Saturday, February 12, 2011

NGUYỄN HỮU NINH VÀ NẪU CA

KHÓC CƯỜI VỚI NGƯỜI THƯƠNG VAY

Tản mạn với Ng. Hữu Ninh -Người viết Nẫu ca

Từ lâu tôi đã muốn viết đôi điều về anh bạn Nguyễn Hữu Ninh, người sáng tác phần lời “Nẫu ca” Trách phận, một bài hát không những được người Phú Yên mà còn nhiều bà con vùng miền khác rất thích nghe và hát nhưng quả là khó, bởi Ninh là một con người khá đặc biệt, có cá tính lại được nhiều người biết tới; họ hoặc là bạn ở quê, bạn cùng trường, bạn văn nghệ hay là những người đã từng cùng Ninh qua một chặng đường nào đó; giả như có gì sai sót, không khéo người ta sẽ cho là hoa ngôn, xảo ngữ hoặc là thấy người sang bắt quàng làm họ…vv… nên cứ lần lữa mãi cho tới bây giờ.

Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Qui Nhơn, tôi chọn nhiệm sở tỉnh Phú Yên và được điểu về dạy học ở trường Tiểu học Hòa Hiệp (người ta quen gọi là Trường Cây Bảng) thôn Phú Hiệp. Mỗi sáng thứ bảy, tôi thường để ra khoảng 15 phút cuối của tiết Sinh hoạt học đường kể chuyện cổ tích, tập hát hoặc cùng học trò làm những cuộc “Văn nghệ bỏ túi”, coi như là món quà vui trước ngày tạm nghỉ.

Một lần, tôi cao hứng tuyên bố: “Bây giờ thầy trò mình cùng hát, vậy em nào biết cải lương, tân nhạc, dân ca, ngâm thơ... gì gì đó chẳng hạn, biểu diễn cho bạn bè cùng nghe cho vui”. Chưa dứt lời đã có hàng chục cánh tay hào hứng đưa lên. Tôi chỉ định hú họa một em, em này mạnh dạn đứng dậy tự giới thiệu:

-Thưa thầy! Em xin hát bài “Trách phận”.

Rồi không cần lấy giọng, em “zdô” liền: Thân thì trách thân (này), thân sao mà lận đận. Mình mà trách mình (này), số phận...

Vừa tới đây, bất đồ cả lớp cùng reo lên: “Bài này em cũng biết, em cũng biết…”. Rồi chẳng ai bảo ai, đồng loạt tiếp lời: … số phận sao cứ hẩm hiu. Bởi thân tôi, tôi cơ khổ tôi eo nghèo, nên vợ tôi nó không ở nữa, (mà) nó theo… Mỹ rầu… (rập ràng y như đã dày công luyện tập từ trước) cho tới đoạn kết của bài hát khiến tôi rất ngạc nhiên, tò mò hỏi:

-Ủa! Sao em nào cũng biết hát bài này vậy hả?

Cả lớp cùng đồng loạt (lại đồng loạt) trả lời:

-Dạ. Bài này của anh Ninh “bài chòi” ngoài xóm Ga ạ!

-Sao lại gọi là Ninh bài chòi?

Một em ngồi đầu bàn đứng dậy giải thích:

-Dạ. Cái bài chòi này của anh Ninh ai cũng thích, cũng biết và hát được cả ạ!

Câu trả lời khiến tôi càng tò mò, bèn hỏi thêm một câu, giọng nửa đùa nửa thật: “Này, cái anh này mặt đen, mặt trắng ra sao mà sáng tác ra bài hát hay đến vậy?” thì đứa nào cũng ngớ mặt ra nhìn nhau bẽn lẽn mỉm cười. Vốn cũng là người sính nhạc, thích hát và biết một số làn điệu dân ca nhưng của đáng tội, cái thể loại bài chòi này, quả thật từ hồi nào tới giờ, đây mới là lần đầu tiên tôi được biết đến. Vậy là tuy chưa gặp mặt, tôi đã rất có “ấn tượng” với Ninh; định bụng sẽ tìm dịp làm quen, hẳn là thú vị lắm đây; nhưng rồi sau đó mãi bị cuốn vào công việc thường nhật nên chưa có cơ hội gặp gỡ, rồi hầu như quên bẵng.

Tết năm đó, trường chúng tôi cắm trại Tất niên và tổ chức một buổi diễn văn nghệ sân khấu. Trong khoảng thời gian này, Phú Hiệp còn thuộc vùng mất an ninh, nên bà con ở địa phương hiếm khi được dịp thưởng thức các loại hình giải trí vui chơi, hát hò; khi nghe đêm diễn văn nghệ của thầy trò trường Hòa Hiệp có đàn trống đình huỳnh, ai cũng háo hức mong ngóng trông chờ, coi như một ngày hội; nhiều thanh niên các thôn phụ cận còn xin tham gia một số tiết mục góp vui.

Là trưởng ban văn nghệ, đồng thời là người cầm đàn đệm cho ca sĩ “cây nhà lá vườn”, tôi phụ trách việc tập luyện luôn cho các cô cậu, trong đó có một “em” tóc chấm ngang vai mặt mày xinh xắn đang học nghề y tá, có chất giọng khá hay nhưng hát chưa được... chuẩn nhịp lắm nên tôi ráng bỏ công ra kèm cặp. Trai gái cùng tuổi đôi mươi, lòng xuân phơi phới gần gũi nhau dần dà ít nhiều nhen nhúm tình cảm, có lúc thăng hoa, tôi đã mường tượng rồi một ngày kia, nàng sẽ cười xinh xinh bên anh chồng thầy giáo. Nhưng… sự đời tưởng zdậy mà không hẳn là được zdậy. Chương trình văn nghệ diễn ra phần đầu khá suôn sẻ, tới nửa buổi bỗng một anh chàng từ đâu xuất hiện sau cánh gà tìm tôi nói trống không:

-Này! Có thể nhường “mình” cầm đàn cho cô... Th. hát được không?

-“Vậy sao được!” Tôi ú ớ từ chối: “Chúng tôi đã... tập tành đâu đó, bây giờ…!?” Nhưng anh ta cứ nằn nì:

-Thông cảm đi mà! Đây là “người quen”. Cô ấy là người tui… tui thương đó!

Tôi ngần ngừ một lúc, rồi không hiểu sao lại đồng ý trao đàn cho anh ta. Và kết quả tiết mục “Đêm buồn tỉnh lẻ”... bể đến thê thảm. Lý do đơn giản, anh ta chỉ quen chơi đàn thùng, khi chơi ghi-ta điện, âm thanh lạ quá nên quýnh quáng bị lỡ nhịp!

Tiết mục vừa chấm dứt, Th. quày quả bước xuống sân khấu vẻ mặt hầm hầm, chẳng nói chẳng rằng, “nguýt” tôi một cái muốn đứt con mắt, và lạnh lùng một ra đi không (thèm)... trở lại! Vậy là tôi đành phải hát bài ca con cá: Em ơi! Nếu mộng không thành thì… thôi để chia tay với mối tình chưa kịp bén rễ.

Sau buổi diễn hôm đó, chúng tôi kéo nhau ra bãi biển Lò Một trải bạt mở tiệc “khao quân” với nhau, gọi là ăn mừng thắng lợi. Không khí vừa sương sương, bỗng đâu một anh chàng đội mũ rơm, mang theo một cây đàn thùng sứt sẹo tới đứng bên, tay chống nạnh nói trổng: “Mình nhập bọn có được không?” Tức thì hai ba giọng đồng thanh mời gọi: “Được. Nhào zdô. Nhào zdô. Càng nhiều càng đông vui. Không sao đâu”. Vậy là cuộc chơi tiếp diễn. Được một lúc, hắn gõ gõ vào thùng đàn ra hiệu: “Mình làm một bổn giúp vui được không?” Lại hai ba giọng hùa theo: “Được, được quá đi chứ”. Chẳng cần màu mè phi-lô, hắn cất giọng đề-pa ngay: “Thân này, trách thân này, thân sao mà lận đận...”. Bầu không khí dường như hẫng đi chốc lát rồi tự nhiên sôi động hẳn lên. Ôi! Cái giọng khàn khàn, thô mộc, đặc sệt giọng “Nẫu” của anh ta trong bối cảnh bình dị chân quê ấy nghe sao mà “bốc” không chịu được. Vậy là cả bọn bắt đầu dòm trước dòm sau, thấy vật gì gần mình nhất là tiện tay vớ lấy, trưng dụng làm “bộ gõ” vừa đánh nhịp, vừa… la hét loạn xà ngầu. Nào lon bia, đồ hộp, muỗng nĩa, chén bát, đồ ăn thức uống… thôi thì tha hồ nhảy múa, vương vải lung tung; tới lúc tàn cuộc, “đứa” nào mình mẩy cũng mang đầy thương tích. Ôi! Đúng là một chiến trường tồi tệ!

Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Ninh, người phá bỉnh mối tình vừa chớm nở, nhưng lại trở thành người bạn thân thiết sau này.

… Có lẽ “Trách phận” do lời lẽ chơn chất, âm điệu gần gũi với giới bình dân nên đã là một tiết mục đặc sắc được nhiều nghệ sĩ biểu diễn thành công và hấp dẫn người xem; khán giả thưởng thức thường được cười thỏa thuê, và vui... hết cỡ. Có nghệ sĩ khi tới trường đoạn bi thương còn thêm thắt: lấy từ trong túi một cái khăn đã nhúng nước, giả đò lau mắt rồi vắt chảy ròng ròng để gây cho cái cười thêm phần... ướt át! Có điều đáng buồn, dẫu nổi tiếng là vậy nhưng người cha đẻ ra đứa con tinh thần tuyệt vời này lại rất ít được người đời biết tới; trong thời buổi tranh tối tranh sáng còn có “Vị” khi đem “Trách phận” lên sàn diễn được người hâm mộ phỏng vấn, cứ cười cười (chơi trò đánh lận con đen) không xác nhận, mà cũng hỗng thèm phủ nhận mình có đúng là tác giả hay không. Phần Ninh, vốn là người trầm tĩnh, ít ồn ào khoe mẽ nên mỗi khi ngồi bù khú với bạn bè, nghe họ kháo chuyện và tức khí “giùm” mình vẫn cứ làm thinh, giữ vẻ bàng quang như đó là “chuyện” của thiên hạ, chỉ khi nào cao hứng mới lập lại trật tự bằng cách mở lời “Nẫu ca” để cho lũ nồi-niêu-soong-chảo được dịp nhảy múa, thêm vui cửa vui nhà thôi.

Tuy được nhiều người ưa chuộng là vậy, nhưng thật ra trước đây Nẫu ca Trách phận cũng chỉ mới phổ biến trong phạm vi hạn hẹp, phải tới khi anh Phan Bá Chức (cũng là bạn rất thân thiết của Ninh) biên soạn và ký âm lại, đem xuất bản, rồi nhiều nghệ sĩ biểu diễn, thu âm, phát thanh trên các phương tiện truyền thông thì mọi người trong nước và hải ngoại mới biết tới.

Tôi nhớ hình như khoảng năm 1984 có dịp vào Sài Gòn, ghé tiệm sách thấy một xấp nhạc rời (sau năm 75 loại nhạc rời hầu như biến mất) liền tò mò lật ra xem chợt bắt gặp cái tên Trách phận (Lời: Nguyễn Hữu Ninh – Ký âm: Phan Bá Chức) liền mua một bản đem về, hí hửng đạp xe qua Phú Hiệp gặp Ninh định khoe công trạng, không ngờ hắn vẻ mặt tỉnh bơ: “ Biết rồi, tao nhận trăm hai tiền nhuận bút (Chức gởi ra) nhậu sạch rồi còn gì”. Tẽn tò nhưng cũng thầm mừng cho Ninh có được người bạn quý.

Theo một số người am hiểu thì Nẫu ca Trách phận được viết theo điệu Xuân nữ, một làn điệu dân ca thuộc khu Nam Trung bộ, trong tập “Ca Dao&Dân ca trên vùng đất Phú Yên” cũng có in bài Trách Phận do nhạc sĩ Lương Văn Thanh ký âm theo điệu này. Còn hoàn cảnh sáng tác thì Ninh đáp: “Gì mà đao to búa lớn thế? Chẳng qua gặp lúc cao hứng viết ra, đem hát chơi rồi người ta thích, người ta truyền miệng chứ có gì đâu”. Vậy thì xin mạn phép vẽ ra một bối cảnh thế này: Dạo đó chiến tranh lan rộng ngày càng ác liệt. Phi trường Đông Tác phải mở lớn, chạy dài tới sát nách thôn Phú Hiệp, kéo theo những snach-bar mọc lên san sát để đáp ứng nhu cầu cho đám binh lính viễn chinh đồn trú bảo vệ. Có lẽ ở xóm Ga này, Ninh là người được tiếng có chữ nghĩa nên thỉnh thoảng các chị em ta (phần lớn đều nhà nghèo, thất học hoặc có thân phận lỡ làng) thường nhờ đọc giúp hoặc viết giùm thư từ cho người nhà hay bồ bịch, người yêu… vv. Phải chăng những mảnh đời trôi nổi, trái ngang, những nỗi niềm tâm sự u trầm uất nghẹn phơi bày ra trước mắt làm cho Ninh cám cảnh mà viết ra Trách phận?

Ngoài giao tình văn nghệ, Tôi và Ninh còn có chung một sở thích khác, ấy là ưa đi giang hồ vặt. Hồi còn dạy học ở Hòa Hiệp, một lần cùng bạn bè nhảy tàu vào Đại Lãnh chơi, bước xuống ga thấy cảnh biển-trời mây-núi đẹp quá, tôi cầm chiếc máy ảnh lia một vòng định chụp vài tấm hình kỷ niệm, xui sao một bà đang ngồi trong lùm cây gần đó hiểu lầm đứng dậy một tay xách quần, một tay chỉ chọt chửi một trận te tua vuốt mặt không kịp, khiến cả bọn kéo nhau chạy vắt giò lên cổ; tưởng đã yên chuyện, không ngờ lát sau còn bị mấy anh lính an ninh thiết lộ, chận đường đòi tịch thu máy ảnh; may sao, trong số đó có một người biết Ninh bài chòi can thiệp giùm mới thoát nạn.

Tôi còn được nghe một chuyện gần như giai thoại về Ninh; ấy là vào hè năm 197… Ninh cùng một nhóm bạn học ra Qui Nhơn (không phải thi vào trường Sư phạm như mấy người kia mà chỉ để rong chơi); tới ga Phước Lãnh, tàu dừng lại chờ khách lên-xuống. Ninh bâng quơ nhìn qua cửa sổ, thấy một ông già mù ngồi trước sân ga, van nài khản cả giọng chẳng ai cho, bèn đội mũ lác, tròng mắc kính đen (vật bất ly thân của hắn) vào rồi xách cây đàn thùng xuống xìa đít kế bên, lên tiếng… Trách phận, đến khi tàu chuyển bánh chạy tiếp, nghe đâu số tiền những người hảo tâm bỏ vào mũ ông già cũng hòm hòm đầy túi.

-“Nói thiệt, là bạn lâu năm của Ninh, tuy biết tính hắn có lúc “ngông ngông” nhưng…” Anh bạn kia vừa cười vừa dí dỏm kể: “nhưng gặp hoàn cảnh này mình cũng đành chào thua”. Chả biết anh chàng này có thêm mắm thêm muối ít nhiều gì chăng, nhưng tôi đoan chắc một điều: Nếu như Ninh đã lên tiếng than thân trách phận bằng Nẫu ca, người ta không móc hầu bao ủng hộ mới là chuyện lạ!

Lúc đó, tôi cũng tức cười, đía vào một câu:

-Đúng là con người ưa thương vay khóc mướn!

Đối với tôi, Trách phận là một bài hát kỷ niệm khó quên kể từ buổi đầu gặp gỡ. Sau này, dẫu nhiều lần được nghe những ca sĩ chuyên nghiệp hát với dàn nhạc đệm xôm tụ, nhưng chưa bao giờ tôi có được cái cảm giác thăng hoa như lần cùng nhau bù khú giữa bầu trời đêm thô mộc ngoài bãi cát Lò Một. Duy chỉ một lần nghe anh Nguyễn Đình Cai với chất giọng nhừa nhựa (do tuổi tác), hào hễn Trách phận góp vui trong buổi dạ tiệc đồng hương, mới chợt rưng rưng, bất ngờ vì thấy trên đất Mỹ giàu sang hoa lệ này, bà con mình vẫn còn thích nghe và hát Nẫu ca để nhớ về quê mẹ.

… Khoảng năm 2.00… nhân một cuộc hội thảo văn nghệ dân gian, nhóm đàn ca sáo thổi chúng tôi có tham gia minh họa một số bài dân ca ở sân trường Cao Đẳng Sư phạm Phú Yên, riêng Ninh (dẫu muộn màng) cũng được mời lên trình bày tác phẩm Nẫu ca Trách phận của mình nhưng hình như không cảm thấy hào hứng mấy.

*

Cuối cùng thì sự thể cũng đã xẩy ra y như nó phải thế, Ninh nhẹ nhàng đi về vùng trời miên viễn sau một một thời gian lâm trọng bệnh. Dạo này Ninh thường mang chiếc đàn YAMAHA (nghe đâu của người em từ nước ngoài gởi về tặng ông anh) tới nhà bạn bè hát một số bài do mình mới sáng tác, đáng tiếc gặp đâu bỏ đó nên không ai tập hợp lại được. Tiễn đưa Ninh đến tận nghĩa trang có cả những người bạn quen lẫn chưa quen nhưng ai ai cũng đều tỏ lòng thương tiếc. Có lẽ lúc sinh thời, Ninh cũng không ngờ tình cảm người ta dành cho mình ướt át đến thế. Đứng lơ ngơ giữa bầu trời lộng gió với ngổn ngang nỗi niềm tâm sự, Tôi bâng khuâng nhìn những khuôn mặt sướt mướt nhạt nhoà thoạt ẩn thoạt hiện xung quanh, bỗng dưng bần thần ngẫm ngợi: người ta mỗi khi nghe hay hát bài ca Trách phận thường cười đùa vui vẻ, nhưng không hiểu, có một lúc nào đó, sau những phút giây hả hê sung sướng, liệu có ai ứa được, dù chỉ một giọt nước mắt nhỏ nhoi cám cảnh cho thân phận của nhân vật (người chồng bị vợ bỏ quên) trong bài hát như Ninh đã hóa thân “thương vay khóc mướn”?!... Và, đằng sau than thân trách phận có còn điều gì đáng cho người đời suy gẫm xét soi??...

Viết như một nén nhang thắp tình bè bạn

San Jose tháng 01/2011

Nguyên Đạt

(Xin bấm vào link trên để thưởng thức nhũng tác phẩm khác của anh).

No comments:

Post a Comment