệp Định Geneve về Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954. Chính quyền VNDCCH và quân đội của họ tại Phú Yên tập kết ra Bình Định để về Bắc. Các trường cấp 2 thuộc trung học hệ 10 năm(Lớp 5, 6, 7) trong tĩnh tan hàng. Một số học sinh tốt được tập kết theo thầy của họ ra Bắc bỏ lại số kia chạy loạn xạ như vịt lạc đàn không biết vào lớp nào của hệ trường trung học hệ 12 năm(Thất, Lục, Ngũ, Tứ, Tam, Nhị và Nhất) dài hơi hơn, cởi mở tiếp cận với chương trình người Pháp hơn, có môn tiếng Anh, tiếng Pháp của Quốc Gia Việt Nam(có từ năm 1949). Các học sinh cấp 2 lớp 5, 6 và 7 không biết vào lớp nào trong số Thất, Lục, Ngũ, Tứ cho phải. Học sinh lớp 6 kẻ vào lớp Đệ Lục(tương đương về năm tháng), người không dám nên xuống học lớp Đệ Thất(đầu cấp), kẻ nhảy lên vào Đệ Tứ là lớp hết cấp với ý nghĩ là tương đương lên lớp 7 là lớp hết cấp phía bên kia. Kết quả là 2 liên lớp Thất, Lục Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ gồm đủ thành phần học sinh lớp 5, lớp 6 lộn xộn. Tính học sinh không đồng nhất tới niên khóa 1955-56 khi trường dời về thị xã Tuy Hòa vẫn còn như thế. Cùng bực lớp cấp 2, người vào lớp này, người khác xọ vào lớp trên, kẻ xuống lớp dưới. Do đó Ngô Liên Phương(NLP) mới phát biểu hôm Kỷ Niệm 60 Năm ở trường Nguyễn Huệ Cũ như sau. Tôi là học sinh lớp Đệ Ngũ niên khóa 1955-56 Trung Học nguyễn Huệ Tuy Hòa, nhưng tôi không là lớp đàn em của Trung Học Nguyễn Huệ. Ông nói “chỗ này có chút dính dấp chính trị. Thôi không nên nói nữa”. NLP phát biểu tiếp. Lớp đệ Tứ niên khóa 1955-65 Trung Học Nguyễn Huệ Tuy hòa chỉ là lớp lớn hơn, không phải là lớp tiền bối Trung Học Nguyễn Huệ. Học sinh người PY học lớp Đệ Tứ niên khóa 1955-56 hoặc ở “ngoài” xọ vô học lớp chót, lớp hết cấp(tức lớp 6 lên lớp 7) thay vì vào lớp Đệ Ngũ như NLP từ Đệ Lục Trung Học Phú Thứ đi lên. Dù có trải qua kỳ thi tuyển nhưng cũng chỉ một thứ tự liệu sức mà vào. Họ nhập môn Trung Học Nguyễn Huệ sau 1 năm lận, không đàn anh đàn em chi hết! Lớp Đệ Lục Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ vẫn là Cựu Học Sinh NH Tiền Bối.
Bậc tiểu học cũng được mở ra ngay niên khóa 1954-55. Một trường Tiểu Học được mở ra gần trại tiếp cư ở phía TâyBắc chợ TuyHòa(chợ Trung Tâm). Một trường mở ra ở Phú Ân, xã Hòa Thắng. Lớp Nhất có môn tiếng Pháp nên trường Tiểu Học tới niên khóa 1955-56 mới mở lớp Nhất. Niên khóa 1954-55 chỉ mở tới lớp Nhì mà thôi.
 
Cựu Học Sinh NH niên khóa 1955-1956 họp lớp ngày 8-8-2015. Tôi may mắn được tham gia quay phim chụp hình. Ghi lại vài chi tiết. Địa điểm họp lần này là trường Cơ Sở Hùng Vương, trường Nguyễn Huệ cũ. Tôi đến đây rất mừng thấy lại ngôi trường cũ và thầm biết ơn kẻ khuất mặt xui khiến nhà cầm quyền không phá dãy phía Tây để xây lầu mới. Nét xưa cũ vẫn còn, nhất là nhìn từ phía 2 đầu. Nhìn chính diện thì thấy hơi khác 1 chút: trần hành lang trước mặt là 1 bancon đúc bụ bẫm che khuất mái ngói. Tôi đếm được 7 phòng. Hai phòng đầu phía Bắc dùng làm hội trường. 7 phòng này rộng đủ tiêu chuẩn là phòng học khác với dãy phía Đông trước kia hình như gồm 3 phòng hẹp và ngắn chũn. Một dùng làm văn phòng. Dãy phía Nam trước kia là Trường Nữ Tiểu Học. Tôi có ý muốn chính quyền nên giữ nguyên trạng dãy phía Tây này để cựu học sinh Trung Học Nguyễn Huệ nào có tấm lòng yêu mến trường cũ có dịp “hành hương” về thăm ngắm lại “dung nhan” của nó.
Số anh chị em tham gia tuy ít nhưng cũng đủ ấm cúng của 1 buổi họp bạn. Có 1 số cựu học sinh không tham gia vì nhiều lý do trong đó có thể là lý do Kỷ niệm 60 thay vì 61 năm và sự phân biệt Nguyễn Huệ Phú Thứ và Nguyễn Huệ Tuy Hòa niên khóa 1955-1956.
Cũng thủ tục như các cuộc họp bạn khác. Cũng tập trung hỏi hang, chụp hình. Vào hội trường thì cũng phát biểu cảm tưởng khách và chủ, ra sân dùng cơm trưa và tán gẫu. Khách mời có cựu bí thư Nguyễn Thành Quang, hiệu trưởng Trường Nguyễn Huệ và Hiệu Trưởng trường chủ nhà. Đại diện các lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ phát biểu và cá nhân phát biểu.
Các liên lớp niên khóa 1955-1956: Con số lớp thì không rõ. Không biết niên khóa này có mấy lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ. Ngoài con em công chức thời đó được chuyển trường đến đây các học sinh bản địa có nhiều nguồn gốc. Gốc Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ từ Đệ Thất lên Đệ Lục, từ Đệ Lục lên Đệ Ngũ. Mới đây tôi tìm được văn bản “Tiểu Học Văn Bằng” ghi rõ khóa ngày 23-6-1955, ký ngày 15-12-1956, đóng dấu VNCH. Như vậy lớp Đệ Thất niên khóa 1955-56 chính thức bài bản có bằng Tiểu Học mới được thi vào Đệ Thất, khác với Đệ Thất Trung Học Phú Thứ là học sinh lớp 5 hay lớp 6 liệu liệu mà nhập môn vào lớp Đệ Thất hay Đệ Lục. Ngoài ra còn có các học sinh bản địa hoặc vì bịnh đau, khó khăn tài chánh, hay chờ 2 năm có Tổng Tuyển Cử không tham gia niên khóa 1954-55 Trung Học Nguyễn Huệ Phú Thứ nay lai rai vào các lớp, nhất là lớp Đệ Tứ.
Cựu học sinh Trường Nguyễn Huệ gin và lô. Đó là câu nói đùa của Lê Kim Hùng nhưng phản ảnh đúng tình hình học sinh trường công buổi bình minh VNCH. Tới khoảng năm 1960, VNCH mới hoàn chỉnh bộ máy, tức trưởng thành. Lúc bấy giờ nền Đại Học được chuyển ngữ tiếng Pháp sang tiếng Việt, giáo sư Việt thay giáo sư Pháp về nước. Trường Võ Bị Đà Lạt, Hải Quân-Không Quân ở Nha Trang được mở ra và Trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn cũng xuất hiện. Trường Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa PY hoàn chỉnh đủ 12 lớp từ Đệ Thất tới Đệ Nhất. Thi vào lớp Đệ Thất niên khóa 1957-1958 thì ra trường lớp Đệ Nhất niên khóa 1963-1964(lớp của Phan Long Côn, Bùi Ngọc Sơn, Phan Thanh Đạm, Cao Quang Đức.) Năm 1963 là năm VNCH Đệ Nhất bị lật đổ. Ai học ở trường Nguyễn Huệ tuột luốt 12 năm như thế gọi là gin. Cựu sinh gin bắt đầu từ đó. Niên khóa 1960-61 lớp Đệ Tam mở ra đầu tiên. Vậy học sinh ra trường niên khóa 1958-59(Đệ Tứ) là năm hết cấp. Học sinh phải ra Qui Nhơn vào trường Cường Để hay vào Nha Trang vô trường Võ Tánh. Học sinh Nguyễn Huệ hết cấp phải sang ngang như thế là cựu học sinh không gin. Niên khóa 1963-64 mở lớp Đệ Nhất đầu tiên nên học sinh ra trường niên khóa 1961-1962(Đệ Nhị) cũng không gin.
Trong quá trình phát triển trường công thường thiếu học sinh. Học sinh trường tư giỏi ở bên ngoài được tuyển vào. Cựu học sinh Nguyễn Huệ như vậy cũng không gin. Học sinh từ trường công khác chuyển tới cũng không gin nốt. Niên Khóa 1972-73 các tường tư mở ra lớp Đệ Nhất. Kể từ đây chấm dứt cựu học sinh NH không gin do từ trường tư vào trường NH.
Cựu học sinh Trường Nguyễn Huệ Tiền Bối. Gồm cựu học sinh(CHS) Trung Học Phú Thứ và cựu học sinh Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa niên khóa đầu tiên 1955-56. Về CHS lớp Đệ Tứ đầu tiên được Nguyễn Đình Chúc viết chi tiết. Sau đây là CHS liên lớp Đệ Lục niên khóa 1955-56. CHS nào được chú thích “Đ.Thất” thì có nguồn gốc ở Phú Thứ của liên lớp Đệ Lục này.
Võ Minh học lớp Đệ Lục niên khóa 1955-56 Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa nhớ đã làm 1 bài thơ bao gồm tên các bạn cùng lớp với anh ấy: “Giám Hoàng Nghi Lễ Cầu Tiêu/Giáo Đăng Thiềm Đệ Lộc Bằng Chẩm Tu/Ngọc Hương Minh Diệp Mai Hà/Nhung Lân Hiệp Hạnh Châu An Lê Hùng/Trọng Phương Minh Xuyến Ân Thành/ Yêm Thăng Trị Đãm Bổ Hy Ai Bằng/ Lan Luân Hồng Mão Kỷ Tân… ”
Chú Thích: Võ Minh chú giải thân thế các bạn của anh ấy như sau:
Giám: Phạm Hữu Giám, cháu ruột của Phạm Hữu Sen. Hiện ở quận Tân Phú Saigon.
Hoàng: Nguyễn Hoàng.
Nghi: Nguyễn Văn Nghi, em ruột nguyễn Nghĩa. Hiện ở Phường 2 Tuy Hòa.
Lễ: Nguyễn Lễ, người Hòa Tân, chồng Nguyễn Thị Thanh Lê.
Cầu: Phạm Xuân Cầu, ĐHSP Huế, dạy trường Nguyễn Huệ, hiện ở USA.
Tiêu: Lê Đình Tiêu, em ruột Lê Đình Tân. Hiện ở Nha Trang.
Giáo: Trần Văn Giáo, đi diện HO ở USA.
Đăng(Đ.Thất): Nguyễn Đình Đăng, em Nguyễn Thảng, người Hòa Xuân, ĐHSP Sg trước kia dạy ở Rạch Gía.
Thiềm: Đào Tấn Thiềm, người Mỹ Thành Hòa Thằng.
Đệ(Đ.Thất): Nguyễn Đệ
Lộc: Võ Hữu Lộc.
Bằng(Đ.Thất)Nguyễn Bằng
Chẩm: Nguyễn Chẩm
Tu: Đào Tấn Tu
Ngọc:
Hương(Đ.Thất) Lê Thị Hoài Hương, vợ Hoàng Diêu ở Úc.
Minh: Võ Minh hiện ở phường 2 Tuy Hòa
Diệp(Đ.Thất) Hà thị Ngọc Diệp, người Hòa Phong.
Mai: Phan Thị Ngọc mai, bà BS Lê kính ở Saigon
Hà(Đ.Thất) Trần Thị Bích Hà.
Nhung(Đ.Thất) Cao thị Cẩm Nhung, em Cao Sĩ Liễu, USA.
Lân: Bạch Ngọc Lân ở phường 3 Tuy Hòa.
Hiệp(Đ.Thất) Đinh Văn Hiệp, người Hòa Xuân Tuy Hòa.
Hạnh: Đào Tấn Hạnh
Châu: Nguyễn Hoài Châu, người Sông Câu đi diện HO ở USA.
An: Nguyễn Thị An, bắc di cư
Lê: Đoàn Lê
Hùng: Nguyễn Hùng, bắc di cư hiện ở Nha Trang.
Trọng: Bùi Xuân Trọng ở Hòa Quang Tuy Hòa.
Phương: Lê Thị Hoài Phương, bắc di cư
Vinh: Võ Văn Vinh, người Huế.
Xuyến: Nguyễn thị Kim Xuyến, người Nha Trang.
Ân(Đ.Thất): Lê Thị Hoài Ân
Thành: Lê Long Thành, người Hòa Thắng.
Yêm(Đ.Thất): Nguyễn Trọng Yêm, người Xuân Sơn Đồng Xuân.
Thăng: Huỳnh Sĩ Thăng, học được nửa năm rồi nghỉ, ở phường 1 Tuy hòa.
Trị: Nguyễn Ngọc Trị, đi diện HO ở USA.
Đãm: Vương Tấn Đãm.
Bổ(Đ.Thất): Phan Bổ, người Hòa Mỹ, ĐHSP Sg dạy tại trường Nguyễn Huệ. Phan Bổ còn giữ Thông Tín Bạ đầy đủ từ thời QGVN đến VNCH.
Hy: Nguyễn Phùng Hy, ở phường 1 Tuy Hòa.
Ai(Đệ Thất): Nguyễn Trọng Ai
Lan:
Luân: Nguyễn Trọng Luân.
Hồng: Nguyễn Văn Hồng
Mão: Phạm Mão.
Kỷ: Nnguyễn Khắc Kỷ, người Tuy An.
Thông(Đ.Thất): Huỳnh Tấn Thông.
Mấn: Đào Thị Mấn, người Hòa Thắng
Thiều: Nguyễn Công Thiều
Hạng: L(Đ.Thất): Lê Cao hạng, người Hòa Đa.
Trấp: Lương Công Trấp, anh Lương Công Đoan.
Tân(Đ.Thất): Lê Đình Tân, anh ruột Lê Đình Tiến.
Võ Minh kể thêm 1 số bạn khác lớp nhưng đồng khóa Đệ Lục:  Lữ Đức Hựu, Võ Hữu Sang, Phạm Ngọc Kha, Nguyễn Văn Tùy, Trần Thị Mỹ Khảm, Hồ Thị Thuận, Hồ Mỹ Cảnh, Trịnh Quang Hải(Đ.Thất Phú Thứ), Nguyễn Thị Bình.
Lớp Đệ Ngũ niên khóa 1955-56. Nguyễn Đình Chúc kể có các cựu học sinh như sau: “Trương Bồ, Nguyễn Hoài Châu, Nguyễn Chung, Phan Tấn Dự, Nguyễn Đình Đăng, Huỳnh Hữu, Phạm Ngọc Kha, Lương Văn Kiệt, Nguyễn Đức Minh, Huỳnh Văn Nhị, Huỳnh Công Nhân, Huỳnh Tấn Nhân, Nguyễn Đình Luân, Trịnh Quỹ, Lê Chí Thạnh, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Thiều, Huỳnh Tấn Trích, Phạm Tới, Nguyễn Văn Tùy.” Như vậy có sự trùng tên ở 2 lời kể. Thật khó xác định thành phần các cựu học sinh buổi giao thời. Nguyễn Đức Minh tốt nghiệp ĐHSP Sg ra dạy ở Đồng Tháp rồi về trường Nguyễn Huệ. Ngô Liên Phương tốt nghiệp ĐHSP Huế thì học lớp Đệ Ngũ 1955-56.
Mùa Lễ Hội Kỷ Niệm
Trường Nguyễn Huệ 60 Năm
HBC. (Huỳnh Bá Củng)
Rà chuột vào vào nội dung sẽ thấy link liên kết hay click chuột vào đây: 

NỖI XÓT XA


Ngô Tấn Phổ
Nào ai biết được cuộc đời đang êm đềm như mặt nước hồ thu, lặng lờ như mây giăng đầu núi, rồi cũng có ngày dâu biển; một bước đến công danh rạng rỡ, sự nghiệp hiển vinh như diều trước gió; cũng có thể trôi nổi gian truân, ngụp lặn trong mệnh phong trần; dừng lại thì hụt hẫng, chơi vơi, bước tới thì hoang mang rụt rè và bất ổn … ai biết ngày sau sẽ ra sao! 

Vào đời như chim non rời tổ, chưa biết cái mênh mông của trời đất, không hiểu cái bao la của không gian, sải cánh một cách ngây dại vụng về, cô đơn và quờ quạng. Chập chững đậu lên cành khẳng khiu trơ trụi lá hay sà xuống mô đá chênh vênh gập ghềnh, lật bật đứng ngơ ngác nhìn quẩn quanh như ngờ vực và tìm kiếm chở che. Cũng chẳng biết họp quần cùng lũ chim khác đang ríu rít gọi đàn trong những khóm lá, chòm cây, trãng cỏ, líu lo reo mừng một ngày mới bắt đầu hừng lên nơi chân trời phương đông, đẩy bóng đêm dần xuống từ đỉnh trời cao, viền màu ửng vàng quanh rìa những đụn mây nổi từ sau đường giao thoa trời nước, trải nhẹ giải nắng nhạt lung linh lên vạn vật vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ dài dưới màn sương sớm mai.

Xếp lại sách vở dang dở tuổi học trò, âm thầm rời quê hương một chiều cuối thu, lặng lẽ xa gia đình, bè bạn và mái trường Nguyễn Huệ thân yêu; vội vã ra đi như kẻ chạy trốn cuộc chơi. Bỏ lại sau lưng thành phố Tuy Hòa với những con đường thẳng tắp, biếng lười hờ hững giao nhau tại những ngả ba, ngả tư, những khu phố ồn ào tấp nập người qua, những bảng hiệu hoa hòe giăng mắc so le của hàng hàng cửa tiệm se sua dưới nắng hè oi ả hoặc trong trời đông ảm đạm. 

Rời xa những con đường làng, những truông dài len lỏi theo lũy tre xanh, thấp thóang những mái tranh san sát, nhạt màu dầu giãi nắng mưa che đời dân quê nghèo hiền hòa mộc mạc, tuy lam lũ nhưng hạnh phúc yên vui. Xa những dòng sông, con suối, rãnh mương xuôi từ thăm thẳm dẫn nước quanh năm tưới tốt đồng ruộng phì nhiêu, mênh mông đến tận chân những dãy núi mờ mờ trùng điệp vây quanh ba mặt. Xa những láng sắn bắp dưa, rau đậu, những soi mía bát ngát dọc ven sông Đà Rằng Ngọc Lãng, Phú Ân, năm năm cho nhà nông chân lấm tay bùn nguồn huê lợi khả quan, bõ công lao gian khổ. Đến mùa, khi mía lác đác trổ cờ là lúc dọn che bắc chảo, ép mía nấu đường; mùi đường non thơm phức ngào ngạt bay đó đây trong rừng mía bao la. 

Chắc gì còn dịp được ngắm cánh đồng đang ngả màu vàng thoảng hương lúa chín, báo hiệu mùa gặt đến, khi mà nông dân rộn ràng gánh lúa hối hả về thôn trên những bờ mẫu khúc khuỷu quanh co khi chiều xuống. Chắc gì còn dịp đi qua những hương lộ nối thành phố làng xã xóm thôn lại gần nhau, ép nép bên vệ đường những bụi cỏ, khóm lau yên phận chứng nhân tạo hóa, uể oải lêu bêu, héo úa dưới nắng hè chói chang hay dầm mình trong lầy lội khi mùa đông mang mưa phùn gió bấc về giá buốt tái tê. Có nhiều ngày bầu trời xám xịt u ám, mây thật thấp kéo mưa tuôn xối xả như cầm chĩnh mà đổ, nước lũ tràn dòng dâng ngập lai láng. Trong con nước bạc mênh mông, những vợ chồng quê chống ghe vãi chài, thả đó đặt lờ, cắm câu giăng lưới, bắt vài mớ cá cua tôm cho bữa cơm chiều nồng vị hương đồng. 

Sẽ còn đâu âm hưởng của tiếng sóng xô bờ ầm ĩ vang vọng triền miên suốt mùa biển động, hay những đêm trăng quê văng vẳng nhịp chày giã gạo, tiếng võng đưa kẽo kẹt cùng giọng hát ầu ơi ru con bên hàng xóm, tiếng gầu giai tát nước nhịp nhàng lẫn tiếng côn trùng, ếch nhái nỉ non ngoài đồng; càng về khuya càng lao xao lảnh lót, thỉnh thoảng xa đưa vài tiếng hạc kêu sương, buông rơi lạc lõng như âm vọng sang canh. Đêm dần tàn, đó đây tiếng gà giục sáng, vang vang tiếng ơi ới réo gọi, hối thúc mau cùng nhau ra dồng canh tác hay lên núi đốn củi trước lúc bình minh, tạo nên bức tranh quê thanh bình sinh động mà người đi sẽ mang theo canh cánh trong lòng niềm nhớ khôn phôi pha. 

Xuyên qua cửa sổ của toa tàu, nhìn đăm đăm nhìn lại khung cảnh Tuy hòa thân yêu như một lần này nữa rồi thôi, lòng bồi hồi và thiết tha như cố ghi trọn vào tiềm thức tất cả hình ảnh một trời quen thuộc của thời ấu thơ và niên thiếu, không gian của một quãng đời được ôm ấp và nuôi lớn mà thường nhật chưa bao giờ hòa nhập vào tâm hồn một cách tỉ mỉ sâu xa. Đã từng có những lần xa quê hương hay xuất ngoại nhưng chưa bao giờ tâm tư dạt dào buồn rơi nước mắt như hôm nay; giống đứa trẻ khi đói mới nghĩ đến mẹ. Hình ảnh của khung trời thân yêu đang xa dần, xa dần tầm mắt.
Xin chia tay kỷ niệm, gói ghém yêu thương của tuổi trẻ làm hành trang lên đường, hành trình lập chí đã bắt đầu khi con tàu vừa chuyển bến. Từ nay, làm chinh nhân, tận sâu từ đáy lòng, dâng lên nỗi xao xuyến ngậm ngùi nghĩ về mẹ và các em, bạn bè ở lại trong thành phố này, Núi Nhạn, Chóp chài cũng như làng xóm thân thương Phước Hậu, Phước Khánh, Qui Hậu, Đông Phước, Phú Ân, Phú Lâm … bên kia, chia cách nhau chỉ bởi một con đường, một dòng sông qua một cánh đồng, nơi cắt rún chôn nhau đang dần xa về phía sau như từ từ lui vào chiếc hộp quá khứ. 

Thương mẹ và các em quay quắc, họ đâu có biết rằng người thân yêu của họ đang thật sự rời xa họ để đi vào sương gió, từ ly cuộc sống êm đềm; lầm lũi bước sang ngả rẽ cuộc đời. Giang tay mở rộng cánh cửa tương lai, mà không biết được đàng sau đó đời thật sự sẽ về đâu và ra sao. 

Mới sáng nay, như mọi ngày, hăm hở đến trường, vẫn chăm chỉ học hành với thầy giáo với bè bạn, sinh hoạt vô tư của tuổi trẻ chưa biết lo toan, đến chiều này, bỏ áo thư sinh lên đường vào đời chỉ với đôi tay trắng và khối óc đơn sơ chưa hằn dấu đời hành hạ, chưa tích lũy kinh nghiệm bon chen trong xã hội, tâm hồn còn trong trắng thơ ngây... 
Nếu nói rằng tuổi trẻ bồng bột, chẳng phải là không đúng; nhưng, sự bồng bột có cái giới hạn và nhịp độ của nó, có thể, người trẻ cảm thấy kiêu hãnh với chính cái bồng bột đó. Tuổi đời còn non, ăn chưa no lo chưa tới, sự bồng bột có thể sẽ hủy hoại tương lai của chính mình. Trong nỗi ưu tư, chợt xuất hiện sự dùng dằng thối chí, muốn từ bỏ lý tưởng đầu đời, quay trở về với mẹ và các em, với ngôi trường cũ, với tình yêu thương thơ ngây học trò cùng bạn bè thân quen đã từng gắn bó chia sẻ với nhau muôn ngàn kỷ niệm của thời mài quần trên ghế nhà trường, cuộc đời đang vươn lên cùng nhiều hứa hẹn tương lai. Nhưng, bởi những suy tư mâu thuẫn, gây nên tranh chấp nội tâm; tự ái đã gậm nhấm xác xơ tâm hồn, làm lỗ cá
i bản tính kiêu căng tiềm ẩn và chính nó làm chướng ngại cho ý định bỏ cuộc và trở về, một cảm tính ủy mị và yếm thế.. Thật sự đang xa dần thành phố, con tàu qua cầu sắt hai mươi mốt nhịp Đà Rằng như vượt thiên lý tình vời vợi với quê hương, qua những xóm làng đồng ruộng, dọc những vách núi cheo leo, xuyên những rừng xanh trãng rộng, chui qua những hầm dài tối đen như mực, uốn mình theo triền vịnh Vũng Rô xanh thẳm phía dưới chân. Tàu vẫn chạy đều như chiếc tên rời khỏi dây cung rạch gió, những trụ dây thép xếp hàng dài lặng lẽ bên đường nối tiếp nhau lùi nhanh về phía cuối con tàu như những chồng chất thêm lên tâm tư khắc khoải. Tiếng gió xoáy ngược vào cửa sổ, lùa vùn vụt qua những khoảng trống giữa hai toa tàu chen lẫn tiếng rít inh ỏi của bánh sắt lăn nhanh nhịp xành xạch trên đường rầy, hòa thêm những tiếng lắc cắc, kèn kẹt từ mọi thứ bên trong tạo nên âm điệu sống động như hợp tấu trống đều đặn vả dồn dập của ban kích động nhạc, thúc hối con tàu giống một đại xà hung hãn trườn mình chạy trốn trên con đường sắt dài xa bất tận, thỉnh thoảng buông vài hồi còi lạc lõng và phun lên những luồng khói đen kịt, khét lẹt trùm xuống rồi tan loãng về phía sau. Nỗi bâng khuâng ray rức trong lòng qua suốt quãng đường dài trên con tàu giong ruổi một cách vô tình, như con thuyền xuôi dòng hờ hững với lau lách bụi bờ dọc ven sông. Chặng đường dài khoảng hơn trăm cây số ngàn mà tưởng chừng như đang vượt ngàn cây số thăm thẳm xuyên Việt, tiếp nối hành trình đến ga mặc cho những kẻ đang mang riêng nỗi niềm cô lẻ, cũng mặc cho bao nhiêu người đang lim dim vật vờ trong cái trống trải của tâm tư thiu thỉu trước mặt đời và cũng mặc kệ những ai đó đang thẫn thờ ngồi đếm thời gian trôi ... 
Một buổi chiều dài lê thê, nhiều suy tư và thương nhớ phủ kín tâm hồn kẻ tha hương, mỗi phút giây đi qua là mỗi lo âu, mai này đời sẽ ra sao? Ngày mai đây sẽ bắt đầu cuộc sống mới, tại một nơi chốn mà chắc chắn sẽ không như ở quê nhà, nơi đã được sinh ra và lớn lên với những vất vả điêu linh trong khói lửa chiến tranh; tản cư, rồi hồi cư, gia đình tái xây dựng từ hoang tàn đổ nát… cho đến thanh bình an lạc. Nơi đã được nuôi dưỡng trong vòng tay nhân từ bao la của mẹ và tình thương của các em, nghĩa nặng của hàng xóm láng giềng, của bạn bè từ khi còn tuổi thơ ngày hai buổi cùng nhau cắp sách đến trường dùi mài kinh sử và vui chơi. 

Ngày mai này sẽ bắt đầu hoàn cảnh mới, ở đó không còn gặp lại những vị thầy kính yêu trên bục giảng trước bảng đen phấn trắng, những hình ảnh mà mỗi ngày in sâu vào tâm khảm từ khi bước chân vào ngưỡng cửa trung học Nguyễn Huệ, các thầy Hiệu trưởng Phú, thầy Trí, thầy Tâm, thầy Toản, thầy Thuần, thầy Chút, thầy Hướng, thầy Tri, thầy Gạch, thầy Thắng, cô Hoa, cô Cúc, cô Hượt, cô Hường, thầy Ngạc, thầy Hàng, thầy Đôn, thầy Nhạc, thầy Phú, cô Nghiêm, cô Châu, thầy Quát … tận tụy giảng dạy những bài vỡ lòng như tô điểm nét ngọc ngà, những chấm phá rực rỡ vào khoa bảng tương lai cho lũ học trò cặm cụi sách vở. Cũng ở đó không còn những giờ hí hoáy làm những bài bình giảng văn chương hay những nghị luận luân lý, hoặc vò đầu moi óc giải những bài toán khó, học thuộc lòng những phương trinh, những công thức, những định lý định đề, ngấu nghiến những bài vạn vật, lý hóa khô khan khó nuốt, những trang triết lý, luận lý thăm thẳm…, để rồi phải làm bài, trả bài với tâm trạng khúm núm rụt rè trước những ánh mắt đăm đăm ẩn chứa sự thất vọng hay ngạc nhiên, sự khích lệ hoặc tội nghiệp của thầy cô, của bạn bè chung lớp. Cũng ở đó mỗi ngày không còn gặp những khuôn mặt thân quen của những thằng Tự, thằng Long, thằng Cư, thằng Châu, thằng Phich, Thằng Côn, thằng Hóa (Ng.), thằng Nhượng, thằng Hòa, thằng Phan, thằng Tiên, thằng Phương, thằng Diệu, thằng Ngật, thằng Huệ, thằng Quang, thằng Dũng, thằng Lập, thằng Danh, thằng Cường, thằng Hoàng, thằng Hoành, thằng Nhu, thằng Đạm, thằng Hiển, thằng Mười, thằng Dung, thằng Hóa (Tr.), thằng Hồng…con Hanh, con Trang, con Hà, con Mỹ, con Vân, con Mai, con Yến, con Hằng, con Mẩn, con Nghiêm, con Khanh, con Chính, con Chi, con Hoa, con Thơm, con Phượng, con Thêm, con Cẩm,… là những đứa bạn cùng lớp, cùng trường, từng sánh vai từ trường Nam Tiểu học Tuy hòa mái tranh vách đất dưới sự dạy dỗ của thầy Huân, thầy Tính và Hiệu trưởng Lê Cao Lợi rồi dắt nhau lên trung học, luôn chia sẻ và trợ giúp nhau trong tình thân ái, những nụ cười, những ngôn từ chân quê đơn sơ xuất phát từ đầu môi mày tao ngộ nghĩnh vô thưởng vô phạt, để réo gọi, xỉ vả hay ca tụng nhau. 
Sẽ không còn tụm năm tụm bảy trò chuyện, khoe khoang huyên thuyên nói như chưa bao giờ được nói trong buổi tựu trường ngày khai giảng. Không còn cùng nhau lêu lổng khắp phố, khắp làng trên đường về nhà sau buổi tan học. Không còn những buổi hẹn hò cuối tuần lên Núi Nhạn, xuống bãi biển ngắm cảnh tâm tình. Không còn dịp sinh hoạt hiệu đoàn, hoạt động xã hội và sẽ không bao giờ còn nữa những buổi cắm trại Rừng Dương, Mỹ Á, Đại lãnh … những đêm cùng nhau quây quần quanh đống lửa trại, chung vui văn nghệ, hát cho nhau nghe bằng tiếng hát học trò, trinh diễn cho nhau xem những vở kịch, viết cho nhau những trang bích báo, những hình vẽ ngộ nghĩnh ngây thơ, những hài hước tuổi thơ để cùng học bài học họp đoàn và cùng bước vào tương ái. Tất cả đều trở thành kỷ niệm như những lưu bút ngày xanh đã được nắn nót từng nét, từng dòng rồi lại giấu im trong tập vở từ khi tan trường… những lời nói, hành động, thói quen, tính cách đã kết nối nên số phận con người học trò, đến khi vuột ra khỏi ký ức mới hiểu được sâu xa ý nghĩa của nó.

Mãi ngụp lặn trong những kỷ niệm của dĩ vãng và bồng bềnh với ảo ảnh của tương lai, hình như chúng đang âm ỉ xung đột tranh thắng hoàn cảnh để rồi sẽ phải chấp nhận như là một định mệnh cuộc đời, may ra còn chút an ủi mà bám víu; vì mâu thuẫn, thực và hư, nên hay không nên, tới hay lui… cuộc đời rồi sẽ ghé tấp vào bến bờ nào, nắng hay mưa, sóng gió hay an bình, vinh hay nhục? Sẽ phải bắt đầu bằng những bước đi khập khễnh, rụt rè và phiêu linh như đứa bé vừa rời tay mẹ ngờ nghệch chạy một cách liều lĩnh, đến khi vấp té mới cảm nhận được cái đau và khóc ré. Con đường đang đi thênh thang hay ngõ hẹp tăm tối gập ghềnh mà vừa đi vừa sờ soạn, vừa ngoái đầu quay lại nhìn đoạn đường đã đi qua dài hay ngắn với nỗi bất an đang lớn dần trong lòng…
Ở vào tuổi vàng son từ thể chất đến tinh thần, nhưng cũng là tuổi chưa hiểu thấu lý lẽ của đời. Chỉ mới hôm nay, một sớm một chiều, cuộc đời đổi thay, chẳng đắn đo, tự dấn thân vào con đường xa lạ, chưa một lần đi qua, chưa có ai nói đến, chưa biết bờ bến là đâu! Là con đường vào tương lai nhưng còn bất định. trước mặt mọi thứ, mọi điều đều xa lạ, phải mở to mắt để nhìn, lắng tai để nghe, mở bừng trí não để nhận xét, phân tích và học hỏi; sẽ học hỏi trên những nỗi đắng cay nhọc nhằn khổ đau, trên những nỗi nhục vinh thành bại và nhớ đời những cái nghiệt ngã chua xót bất cập. Từ nay phải tự xoay sở, luồn lách vượt khó, tự vệ bằng chính khối óc và nghị lực của bản thân. Những ưu tư, những ngại ngần như những mắt xích liên tục kéo qua trong trí., Không biết rồi sẽ ra sao? 

Có lẽ khi mẹ và các em biết được rằng đứa con thương yêu sẽ không còn trở về nhà mỗi ngày sau buổi tan trường để cùng quây quần bên mâm cơm chiều thơm tho mà mẹ vừa nấu xong, còn nghi ngút hơi nóng, bữa cơm không có cao lương mỹ vị, chỉ đơn giản dưa muối đạm bạc, nhưng chứa đầy tình mẫu tử nuôi lớn đàn con; mẹ và các em sẽ buồn lắm, biết đến bao giờ nguôi. Hình ảnh mẹ ràn rụa nước mắt, cúi nhìn và vuốt tóc những đứa con thơ dại đang ngỡ ngàng níu áo mẹ và thầm gọi “anh ơi!” Trìu mến ôm các con trong vòng tay, nghĩ đến đứa con đang rời xa mẹ, lòng mẹ quặn đau, nỗi đau của chia xa, của thương và nhớ, của sự lo lắng sớm hôm, không biết giờ này con đang biền biệt phương trời nào…

Nghĩ đến mấy thằng bạn “anh hùng,” mới tháng trước đây, cùng háo hức viết đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ, hôm nay nhận được giấy thông báo trình diện thì im thin thít bỏ cuộc, dòng máu anh hùng đã chảy ra khỏi trái tim của tụi nó; không một thằng nào có can đảm đến sân ga để tiễn một kẻ lên đường nhập thế, chúng là những “anh hùng cỏ,” sẽ không trả nổi món nợ tinh thần này, dù đó chỉ là một lời hứa đồng tâm. Chỉ duy nhất cô bạn học cùng lớp đến tận ga đưa tiễn. Dưới nắng chiều vàng nhạt, trong bộ đồng phục trắng học trò tha thướt, nàng lưu luyến cầm tay và bịn rịn trong nước mắt: “anh hãy trở về đi, niên học còn dang dở, tương lai của anh có nhiều hứa hẹn …”
Qua khung cửa sổ của toa tàu, trông nàng thật hiền dịu, nàng vẫn đứng dõi mắt nhìn theo như một thiên thần, từ khi con tàu bắt đầu lăn bánh, cho dến khi không còn nhìn thấy nàng được nữa, con tàu đã rời xa thành phố. 

Nỗi giằn vặt mỗi lúc càng ray rứt trong lòng, nhiều lần chợt muốn quay trở về, thôi thì khi đến ga sẽ mua vé quay về, nhưng ga rồi lại ga, bao nhiêu lần con tàu dừng lại năm mười phút rối lại lăn bánh tiếp nối hành trình; có lẽ, nhiệt huyết của tuổi trẻ mười tám đang vực dậy từ thăm thẳm tâm tư vì đã trót lên đường, một con đường đi tới.
Con tàu bắt đầu giảm tốc độ, sau khi rúc lên hai hồi còi dài, tiếng bánh sắt lăn xình xịch trên đường rầy cũng lơi lại, chậm dần, chậm dần, sau khi đánh một vòng tròn rồi cuối cùng dừng tại sân ga…

Bước xuống tàu, cùng hành khách rời ga, mang theo ý chí nhỏ nhoi và nỗi lòng se thắt làm hành trang vào đời của tuổi trẻ; nhìn lại con tàu vừa đưa mình từ một nơi chốn bình yên chan chứa tình thương gia đình, trường học cùng thầy bạn và láng giềng, bây giờ con tàu đó đang đứng yên trên sân ga chờ đợi thời gian, sẽ tiếp nối hành trình hay mãi mãi dừng lại nơi đây! Nhìn đám hành khách hối hả lên xuống từ cửa những toa tàu, những tiếng réo gọi, chào hỏi hòa tiếng cười nói ồn ào, bất giác, cảm thấy mình lẻ loi chi lạ! Cái lẻ loi lạnh giá và lạc lõng giữa chốn đông người! 
Băng qua sân ga rộng, bơ vơ như kẻ lạc loài, đi về phía đại lộ đông người qua, lầm lũi chậm bước dọc theo hè phố đã lên đèn, mấy lần dừng lại hỏi thăm để tìm một chỗ trọ qua đêm.
Như một khách lạ đường xa đến đây, thật lúng túng khi muốn hỏi thầy thư ký mà không biết phải nói làm sao để có một phòng ngủ trong khách sạn, cứ bâng khuâng hết nhìn thầy thư ký đến nhìn những chậu hoa, khung hình trang trí; một hồi lâu, có lẽ đọc được nỗi gì bất an nơi người khách trẻ, thầy thư ký lên tiếng :
Anh cần phòng phải không ?
-Dạ, tôi cần chỗ ngủ đỡ tối nay
-Mấy người?
-Dạ, một mình tôi.

Sau khi thầy thư ký ghi tên tuổi, thầy đưa chìa khóa và dặn:
-Anh ở phòng này, thầy chỉ cho thấy con số ghi trên mẫu bìa cứng nhỏ xâu chung với chiếc chia khóa, nếu cần gì thì đến gặp tôi.

Loanh quanh một hồi, tìm không ra chỗ, cố quay trở lại lối cũ hỏi thăm, thầy thư ký vui vẻ dẫn đến tận nơi, mở khóa cửa phòng và vào chỉ dẫn mọi thứ bên trong rồi thầy trở về chỗ làm việc sau khi chúc “ngủ ngon”.

Nằm im lặng trên giường, hai bàn tay đan lại gối dưới đầu, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà sơn màu vôi trắng, bên trong căn phòng nhỏ nhưng sao cảm thấy quá mênh mông; tâm tư chìm trong miên man suy nghĩ đến mẹ và các em, mới chia tay họ hồi sáng hôm nay, ôm sách dến trường như thường lệ không bịn rịn, không luyến lưu; chắc giờ này họ đang bồn chồn ngóng trông; hy vọng một thằng bạn “anh hùng cỏ” nào đó hay cô bạn đã tiễn đưa sẽ đến báo tin và an ủi mẹ cùng các em rằng con trai của mẹ đã lên đường… để các người bớt âu lo, cho nước mắt mẹ và em bớt tuôn tràn vì thương nhớ. Không biết từ lúc nào, giọt nước mắt đã lăn dài xuống mang tai; sâu thẳm trong hồn nghe rõ tiếng thở dài của chính mình, não nuột buồn hiu hắt; buồn vì không bày tỏ được nỗi ray rứt thiết tha này cùng ai, buồn vì không kiềm chế được nỗi buồn, buồn vì thật sự lẻ loi. Giận lòng cho cái ủy mị của thằng con trai muốn đội trời đạp dất đang chớm nở. 

Về khuya, cảm thấy căn phòng càng trống trải và cô liu, tiếng náo nhiệt bên ngoài đường phố im lặng dần, thỉnh thoảng nghe tiếng gõ nhịp lốc cốc của hai thanh tre với tiếng rao lanh lảnh “phở đây!” vang vọng nơi chiếc xe phở đêm được đẩy lịch kịch từ hướng đầu đường, lâu lâu dừng lại một hồi có lẽ gặp được một vài người khách ăn đêm rồi lại lộc cộc đẩy xa dần về phía cuối phố trả lại cái tĩnh mịch cho đêm trường… 

Suốt cuộc hành trình dài từ sau bữa cơm trưa đến giờ trong bụng nhẹ lắm nhưng không cảm thấy đói mà cứ miên man nghĩ đến mẹ và các em, nghĩ đến cảnh họ ngồi lặng im bên mâm cơm tối mà hoang mang, lo lắng, không biết chuyện gì xảy ra mà sau tan học cho đến giờ này, đã vào đêm khuya vẫn chưa thấy con, anh trở về nhà; mẹ và các em cố nuốt cơm cho qua bữa; nghe các con gọi khẽ tên anh mình, mẹ nghẹn ngào “con bỏ mẹ và em đi đâu mà không cho mẹ biết hả con ?” Mẹ có biết rằng con xa mẹ từ đây vào đời phiêu bạt, con lên đường lập chí như đàn anh của chúng con đã lên đường, tuổi trẻ nào cũng phải dấn thân… con đã chịu ảnh hưởng “chí làm trai” khi còn miệt mài đèn sách, khi vắt tim moi óc làm những bài nghị luận, những bài bình giảng văn chương dưới bục giảng của thầy Hướng, thầy Quát; cái ý thức làm trai chí tại bốn phương đã nung náu trong tim và đã thôi thúc con rời xa mẹ và các em hôm nay không lời từ giã; con biết rằng mẹ chẳng bao giờ cho phép con nhập thế khi xã hội chưa ràng buộc mà đường học vấn đang thênh thang tươi sáng, một hay hai năm nữa chưa muộn cho quan lộ làm người. Con đành mang tội bất hiếu bất nghĩa để mẹ buồn và các em lo. Không biết cứ mãi đăm đăm nhìn lên trần nhà như nhìn vào sâu thẳm của tâm tư mình bao lâu nữa, lòng chùng xuống thật thấp mà vẫn chưa vói chụp được giọt an ủi nào dù chỉ nhỏ nhoi cho tinh thần bớt đắng cay. Vào đời khó khăn vậy sao !

Thao thức cùng với nỗi lòng xót xa rồi giấc ngủ cũng kéo về trong tâm hồn rã rời mệt mỏi, thiếp vào giấc ngủ. Tiếng náo nhiệt ngoài dường phố không biết đã rộ lên từ bao giờ, muôn ngàn âm thanh quyện vào cùng sự sống, ồn ào đến độ làm tỉnh giấc cô miên, vói đẩy nhẹ cánh cửa sổ mở rộng thêm ra, làn gió sớm ùa vào mát rượi cả gian phòng, bầu trời chưa muốn sáng vẫn còn nhuộm màu xanh sậm trên cao, vài vì sao cuối cùng lấp lánh yếu ớt của buổi sớm mai như chưa sẵn sàng nhường chỗ cho một ngày mới. Uể oải bước vào phòng tắm, để cho làn nước chảy từ đầu xuống chân cho một cảm giác dể chịu, trong giây lát vơi bớt phần nào nỗi vấn vương đã chồng chất trong hồn trên suốt chặn đường của cuộc hành trình và trọn đêm qua.

Sáng nay sẽ đến nơi trình diện theo chỉ dẫn trên giấy thông báo mới nhận được hôm qua sau khi tan trường về đến nhà, tuy giờ giấc có ghi rõ, nhưng lòng còn lắm bâng khuâng nên đành trả phòng và rời khách sạn sớm; cô thư ký chỉ đường đi về phía chợ để đón xe Lam. 

Chuyến xe chở đầy người rời bến, chạy theo đại lộ dọc bờ biển, ngoài tiếng máy xe nổ dòn đều đặn đôi khi rú lớn mỗi lần lên ga tăng tốc; tiếng nói cười vô tư của những người khách ngồi chật cứng trên hai hàng băng dài kê sát vách, không làm át đi tiếng vi vu của gió biển thổi qua hàng phi lao xanh cao vút trên trãng cát dài dọc bên đường hòa với tiếng sóng rì rào đùa vào dưới bãi không xa đại lộ là bao, thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh vút qua mặt, bỏ lại chiếc xe Lam cứ lẽo đẽo tiếp tục chạy trên đường; đến một ngả ba rộng, hai người khách đầu tiên mặc quân phục màu xanh nhạt mũ calot xin xuống, họ hối hả rời xe đi nhanh về phía cổng phi trường sau khi vừa kịp nói tiếng cảm ơn thân mật. Chiếc xe tách lề đường và tiếp tục chạy qua một khoảng đường dài giọc bãi cát và biển, bên mặt là hàng rào kẽm gai ngăn vòng phi trường, thêm một đoạn đường nữa …
Anh cho tôi xuống đây!

Anh tài xế lên ga và từ từ lái chiếc xe còn đông khách mang theo nụ cười vô tư chạy thẳng…
Đứng trước một quân trường rộng và xa lạ, lòng dâng lên nỗi lo lắng, lo lắng vì ngỡ ngàng, vì cánh cửa tương lai vẫn còn đang khép kín, trước mặt là một thung lũng âm u sâu thẳm; ngày sau biết sẽ ra sao? Phải chi có được một người bạn đồng hành lúc này thì yên tâm biết mấy! 

Mặt trời đã lên cao, nắng mai rơi đầy lên vạn vật, hải đảo sừng sững phía xa kia không đủ lớn để che phủ cả vùng vịnh xanh lơ lăn tăn những phản chiếu lấp lánh từ những gợn sóng nhấp nhô đượm vẻ êm ả của buổi sáng cuối thu, mùa thu nơi miền duyên hải. Nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm, trong khi lòng vấn vương nhiều mâu thuẫn, nhiều ưu tư giằn vặt; thả bộ qua bãi cát rộng, đi về phía mé nước mong tìm chút bình an; tiếng rạt rào của những cuộn sóng tiếp nối xô vào bãi như những con thuồng luồng dài vĩ đại lăn mình theo mé cát, đùa bọt nước trắng xóa tràn lên rồi rút nhanh ra xa, vài con còng gió ngoi lên từ dưới lớp cát ướt, thoăn thoắt chạy nhanh về phía cao rồi biến mất; mùi biển mặn len tận vào hồn, lòng chùng xuống, không gian và thời gian như ngừng lại, hình ảnh mẹ và em hiện lên trong trí, thương mẹ và em vô ngần, nhớ nhà da diết dù chỉ mới hôm qua và hôm nay trong phút giây thật yếu đuối này, còn những ray rứt, thương nhớ nào to lớn hơn! 

Từ lòng mắt cay cay, nhưng giọt ưu tư lăn dài xuống má; trong khoảnh khắc cõi lòng se thắt “- con vô cùng xót xa đã tự rời khỏi vòng tay mẹ, dấn thân vào một tương lai bất định,” như con đò dọc rời bến, ngược dòng sông dài, kiếp giang hồ rồi sẽ luồn lách qua những giăng mắc của muôn vạn dòng thác bãi cồn thử thách cam go. Như khóm bèo xoáy mấy vòng chân cầu rồi cũng rời xa, theo con nước tiếp nối cuộc bềnh bồng, có chăng, lúc nào đó dạt vào một nơi chốn ven bờ rồi dòng nước sẽ đẩy đưa đời bèo lững lờ trôi ra cửa biển. Con biết mẹ buồn lắm và lát nữa đây, sau khi bước vào bên trong cánh cổng đàng kia, đời con sẽ thay đổi lớn, con cam tâm rời xa mẹ, xa các em, xa xóm giềng, xa mái trường Nguyễn Huệ thân yêu, xa thầy, xa bạn mang theo nỗi xót xa …
Ngô Tấn Phổ

Saturday, December 12, 2015

VĨNH BIỆT BÁC SĨ LÊ KÍNH


Cùng Đồng hương Phú Yên,
Tôi, Lê Nguyên Hùng, cựu HS NH 1970.
Báo tin trễ đến các Đồng Hương:
Anh tôi: Bác sĩ Lê Kính, người Phú Yên,
chồng của Phan thị Ngọc Mai (con bà Phan Tiên Hương, Tuy Hòa),
Đã mất ngày 13-11-2015 tại:
260 Đề Thám Q1 SG.
Hưởng thọ 78 tuổi.
Linh cữu đã được chuyển về Tuy Hòa và an táng trong khu đất giòng họ LÊ .
Trân trọng thông báo,
LÊ NGUYÊN HÙNG
Số của chị Mai: 011-84-88-368-371

-----------------
Kinh mời quý thầy cô và anh chị xem tiểu sử và tang lễ của Bác Sĩ Kính trong blog của Sư huynh Huỳnh Bá Củng: