Mười giờ tối, như thường lệ, tôi lấy một quyển sách lên giường đọc trước khi ngủ.
Bỗng
điện thoại reo, tôi thắc mắc ai lại gọi vào giờ này, nhấc máy lên, nghe tiếng của
Thụy Hằng, đứa con gái lớn nhất:
-Mẹ
ơi, con… có một… tin buồn.
Rồi
con òa khóc. tôi nói vỗ về:
-Chắc
vợ chồng có chuyện không vừa ý chứ gì, các cô cậu bây giờ ...
Con
gái lại tiếp tục vừa nói vừa khóc:
-
Thụy Uyển hình như bị…ung…thư. Nó mới đi vào cấp cứu bác sĩ cho biết là có thể ...
Thụy
Hằng nói chưa hết câu lại khóc to thêm. Tin dữ đến quá bất ngờ, tôi tưởng như
trời đất vừa sụp đổ dưới chân và người bủn rủn muốn quỵ xuống trong sửng sốt và
hãi hùng, tôi thảng thốt: “Không, em con còn quá trẻ, mới ngày hôm kia nó vẫn
khỏe mạnh lắm mà.”
Tối
thứ bẩy cách đây chỉ hai hôm, các con cháu tụ tập về nhà tôi ăn bữa cơm tối gia
đình hằng tuần vui vẻ, khỏe mạnh, làm sao con gái có thể mang căn bệnh hiểm
nghèo như thế được. Tôi tự an ủi chắc bác sĩ gia đình chẩn bệnh sai, không thể
nào như vậy được, phải chờ bác sĩ chuyên môn mới biết đích xác.
Hôm
sau, tôi nấu một nồi phở mang xuống Morgan Hill, thành phố của hai cô con gái
đã lập gia đình, cách nhà vợ chồng tôi khoảng ba mươi dặm, tôi nghĩ rằng con
đang không được khỏe, ăn món gì có nước dễ nuốt hơn.
Nhớ
lúc còn bé ở Hà Nội, chỉ mỗi lần đau ốm mới được Mẹ mua cho một tô phở và một
chai nước ngọt Xá Xị Con Cọp. Tôi thầm nghĩ “sao lúc khỏe mạnh, thèm phở lại
không được ăn mà cứ chờ lúc bị bệnh, miệng đắng ngắt ăn có ngon lành gì đâu.” Bố
Mẹ của tôi vẫn tin rằng ăn xong tô phở nóng, mồ hôi toát ra là hết bệnh.
Đem
con đi nhà thương để khám nghiệm, bác sĩ chuyên môn xác nhận là Uyển bị ung thư
vú (metastatic breast cancer) và đã lan ra vài bộ phận khác. Tôi sẽ không bao
giờ quên được gương mặt bối rối của ông khi lướt qua con gái rồi nhìn thẳng vào
mắt tôi và nói những điều đau đớn đó. Tay tôi
run rẩy, miệng khô đắng và cố nở một nụ cười héo hắt để an ủi con rằng đã có
nhà thương với các bác sĩ chuyên môn tài giỏi sẽ trị cho con khỏi bệnh. Trong đầu
tôi lúc ấy, đứa con gái đã trưởng thành và có gia đình riêng của nó, vẫn chỉ là
đứa con nít cần được bao bọc, che chở, dỗ dành. Tôi phải cố gắng đến kiệt lực để
đè nén những giọt nước mắt và những tiếng gào thét sẵn sàng nổ tung ra ngoài. Còn
cô bé đã quá sợ hãi đến nỗi chân không còn đứng vững nữa, nằm liệt giường ở nhà
thương suốt ba ngày không ngồi dậy được. Đến ngày thứ tư chuyên viên tập luyện
thể chất phải giúp Uyển đứng dậy và tập đi bằng cái walker. Trong lòng tôi còn
chưa chấp nhận hẳn, vẫn có những khe hở cho sự nghi ngờ, biết đâu chỉ là chẩn
đoán bệnh sai lầm thôi, bác sĩ chứ đâu phải là Thần Thánh. Tôi giống như người
sắp chết đuối cố bám víu vào bất cứ cái gì trong tầm tay, dù chỉ là một mớ lục
bình nổi lêu bêu trên dòng sông.
Sau
sáu ngày ở nhà thương với con và qua bao cuộc thử nghiệm với các bác sĩ chuyên
môn, hai vợ chồng tôi đã chấp nhận sự thật nát lòng đó và nghĩ rằng chỉ có “thuốc
tiên” mới cứu được con mình và chỉ còn trông mong vào phước đức ông bà và Trời
Phật.
Nhìn
con thiêm thiếp trong cơn mê, thỉnh thoảng lại rên lên nhè nhẹ. Đứa con gái mới
trên 40 tuổi, yêu đời và sống hạnh phúc với mái ấm gia đình, chưa bao giờ nghĩ
đến khám phòng ngừa ung thư cho đàn bà. Thế mà bây giờ…Tôi không thể nào cầm được
nước mắt nên đi vội ra công viên phía sau nhà thương để tránh làm quấy nhiễu giấc
ngủ của con. Tôi chưa bao giờ phải rơi vào tình trạng tuyệt vọng như hôm nay, kể
cả những ngày bỏ nước ra đi. Tôi cầu xin Trời Phật phù hộ cho con tai qua nạn
khỏi dù có phải đổi cả quãng đời còn lại của mình. Sau bao nhiêu ngày mệt nhọc,
thân thể rã rời, bước đi thất thểu, mắt hoa, tai ù, không còn nghe được chính
bước chân của mình, tôi giống như một bóng ma giữa ban ngày. Tôi thấy thèm vô
cùng một giấc ngủ, dù là giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại, bỏ tất cả, không còn
gì để luyến tiếc.
Tôi
ngồi trên ghế đá dưới tàn cây rậm rạp và trôi vào giấc ngủ chập chờn. Có tiếng
trẻ thơ cười khúc khích, rượt đuổi nhau, một khuôn mặt bé bỏng ngây thơ với hai
con mắt tròn xoe như hai viên bi, cặp má phúng phính, đang nhìn tôi vòi vĩnh. Mẹ
ơi, mẹ ơi… Tôi dang tay ôm lấy con. Chỉ là một khoảng trống, như khoảng trống
trong lòng tôi.
***
Nhà
thương đề nghị cho Uyển vào nursing home có chuyên viên luyện tập về thể lực, vợ
chồng tôi
nhất quyết từ chối. Ở một nơi u sầu ảm đạm như thế mà phần lớn bệnh nhân là những
người già yếu bệnh tật, thật không đành. Tôi đem con về nhà, tự tay chăm sóc mặc
dù biết là chính bản thân sẽ phải cực khổ rất nhiều.
Thụy Uyển ngày hợp hôn
Việc
phải làm đầu tiên là mang hai đứa cháu ngoại mới 9 và 6 tuổi về nhà để tiện bề
chăm sóc. Suốt hai tuần lễ sau đó, mỗi ngày Uyển phải đi bệnh viện làm xạ trị (radiation)
bộ não, rồi gặp bác sĩ chuyên môn để thử nghiệm thêm (ultra sound, CT scan,
MRI…) chiều lại gặp chuyên viên thể lực tập cử động tay chân.
Mỗi
sáng, phải vực con ngồi dậy, chuyền vào cái walker tập đi, rửa mặt cho con rồi
chuẩn bị thức ăn sáng. Để tránh không nhầm lẫn, tôi ghi kỹ càng vào sổ ngày giờ
tất cả những thứ thuốc cho Uyển uống trong ngày. Khi con đi nhà vệ sinh, tôi ngồi
trên cái ghế nhỏ ngay ngoài cửa phòng tắm để chờ khi con gọi thì phụ kéo con
lên vịn vào walker. Mỗi ngày tắm rửa thay quần áo cho con, nấu ăn cho cả nhà.
Khi con muốn đi nằm, đặt Uyển ngồi trên giường rồi tôi phải bưng hai chân con lên,
kéo người thẳng thắn, đắp chăn cho con ngủ.
Cứ như thế làm những động tác nặng nhọc một ngày mấy lần, tối đến tôi nằm
vật xuống giường mỏi nhừ để rồi sáng dậy, lại bắt đầu một ngày vất vả. Một ngày
như mọi ngày!
Nhưng
“Hy Vọng”, chính sự Hy Vọng con được hồi phục đã giúp tôi quên hết mệt nhọc cả
thể xác lẫn tinh thần để chăm sóc cho con. Đôi khi, ngồi một mình, tôi ôn lại
những lời nói và cử chỉ của các bác sĩ trị liệu để cố thắp lên cuối đường hầm một
tia sáng, một tia sáng Hy Vọng.
Chỉ
vài ngày sau khi hoàn tất xạ trị, Uyển không còn nhức đầu nhưng tóc bắt đầu rụng,
mái tóc trước đây dày dặn, đen bóng nay cứ rơi lả tả trên sàn nhà, nhìn đầu con
nhẵn nhụi, tôi thường quay lưng dấu những giọt nước mắt âm thầm rơi.
Một
buổi tối, Uyển tâm sự với mẹ:
“Mẹ
ơi, dù phải bỏ bộ phận nào trong người hay cắt hết hai cái vú con cũng không
quan tâm, con chỉ xin Trời Phật cho được sống để nuôi hai đứa nhỏ thôi.”
Tôi
xót xa trong dạ vì Uyển là đứa con gái có nhan sắc và thường lưu tâm đến vấn đề
sắc đẹp, nghe Uyển thốt ra những lời bi thảm như vậy là tinh thần đã xuống đến
tận cùng, nó chỉ còn năn nỉ cầu xin cho được sự sống.
Tôi
vuốt lưng con vỗ về, an ủi:
“Mỗi
người có một cái số, cha mẹ không thể chọn con cái cho mình, nhưng bố mẹ sẽ làm
hết sức để con mãi mãi ở bên gia đình. Hãy cầu nguyện, Trời Phật sẽ che chở
con. Con đừng lo, giải phẫu thẩm mỹ bây giờ rất tiến bộ, mẹ sẽ làm cho con hai
cái vú đẹp hơn cái con đang có bây giờ, con cứ yên tâm chữa bệnh, mọi sự sẽ tốt
đẹp thôi.”
Tôi
quá đau lòng và than thầm: “tội nghiệp quá! ông Trời ơi, sao ông không để tôi
đau thế cho con tôi?”
Nhìn
con gái mang cơn bệnh ngặt nghèo nằm đó vật lộn với tử thần, tôi có thể làm gì
hơn để cho con khỏi bệnh và thoát chết ngoài việc săn sóc miếng ăn, giấc ngủ,
thuốc thang và động viên tinh thần? Không biết lòng mẹ hy sinh và thương con
bao la của tôi có làm động lòng ông Trời không? Hằng đêm tôi và bạn bè vẫn đọc
kinh cầu nguyện cho Uyển. Trời, Phật và Chúa có nghe thấy không?
Nhìn
tấm hình trên chiếc bàn nhỏ ở đầu giường, con gái xinh đẹp, lộng lẫy trong bộ
áo cưới ngày nào, làm sao tôi tưởng tượng nổi có một ngày, cũng cái hình hài ấy
mới đây xinh tươi là thế, sống động là thế, mà bây giờ nằm kia, da mặt tái nhợt,
nhịp thở yếu ớt, thiêm thiếp trong tiếng rên nho nhỏ, “cái gì đã xảy ra và hủy
hoại tấm thân tràn đầy sức sống của Uyển?” tôi vẫn thường tự hỏi và nước mắt lại
tuôn rơi.
Ngày
xưa khi còn bé, mặc dù là con gái, Uyển là đứa phá phách nhất nhà. Tôi có ba đứa
con, mỗi đứa cách nhau 2 tuổi, nên lúc nào nhà cũng có tiếng động, cười khóc hoặc
tranh giành, gây lộn nên khi nào thấy nhà im vắng không có tiếng ồn là phải đi
tìm xem Uyển đang ở đâu và phá cái gì thì y rằng cô nàng nếu không lấy đồ son
phấn của mẹ bôi xanh đỏ đầy mặt thì cũng đang mang đôi giầy cao gót ngông
nghênh đi trái chân hoặc vào ngồi trong tủ đựng quần áo của mẹ mặc thử hết bộ nọ
đến bộ kia.
Đứa
con gái nghịch ngợm ấy lại chính là người đã cứu cả gia đình Nguyệt.
Thụy Uyển với ly rượu hợp cẩm
Trong
những ngày tháng tư năm 1975, vợ chồng tôi quyết định ở lại mặc dù đã có sẵn
phương tiện để ra đi, nếu phải chết thì cùng nhau chết trên quê hương. Hằng đêm
mỗi lần nghe tiếng pháo kích từ xa, vợ chồng tôi chạy sang phòng bên cạnh để ẵm
ba đứa con xuống dưới gầm cầu thang núp đạn. Đêm 25 tháng 4 năm 1975, cũng như
mọi đêm trước, thay vì sang ôm các con chạy xuống lẩu, chồng tôi tưởng các con
đã say ngủ nên bảo rằng “từ nay trở đi, tất cả vợ chồng con cái mình ngủ chung
một phòng, có chết thì cùng chết với nhau”. Bỗng nhiên có tiếng la thất thanh “con
không muốn chết đâu, ba đừng bắt con chết, con sợ lắm Ba Mẹ ơi!” Lời cầu xin của
Uyển lúc đó mới sáu tuổi, đã khiến vợ chồng tôi đổi ý và bốn ngày sau, cả gia
đình tôi rời khỏi Việt Nam.
Khi
mới đến định cư ở Virginia, một hôm trường học báo cho tôi biết rằng Uyển đã
ngáng chân làm ngã một đứa học trò trên xe buýt của trường, hỏi ra thì Uyển bảo
rằng “con đâu muốn gây lộn nhưng tự vì nó gọi con là “Yellow.”
Càng
chăm sóc kỹ lưỡng cho Uyển bao nhiêu, thỉnh thoảng lòng tôi lại dấy lên mối ân
hận là ngày xưa khi Mẹ của tôi đau, vì bận gia đình và vấn đề sinh kế tôi đã
không thể chu đáo với Mẹ bằng một phần, tôi chỉ còn tự an ủi mình là các cụ vẫn
bảo “nước mắt chẩy xuôi” mà.
Bốn
ngày sau, cứ mỗi ba tuần Uyển phải làm hóa trị (chemo therapy) một lần và mỗi lần
truyền ba bịch thuốc.
Mũi
chemo đầu tiên đã gây phản ứng làm Uyển rất mệt, rồi bị lở miệng, sưng phổi và
mất nước nhiều quá nên phải vào nằm nhà thương sáu ngày. Sau khi được điều trị
và ra khỏi nhà thương, Uyển có thể đi lại trong cái walker. Kết quả thử máu và
bác sĩ khám nghiệm và điều trị cũng ngạc nhiên và thán phục sự hữu hiệu thần kỳ
của dược phẩm ngày nay.
Từ
ngày con gái bị bệnh, tất cả thời khóa biểu của cả gia đình đã bị đảo lộn, chồng
tôi lo chăm sóc hai cháu ngoại trong lúc chúng nghỉ hè, riêng tôi dồn mọi sức lực
cho con gái, đem con đi nhà thương, hẹn bác sĩ, đi thử máu, chăm sóc ăn uống,
thuốc thang, vỗ về an ủi những khi con xuống tinh thần muốn bỏ cuộc. Rồi còn phải
theo dõi hồ sơ bệnh lý và giấy tờ bảo hiểm sức khỏe. Nhưng điều đáng quan tâm
nhất là mọi người trong gia đình đã chấp nhận sự thật, và cùng nắm tay nhau vượt
qua nhiều chặng đường gian nan, mỗi ngày, mỗi lần hóa trị, mỗi lần biến chứng,
mỗi lần con gái chênh vênh bên bờ vực thẳm. Nỗi sợ hãi ban đầu đã không còn nữa
thay vào đấy là sự quyết tâm, nhẫn nại, và đoàn kết để giúp đỡ Uyển.
Thấm
thoắt đã đến lần chemo thứ hai. Đã có kinh nghiệm về phản ứng chuyến chemo đầu
tiên, lần này bác sĩ điều chỉnh liều lượng và tin rằng mọi sự sẽ rất dễ dàng
nhưng khi truyền được nửa bịch thuốc thứ ba thì cơ thể Uyển phản ứng dữ dội. Trước
tiên, mình mẩy nổi đỏ rồi không thở được và nói lảm nhảm những gì nghe không
rõ. Cô y tá người Đại Hàn phụ trách truyền chemo cho Uyển liền cho ngửi dưỡng
khí trợ lực nhưng không thấy kết quả nên bác sĩ ra lệnh ngưng truyền chemo và
đem Uyển xuống Phòng Cấp Cứu. Cô y tá nói với tôi là nếu chờ người ta đem cái
giường nhà thương đến để di chuyển thì có thể mất từ 5 đến 15 phút, mà mỗi giây
đều quan trọng cho sự sống chết của Uyển, nên cô ấy xốc Uyển vào xe lăn rồi đẩy,
còn tôi chạy đằng sau kéo theo bình dưỡng khí. Cô ta muốn tự mình đem Uyển xuống
phòng Cấp Cứu để chính cô giải thích tường tận với bác sĩ và y tá những gì vừa
xảy ra và những điều cần làm cho Uyển thì sẽ vừa nhanh và chính xác hơn.
Xuống
tới phòng cấp cứu Uyển lạnh run cầm cập trong khi nhiệt độ sốt lên đến 103 và vẫn
nói lảm nhảm, tôi vội vòng tay ôm chặt con gái và áp mặt sát vào mặt con để
chuyền hơi ấm. Các nhân viên nhà thương bắt đầu làm những thủ tục thường lệ,
người lấy máu, kẻ chụp hinh phổi, người khác đo biểu đồ nhịp tim, nhưng tôi nhất
quyết yêu cầu họ trước tiên phải làm cho nhiệt độ cơ thể của Uyển giảm xuống rồi
mới tiếp tục với các thủ tục nói trên.
Ba viên Tylenol hạ nhiệt độ xuống 99 trong vòng 15 phút và chỉ nửa tiếng
đồng hồ sau là Uyển tỉnh táo nói chuyện được với mẹ và y tá cũng như bác sĩ. Khi đã ổn định, họ chuyển Uyển lên phòng Cứu
Chữa Đặc Biệt (ICU), Uyển được thở bằng mặt nạ dưỡng khí.
Ba
hôm sau đến gặp cô y tá Đại Hàn phụ trách phần chemo cho Uyển, tôi ôm lấy cô và
tỏ lời:
“Gia
đình chúng tôi xin thành thực cám ơn cô”
Cô
ta khiêm nhường:
“Xin
bà đừng nói thế, tôi chỉ làm bổn phận của mình thôi”
“Vâng
đúng vậy, nhưng cô đã dám và làm nhiều hơn bổn phận đòi hỏi, xin cô nhận nơi
đây lòng biết ơn chân thành của gia đình chúng tôi, cô là một bà tiên đã xuống
trần cứu mạng con gái chúng tôi”
Cô
y tá rơm rớm nước mắt:
“Tôi
rất cảm động vì trong đời làm y tá, chưa ai nói với tôi một câu như thế.”
Mỗi
ngày khi vào nhà thương, tôi đều gặp bác sĩ trực hỏi thăm tình trạng sức khỏe của
con. Đến ngày thứ năm, dù bác sĩ xác nhận là sức khỏe của Uyển có tiến bộ tuy không
nhanh như mình muốn, nhưng khi tôi nhìn mặt và nắn tay chân con thì thấy hình
như mọi chỗ đều căng phồng và mắt sưng húp đỏ gay. Bác Sĩ cho biết “Con bà bị
nhiễm trùng phổi (pneumonia), chúng tôi đã chuyền cho cô ấy ba thứ thuốc trụ
sinh tốt nhất và mạnh nhất hiện có.”
Trưa
hôm đó, một bà y tá già đã nói với hai mẹ con tôi rằng nếu tình trạng không thở
được của Uyển cứ kéo dài thì có thể họ phải làm “intubation” tức là luồn một ống
nhựa dẻo qua khí quản để giúp thông đường hô hấp, như thế là tình trạng đã đến
hồi nguy kịch, phần chết nhiều hơn sống.
Ngày
hôm sau, bà y tá lại hỏi tôi và Uyển rằng:
-
Trong trường hợp cơ thể của Uyển không làm việc nữa (shut down) thì có muốn nhà
thương làm mọi việc để trì hoãn hơi thở cuối cùng không?
Tôi
hét lên rằng:
-Bằng
mọi cách, duy trì sự sống cho con tôi. Bà nhìn xem, con tôi mới 44 tuổi, sống
chưa được nửa đời người, sao lại nỡ để cho nó đi sớm như thế.
Trên
đường về nhà, tôi vừa lái xe vừa khóc như mưa. Xe cộ hai bên đường nhộn nhịp
nguợc xuôi mà lòng tôi đau như cắt. Ánh đèn đêm lấp loáng trong làn nước mắt,
nhiều lần tôi không kiểm soát được tay lái. Tôi thầm nghĩ trên đời này chỉ có
những người mẹ hân hoan chuẩn bị đón đứa con huyết thống ra đời, chứ có người mẹ
nào được chỉ bảo cách bỏ con đâu. Còn tôi chỉ là một người đàn bà chân yếu tay
mềm, làm thế nào có thể mạnh mẽ cứng rắn để “chuẩn bị” đưa con vĩnh viễn ra đi.
Đêm
hôm ấy trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy Uyển, hình như chỉ bốn, năm tuổi,
đang vừa chạy vừa la: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Có bà cụ già bắt con đi theo và nói sẽ mua
cà rem cho con, nhưng con sợ bà ấy lắm, con bảo bà ấy con chỉ muốn đi với mẹ
thôi.” Tôi vội nắm tay con chạy như bay, đến khi mệt quá choàng tỉnh dậy người
ướt đẫm mồ hôi.
Khi
trở lại nhả thương, tôi yêu cầu được gặp bác sĩ và nói: “Tôi biết quý vị đã
dùng thuốc tốt nhất và mạnh nhất, nhưng bệnh con tôi vẫn chưa thuyên giảm và tôi
không đủ kiên nhẫn chờ đợi lâu hơn nữa, tôi đề nghị nhà thương thêm, hay bớt hoặc
đổi chất thuốc nào đó may ra mới có hy vọng.”
Sáng
hôm sau, khi đến thăm Uyển, tôi thấy nét mặt con tươi hơn và không còn thở hổn
hển đằng sau mặt nạ dưỡng khí nữa, cô y tá cho biết tối hôm qua bác sĩ đã ra lệnh
truyền thêm một chất thuốc mới (steroid) tăng sức mạnh cho phổi của Uyển để nó
làm việc hữu hiệu hơn và việc này đã cứu mạng sống của Uyển. Cuối cùng bác sĩ
đã xác nhận Uyển bị dị ứng với một trong ba bịch thuốc hóa trị đã gây ra “viêm
phổi” (pneumonitis, lung inflammation) chứ không phải “phổi nhiễm trùng”
(pneumonia, lung infection.) Ba ngày sau, Uyển thở bình thường trở lại và được
xuất viện.
Lúc
đẩy con trên chiếc xe lăn từ nhà thương ra xe để đi về nhà, Uyển chợt reo lên:
-Mẹ
ơi, cây hoa ở dưới đất màu tím đẹp quá, nó tên gì thế mẹ?”
Tôi
đáp:
-Chỉ
là cây hoa dại thôi nên mẹ không biết tên.
Uyển
tha thiết:
-Sau
12 ngày nằm trong bốn bức tường trắng toát của phòng bệnh, không có cửa sổ,
không thấy gì ngoài những giây nhợ lòng thòng trên người của con, hôm nay được
hít thở không khí trong lành, nhìn thấy trời xanh, mây trắng và những đóa hoa rực
rỡ dù chỉ là hoa dại, con thấy lòng như bay bổng lên cao đến nỗi muốn reo lên rằng
con yêu đời và con thương mẹ lắm, mẹ ơi.
Về
đến nhà, Uyển lại thì thầm với mẹ:
-Mẹ
ơi, mẹ biết không, hôm bà y tá già hỏi mẹ con mình muốn họ làm gì nếu con không
còn thở được nữa, nghe thấy mẹ hét lên, con như chợt tỉnh một cơn mê và bỗng
nhiên thấy mình phải chiến đấu với cơn bạo bệnh nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa
để không phụ lòng hy sinhvà yêu thương của gia đình và mọi người chung quanh,
nhất là cái gia đình nhỏ bé của con mặc dù chỉ mấy phút trước đó con đã tuyệt vọng,
chịu thua và tự bảo “I am ready to go.”
Cám ơn tiếng hét của mẹ đã đánh thức con ra khỏi cõi chết.
Thấy
con được bệnh viện chăm sóc tận tình, tôi chợt nghĩ mà xót xa cho đồng bào mình
bên Việt Nam, nhà thương không đủ sức chứa, người bệnh và thân nhân nằm la liệt
ngoài hành lang và cả dưới gầm giường, không những thế còn bị những nhân viên của
bệnh viện mắng chửi thóa mạ và đòi tiền, chờ đến khi được y tá hay bác sĩ nhìn
đến thì đã chết vì kiệt sức. Ôi thảm cảnh đó bao giờ mới chấm dứt!
Tuy
thân thể của Uyển phản ứng quá mạnh trong hai lần chemo nhưng quả thật không những
thuốc ấy đã chặn đứng sự gia tăng của các tế bào ung thư mà còn làm những cục u
teo lại rất nhiều, nhờ thế mà sau khi được nhà thương chăm sóc 12 ngày, Uyển đã
bình phục, khỏe mạnh hẳn lên, ăn uống được và đi đứng bình thường tuy bị giới hạn
vì sức còn yếu.
Sáng
nay, Uyển dậy sớm chiên trứng và nướng bánh mì cho hai mẹ con ăn sáng. Trước
đây ba tháng, có nằm mơ tôi cũng chả dám nghĩ đến điều này.
Đôi
khi, nửa đêm thức giấc, tôi vẫn không thể tin được con gái còn quá trẻ lại bị bệnh
như thế. Khuôn mặt bối rối của vị bác sĩ chuyên khoa, người đã báo tin sau khi
chẩn bịnh cho con, lại hiện nguyên hình trong đầu tôi. Rất khó mà chấp nhận sự
thật, một sự thật quá đau thương, quá bất ngờ. Hình ảnh đó sống động đến nỗi tôi
không thể cầm được nước mắt mỗi khi đoạn phim dĩ vãng đó hiện ra trong đầu.
Trong
những ngày nằm ở Phòng Cứu Chữa Đặc Biệt, tinh thần Uyển sa sút trầm trọng nên
thường khó ngủ. Đêm hôm đó, bác sĩ trực
là một người Trung Hoa còn khá trẻ, đi ngang qua thấy Uyển trăn trở nên ghé vào
thăm. Ông rất rõ bệnh tình của Uyển và khi biết Uyển là một cô bé cùng gia đình
chạy tỵ nạn Cộng Sản năm 1975, bác sĩ an ủi rằng:
“Tôi
rất thấu hiểu tình cảnh của cô vì chính dì của tôi cũng là một nạn nhân Cộng Sản. Khi mới 16 tuổi, bà ấy đã cố bơi trốn qua Hồng
Kông và bị bắt bỏ tù cả ba lần, nhưng hai năm sau, bà ấy liều mạng một lần nữa
và cuối cùng đã đến được bến bờ mong ước. Người ta đã bằng lòng sẵn sàng đổi mạng
sống lấy hai chữ tự do.”
Rồi
ông tiếp:
“Có
nhiều bác sĩ khi họ nói họ thông cảm với niềm tuyệt vọng cô đang chịu đựng thì
phần lớn họ chỉ biết qua sách vở. Riêng tôi, khi tôi nói là tôi hoàn toàn hiểu
thấu sự đau đớn thể xác cũng như nỗi lo âu của cô thì thật sự tôi đã nói với tất
cả tấm lòng vì chính bản thân tôi đã nằm ở nhà thương hơn bốn tuần lễ và đã trải
qua những đau đớn và tuyệt vọng như cô đang hứng chịu. Với quyết tâm, tôi đã thắng
tất cả, rồi cô cũng sẽ như thế, cô Uyển.”
Nói đến đây ông bác sĩ vạch cho Uyển xem một vết sẹo trên đầu, “thì ra
ông ấy cũng đã từng bị ung thư.”
Những
thổ lộ của vị bác sĩ đã an ủi Uyển rất nhiều khi biết rằng mình chỉ là một
trong hằng triệu người phải bỏ nước ra đi và cũng không phải là người duy nhất
đau khổ vì bị bệnh ngặt nghèo.
Có
hôm Uyển quá yếu sức vì không thở được nên không ăn uống được thì một cô y tá
trẻ người Việt Nam đã bảo
Uyển rằng:
“Tôi
biết người mạnh khỏe còn không nuốt nổi thức ăn của nhà thương chứ đừng nói người
bệnh, tôi có đem theo thịt bò kho mẹ tôi nấu, Uyển ăn chung với tôi nhá, ráng
đi mới có sức để chống lại cơn bệnh trẩm kha này.”
Lời
mời chân tình và thân thương của cô y tá khiến Uyển cảm động vô cùng.
Tiếp
đó, cô y tá đã dời bàn làm việc của cô đến ngay cửa phòng của Uyển để lúc nào cũng
theo dõi được tình trạng sức khỏe của Uyển.
Thường
ngày xem truyền hình hay nghe đài phát thanh, người ta quá chán nản và thất vọng
khi nghe và thấy nhan nhản những chuyện khổ đau, bi thảm, đâm chém giết người
không lý do nên kết luận rằng thế giới này không còn người tốt nữa, mà chỉ toàn
những người có quá nhiều thói hư tật xấu và làm những việc độc ác không còn
nhân tính.
Riêng
tôi, mấy hôm nay cứ thấy lòng bồi hồi xao xuyến mỗi khi nghĩ đến cô y tá Đại
Hàn, người đã nhanh chóng nhìn ra tình trạng nguy ngập của Uyển và dám can đảm
vượt quá bổn phận và trách nhiệm, tự động cùng tôi đem Uyển xuống phòng cấp cứu
kịp thời để bảo toàn mạng sống cho Uyển.
Bây giờ lại nghe con gái kể về cử chỉ lo lắng và quan tâm đến bệnh nhân
của bác sĩ và y tá trong nhà thương, Tôi nhận ra rằng thế giới này không thiếu
những bạn bè tốt và quanh ta vẫn có những người làm việc với tất cả lương tâm
nghề nghiệp và tấm lòng bác ái để phục vụ nhân loại. Phật tính luôn luôn có sẵn trong mọi người,
chỉ cần phát triển và bảo toàn báu vật đó thôi.
Sau
phản ứng dữ dội của lần hóa trị thứ nhì, bác sĩ quyết định loại bỏ thứ thuốc Uyển
bị dị ứng trong những lần chemo kế tiếp và từ đó sức khỏe Uyển hồi phục, ăn uống
khá hơn, có thể trở lại những hoạt động bình thường như đi chợ, nấu ăn và lái
xe vể Morgan Hill thăm các con mỗi tuần vài lần. Gia đình tôi hưởng một lễ
Giáng Sinh vui vẻ, hạnh phúc.
Tuần
lễ đầu tháng giêng năm 2014, Uyển bỗng nhiên bị nhức đầu, bác sĩ thử nghiệm thấy
có nước trong óc nên đã giải phẫu hút nước ra và phải thay đổi phương thức chữa
bệnh bằng cách ngưng chuyền hóa trị và thay bằng thuốc viên. Cũng như trước
đây, thuốc lại hiệu nghiệm như thần dược, chỉ một tuần lễ là Uyển trở lại cuộc
sống bình thường, lái xe đi shopping và về thăm con.
Không
như những bệnh nhân ung thư khác, Uyển rất thèm ăn nên đòi mẹ nấu cho đủ thứ,
nào là bún riêu, bún thang, bún bung, phở bò, phở gà, bò kho…Chiều chiều Uyển
thường phụ bếp với mẹ.
Uyển
rất thích nấu ăn, chiều thứ sáu tuần thứ nhì của tháng 4, chỉ mười ngày trước
khi mất, Uyển vẫn cùng mẹ lăng xăng đi ba, bốn chợ bán thực phẩm mua thức ăn để
hôm sau Uyển sẽ chính tay nấu bữa tối cuối tuần theo truyền thống gia đình mà tôi
đã gìn giữ mấy chục năm qua với tất cả con cháu.
Bỗng
nhiên mấy ngày sau, lá gan của Uyển vốn đã bị ung thư nay lại bị nhiễm quá nhiều
chất độc của thuốc trong hơn chín tháng chữa trị đã không còn hoạt động đúng mức.
Bị
ung thư nặng nhiều bộ phận trong cơ thể như thế mà điều kỳ diệu là Uyển đã sống
khỏe mạnh được hơn nửa thời gian và cái may mắn là ngoài những ngày suýt chết
vì dị ứng với thuốc, Uyển không hề bị đau đớn lăn lộn hay nằm liệt giường, ói mửa
sợ mùi thức ăn như những bệnh nhân ung thư khác khi làm hóa trị, Uyển chỉ bị yếu
phải dùng walker để di chuyển một vài tuần lễ mà thôi.
Khi
bác sĩ cho biết cuộc đời của Uyển chỉ còn tính bằng ngày thì tôi đã la lên rằng:
Bác
sĩ nhìn con tôi xem, nó vẫn còn sáng suốt, không đau đớn vật vã, không hôn mê,
nó vẫn cười nói, ăn uống ngon miệng như thế kia thì làm sao con tôi có thể ra
đi trong nay mai được.
Và
bất hạnh thay! bác sĩ đã nói đúng, hai ngày sau, lá gan ngừng làm việc.
Chỉ
mới ngày hôm trước, chồng con của Uyển đã vào thăm và ba mẹ con còn tặng quà và
cười nói với nhau, thế mà ngày hôm sau, Uyển đã lìa cõi trần thế.
Trong
giây phút con hấp hối, tôi vuốt ve tay con: “Uyển ơi, nếu bây giờ là lúc con phải
ra đi, thì con hãy bình tâm theo Phật, bố mẹ và toàn thể gia đình cũng như bên
nội các cháu sẽ cùng với chồng con trông nom, chăm sóc và dậy dỗ hai đứa nhỏ
nên người với tất cả lòng yêu thương, con hãy yên tâm.” Hình như Uyển vẫn nghe và hiểu những điều mẹ
nói nên đã mở hai mắt thật lớn như để thâu lại hình ảnh của những người thân
yêu lần cuối rồi từ từ nhắm mắt lại. Tôi đã vuốt mắt con trong nghẹn ngào.
Tim
tôi tan nát, khóc không ra tiếng, tôi đã mất đi đứa con ngoan ngoãn, kiều diễm,
tài năng và kiên cường. Sự dịu dàng, khả ái, và lòng bao dung với tất cả mọi
người của Uyển đã làm động lòng bao nhiêu trái tim bạn bè thân quyến. Uyển đã
nhẹ nhàng thanh thản ra đi trước sự chứng kiến của bố, mẹ, cậu, chị, em trai và
bốn người bạn gái thân thiết nhất. Thượng Tọa Thích Viên Thông đã kịp thời đến
nhà thương đọc kinh cầu nguyện cho Uyển.
Trong
suốt gần mười tháng chống chọi với bệnh tật, đã ba lần Uyển nằm chênh vênh trên
lằn tử sinh mà chưa bao giờ Uyển than vãn hay oán hận cuộc đời như những người
Mỹ khi gặp nguy khốn thường hỏi “why me?” Lúc nào Uyển cũng cắn răng can đảm chịu
đựng nỗi đau đớn nghiệt ngã, hãi hùng như chấp nhận một số mạng không may, một
cái nghiệp phải trả.
Sau
đám tang, tôi đã đem tro cốt của Uyển về một ngôi chùa gần nhà để hằng ngày con
được nghe kinh kệ và tôi có thể ghé thăm con bất cứ lúc nào.
Cảnh
chùa tĩnh mịch, thanh thoát, khiến tôi nhớ lại, đã bao năm, vào những ngày đầu
xuân cùng con đi lễ, dâng hương, bây giờ cũng vào mùa xuân, con đã yên nghỉ
trong hũ tro này. Lòng tôi lại dâng lên bao nỗi bi thương.
Bài
kệ của Thiền Sư Mãn Giác cứ vang lên trong đầu:
“…Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. “
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. “
(…Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành
mai. Ngô Tất Tố dịch)
Vạn
vật luôn chịu sự chi phối của luật tuần hoàn, xuân đến thì hoa nở, xuân đi hoa
lại rụng, con người có sinh thì có diệt. Nhưng “Chết” không phải là chấm dứt mà
chỉ là bắt đầu một sự sống mới vì muôn loài vẫn tái sinh như cành mai mới nở
đêm hôm qua khi mùa xuân đã tàn.
Vuốt
ve hũ tro của Uyển trên bàn thờ, Tôi thì thầm:
“Con gái cưng của mẹ ơi! Lúc nào mọi người
trong gia đình cũng sẽ vẫn yêu thương và nhớ đến con, nhớ đến niềm hãnh diện và
45 năm hạnh phúc con đã mang đến, thôi con hãy ngủ một giấc ngủ bình yên, không
lo lắng, không bệnh tật, không muộn phiền.
Con
ơi! Con là nhành mai mới nở trong tâm hồn mẹ, rực rỡ và yêu kiều, thanh thoát.
Dù ở đâu, hoàn cảnh nào, mẹ cũng mỉm cười ngắm cành mai ấy, mà vượt qua mọi phiền
não trong đời. Đời người là một chiếc cầu, như Phật đã dạy, con đã qua chiếc cầu
đó, một cách nhẹ nhàng, êm ái, mẹ rồi cũng sẽ bước qua như con thôi.
Hãy ngủ yên nghe con!”
Lê Nguyễn Hằng
Tháng 5, 2014
(*) Thơ Phạm Thiên Thư
MY RELEASE
I felt a release within my heart today
It felt really good but also sad in a
way
I decided to accept my child is gone
Never more to return home
It's not I've given up hope you see
I know my child will always be with me
My child is gone, but never far away
I know we'll be together come some day
Oh yes, I miss my child so very much
Just to feel that wonderful touch
I still cry and the pain isn't gone
And sometimes I do feel so alone
I realized I need to let my child go
It was painful, but I felt better though
I sense happiness from my child
I felt a peace, I haven't felt in a
while
I've started a new normal, a new me
I see light instead of darkness before
me
This road will be long, detours along
they way
I can do it for I am in control today
Poetry by
Doyle Alldredge
No comments:
Post a Comment