Friday, February 22, 2013

Bóng Tùng


Tôi chưa từng được học một giờ nào với ông, cũng chưa lần nào được hầu chuyện trực tiếp cùng ông, và có lẽ cũng không còn cơ hội gặp lại ông, nhưng tôi thấy mình cần phải viết về ông, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang, một người mà do thời gian tại vị quá ngắn ngủi đôi khi đã không được nhiều người, trong đó có cả chính tôi, đánh giá và trân trọng đúng mực.
Thật ra ấn tượng đầu tiên về người hiệu trưởng từ ngôi trường Nguyễn Huệ nào đó ở Tuy Hòa mới chuyển về Võ Tánh không lấy gì là dễ chịu với bọn học sinh chúng tôi thời ấy.  Ngay từ buổi “huấn thị” đầu tiên cho niên học 1972-1973 ở sân trường, tân hiệu trưởng đã ra lệnh tất cả những học sinh nào “không mặc quần xanh đúng chuẩn phải về nhà ngay lập tức và chỉ trở lại trường khi đã có đồng phục đúng qui định”.
“Độc tài, phát xít, chơi nổi?...” những tiếng xì xào lập tức nổi lên giữa sân trường. Còn nhớ đồng phuc Võ Tánh thời ấy là quần xanh áo trắng. Áo trắng thì không có gì để bàn, nhưng quần xanh thì ôi thôi đủ sắc độ từ xanh nhạt đến đen thẩm, theo ý thích và nhận định của từng người. Nhưng qui định của hiệu trưởng mới nêu rõ: “quần xanh nhất loạt phải là màu xanh biển polyester đúng chuẩn!”
Thế là đã rõ, không còn biện bạch gì nữa. Phản đối thì phản đối nhưng mọi thứ rồi cũng đâu vào đó. Sau đó vài ngày hiệu trưởng cùng giám thị “xuất kỳ bất ý” lần lượt đến từng lớp để kiểm tra phù hiệu và đồng phục. Một số học trò tinh quái lớp tôi như Bửu Tiềm không đời nào chịu đeo bảng tên, bấy giờ bèn moi trong túi ra một phù hiệu của trường Văn Học gắn vào túi áo. Ở xa các thầy không thấy rõ vì phù hiệu Văn Học cũng màu đỏ, nhưng màu quần không đúng qui định thì dễ dàng bị phát hiện. H.V. Đ lớp tôi đứng dậy,“trả treo” với hiệu trưởng:
- Thưa thầy, nhà em nghèo không có tiền may quần mới.
- Được.Em cứ mời phụ huynh lên đây gặp tôi rồi tôi sẽ giải quyết.  Giọng thầy hiệu trưởng cương quyết.
Tất nhiên không có cuộc gặp gỡ nào giữa hiệu trưởng và phụ huynh sau đó và Đ. đã đến trường với đồng phục đúng yêu cầu.Những cuộc kiểm tra liên tiếp sau đó cũng khiến đám học sinh ngựa chứng không còn dám lôi thôi lếch thếch nữa. Phải nói tính quyết đoán của vị tân hiệu trưởng đã khiến Võ Tánh khởi sắc thấy rõ sau đó, từ kỷ luật, học tập đến các mặt sinh hoạt. Là một người tốt nghiệp khoa sử, thầy N.Đ. Giang ắt hẳn đã vận dụng chính sách của Khổng Minh trong thuật trị nước: nơi nào trước đây hà khắc thì cần nới lỏng, nơi nào kỷ cương nới lỏng thì cần siết chặt lại.
Tài ứng biến, lập luận đanh thép cũng là một ưu điểm để ông thu phục nhân tâm khi cần thiết. V., một thành viên trong ban điều hành học sinh thủa đó đã gây một scandal chưa từng có: anh tự động cho in vé giả trong buổi trình diễn văn nghệ gây quĩ phát thưởng tại rạp Hưng Đạo.  Âm mưu bị vỡ lỡ, và dù là một học sinh khá rắn mắt, V. đành thú tội trước những lời lẽ thuyết phục của hiệu trưởng. Một lần khác, sau tuần lễ sinh hoạt học đường, phái đoàn trường Nữ do người đẹp B.L dẫn đầu kéo qua gặp hiệu trưởng V. T.  để khiếu nại về kết quả của một màn trình diễn văn nghệ. Ông lặng lẽ lắng nghe và cuối cùng cật vấn họ “ Các cô nghĩ  rằng tôi có thể dùng một cái cân tiểu ly để cân đong đo đếm cho các tiết mục văn nghệ được không?” Chị em trường Nữ ấm ức ra về nhưng hiểu rằng không có cơ sở nào để khiếu nại một hiệu trưởng “cứng cựa” như thế.  Sau nầy, ông Lê Đình Loan (USA), một người từng tốt nghiệp khoa sử với ông kể lại: Nguyễn Đức Giang là một người có tài ứng đối và ăn nói lưu loát. Chính nhờ khả năng nầy mà thời đại học ông ra tranh cử và đắc cử chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế, nơi không thiếu những tài năng hùng biện.


Nhưng vị hiệu trưởng nầy không phải lúc nào cũng hoàn toàn sử dụng “pháp trị”.Đằng sau con người bao giờ cũng nheo nheo cặp mắt ấy là một người thầy vẫn tỏ ra biết cảm thông với học trò của mình khi cần thiết. Còn nhớ mùa hè 1972, mùa hè đỏ lửa với lệnh đôn quân khốc liệt, chúng tôi trải qua kỳ thi tú tài một cuối cùng trong lịch sử tại Diên Khánh, cách xa Nha Trang khoảng 10 cây số. Một cảnh tượng chưa từng thấy đã diễn ra vào buổi chiều thi môn Vạn Vật cuối cùng: trên đường từ Thành trở về thí sinh đồng loạt ném tung sách vở để trẻ em hai bên đường ra nhặt. Ném sách như một sự đoạn tuyệt với đời học sinh vì những người sinh năm 1954 dù đậu hay rớt đều phải lên đường nhập ngũ. Những tên sinh năm 1955 như bọn tôi, nếu thi đậu sẽ còn được học tiếp, còn thi rớt sẽ lên đường trực chỉ quân trường Đồng Đế. Do lệnh tổng động viên nầy mà các lớp 12 Võ Tánh năm ấy vơi đi không ít học sinh. Nhờ vậy nhà trường đồng ý nhận thêm những học sinh nào thi đậu tú tài một có kết quả khả quan. Tôi là một trong những người may mắn trở thành học sinh Võ Tánh vào giờ thứ 25 ấy.
Ngặt một nổi lớp 12C của bọn tôi chỉ vỏn vẹn 25 học sinh. Khi vào học mới té ngửa là lớp chỉ có sinh ngữ chính là tiếng Anh. Tám thằng bọn tôi theo Pháp văn rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì giờ tiếng Pháp (sinh ngữ 2) quá nhẹ nhàng nhưng đến giờ tiếng Anh thì đứa nào cũng như vịt nghe sấm. Không biết xoay sở ra sao, chúng tôi quyết định đề cử Công, một thằng văn hay chữ tốt trong nhóm đánh liều làm đơn lên hiệu trưởng xin mở lớp Pháp văn cho 8 người lính mới.
Hôm sau chúng tôi được lệnh thầy hiệu trưởng triệu tập tại văn phòng. Ông hỏi ai là tác giả lá đơn nầy. Chúng tôi lấm lét trỏ vào Công. Bấy giờ ông mới ôn tồn bảo: Các em nhận định đúng, vào học Võ Tánh là một đặc ân lớn lao rồi. Trường  không thể nào mở thêm lớp tiếng Pháp cho các em nữa. Vì dù các môn kia học chung, trường còn phải mở thêm giờ sinh ngữ phụ cho các em mà lại là một lớp chỉ có tám người… Nhưng do các em làm đơn có tình có lý, ban Giám hiệu quyết định mở thêm lớp Pháp văn do chính thầy Giám học Nguyễn Thúc Thâm đảm nhiệm!
Cả bọn lúc ấy hết nhìn Công lại hướng mắt về thầy Giang và không biết nói gì hơn để cảm ơn thầy, cảm ơn một tấm lòng của người hiệu trưởng với vẻ bề ngoài khó đăm đăm nhưng luôn nghĩ đến điều tốt nhất cho học sinh mình. Trở lại với câu chuyện người học sinh in vé giả văn nghệ tên V., dù phải kỷ luật học sinh nầy bằng hình thức cho thôi học, thầy Giang đã tìm cách tạo điều kiện để V. được tiếp tục theo học ở một trường trung học xa thành phố sau đó. Gần  một phần tư thế kỷ sau, năm 1997, tôi gặp lại V. ở một thành phố miền Trung, V. bảo anh vẫn nể phục cách xử lý có tình có lý của thầy Giang để anh tiếp tục con đường học vấn, nhờ đó sau 1975 có lúc anh trở thành hiệu trưởng một trường trung học cơ sở. Nếu không có sự giúp đỡ của thầy lúc đó, có lẽ anh sẽ không bao giờ lại trở thành nhà giáo như bấy giờ.

Có thể thấy rõ hơn tính cách của người cựu hiệu trưởng V.T.  sau năm 1975. Kỳ Hùng (trước đây học Kỹ Thuật NT), anh của hai học sinh VT là Kỳ Hậu và Kỳ Hiếu, kể lại với tôi anh ta từng trải qua thời gian đi học tập và tình cờ được xếp vào cùng phòng lúc ấy do ông Nguyễn Đức Giang được chỉ định làm trưởng phòng. Khác với những người trưởng phòng khác thường lợi dụng ưu thế của mình để o ép anh em, ông lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ mọi người và sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của anh em trong phòng. Nhạc phụ của tôi, một người bạn vong niên của ông kể lại: thời điểm tháng 3 năm 1975, lẽ ra Nguyễn Đức Giang có thể di tản khỏi Nha Trang bằng máy bay cùng với vị tỉnh trưởng thời đó nhưng ông đã chọn con đường ra đi cùng với một số anh em giáo chức thân hữu. Trên hành trình vất vả với muôn vàn khổ cực và bất trắc mới hiểu được ai là con người tình nghĩa và tiết tháo. Nguyễn Đức Giang là một trong số những người hiếm hoi ấy.
Một con người như thế không có gì là lạ khi ông vẫn đặt nặng tình cảm với đồng nghiệp của mình trong vinh quang cũng như hoạn nạn, kể cả những người có lúc đã “đổ tội “ cho ông vì sự  an nguy của bản thân mình. Phải chăng cảnh hàn vi thủa thiếu thời đã trui rèn cho ông cái phẩm chất “bần tiện bất năng di”  ấy ? Ít ai biết được con người từng đứng đầu ngành giáo dục của một thành phố lớn lại xuất thân từ trại tế bần, dở dang việc học khi còn nhỏ và chỉ bước chân vào đại học khi đã vợ con đùm đề. Thực tế nầy có lẽ đã dẫn đến một câu chuyện thú vị khác về ông: khi ở nước ngoài hoạt động từ thiện được nhiều Phật tử tin tưởng giao một khoản tiền lớn đem về quê hương ở Huế để đóng góp. Về quê nhà, sau khi xem xét các nơi ông quyết định giao trọn số tiền quyên góp cho một cơ sở của các soeurs Công giáo. Trở lại Đan Mạch, bị không ít người trách móc là quyên góp của Phật tử nhưng lại không ưu tiên cho cơ sở Phật giáo, ông điềm nhiên trả lời: “Tôi thấy cơ sở của các soeurs nuôi nấng những em bé bệnh hoạn, tật nguyền nên ưu tiên hơn, còn các sở của Phật giáo phần lớn nuôi các em mồ côi nhưng khỏe mạnh, em nào có ý chí thì cũng trở thành Nguyễn Đức Giang được”.
Một lần trở về quê hương thăm lại làng Nong, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông đã làm mọi người kinh ngạc khi thản nhiên múc một gáo nước giữa giếng làng uống cạn một mạch, không đếm xỉa đến những lời can ngăn về những rủi ro “lạ nước lạ cái” mà Việt kiều thường gặp phải. Tôi không tin ông làm thế để tranh thủ nhân tâm hay mị dân, vì ông cũng chẳng cần “đắc nhân tâm” những con người cùng làng quê với mình để mưu cầu điều gì nữa. Hành động tự phát ấy chỉ có thể xuất phát từ trái tim của một người con xa xứ vẫn nặng lòng với quê hương và tình tự dân tộc.
Có thể đó chỉ là những điều rất đỗi bình thường về một con người, nhưng với tôi chính những điều bình thường ấy đã làm nên một nhân cách lớn của người thầy giáo trước những đổi thay của cuộc sống hơn bất cứ những ngoa ngôn nào khác. Và nhân cách ấy chắc hẳn khiến đám môn sinh VT chúng tôi 40 năm trước vẫn còn chú ý lắng nghe mỗi khi tên ông được nhắc đến đâu đó. Nhờ vậy, tôi lại đọc được những trang viết rứt ruột của ông trên Hội Ngộ 2010 về Anh Phương, người con gái thân yêu yểu mệnh của ông. Từng là hiệu trưởng những ngôi trường tiếng tăm, ông không viết về những thành tựu của riêng mình hay của những học trò thành đạt trong ngần ấy năm “trồng người”, nhưng lại dành những trang viết cuối đời cho người con phận bạc của mình. Những năm đầu thập niên 80, tôi tình cờ chơi thân với Nguyễn Thiện Mỹ, sau nầy trở thành chồng của Anh Phương, nên hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của chị  lúc ấy. Cha vắng nhà, là người chị cả, Anh Phương phải tảo tần buôn bán, ngược xuôi trên những chuyến tàu Nha Trang – Sài Gòn để đùm bọc người mẹ và đàn em nhỏ, nhưng khi gia đình đoàn tụ đông đủ thì “niềm vui ngắn chẳng tày gang”.
Là một người cũng từng phải chia tay với con gái thân yêu của mình tôi chia sẻ được phần nào nỗi mất mát của ông. Nhưng tôi hiểu đằng sau những trang viết ấy còn là nỗi ray rứt của một người cha chưa đền bù được cho người con xứng đáng nhất của mình thì âm dương đã hai bờ cách biệt. Nỗi mất mát cuối đời nầy có lẽ còn lớn hơn tất cả những thua thiệt của một đời bôn ba dồn lại. Dù sao tôi vẫn hy vọng ông sẽ cảm thấy thanh thản khi đã trải được lòng mình với mọi người và người con thân yêu của mình.
Nhưng tôi tin khi trang viết khép lại đã có những giọt nước mắt chực trào từ đôi mắt thăm thẳm ấy… 
 
HUY ĐĂNG

No comments:

Post a Comment