Sunday, October 17, 2010

KỶ NIỆM ĐỜI TÔI

Hoàng Yến
Tôi theo gia đình từ Đà lạt xuống Tuy Hòa năm 11 tuổi. Đầu tiên học trường Nữ rồi sau đó thi đậu Đệ Thất và chính thức bước vào ngưỡng cửa trường trung học Nguyễn Huệ.
Ba tôi là công chức, được thuyên chuyển đến nhiều nhiệm sở khác nhau nhưng không ngờ Tuy Hòa lại là nơi gia đình cư ngụ lâu nhất, cũng tại nơi đây mẹ và hai em trai của tôi đã vĩnh viễn an nghỉ ngàn thu. Hiện tại chỉ còn người cha già trên 90 tuổi và người em trai út vẫn còn sinh sống dưới mái nhà xưa gần trường Nguyễn Huệ cũ.
Ba tôi rất yêu quí thành phố này, ông nói Tuy Hòa là nơi “đất lành chim đậu”, người dân chất phát hiền hòa và nhiều tình cảm, nên đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Cũng chính vì nguyên do này mà ba tôi đã nhiều lần từ khước bảo lãnh sang Mỹ.Hoàng YếnThời gian này người thân quen thường gọi ba tôi là ông “cò” Tâm, vì ổng làm trong ngành Cảnh Sát, còn mấy cậu học trò không dám chọc ghẹo tôi vì thấy ông cò lúc nào cũng đeo khẩu súng kè kè bên hông. Nhưng có một lần tôi cũng hẹn hò với một nam sinh Trường Cường Để Quy Nhơn về thăm gia đình ở Tuy Hòa. Hai đứa hẹn gặp nhau tại rạp Diên Hồng, đi đến nhà thờ Tuy Hòa với ý định dẫn “bồ” của mình đến đường số 6, chỉ cho chàng xem trường học của tôi. Trong lúc đang đi bên nhau, thả hồn quên hết mọi việc thì bỗng nhiên một tiếng hét lớn như tiếng súng:
- “Bé!” (tên gọi ở nhà của tôi), mày không ở nhà học hành mà la cà ngoài đường? Tao sẽ nói với ba Hoàng Yếnmày cho một trận đòn bây giờ!”
Đó là lời cảnh cáo của chú Ngỗ, em ba tôi. Hai đứa hết hồn, đó cũng là lần hẹn hò đầu tiên và cuối cùng của tôi.
Mẹ tôi mở quán cơm trước ga xe lửa rất đông khách, tôi được dịp đạp xe tung tăng ngoài đường đi thu tiền hụi, tiền nợ và lấy hàng, nên chẳng mấy chốc thành phố Tuy Hòa nhỏ bé đã nằm thuộc lòng trong trí nhớ của tôi.
Tôi nhiều bạn lắm, họ đặt cho tôi biệt danh “Yến Tóc Vàng” có người còn tặng cho tôi biệt hiệu “Ái Liên”, vì không muốn gọi tôi…”Yến Lai”, mặc dù tôi không hề có giòng máu tây phương nào trong người, ngoại trừ mái tóc vàng hoe mà Phạm Đức Hiền gọi tôi là… Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn!
Những người bạn ngày xưa gần gũi tôi nhất có Bùi Thị Gái, Lê Thị Thanh Vân (ca sĩ của trường), Thân Thị Mai (“Mai Tóc Thề”), Đặng Thị Xuân mà thầy Ngọc tặng cho mỹ danh “Xuân Chanh Chua”, Bích Thủy (Thủy Miền Nam), Nguyễn Thị Tín… và đặc biệt là Hoàng Thanh Phước. Tôi đã được hân hạnh dự đám cưới của Thanh Phước – Duy Nhượng vào cuối năm 1963. Có lẽ đây là đám cưới đầu tiên của mối tình học trò trường Nguyễn Huệ thời chúng tôi lúc bấy giờ.
Phước sống với mẹ già, nhà ở trên đầu dốc, nằm sát chân núi Nhạn gần rạp Diên Hồng. Phước là con út nên được mẹ cưng chiều, bà cũng rất thương tôi, thường giữ tôi ở lại ăn cơm; bà người Huế nên nấu ăn rất ngon, vì vậy tôi cũng là “khách” thường xuyên của nhà Phước.
Nhắc đến Đặng Thị Xuân tôi không khỏi xúc động vì tôi thương Xuân nhiều nhất, nhà hai đứa ở cạnh nhau, cùng học chung một lớp nên chất đầy kỷ niệm. Tôi còn nhớ có một anh chàng trồng cây si cô nàng (cũng là chồng Xuân sau này), biết hai đứa mê đọc chuyện kiếm hiệp nên đã tìm mua “Cô Gái Đồ Long” đem tặng. Thế là hai đứa dành nhau đọc trước, nên chúng tôi đành phải tách đôi mỗi đứa một nửa, xem xong đổi cho nhau. Thời niên thiếu thật ngây ngô, khờ dại.
Tuổi thần tiên rồi cũng qua mau, năm 1964 tôi bỏ sách vở để theo chồng, một chàng “nhạc sĩ với cây đàn” vào Saigòn xây tổ uyên ương.
Từ một cô nữ sinh tuổi 17 bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, bổn phận làm vợ làm mẹ với muôn vàn khó khăn, nan giải, nhưngHoàng Yến tôi luôn có anh bên cạnh khuyến khích, an ủi cảm thông. Cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi cho đến ngày nước mất nhà tan vào năm 1975.
Vì tương lai của 2 người con trai, tôi đã đành lòng để cho chồng mang hai khúc ruột của mình đi vượt biên, còn mình thì thui thủi ở lại quê nhà làm đủ mọi việc để sống qua ngày trong một căn lầu ở gần nhà thờ Vườn Soài; và nhờ ơn Trên, cuối cùng gia đình chúng tôi cũng được đoàn tụ tại Hoa Kỳ, và đang định cư ở thành phố Palm Coast, Florida.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, kỷ niệm nhạt nhòa chợt đến chợt đi, thấm thoát đã 46 năm dần qua. Nơi xứ lạ quê người tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại thầy xưa bạn cũ nhưng may mắn thay những ngày tháng gần đây tôi đã liên lạc và gặp lại được rất nhiều… nhiều lắm, như thầy cô Lê Ngọc Thiều, thầy cô Nguyễn Khoa Đằng, Chị Lê Phan Tuyết (nhà văn Hoài Niệm), Thanh (mười tám gian), Lưu Phúc Phương, Nguyễn Thị Cúc, Đặng Thị Xuân, Đặng Đình Khuê, Nguyễn Văn Bửu, Cái Hùng Chi, Thúy Chương, Hà Văn Nết, Đặng Thị Quí (tiệm gỗ Đức Thịnh), Hoàng Ánh (Ty Thông Tin), Lương Lệ Huyền Chiêu, Trịnh Vũ Hoang Mai, Trần Đình Minh, Lan Anh, chị Chánh, chị Hạnh (em thầy Bình), chị Nguyễn Thị Hằng, Đức Hiền, Duy Nhượng, Thanh Phước và còn nhiều bạn khác nữa... kể không hết.
Được gặp lại thầy và bạn cũng là do “công ơn” của chị Hoài Niệm… Nhờ trao đổi văn học và nghệ thuật qua mạng lưới nghệ sĩ trên Internet mà chồng tôi (Lmst) đã biết được nhà thơ Hoài Niệm quê quán ở Phú Yên, nên anh đã hỏi thăm bại bè cũ của tôi, và biết được đại hội cựu học sinh Nguyễn Huệ Phú Yên toàn thế giới tổ chức tại Nam Cali vào mùa Hè năm 2009.
Ngay sau khi biết được tin tức của bạn bè, vào đầu năm nay tôi liền rủ cái Xuân tử Đức Quốc đến San Jose để xum họp với thầy cũ và bạn xưa.
Phải nói chuyến viếng thăm Thung Lũng Hoa Vàng đã làm cho tôi mất nhiều nước mắt nhất: vui vì được gặp lại những người thân yêu, buồn được biết có một số thầy cô và bạn bè đã qua đời.
Tôi rất cảm động khi được thầy cô và các bạn đón tiếp thật nồng hậu tại thành phố hiếu khách này, đặc biệt là tại nhà anh chị Nguyễn Dậm – Lưu Phúc Phương, chúng tôi ôm nhau, tay bắt mặt mừng, rưng rưng nước mắt; đặc biệt là tôi đã được ăn những món đặc sản của Tuy Hòa và San Jose mà ở Florida không có, nhất là món bánh bột lọc, bánh bèo, ăn hết….nghèo luôn.
Hai ngày sau chúng tôi gặp nhau tại nhà của anh chị Phạm Đức Hiền - Diễm Hoa, với khoảng 20 người tham dự, và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp thầy cô, đồng môn đông nhất từ ngày qua Mỹ đến nay. Chủ nhà tặng cho tôi 4 câu thơ:

Bao nhiêu năm gặp lại
Nhìn em vẫn như xưa,
Tâm hồn như ngây dại
Và trái tim…đong đưa!

Làm mọi người ôm bụng cười nghiêng ngửa.

Vì thầy Thiều không được khỏe nên hôm sau tôi đã đến thăm thầy cô; gặp thầy, tôi lại một lần nữa nước mắt chảy như mưa…

Cuộc vui nào cũng chóng tàn, chúng tôi đành phải xa nhau, tôi về Florida, còn cái Xuân về Đức, lòng buồn vời vợi...
Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cám ơn đến tất cả các anh chị trong ban tổ chức của hai miền Nam Bắc Cali đã thực hiện thành công rực rỡ đại hội tại thành phố Santa Ana ở miền nam California để quý thầy cô và cựu học sinh sống rải rác khắp bốn phương trời cùng quay về gặp gỡ, đoàn tụ dưới mái ấm đại gia đình.
Tôi cũng được anh Duy Nhượng gửi tặng DVD đại hội; chúng tôi xem đi xem lại và đã nghẹn ngào mỗi khi nhìn thấy hình ảnh quý thầy cô kính yêu của chúng ta nay tóc đã phai mầu, nhưng trên khuôn mặt rạng rỡ luôn nở nụ cười tươi, biểu lộ niềm hân hoan và mãn nguyện. Cầu xin ơn Trên ban nhiều phước lành đến quý thầy cô và các bạn của tôi.
Tôi đang đợi chờ từng ngày mong sớm đến ngày đại hội kỳ II vào năm 2011 tại San Jose, để được xum vầy với thầy cũ bạn xưa. Hoàng Yến tha thiết mong mỏi quý thầy cô và các bạn cố gắng tham dự để cho Hoàng Yến có cơ hội được gặp mặt dù chỉ một lần.

Florida, ngày 10 tháng 10 năm 2010
Hoàng Yến.

No comments:

Post a Comment