Wednesday, March 2, 2011

NINH NANG

NGUYỄN HỮU NINHSỐNG ĐỂ MÀ CHƠI…

Y Nguyên

…Tôi làm khổ vợ con lo chạy gạo

Tôi hành bạn bè lo trà thuốc, cà phê

Tôi la cà nhậu nhẹt say sưa

Trời không giết tôi cứ hoài gây tội!

(Nguyễn Hữu Ninh)

Định là không viết về anh; bởi hoàn cảnh, sắc thái mối giao tình của tôi cùng Nguyễn Hữu Ninh quá khác so với các “chiến hữu” cùng thời với anh. Tính theo niên kỉ, tôi thuộc thế hệ đàn em xa (em út!) khi Ninh vốn là bạn đồng niên (trung học Nguyễn Huệ), đồng tuế (Canh Dần – 1950), đồng khóa (võ bị Thủ Đức) với… ông anh cả của tôi! Nói vậy để thấy rằng cái Generation gap (tức khoảng cách thế hệ) giữa chúng tôi là khá lớn. Khoảng cách lớn thì điều kiện khác, hoàn cảnh khác, nhận thức khác; và, quan trọng hơn, đến thời tôi, Nguyễn Hữu Ninh cũng đã là một con người khác. Ấy là tôi căn cứ vào nhận định của ông bạn vong niên Nguyễn Đình Chiến khi anh có lần tâm sự (lúc nghe tôi ca cẩm về sự bê tha, xuống cấp của Ninh): Ngày xưa, trong tù, anh Ninh bảnh lắm…. Tôi nghe và tôi tin điều đó; bởi có một điều hết sức kì lạ, vào những năm cuối đời – tức giai đoạn Ninh trở nên vô cùng hư hỏng; lúc say sưa, thậm chí anh còn có những hành vi không khác chi (xin lỗi hương hồn anh) người mất trí – thì vẫn có những người đàng hoàng (thậm chí rất đàng hoàng) vẫn không bỏ anh, vẫn thích giao du với anh! Điều ấy củng cố niềm tin cho tôi về quá khứ một thời oanh liệt của Nguyễn Hữu Ninh. Phải; thằng tôi lúc bấy giờ đoan chắc: quá khứ đẹp ấy đã vớt vát cho Ninh. Nói cách khác, người ta yêu là yêu cái Nguyễn Hữu Ninh dĩ vãng; chứ với cái Nguyễn Hữu Ninh (lại xin lỗi hương hồn anh) nửa người nửa ngợm như bây giờ - ai yêu cho nổi???

Vậy nhưng, hết sức quái chiêu, có những người biết rất ít, hay thậm chí không biết gì, về quá khứ của Ninh vẫn… cứ thích anh! Mâu thuẫn chưa? Hiện tượng ấy khiến tôi cụt đường, loay hoay chê chán để sau cùng mới sực nhớ ra: chính tôi cũng là… một trong số đó. Đúng; tôi cũng biết anh trước khi biết về dĩ vãng của anh. Ngày ấy, cái chất văn nghệ đằng sau vẻ ngoài bệ rạc, khó ưa của anh đã thu hút tôi. Phải, nguyễn Hữu Ninh là một con người văn nghệ - đúng như anh đã có lần ề à khẳng định cùng tôi: tao biết tao là một thằng nghệ sĩ đích thực…. Điều này thì, cho đến bây giờ, tôi thực sự công nhận. Miễn trừ đi mọi định chế xã hội, quy chuẩn hành xử, phán xét đạo đức, Nguyễn Hữu Ninh đúng là nghệ sĩ; một kiểu nghệ sĩ lạc loài, bơ vơ (hay, nói chính xác, lơ ngơ) đứng giữa trần gian, mang cung cách sống, suy nghĩ và hành xử “hổng giống ai”; một UFO (vật thể lạ ngoài hành tinh) – hay lãng mạn hơn thì cũng có thể bảo anh là Trích Tiên, tức Tiên bị… trời đày! (Mà cái đám “nghĩ sợ”, nói trắng ra, có tên nào là chẳng bị trời đày. Có điều án tích nặng nhẹ khác nhau thôi. Trong số này chắc chắn Nguyễn Hữu Ninh thuộc hàng… trọng án, đi đày khổ sai!). Từ kinh nghiệm bản thân tôi mà suy ra, căn nguyên hiện tượng thiên hạ anh lập tức có lời giải ngay: mê nhau tức thị ít nhiều có họ với nhau – hay nói theo ngôn từ Phật gia thì là… cộng nghiệp! Nghiệp gì? Thì nghiệp viết lách, đàn ca, vẽ vời, múa hát v.v và v.v… (kêu xướng ca vô loại thì gọn hơn; nhưng mà tội quá!); nói nôm na cho mau, ta cứ bảo phắt là nghiệp chơi. Phải; văn nghệ văn gừng thực chất là công nghệ giải trí, là chuyện chơi. Còn nếu nó có đa mang thêm vài ba chức-tính năng gì gì đó (giáo dục, truyền thông, đạo đức, nhân bản v.v…) thì ấy chỉ là những chức-tính năng phát sinh, không phải do (bản) ý đồ của người sáng tạo! Tư duy theo hướng này thì Nguyễn Hữu Ninh đúng là nghệ sĩ zin, kinh điển, vẹn toàn, nguyên chất (hay như ngôn từ của anh: Nghệ Sĩ Đích Thực!) bởi suốt đời anh chỉ biết có chơi. Cả cuộc đời anh là một cuộc chơi. Anh sống như chơi, học hành như chơi, mặc đồ nhà binh cầm súng ra trận như chơi, đi tù như đi chơi; thậm chí (khốn nạn thân anh!), anh lập gia đình sinh con đẻ cái cũng như thể… chuyện chơi(?!). Chơisợi chỉ đỏ xuyên suốt, quán xuyến cuộc hành trình trần thế năm mươi năm dài hơi mộng mị của anh. Vốn sinh ra để chơi nên hễ anh rớ tới bất cứ chuyện gì đòi hỏi cái tư duy làm là xem như… nát bét. Anh đi đãi vàng chỉ được mỗi món… vàng mắt. Anh đi nuôi vịt thì kết cục “đút sào vô bụi”, vốn liếng đi đoong. Anh tổ chức dạy nhạc, dạy kèm Anh văn, ngày đầu môn sinh đến đông đen, khí thế đùng đùng. Nửa tháng sau, lớp chỉ còn mỗi mình… thầy và một lũ bàn ghế lơ ngơ, câm hến! Chưa hết; anh còn trồng sâm nam, làm rẫy, cùng vài ba công việc “thợ đụng” linh tinh khác (cũng cố chí làm ăn dữ!). Làm gì cũng thua; duy có mỗi chuyện chơi là thắng, đại thắng – như anh đã có lúc tự trào: …ngẫm cho kĩ ta lớn mà phỉnh nhỏ/ Dở chuyện làm mà lại giỏi chuyện chơi/ Để bắc thang lên ta hỏi ông trời…. Theo cái biết của tôi, “Nẫu ca” hay “Trách phận” của Nguyễn Hữu Ninh là một bàn thắng lớn. Cái bàn thắng mà chính Ninh cũng không ngờ tới – bởi anh viết và hát “Nẫu ca” chỉ duy nhất với mục đích để… chơi, không có ý tưởng gì nghiêm túc (điều ấy lí giải được căn nguyên vì sao phần kí âm của “Nẫu ca” anh không tự làm mà phải đợi đến tay nhạc sĩ Phan Bá Chức). Ấy vậy mà nó lại nổi tiếng “ngang xương”; trong khi những nhạc phẩm có đầu tư của anh lại không mấy người biết đến! Thế nhưng, chỗ yếu của Ninh là anh không dám thẳng thắn thừa nhận điều đó, cứ để cho những giai thoại lập lờ lưu truyền kiểu vẽ rắn thêm chân gây không ít ngộ nhận cho những người thực tâm muốn tìm hiểu về bản thân lẫn sáng tác của mình. Sợ đời nghĩ mình “ăn may” – âu cũng là bịnh chung của rất nhiều kẻ sĩ khi thành công có vẻ gì đó giống như chuyện… tình cờ. Chỉ hơi tội cho Ninh, anh làm (xin lỗi, chơi) nghệ thuật mà không biết một nguyên lí rất cơ bản của cuộc chơi, là: trong nghệ thuật, làm quái gì có chuyện… ăn may? Nghệ thuật là cuộc chơi thì chơi mà được là thuận đạo, đương nhiên; không phải cứ hùng hục gồng lưng mà được! Hơi tội và hơi tiếc cho sự yếu đuối của Ninh, bởi theo nhận định của tôi và những anh em từng cùng hội cùng thuyền với Ninh, trong cuộc đối nhân xử thế giữa cõi Ta Bà, Ninh luôn tỏ ra khá là dũng cảm (uy vũ bất năng khuất).

Ngày chưa dính nghiệp cầm bút, tôi cũng là một kẻ máu mê âm nhạc. Tôi đã mất hàng năm trời mầy mò tự học nhạc lí, tự sáng tác được ca khúc phổ thông trước khi cay đắng nhận ra mình… cóc có năng khiếu về chuyện nhạc nhùng! Tuy vậy, công phu ấy cũng không đến nỗi “dã tràng” khi nó giúp tôi nhận ra trong những sáng tác của Ninh (được anh hát cho nghe trong những cơn cao hứng lúc tửu hậu, trà dư) cái chất riêng trong giai điệu của anh. Dở hay chưa dám nói; nhưng lạ và cá tính, ấy là nhận định của tôi. Mà, kinh nghiệm làm nghệ thuật, khi anh tạo được một giọng riêng không lẫn là anh đã đi được nửa đường đến thành công. Nhạc Ninh không mượtthô, mộc, khỏe bởi anh khoái dùng nghịch âm; biến tấu nhiều, đột ngột; biên độ giọng lớn. Chính vì thế mà nhạc Ninh không dễ hát (phải chăng, đó cũng là yếu tố khiến nhạc anh khó phổ biến???). Vẻ như Ninh viết nhạc chỉ để mình anh hát. Quả thực, tôi chưa từng nghe ai hát trôi nhạc của Ninh ngoại trừ… chính anh! (Sau này, khi đã giọng đã bể vì hậu quả của thuốc lá, rượu chè… có khi chính Ninh cũng không… hát nổi nhạc của mình!) Ngay cả bài “Nẫu ca” trứ danh, tôi nghe Hoài Linh hát vẫn không đã bằng Ninh. Ấy vậy nhưng, không phổ biến hoặc khó hát chưa chắc đồng nghĩa cùng không hay. Chuyện trần gian vốn dĩ khá vô thường. Vậy nên, mong các vị bằng hữu, gia đình, người thân – nếu có thể - nỗ lực liên hệ nhau để làm một cuộc tập hợp, gom góp những gì còn sót lại trong sự nghiệp sáng tác của anh - xem như chút di sản tinh thần - dành cho hậu thế mai sau có cái mà nghiên cứu về hiện tượng Nguyễn Hữu Ninh! Ấy là thiển ý của tôi – góp cho cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng. nếu có gì sai sót, chủ quan, mong chư huynh, quí bằng hữu, độc giả gần xa cùng người thân anh Ninh độ lượng cho qua. Ấy là chuyện chung; còn phần riêng tôi, tôi phải thẳng thắn thừa nhận một điều: cái chất nổi loạn, dằn vặt, trở trăn, muốn phá tung nhà tù khuôn thước trong dòng nhạc của Ninh không phải không ít nhiều ảnh hưởng đến ngòi bút của tôi. Ấy là điều tôi phải chân thành tri ân anh – dẫu lời tri ân ấy có hơi bị muộn màng…

Lạ kì chưa; lần đầu cầm bút viết về anh mới chợt phát hiện ra: còn nhiều, nhiều nữa những điều tôi muốn viết, muốn kể về Nguyễn Hữu Ninh! Nhưng thôi; tôi không muốn vội vàng; xin dành lại những gì chưa nói cho các kì giỗ sau…

Miền Thùy Dương - tháng giêng năm Tân Mão

Y.N

No comments:

Post a Comment