Friday, June 10, 2011

XỨ NẪU


Sông Lô
Kể từ ngày rời xa quê hương sống đời lưu xứ, rồi được định cư ở quê hương thứ hai, nỗi ao ước được gặp lại bà con cùng quê trong một môi trường gặp gỡ đồng hương nơi mình đang định cư như cứ đăng đẳng đeo tôi suốt bao năm ròng, nhất là vào những dịp họp mặt, những đêm văn nghệ thính phòng hay những cuộc họp thân hữu với những “Bà con xa” không cùng nơi chôn nhau cắt rốn. Lẽ dĩ nhiên, nỗi ước ao ấy càng cứ như muốn nhân lên trong những dịp như vừa nói.

Điều mong ước trên trông thì thật bình thường đối với những người tỵ nạn CSVN đang sống trên đất nước Hoa Kỳ rộng thênh thang này, nhưng quả là một chuyện không thể đối với những người tỵ nạn CSVN đang lưu trú nơi trời Âu mù mịt, cam phận, cũ kỹ và chật hẹp… điển hình như nước Đức, nơi tôi đang sinh sống, ấy là chưa kể những xứ thuộc vùng lạnh giá Bắc Âu cô đơn trong gió tuyết. Sở dĩ tôi khẳng định được điều này là vì nếu đem gom tất tần tật người dân xứ Nẫu nơi tôi đang lưu trú thì tôi chắc là chỉ có khả năng đếm được không là bao.

Nói đến chữ “Nẫu” thường thì thiên hạ hay đem nó ra đùa hay ghẹo để mua vui một cách vô thưởng vô phạt hơn là nghiêm túc đề cập đến một loại thổ âm miền Trung nghe là lạ đến quê mùa so với những thổ âm khác trong cộng đồng dân tộc Việt.

Có nhiều người cứ thắc mắc chữ "Nẫu" có nghĩa là gì? Và từ “Nẫu” có mang ý nghĩa miệt thị hay không?
Xin trả lời, ý nghĩa có miệt thị hay không là tùy cách nhận thức và trình độ của mỗi người, nó chẳng những được đánh giá ở tha nhân mà còn chính ngay cách cảm nhận ở người dân Nẫu.

Còn chữ nẫu từ đâu mà có? Đây cũng là một loại “chuyện dài nhiều tập” người viết xin trích ngắn gọn ra đây từ tài liệu ghi được trong bài viết “Xứ Nẫu” của tác giả Phan Thanh Bình như sau:

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường,
Nậu, Man.

Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...

Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.

Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.

Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ: Ví dụ:

Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
- Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.

Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu”.

Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:

Ai nề sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê

Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.

Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.

Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.

Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.

Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là "đại từ nhân xưng" nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? “ thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì dân Nẫu sẽ nói là “Cái nhà nhà này là của nẫu”.

Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói “Vào tận trong đó” thì nói là “Dô tuốt trỏng” hay hỏi "vậy hả?" thì hỏi là “dẫy na?”, "dẫy ngheng" (vậy nghen hay thế nhé), "dẫy á" (vậy đó), "chu cha wơi" (trời đất ơi) v.v...

Cũng vậy, nếu có một chàng trai xứ khác nào đó có quan hệ tình cảm với một cô gái người xứ Nẫu nhưng tình của chang này còn lấn cấn theo kiểu “Mặt trong thì đã mặt ngoài còn e” hay vẫn còn “ú ớ việt gian” thì cũng có thể sẽ nhận được câu nói chân chất với khí phách, ngang tàng, dám nói mà cũng dám làm sau đây từ phía người đẹp. Yêu không yêu thì thâu, cứ dứt phát đi (Ý nói yêu không yêu thì thôi, cứ nói dứt khoát đi).

Mất chồng như nẫu mất trâu
Ý nói mất chồng như người ta mất trâu

Hay

Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dề xứ nẫu bỏ mình bơ vơ
Bơ vơ đừng ngại bơ vơ
Nẫu dề Nẫu sẽ viết thơ cho mình

Ý nói thương làm chi cho uổng cái tình của mình, người ta sẽ về xứ của họ rồi bỏ lại mình bơ vơ ... người ta đi về thế nào cũng sẽ viết thơ đừng có ngại.

Có một câu chuyện cười về “Nẫu” cũng xin kể ra đây,

Một anh du khách đi đến xứ nẫu, hỏi cô gái cấy lúa bên đường.
- Cô ơi, cho hỏi thăm, ruộng này của ai vậy?
- Ruộng nẫu đó anh!
-Cái nhà đằng kia của ai vậy em?
- Của nẫu đó anh!
-Vậy chiếc xe Honda kia?
-Cũng của nẫu đó anh!
Đang lúc đó có chiếc phi cơ đang bay trên trời anh du khách mới hỏi thêm,
- Vậy còn máy bay kia là của ai?
- Cũng của nẫu luôn đó anh!
Anh du khách trố mắt: -"Trời, ông Nẫu là ông nào mà giàu quá vậy ta!"

Xứ nẫu quê tôi có hòn núi Nhạn, có Núi Đá Bia, có đèo Cả, Cù Mông, có Vũng Rô, có đập Đồng Cam, có đồng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh”. Xứ Nẫu quê tôi còn có sông Ba, hòn Chùa, có đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, có những rừng dừa xanh nằm trên bãi biển cát vàng, tạo nên những phong cảnh thiên nhiên hài hòa và hùng vỹ. Nói chung nó chẳng khác nào như một nước Việt Nam thu nhỏ vì nó có tất cả, từ vịnh, gành, đầm, vũng đến biển, đảo, núi rừng cùng với cả một vùng đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa miền Trung. Nó còn có cả vùng trung du, vùng, cao nguyên với núi cao rừng thẳm và cũng bắt nguồn từ đó nó đã đi vào ca dao, dân ca, thi ca, văn học nuôi dưỡng tâm hồn người dân tôi qua nhiều thế hệ.

Một tay cầm biển rộng
Một tay nắm trời cao
Quê tôi đứng giữa tự hào
Đất Phú Yên giữ một màu ViệtNam

Hay

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Lẽ loi như ngọn Núi Sầm,
Lặng yên như mặt nước Đầm Ô Loan

Còn đánh giá dân xứ Nẫu như thế nào thì mời bạn đọc xem những mẩu đối thọai dưới đây :

-Ở hoài xứ nẫu, đâm ra tôi cũng dần biết nói tiếng nẫu, mến người xứ nẫu. Người xứ nẫu ăn cục nói hòn, nhưng chắc thiệt. Cái khí chất ăn sóng, nói gió của những cư dân đất này cũng góp vào tiếng nẫu cái mạnh mẽ trong sắc thái ngôn ngữ, cái độ nồng như mang theo cả gió biển và cát nóng.

-Hiện giờ em sống trong một khu toàn là dân "nẫu", họ rất giàu có nhưng mà vô cùng tiết kiệm, thấy mà phát oải luôn, các học trò của em thì xuất xứ đủ mọi miền bắc trung nam, nhưng em thấy học trò xứ nẫu thông minh vượt trội, nhưng có điều tính cách hơi cực đoan và khó gần gũi. Không biết gái "nẫu" có dể thương không hử các bác?

-Rất dễ thương nhưng thường nóng tánh và đá song phi rất giỏi nhưng biết chiều chồng và lo cho gia đình đồng thời sức chịu đựng rất cao.

-Tôi lang thang Quy Nhơn, Tuy Phước rồi vào Sông Cầu, Tuy Hòa... một thời gian nên cũng có nhiều kỷ niệm với vùng đất này. Con gái "nẫu" thường khép kín và khá nghiêm trọng. Họ quan hệ với ai thì rõ ràng, rành mạch (khá khuôn phép và phong kiến). Khi đã "thương" rồi thì họ cực kỳ bền nhưng để cho họ "ghét" rồi thì coi như là xong.

-Dân "nẫu" có cái ít "đĩ miệng" như dân ở phía ngoài nhưng cũng không bộc trực, gan ruột để ra ngoài như dân miền
Nam (chính cống). Dân vùng "nẫu" có điểm rất đặc biệt là họ rất sợ bị "nói". Làm cái gì cũng sợ hàng xóm, láng giềng, xã hội dòm ngó. Nói chung họ bị những khuôn phép cũ kỹ ràng buộc và tai miệng thiên hạ chi phối khá nặng nề.

-Dân Nẫu nói chung là dân đặc biệt rạch ròi trong cuộc chiến VN. Theo và chống cả hai phía CH và CS rất cực đoan. Có những người bỏ cả gia đình để đi theo VC và có những người bỏ cả gia đình để chống VC.

-Giai thoại đàn bà con gái Bình Định "đi quyền, đánh roi" xuất hiện trên sách báo chỉ là phóng đại. Không phải đàn bà con gái Bình Định ai cũng... "có nghề" cả đâu. "

Có một nhạc phẩm hát theo thể loại hát chòi, đó là một thể loại hát dân gian chỉ ở dân Phú Yên, dân Bình Định hay nói cách khác là dân Nẫu mới có được. Chính nghệ sĩ hài nỗi tiếng Hoài Linh đã đưa lên sân khấu hài qua giọng bi ai đặc xệt chấc Nẫu với nhiều ý vị mang tính văn hóa phi vật thể trù phú dân gian.

Vâng, chính dân Phú Yên được người ta mệnh danh là dân xứ "Nẫu", đó là tiếng nói đặc trưng của quê tôi mà nhạc phẩm Trách Thân một thể loại dân ca Phú Yên Bình Định sau đây được hát theo điệu Chòi, diễn tả cái phong cách riêng của người dân xứ Nẫu hiền hòa chấc phát mà cũng nhiều tình cảm.

Trách Thân

Thân nè, trách thân nè. Thân sao chớ lận đận nè, mình nè, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu.

Chớ bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo nên vợ tui nó mấi (mới) không ở nữa mà nó theo chứ Nẫu rầu (rồi)

Em ơi chớ bi (bây) giờ mà em ở kìa nâi (nơi) đâu? Chớ để cho Qua (anh) nè Qua (Anh) trông đứng nữa trông ngầu (ngồi) rầu (rồi) canh phia (khuya).

Chớ hầu (hồi) nào qua Phú Lỡ (Phú Lễ) eng (ăn) ẩu (ổi) chua, chớ xuống Đại Lãnh, uống nước ngót (ngọt), chớ qua Hòn Dùa (Hòn Dừa), eng (ăn) mực neng (nang). Chớ bây giờ em không ngó nữa em không ngàng đến chồng nghèo nó cực khổ mà gian nan nó cơ hàn...

Hầu (hồi) nào chớ em thất nghiêp, em đi làng (lang) thang chớ anh thấy em nữa tậu (tội) nghiệp anh di mang anh nuôi rày.
Chớ hầu (hồi) nào em bán nước đá rầu (rồi) anh đi may hai đứa mình nè, chung sống chứ không biết ngày rầu (rồi) mai sau.
Chớ hầu (hồi) nào em bắt ốc rầu (rồi) anh hái rau. ư bây giờ, em đở (để) lại mấu (mối) sầu này cho Qua...
Hầu (hồi) nào trái chuối chín... cũng kấng (cắn) làm ba, chớ trái cam tươi cũng kấng (cắn)... Làm bốn, nửa trái cà cũng kấng (cắn) làm năm
Chớ bây giờ em lấy Nẫu chớ em ân (ăn) nằm, em bỏ Qua chớ Qua hiu quạnh,vấi (với) năm canh Qua một mình...

Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rùng (rung) rinh có giọt lợ (lệ) sầu, giọt lợ (lệ) tham (thảm) như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ, như con Cuốc nó kêu tù qua chớ nó lẻ đâu (đôi), nó lẻ bạn, í quớ chú cha ơi.... là buồn!

Cũng vậy, bài thơ “Nghĩa Tình” dưới đây cũng là một điển hình nói lên được khía cạnh tình cảm của người dân xứ Nẫu quê tôi

Nghĩa Tình

Tôi cứ (cưới) bà từ thở (thuở) mừ (mườ)i lăm
Vợ chồng hủ hỉ ăn nằm với nhau
Nhớ hầu nào bà ốm bà đau
Tôi lo thang thuốc cho bà mau chóng lành
Bây giờ bà béo nước bà ngọt canh
Bà quên đi cái nghĩa ba sinh thuở nào
Tôi nói ra chẳng phải tính công lao
Tôi nuôi bà mập ú cặp nhủ bà tròn inh
Bây giờ bà giờ bạc nghĩa bạc tình
Để tôi ngậm đắng cũng chịu đành vậy thôi
Gia tài chẳng có là bao
Chỉ có cái cối giả gạo của tôi với bà
Mai này lỡ có ra tòa
Bà rinh cái cối tôi na cái chày
Đêm về ngẫm nghĩ gác tay
Cái cối bà lạnh lẽo mới sang mượn cái chày của tôi

Nói chung văn hóa xứ Nẫu quê tôi không những chỉ thể hiện qua điệu hát chòi than trách thân phận não nùng ai oán như trên, cũng không những chỉ thể hiện qua những tuồng hát bộ mộc mạc dể dải cùng với những ngọn tháp Chàm trầm mặc với “Bao nhiêu vật đổi sao dời, tháp Chàm kia cũng ngậm ngùi phong rêu” mà còn thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ không lạc vào đâu của nó.......... Dẫy ngheng (thế nhé).

Thật là một bất ngờ đến với tôi, từ Châu Âu lạnh lẽo, đắt đỏ và chật hẹp vừa chân ướt chân ráo đến San Jose, Hoa Kỳ, đất nước của năng động, mới mẻ, bao la và nhiều cơ hội cho mọi khả năng. “Con tàu” còn lắc lư vì giờ giấc lộn xộn thì một ông anh đồng hương dễ mến gọi điện thoại rủ tôi đến tham dự Ngày Họp Mặt của cựu học sinh xứ nẫu (Tuy Hòa Phú Yên) Bắc
Cali. Tuy còn mệt nhưng tôi nhận lời mà không chút tính toán. Nơi tổ chức là Hội Trường Liên Đoàn Ra Khơi Hướng Đạo Việt Nam ở địa chỉ số 420 Tully Road, San Jose, CA 95111.

Tôi loay hoay hoài mới tìm được điểm đến và lẽ dĩ nhiên là có bị trể nhưng chắc các anh chị trong ban tổ chức cũng thông cảm cho người con “xứ nẫu” cô đơn lưu lạc mãi tận đẩu tận đâu bên trời Âu quê mùa xa xôi nên chi mọi sự nhanh nhạy cũng không thể nào sánh được với đồng hương ở Hoa Kỳ.

Buổi họp mặt tuy không đầy đủ 100% cựu học sinh xứ Nẫu ở San Jose nhưng cũng vừa đủ cho một không khí gặp gỡ thân tình mà hầu hết các cựu học sinh đến với nhau trên tinh thần đồng môn, anh chị em bằng hữu tìm về. Trong buổi họp mặt còn có hai vị giáo sư, thầy Đằng và thầyThiều cùng 2 cô tuy tuổi đã quá thất tuần nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Chúng tôi, hai thầy và “lủ học trò” trong không khí ấm cúng, trong tình đồng hương đầm thắm đã ôn lại biết bao chuyện buồn vui của ngày xưa thân ái, của thuở xa êm đềm có tình thầy trò quý mến có tình anh em thiết thân, có “.... Anh còn nợ em, chim về núi Nhạn… .trời mờ mưa đêm…..Trời mờ mưa đêm..” mà bây giờ chỉ còn là vang bóng.

Sau đó là chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn với những giọng ca tiếng hát tuy không là chuyên nghiệp nhưng đã chứng tỏ được những giọng ca tài tử xứ nẫu luôn có chỗ đứng vững vàn trong vòm trời văn nghệ quê hương. Phần văn nghệ đa dạng này đã tạo cho buổi họp mặt thêm phần phong phú và hấp dẩn.

Cũng nhờ có buổi họp mặt này mà tôi đã có cơ hội được gặp lại biết bao khuôn mặt thân quen của thế hệ đàn anh, đàn chị xứ nẫu mà bấy lâu nay tưởng như sẽ không bao giờ có cơ hội để mà gặp lại, thậm chí hầu hết những khuôn mặt có thể nói là từ lâu đã chìm vào quên lãng.

Nói chung, buổi họp mặt thân tình đã chuyền ấm cho nhau, đã cùng chia sẻ cho nhau niềm vui gặp mặt để như thấy mình sống lại cái tuổi mười lăm mười sáu của thuở sân trường xa lơ xa lắc ở một thành phố nhỏ bé hiền hòa miền Trung.

Cũng xin chép ra đây hai bài thơ, 1 đã được người viết sáng tác trong hoàn cảnh cô đơn đón Tết quê hương nơi xứ người. Bài thơ nầy cũng xin tặng đến bà con xứ Nẫu mình, những người đang sống đời lưu xứ đâu đó trên những vùng đất không phải là quê hương và 1 được sáng tác trong hoàn cảnh tủi nhục từ trại tù tập trung trở về cũng để tặng cho đồng hương xứ Nẫu cùng thân phận.

Tan Tác
SôngLô

Chiều hôm nay tôi về lại quê xưa
Sau bao năm làm thân tù cải tạo
Ngọn núi Tháp đứng buồn ảo não
Đợi chuyến tàu uể oải chở người thân
Dòng sông Ba gợn sóng nước lăn tăn
Như tủi ...như mừng… người xa vừa trở lại
Hãy tha thứ cho tôi đứa con ðà mệt mỏi
Trở về quê mà ái ngại cầm lòng
Cầu Ðà Rằng hai mươi mốt nhịp nối ngang sông
Qua cầu cũ lòng rưng rưng khó tả
Bao kỷ niệm bỗng ùa về trong trí nhớ
Của ngày thơ tuổi nhỏ với dòng sông
Lâu lắm rồi tôi đã thật tình quên
Thân tù tội còn chi đâu để nhớ
Tôi nhìn sông bên bồi nay lại lở
Lũ cờ sao lỏ đỏ mé bờ sau
Tằm tơ ta ðã mất mấy mùa dâu
Tôi đã qua bấy chặng ðường gian khổ
Lúa vàng ta ðã bao mùa dang dở
Bước đời tôi cũng dang dở bao mùa
Ðêm nằm chiêm bao thường thấy cảnh quê xưa
Chợt tỉnh giấc thấy mình ðang tù tội
Hãy tha thứ cho tôi hỡi quê nghèo tăm tối
Bởi đời tôi cũng tăm tối vô cùng
Tàu vào ga thê thiết rít từng cơn
Như nài nỉ như van lơn gì đó
Nhà ga nhỏ vẫn là nhà ga nhỏ
Nhưng im lìm nhưng lặng lẽ làm sao
Còn chi đâu ga hỡi những sắc màu
Của áo lụa quần là người ðưa ðón
Của ngýời yêu gặp người yêu bẽn lẽn
Của tiếng cười giọng nẫu rất thân quen
Của mẹ tiễn con đi học tận Sài Gòn
Âu yếm nhét thêm vài ðồng uống nước
Của những ðoàn trai lên ðường ra phía trước
Lòng lớn theo tiếng gọi quê hương
Của lòng tôi chưa một chút tơ vương
Trong văng vắt như dòng sông mùa hạ
Còn ngào ngạt không em hương Thầu Đâu xanh sắc lá
Của thuở nào ta vẫn ðê mê
Nắng chiều hanh còn nhuộm tóc gái quê
Của một thuở xuân mới về bỡ ngỡ
Của một thuở qua đi không còn nữa
Của một thời lồng lộng ước mơ xa
Của một thời yêu... yêu rất thiết tha
Thơ với mộng cũng vì yêu ai đó
Của một thuở đi xa thì thấy nhớ
Xóm làng quê vời vợi mãi trong lòng
Nhưng giặc thù bắn giết không ngừng
Nên cũng lên ðường như bao người anh ði trước
Đành giã biệt dòng sông, nhịp cầu, nhà ga, núi Tháp
Giã biệt mẹ hiền một nắng hai sương
Đời lính gian nan khổ vạn dặm ðường
Nhưng vẫn thấy yêu ðời chi lạ
Tôi có người vợ hiền son trẻ
Cưới nhau từ thuở cuối binh đao
Vội vã cho nên chẳng có cau trầu
Cũng chẳng có áo cô dâu trong ngày lễ
Tình chồng vợ gối chăn dăm ba bữa
Rừng sâu biền biệt tôi đi
Ðêm cô ðơn nàng chỉ biết thầm thì
Khấn Trời Phật độ chồng nơi "cải tạo"
Dẫu cay đắng dẫu nhiều ðiên ðảo
Vẫn một lòng với kẻ sa cơ
Tôi có người em gái nhỏ
Tuổi em thuở ấy trăng tròn
Chắc giờ em tay bế tay bồng
Và lưu lạc phương nào tôi chẳng rõ
Đám cưới em tôi ở tuyến đầu lửa đỏ
Nên chẳng ðược về dự lễ mừng em
Bởi thương anh đời lính phong sương
Tình em trải theo dặm ðường gian khổ
Chẳng biết giờ ra sao hỡi người em gái nhỏ
Hay cũng đổi đời tơi tả như anh
Tôi có những thằng bạn thân
Thường hẹn gặp nhau ở mỗi lần về phép
Bên tách cà phê, ðiếu thuốc Basto mà thấy đời vẫn đẹp
Đẹp như cô nàng ngồi két thật duyên
Đứa hát đứa ðàn những bản nhạc dở dang
Không thuộc hết nhưng cứ lỳ hát mãi
Ðàn cũ nay đâu? quán xưa tê tái
Dăm thằng biền biệt nơi nao
“Nẫu đi biền biệt nơi nào
Nẫu còn giữ mãi quê nghèo trong tim
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê”
Hãy tha thứ cho con, đời con giờ ra thế
Mẹ già ơi tóc bạc trắng cả rồi
Ôm lấy tôi mẹ run rẩy không rời
Dòng lệ tủi chan hòa trên ánh mắt
Con biết lắm lòng mẹ già héo hắt
Lòng mẹ buồn như ðồng lúa hôm nay
Lòng mẹ buồn như trái héo trên cây
Như dòng sông, nhịp cầu, nhà ga, núi Tháp
Nhưng tình mẹ vẫn nồng nàn ấm áp
Trong tay người tôi bé bỏng làm sao
Tuổi ba mươi mà ngỡ như tuổi thơ năm nào
Nên chẳng biết nói gì ngoài rưng rưng nước mắt
Đến thăm tôi những người quen thân thiết
Những bà con chòm xóm xa xưa
Rất chân tình tha thiết kể tôi nghe
Chuyện tủi nhục chuyện đổi đời tan tác
Xin cảm ơn những chú, dì, cô, bác
Đã không bắt tôi kể tốt chuyện lao tù
Cũng không bắt tôi phải gục mặt cúi đầu
Nhận phần lỗi trước bọn người sắt máu
Để ðược trả quyền công dân, ðược làm con làm cháu
Của bác Hồ, Của Các Mác, Lenin
Để phải sống đời lao động quang vinh
Để phải biến sỏi ðá thành cơm qua công sức
Tôi sẽ nuốt những căm hờn vào ngực
Nén đau thương thành sức bật cuộc đời .....
Hãy tin tôi cô, bác, chú, dì ơi.

Sông Lô

No comments:

Post a Comment