Saturday, February 26, 2011

"NINH CA" HAY "NẪU CA"?

ĐIU BÀI CHÒI – CA KHÚC THAN THÂN
Đọc Blog Nguyễn Huệ tôi biết rõ thêm về nguồn gốc nhạc bản Trách Thân mà Hoài Linh từng lưu diễn. Tôi tìm trên mạng thì thấy tên bài khi thì gọi là Trách Thân, Trách Phận, khi gọi là Than Thân. Có lúc gọi là Than Thân Trách Phận. Tác giả bài viết Nẫu Ca đăng trong Blog Nguyễn Huệ, nói là tác giả ca khúc đó là Nguyễn Hữu Ninh, bạn của tác giả. Hoàn cảnh ra đời là thời người Mỹ “ngự trị” phi trường Đông Tác cho nên ca từ “lấy nẫu” đổi thành “lấy Mỹ”. Tác giả và Nguyễn Hữu Ninh đang sinh sống và làm việc ở 1 làng bên cạnh phi trường. Có một video clip ghi nhạc và lời: Phan Bá Chức và do chính tác giả Phan Bá Chức trình diễn.
Tuy có rõ thêm nhưng tôi chưa bằng lòng hoàn toàn Nguyễn Hữu Ninh là tác giả. Nguyễn Hữu Ninh có thể là nghệ sĩ diễn xuất ca khúc mà có lẽ nó đã xuất hiện lâu rồi, một ca khúc thuộc thể loại Bài Chòi quen thuộc ở vùng Phú Yên này. Nguyễn Hữu Ninh sửa lại một số ca từ để phù hợp hoàn cảnh không gian và thời gian. Vì vậy khi xướng ca lên, ca khúc làm rung động được nhiều người ở xung quanh và có nhiều người lầm Nguyễn Hữu Ninh là tác giả.
Trước hết nói về thể loại Bài Chòi. Người Nam Kỳ Lục Tỉnh thì thích ca Cải Lương. Ca Cải Lương ăn sâu khắp hang cùng ngõ hẻm. Ở Phú Yên thời xưa cũng vậy. Ca khúc Bài Chòi rất quen thuộc đối với mọi người, khắp thôn xóm đều nghe người ta “hô” bài chòi. Già trẻ lão ấu đều ưa thích ở cái thời giải trí chỉ biết có biết xem hát Bội, đọc vè, nói “dân tiên” và “hô” bài chòi. Đọc vè có vần có điệu và xem hát Bội thì ai cũng hiểu thế thì “nói dân tiên” là gì? Nói, đúng ra là đọc thơ ngâm nga theo kiểu đọc thơ Lục Vân Tiên. Có thể nói là 1 “loại hình âm nhạc” . Không cứ gì phải thơ Lục Vân Tiên mà bất cứ thơ lục bát nào cũng đọc được bằng cung điệu này. Thời tôi còn ấu thơ, thập niên 1940-1950, tôi thường được các bậc ông bà rãnh rỗi đọc ngâm nga cho con cháu nghe chơi.
Thế rồi khi tôi lớn lên loại hình này lớp con cháu không còn ai ưa thích nữa và nó mai một. Loại hình đọc vè có vần điệu và “hô” bài chòi được phổ biến. Hô bài chòi là hình thức thưởng thức thơ bằng cách đọc có cung điệu và được đệm bằng đàn cò và gõ nhịp bằng phách. Bọn trai gái tân thời không thích loại hình văn nghệ này mà có khi còn chê quê mùa nữa. Họ đua nhau thưởng thức tân nhạc đệm dụng cụ tân thời là đàn guitare, mandoline, banjo, harmonica, sáo, violoncel vân vân. Nhưng thứ này hãy còn là gì gọi là “xa xí phẩm” , chưa phổ biến rộng rãi trong dân gian. Đại đa số dân chúng hãy còn thích và xử dụng bài chòi để gởi gắm tâm sự.
Tôi thuộc tiểu số được đi học và được ra tỉnh thành. Tôi không mê nhưng cũng biết được nhiều “ca khúc” về bài chòi. Trong ký ức vẫn còn in hình bóng nó nên khi nghe Hoài Linh trình diễn ca khúc Than Thân thì ký ức sống lại. Tôi nghe thấy bài này quen quen và không biết ca khúc do Phan Bá Chức phổ nhạc (nói ký âm thì đúng hơn). Mãi sau này mới biết thêm tác giả của nó là Nguyễn Hữu Ninh ở Phú Hiệp và bây giờ qua bài viết Nẫu Ca mới biết hoàn cảnh ra đời của nó. Thời Nguyễn Hữu Ninh lưu diễn “Nẫu Ca” này tôi không có ở Tuy Hòa. Lúc đó tôi lưu lạc ở Nha Trang và ở Sài Gòn. Không hề nghe và biết nhạc phẩm đó cho tới ngày xem Hoài Linh trình diễn. Tôi lục lọi trên mạng tìm hiểu về Bài Chòi.
Ký ức của tôi giúp tôi nhận ra âm điệu một số bài mà các tác giả trên mạng liệt vào thể loại bài chòi được ký âm phổ biến trên mạng. Tôi phân biệt được 3 “loại” cung điệu bài chòi: loại hát ru như bài Lý Năm Canh. Loại “thai” bài chòi dùng để xướng tên con bài mà người bốc phải nó xướng lên để mọi người cùng biết con bài ông ta đang cầm ở trong tay là con bài gì trong trò chơi Đánh Bài Chòi. Loại thứ 3 là “hô” bài chòi rất phổ biến trong tầng lớp dân gian ở nông thôn mà thời thơ ấu tôi thường nghe. Loại này nay được Phan Bá Chức ký âm thành ca khúc. Nếu không thì cung điệu này sẽ mai một. Các thế hệ sau không biết “hô” bài chòi là gì. Điệu ru em và “nói dân tiên” của người Phú Yên nay đã chết. Tôi đính kèm video Nam Ngãi Bình Phú-QHVN để độc giả nghe lại 3 loại hình tôi nêu ra để có lời bàn luận.
Trở lại bàn ai là tác giả đích thực ca khúc Than Thân mà Hoài Linh đã lưu diễn. Như trên tôi đưa ra giả thuyết Nguyễn hữu Ninh là diễn viên. Một số ca từ có thể do Nguyễn Hữu Ninh đặt ra chứ không phải toàn bộ. Cung điệu thì chắc chắn không do Nguyễn Hữu Ninh sáng tác. Nó là 1 giai điệu dân gian. Giai điệu mà Phan Bá Chức ký âm đúng là giai điệu “hô” bài chòi ở Phú Yên. Giai điệu “hô” bài chòi ở vùng khác có thể khang khác chút đỉnh.
Nguyễn Hữu Ninh có thể làm một việc mà cũng có nhiều người đã làm. Đó là đổi một số ca từ của 1 ca khúc có từ trước kiểu như đổi ca từ Rước Tình Về Với Quê Hương của Hoàng Thi Thơ: “Anh xin đưa em về. Về quê hương ta đó/Anh xin đưa em về. Về quê hương tuyệt vời/Đèn trăng treo tuốt trên cao. Ánh sao như muôn ngọn nến/Lập lòe đom đóm hoa đăng. Rước dâu em đi vào làng…” thành ca từ “Anh đưa em đi chùa. Chùa hôm nay có chuối/Anh đưa em đi chùa. Chùa hôm nay có chè/Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh. Anh với em đua nhau giành chuối/Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh. Anh với em đua nhau giành chè…” Bọn trẻ thấy thú vị quá thi nhau nhau hát lung tung một thời.
Cũng như thời đó ca từ mà Nguyễn Hữu Ninh đưa vào giai điệu “hô” bài chòi quen thuộc đập được vào nội tâm dân vùng này nên ca khúc mà ca sĩ Nguyễn hữu Ninh trình diễn được nhiều người ưa chuộng và cứ cho Nguyên hữu Ninh sáng tác. Gọi “Ninh Bài Chòi” đúng hơn là gọi “Ninh nhạc sĩ” .
Ca từ phù hợp hoàn cảnh rất quan trọng. Những ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy thời Tiền Chiến trở nên bất hủ cũng nhờ ca từ đánh động được nội tâm để giai điệu rót vào lòng. Hình ảnh “qua Phú Lễ ăn ẩu chua” , “xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, “qua hòn Dừa ăn mực nang” đập vào lòng người sống ven biển Đông Nam Tuy Hòa. Cảnh khổ cực lam lũ nhưng đầy ắp tình chung thủy, xẻ chia truyền thống của người nông dân mà một số từ quen thuộc của dân địa phương (phương ngữ) đã mô tả- “tác giả” còn để lại trong bài hát- làm rung động được lòng dân. Cảnh đổ vỡ chia ly lúc đó phải nói rất là nhạy cảm “thời thế” . Cảnh khổ cực phải đi lấy Mỹ trong 1 xã hội đang đổi thay. Những thứ đó làm “ca khúc” bài chòi này trở nên hấp dẫn.
Bài hát chứa nhiều phương ngữ. Có thể nói “tác giả” dùng những phương ngữ trong một “bài chòi” đã có trước chứ không có sáng tác trọn bài bằng ca từ riêng của mình. Vì thế “ca khúc” trở nên gần gụi với dân gian. “Chớ” là tiếng đệm, tiếng nhấn mạnh được người bình dân hay xử dụng trong câu nói than thở. Bài hát xướng lên từ “chớ” làm cho nó gần gụi với dân ở đây làm sao! “Chớ” được lặp đi lặp lại nhiều lần. “Điệp ngữ” thứ 2 được dùng là “hầu nào” . Nông dân Phú Yên thường dùng cụm từ này nỗi khi kêu than kể lể. Cụm từ lập đi lập lại nhiều lần làm cho ta cảm thấy thân thương làm sao! “Vợ tui nó không ở nữa” là lối nói của người bình dân muốn nhấn mạnh, muốn lưu ý người nghe. Lối dùng 1 đại danh từ đi kèm sau 1 danh từ để nhấn mạnh danh từ đó là cách dùng rất phổ biến của người bình dân Phú Yên. “Trông đứng trông ngầu” là cụm từ người bình dân Phú Yên hay dùng để chỉ sự sốt ruột cao điểm trông chờ. “Không ngỡ, không ngàng” là lối nói của người bình dân Phú Yên. Ý chỉ sự lạnh lùng với kẻ khác. Vì thế có người sửa lại “ngàng” thành “màng” . Người Phú Yên thường dùng “ngàng” hơn “màng”. Đại từ “qua” được người Phú Yên ưa dùng để tự xưng mình cho thân mật. “Bán nước đá cái rồi em đi may” là lối nói của nông dân Phú Yên. Liên từ “cái” được xử dụng để nhấn mạnh người nghe chú ý đến họ. “Bắt ốc, hái rau” là cụm từ được người bình dân Phú Yên hay dùng để chỉ sự tảo tần, chịu đựng cảnh nghèo. “Cắn làm 3, cắn làm 4, cắn làm 5 là lối nói cữa miệng người nông thôn Phú Yên chỉ sự chia xẻ khắn khít. “Ăn nằm” người Phú Yên hay xử dụng để chỉ nam n chung đụng gần gụi thân thiết với nhau. “Như con cuốc nó kêu tu qua” . Xử dụng cụm từ này thấy rất gần gụi với người bình dân Phú Yên. Ta cũng hay nghe nói đến thành ngữ “như con cuốc mất con” chỉ 1 tình huống tương tự. Tình huống mà người nông thôn Phú Yên hay nói: “Làm gì mà quắn quít (vùng khác thì nói cuốn quít) như con cuốc mất con!” Sau cùng. “Quơ chú cha ơi là buồn” đúng là 1 tán thán phong cách Phú Yên.
Tóm lại bài chứa nhiều ca từ rặc màu địa phương Phú Yên, xứng đáng gọi là “Nẫu Ca”. Bao nhiêu năm giao lưu trộn lẫn, khó phân biệt đâu là phương ngữ đâu là từ chung cho cả nước. Nhưng để ý đến tầng suất thường dùng thì có thể nhận ra phương ngữ ở địa phương nào. Nhìn chung ca khúc Than Thân mà Hoài Linh trình bày mang nhiều dáng dấp ngôn ngữ người nông thôn Phú Yên. Từ đó đưa ra giả thiết ca khúc có thể có lâu đời. Ca từ có nhiều lần biến hóa. Ca khúc xứng đáng được gọi là “Nẫu Ca”, không của riêng ai. Cũng ca khúc đó nhưng so sánh một số diễn viên và Hoài Linh trình bày thì sức hấp dẫn lôi cuốn khác nhau. Lẽ tất nhiên khác nhau vì là chuyên nghiệp và nghiệp dư. Nhưng ở đây tôi muốn nói sức truyền cảm ở khía cạnh ngôn ngữ. Hoài Linh rất rành phát âm ngôn ngữ xứ Nẫu trong khi những diễn viên khác, ngay cả diễn viên người Phú Yên nhưng là thế hệ mới khó có được cái giọng rặc xứ Nẫu nên sức truyền cảm cho ngươi yêu xứ Nẫu ít hơn Hoài Linh. Có lẽ ngày xưa diễn viên Nguyễn Hữu Ninh hấp dẫn được nhiều người hơn. Sức truyền cảm mạnh mẽ hơn nhiều.
Trên đây là giả thiết đưa ra. Phần nhận định sau đây có thể khẳng định phần nào Nguyên Hữu Ninh hay là ai đi nữa không thể là tác giả hoàn toàn của ca khúc. Đọc bài viết “Nguyễn Hữu Ninh và Nẫu Ca” của Nguyên Đạt đăng trong Blog Nguyễn Huệ có thể rút ra 1 số chi tiết để đoán Nguyễn Hữu Ninh không phải tác giả hoàn toàn của ca khúc Than Thân mà Hoài Linh đã lưu diễn. Ký âm thì do Phan Bá Chức chứ cung điệu và lời ban đầu không hoàn toàn là của Phan Bá Chức như một số trang mạng giới thiệu. Nguyên Đạt kể vào khoảng năm 1984 tác giả có mua 1 bản nhạc rời có tên là Trách Phận ghi: Lời: Nguyễn Hữu Ninh. Ký âm: Phan Bá Chức. Tác giả tính đem khoe công với bạn (Nguyễn Hữu Ninh) nhưng bạn tỉnh bơ trả lời “Biết rồi, tao nhận trăm hai tiền nhuận bút (Chức gởi ra)nhậu sạch còn gì”. Việc xảy ra như vậy thì sao có video ghi “nhạc và lời của Phan Bá Chức và do chính tác giả trình diễn”? (cứ gõ từ khóa than than trách phận thì google tìm được ngay video đó cho bạn) Nhạc phẩm không hoàn toàn của riêng ai.
Nguyên Đạt viết tiếp:“Theo một số người am hiểu thì Nẫu ca Trách phận được viết theo điệu Xuân nữ, một làn điệu dân ca thuộc khu Nam Trung bộ, trong tập “Ca Dao&Dân ca trên vùng đất Phú Yên” cũng có in bài Trách Phận do nhạc sĩ Lương Văn Thanh ký âm theo điệu này”. Tác giả Nẫu Ca viết tiếp “Còn hoàn cảnh sáng tác thì Ninh đáp: “Gì mà đao to búa lớn thế? Chẳng qua gặp lúc cao hứng viết ra, đem hát chơi rồi người ta thích, người ta truyền miệng chứ có gì đâu”. Thế thì khá rõ ràng xuất xứ nhạc phẩm khó định tuổi ra đời này. Nó trở nên chung chung xứng đáng với tên gọi chung chung là Nẫu Ca, một loại hình “dân ca” ở xứ “Nẫu” . Giai điệu thì na ná như nhau. Ca từ thì biến hóa tùy hứng theo diễn viên am tường tiếng xứ “Nẫu.”
Theo như tác giả bài viết mô tả thì ta thấy tư cách của diễn viên Nguyễn Hữu Ninh, một nghệ sĩ lãng tử, vui chơi chẳng cầu danh, chẳng cố chấp. Tác giả Nẫu Ca cũng thuộc loại người thận trọng, khiêm nhường. Viết về bạn mình tác giả nói “…giả như có gì sai sót, không khéo người ta sẽ cho là hoa ngôn, xảo ngữ hoặc là thấy “người sang bắt quàng làm họ…vv… nên cứ lần lữa mãi cho tới bây giờ”. Bởi vậy thông tin về xuất xứ ca khúc mô tả trong bài viết Nẫu Ca có thể tin là sự thực.
Một đoạn âm thanh mà tôi insert trong video Nam Ngãi Binh Phú-QHVN có giai điệu “thai” bài chòi để gọi tên con bài và điệu “hô” bài chòi. Trong điệu “hô” bài chòi cũng có 1 đoạn than thân. Mời độc giả lắng nghe.
Tuy Hòa, Nguyên Tiêu
năm Tân Mão (2011)
Huỳnh Bá Củng.
Xin click vào: Nam Ngai Binh Phu QHVN để nghe và xem.

No comments:

Post a Comment