Monday, July 29, 2013

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ


Trần Câu, Trúc-Linh
Sau thập niên 1961, bắt đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học. Học giở “ẹt” nên thi rớt lớp đệ thất, không được vào trường công lập Nguyễn Huệ. Số đã như thế, phải chọn trường tư thục, lúc bấy giờ trong châu thành chỉ có 2 trường trung học là Đặng Đức Tuấn và Bồ Đề. Thân mẫu khuyên tôi ghi danh vào trường Bồ Đề với lý do tiền học phí được giảm gần phân nửa; thân mẫu đã đóng góp tiền của cho giáo hội Phật Giáo (Chùa Bửu Tịnh và thường được gọi là “Chùa Cát”), có ngân quỹ xây dựng lên ngôi trường Bồ Đề này.

Cậu bé ấu thơ, ốm yếu gầy, đen ngâm từ làng quê gốc rạ, ra tỉnh học. Ban đầu thật xa lạ nơi  phố thị cũng như ngôi trường trung học đầy bỡ ngỡ, bạn bè đều xa lạ hoàn toàn. Quê tôi nằm về hướng Tây thị xã Tuy Hòa, theo đường tỉnh lộ số 7, nay là quốc lộ 25 (xuyên qua các tỉnh Phú Bổn, Pleiku, Kontum và đi Quảng Đức…). Từ Tuy Hòa lên quê tôi chừng 12 đến 14 km, nhà tôi ở ngoại thành (hồ), thành hồ là đồn lũy của vua Chiêm Thành xây dựng vào thế kỷ thứ 12. Gia đình tôi ở xóm Khánh Thọ làng An Nghiệp. Đến đây thấy cảnh núi rừng trùng điệp, giăng ngang, bên cạnh là kênh mương dẫn thủy, nhìn thấy sông Đà Rằng với hai bên bãi cát trắng phau, bên kia sông là núi Gềnh Bà (thuộc xã Hòa Phong). Đến ga đèo nhìn ga nước chảy ầm ĩ suốt ngày đêm, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi
Hòn Ông cao ngút, thoai thỏai theo hướng Nam là Hòn Sặc, núp núp ló ló đàng sau là Hòn Dung. Hoa quả trái cây rừng trên các triền đồi đủ loại trái để ăn. Nhờ có đập Đồng Cam dẫn nước về cánh đồng cho các xã Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa Kiến và đến An Chấn sau 75 này. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cảnh đổi đời của chế độ Cộng Sản, ruộng đất bị trưng thu tước đọat đưa vào HTX nông nghiệp, thay ngôi đổi chủ, bây giờ nông dân là tá điền cho 2 ông chủ lớn, và ban bệ, ngành này ngành nọ có gần 30 cán bộ. Thế mà nông dân vẫn đói thiếu ăn, cơm không đủ no, mặc không đủ ấm…nông dân gọi là “hợp te”…áo quần chẳng đủ che những chỗ cần che. Đây mới thật là cảnh đổi đời của đảng Cộng Sản !!!.
Đồng ruộng ngày nay đã xé nát, nông dân phải chạy nơi khác tìm công ăn việc làm.
Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, còn để lại  cho tỉnh Phú Yên với những công trình hữu ích, gần 80 năm là đập Đồng Cam, cầu Đà Rằng 21 nhịp (bà Bưởi là người thầu), khai phóng nhiều đường lộ, nhiều vùng đất hoang vu . Sau hiệp định Genève 1954, Ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng, sau  năm 1957 trưng cầu dân ý toàn dân đã bầu ông làm tổng thống nước VNCH; 9 năm dưới sự lãnh đạo của Ông đã đem lại cho toàn dân no cơm ấm áo, nói chung các loại thuế bình thường, nông dân chỉ bán một con gà cũng đủ nộp cho chính quyền địa phuơng. Trường học xây cất từ thôn quê đến thành thị. Đời sống thanh bình và an lạc cho toàn dân miền Nam nói chung. Anh em của ông chết do quân đội VNCH đảo chánh ngày 01111963. Có bàn tay lông lá của ngọai bang, ông vĩnh viễn ra đi với một vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước VNCH. Kẻ hậu sinh này còn nhớ đời lời nói của ông qua các bức tin trên kháp nẻo đường làng đến thành thị. Còn nhớ như sau: “Tự túc tự cường và tự lực cánh sinh”. Năm 1963 kẻ hậu sinh mới 13,14 tuổi.  Đến nền đệ nhị VNCH do Ông Nguyễn văn Thiệu làm Tổng thống 2 nhiệm kỳ từ năm 1967 đến ngày 23/4/75, dưới sự áp lực của chính phủ Hoa kỳ, bắt buộc ông phải từ chức ra đi, giao quyền lại cho phó Tổng thống Trần văn Hương được vài ngày, Ông Hương giao lại
cho Dương văn Minh, ngày 30/4/75 Ông Minh đầu hàng và kêu gọi buông súng. Niềm đau và tủi nhục cho Quân dân cán chính miền nam Việt nam, ông Thiệu ra đi (vì HK bắt buộc và bỏ rơi đồng minh), câu nói để đời của ông như sau : “Đừng nghe những gì cộng sản nói và hãy nhìn kỹ những gì cộng làm”. Kiểm nghiệm qua 38 năm sau, không chút nào sai. Nói chung qua 2 nền Đệ nhất và Đệ nhị VNCH, một Quốc gia có đời sống ấm no, hạnh phúc, người dân sống được Tự do, Dân chủ và nhân quyền, đều bình đẳng. Mặc dầu chiến tranh đầy khói lửa bởi  Việt cộng (Mặt trận Giải phóng) và Cộng sản Hà nội, nhìn lại chúng là tay sai cho Nga Tàu, cho cộng sản đệ tam Quốc tế.
Trải qua cuộc đời, sự thăng trầm binh biến trên quê hương đầy khói lửa, vận nước đẩy đưa cho thế sự, ngày nay chúng ta lưu vong ra xứ người. Không lẽ quên bẵng về dĩ vãng quá khứ đau thương !. Ngày nay chúng ta sống tha phương nơi xứ người được cuộc sống ấm no hạnh phúc, và vô cùng TỰ DO. Dù sao chúng ta vẫn nhớ đến  quê hương Tổ quốc chúng ta còn lại bên kia bờ Đại dương, bạn bè người thân v.v…. Họ đang sống dưới chính quyền CS, người cùng màu da máu mủ Việt Nam; nhưng sao đồng bào phải kêu gào, bởi vì ách cai trị độc tài và sắt máu của chế độ Công sản, vô cảm và hèn với giặc lại ác với dân !!!.
Nặng tình cho quê hương đất nước, người viết xin mạo muội nói lên chút màu chính trị, hay chính em gì đây. Xin quý vị niệm tình thứ lỗi (lạc đề chăng?) Để trở lại thời vàng son của tuổi học trò chúng ta còn ngồi dưới mái trường thân yêu Trung học Nguyễn Huệ, Bồ Đề, Đặng đức Tuấn, Tân Dân, Văn Minh, Cần Học và các trường bán công như Hiếu xuơng, Sông cầu v.v… Học sinh “quèn” và giở như “bồ nẹt” này, còn nhớ lại những bạn bè chung lớp thời Tam, Nhị (65-67), lên lớp này đang vào tuổi ước mơ, mơ mộng và hòai bão nghĩ đến tương lai. Tuổi 17, 18 và 19 đang ươm ướm hoa xuân, hoa lòng chơm chớm nở, ánh mắt đang mở ngõ cho tâm hồn…..aimer du couer.
Trong nhóm thân quen nhất của “tụi” tôi, có Hoa Lư, Thanh Thế, Kim Qui và Đào thị Phục, còn mấy ông rựa này có Đào tấn Quang, Phan Đúng (hơn lớp), Nguyễn hữu Dư, Trần thanh Vân và cậu Câu này nhỉ. Hồi đó Hoa Lư gọi Quang bằng Cậu 3, vui miệng hay quen với Lư nên mấy nương gọi luôn bằng cậu. Nghe thân tình, mật thiết ghê lắm, bởi thế đã đưa đẩy cho cậu học trò nào đấy phải thổn thức, bồn chồn trong những kỳ thi cử  cuối niên. Hai năm Tam Nhị còn nhớ quý nương từng vóc dáng, điệu bộ như Ái Mỹ to cao và tóc quắn xe lọn đi gồ ghề như Tây. Thanh Thế dáng điệu dịu dàng, mảnh khảnh, ít nói, gương mặt hơi xương xương. Nguyễn thị Mận có vòng eo nhỏ nhất lớp, dáng người cao và có gương mặt hiền hậu dễ thương. Nguyễn thị Nam có đôi mắt to, môi mỏng dáng điệu ung dung. Nguyễn thi Kim (Kim đen) mập hơi lùn, nên Hữu Dư nói Kim đít sà (sai con), chàng nào gặp về mai sau bế con thí mồ. Thanh (Bắc Kỳ) có vóc dáng đô con, vui tính và cười rổn rảng. Thanh (đen ngâm) nhỏ lé đé, thân hình mảnh mai (vợ giáo sư Ảnh), Hồng Vân (công chánh), da hơi ngâm đen, duyên dáng nhưng hơi nghiêm. Đào thị Phục miệng luôn nở nụ cười ở bờ môi, vui tánh, thích chơi đàn, dáng người trung bình. Nguyễn thị Thanh Vân (hòa tân), dáng người hơi lùn, nhỏ con, mặt còn vơi chút sẹo ban sưởi, Tư (cao) da ngâm tánh tình vui vẻ và ôn tồn. Còn Mai (lò heo), thân hình đều đặn, nên Thanh Vân nhà tôi thường nói Mai dày cơm lắm đấy nhé bay…, Chung ngọc Tâm (Tàu thuốc bắc), cao, lưng hơi khom, nên tớ thường nói với nhau, nuôi con kỹ lắm đấy, ghẹo lén bỏ giấy vào vở tập với 2 câu ca dao như sau: Chồng cong lấy vợ cũng cong, nằm chiếu thì chật nằm nong thì vừa. Đào thị Hương (Hương Nam Thái), vóc dáng mập mạp, nước da trắng trẻo, có đôi mắt liêu… hiền hậu, luôn mỉm cười, ngồi gần đầu bàn tôi và Nguyễn Giang. Nguyễn thị Nhơn (Vĩnh phú), tánh tình dễ thương, hòa nhã và vui. Mỹ Hoa (La Hai) da ngâm, thân hình tròn trịa, gọn vóc dáng trung bình, đôi mắt khá liêu…hình như là vợ của Dũng Hoàng Kỳ. Mỹ Tin có dáng hình bẹ, mái tóc đen chấm vai, dáng đi nhún nhẵn, thường ôm cặp, khá điệu bộ, ít nói. Nguyễn thị Kim Loan, có đôi mắt hơi viễn thị, cận, tánh hiền từ. Kim Phượng (số 3), thân hình cao ráo, gương mặt hơi xương đôi gò má. Còn người thân quen nhất này là bà Kim Qui, dáng người cao ráo, có khuôn mặt dễ thương và quyến rũ, eo phọt dễ ngó, tánh vui vẻ, hòa đồng và hơi kêu… nên chàng trai trẻ Lưu minh Nam luôn đeo đuổi, bất hạnh thay Nam  phải than vãn như thế này:
Hoa lòng chỉ nở một lần thôi.
Kẻ đã yêu tôi muộn lắm rồi.
Còn kẻ tôi yêu thì hờ hững.
Chuyện lòng tan vỡ chỉ thế thôi!
Vì chàng trai xứ lạ từ Tỉnh Bến tre theo binh nghiệp ra Tuy hòa, vào mùa đông năm 66, sau cơn lụt bão, trường Bồ Đề tổ chức đi quyên góp, ngay trên góc đường Bùi Nguyên Ngãi và Lê Lợi, chàng Trung úy Pháo bỉnh có xe Jeep, đôi hoa mai nở trên cổ áo, có phù hiệu súng đại pháo (cannon), lọt vào đối tượng như những nàng con gái đang mơ ước về đám cưới nhà binh. Không riêng gì Nam, nhiều người khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự… !!!.
Bây giờ chung số phận làm trai thời chinh chiến, bút nghiên xếp lại để theo tiếng gọi của Tổ quốc VNCH.  Phần đông vào binh nghiệp, số ít vào các ngành như thầy giáo, giáo sư, hành chánh v.v… Nguyễn Giang, Bùi đức Khanh, Hùynh tấn Lê, Nguyễn Tú, Trần thanh Vân, Nguyễn Hiến, Sập xí Dũng, Hùynh tấn Tâm. Còn các bạn khác như Đảm, Huỳnh Duy Hiếu (sau 75 đội mũ cối ở thị xã), Nguyễn văn Châu làm cán Hải Quan VC). Trung Thu, Tô, Ngô  khôn Chính, Tân (sẹo), Lê văn Hố, Nhơn (mắt cườm). Huỳnh Hiển, Thái Đồng…(No clues about them).

Binh nghiệp mà phải giã từ vũ khí sớm như Lê văn Lập, Nguyễn hữu Dư, Phan Đúng. Còn vài thằng bạn le que nay ở Mỹ như Võ văn Hà, Bùi Hiền, Trần Dốc, Trần Câu v.v…tuổi tác đã già theo năm tháng và ngoài 63, 65 rồi nhỉ. Ai nấy cũng có gia đình cháu nội, ngọai sui gia mấy bận, bắt phờ người.
May mắn cho chúng ta sang đất nước Hoa kỳ, lập nghiệp lo cho con cái  học hành đến nơi đến chốn, ngày nay rảnh rang chút xíu, lãnh vài đồng lương hưu. Ngày nào còn sống chúng ta cố gắng tạo điều kiện hội ngộ ở tuổi xế chiều cuối đời, giấc mơ của người già tha phương, vừa có tính cách đồng hương, đồng lưu, đồng đội, đồng môn và đồng nghiệp cùng quê hương xứ nẫu Phú yên. Đây là tấm thạnh tình chân chất của người nhà quê ./
Phoenix, Jully 4/2013. 
Trần Câu, Trúc-Linh.


------------------





NHỚ LẠI TRƯỜNG XƯA
Tặng các bạn hữu Bồ Đề (60-68)

Thời gian lần lựa mãi trôi qua,
Bây giờ nhìn lại thấy già nua,
Tuổi ngoài hàng sáu đầu tóc bạc;
Tay run chân yếu mắt hơi mờ.

Biết bao kỷ niệm thuở học trò,
Chung trường chung lớp cạnh thầy cô
Quần xanh áo trắng màu các cậu;
Quý nàng phơi phới giống đàn cò.

Sáu năm đủng đỉnh lo mài miệt;
Học hành mơ ước đến tương lai,
Từ thuở ấu nhi…lên niên thiếu,
Buồn vui lẫn lộn giữa cuộc đời.

Vào tuổi thanh xuân lòng chơm chớm…
Mỗi độ hè về phượng nở hoa,
Báo hiệu chia tay, lòng lưu luyến,
Năm này Đệ nhị…..Cảnh ly xa  !

Người đi kẻ ở lại Tuyhòa,
Công danh sự nghiệp bước đường xa;
Quê hương quằn quại màu khói lửa !
Bút nghiên xếp lại nợ sơn hà.
Nước nhà thống nhất : Ách cộng nô,
Đày đọa gông cùm …..chỉ ước mơ;
….đến vùng đất mới nơi xứ lạ.
Dịp này Hội ngộ  rất thiết tha.

Phoenix, June 22/2013.
TRÚC - LINH




--------------

MÙA CHIA TAY
Tặng người S/D (Cali)

Hoa phượng hoa lê báo hiệu rồi,
Chúng mình sắp sửa phải xa thôi,
Mỗi người mỗi ngả buồn ghê lắm!
Hè ơi! vội đến để làm chi?

Thấy cảnh chia tay quá ngậm ngùi,
Ta buồn lủi thủi theo đường vắng,
Người ấy qua đò rẽ lối đi…
Bên lũy tre vàng buồn cúi ngọn.

Người ơi đâu hiểu nỗi lòng tôi!?
Lưu bút ngày xanh nắn nót ghi,
Tên người ấp ủ trang nhật ký,
Bóng hình lưu dấu mãi trong tôi,

Hè 1964 Tuy Hòa
TRÚC LINH
 

No comments:

Post a Comment