Saturday, October 16, 2010

NGUYỄN HUỆ DẤU YÊU


Năm 1963, biến cố chính trị 01 tháng 11 ảnh hưởng sâu nặng như cơn lốc đột ngột ập xuống cuốn đổ mái ấm gia đình tôi, trong hoàn cảnh đặc biệt đó tôi buộc lòng phải nghỉ học, tức tưởi từ giã mái trường thân yêu sau sáu năm miệt mài học tập mang theo bao luyến thương tiếc nuối.

Hôm nay sau 43 năm, nhắc lại ngôi trường Nguyễn Huệ dấu yêu thuở nào, lòng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động với bao kỷ niệm êm đềm, vui buồn lẫn lộn như sống lại trong tôi. Hình ảnh thân thương của ngôi trường cũ lúc tỏ lúc mờ qua lớp bụi thời gian ẩn hiện trong tâm trí, mà đã quá lâu tôi chưa thể về thăm, nên tự trách là mình quá vô tình.

Là một thiếu niên 14 tuổi trong bộ đồng phục áo trắng quần xanh vào mùa khai giảng niên khóa năm 1957-58, tôi vui mừng, hãnh diện hớn hở bước vào lớp đệ thất trường Nguyễn Huệ mà lúc bấy giờ là một cấu trúc gồm ba dẫy, mái tôle, tường gạch, xếp theo hình chữ U, dẫy giữa dành cho trường nữ tiểu học, hai dẫy còn lại dành cho học sinh trung học, nằm trong khu đất rộng cạnh đường số 6, khoảng một phần ba lộ trình từ nhà ga xe lửa xuống biển. Khu đất này nguyên thủy là ruộng lúa, rất thấp so với mặt đường, đến mùa mưa nước đọng thành hồ lớn, có năm lũ lụt biến thành biển nước mênh mông, buộc học sinh phải nghỉ học đôi ba ngày.

Năm 1960 qua phong trào phát triển giáo dục, học sinh ngày càng đông, ngôi trường mới được xây lên, kiến trúc tân kỳ, đồ sộ với nhiều dẫy nhà hai tầng, ba tầng, phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, có thư viện, phòng thí nghiệm, sân tập thể thao, thể dục, sân bóng rổ, bóng chuyền, bóng tròn v.v... chung quanh bao bọc bởi tường xây cao hơn hai mét, tọa lạc trên vùng đất rộng gần khu tư gia công chức, giữa trung tâm thành phố, không xa đại lộ Trần hưng Đạo bao nhiêu nên rất thuận lợi cho học sinh đi học.

Nguyễn Huệ bấy giờ là trường trung học công lập duy nhất, lớn nhất thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, niềm mơ ước và kỳ vọng của biết bao học sinh trong tỉnh. Muốn gia nhập đại gia đình Nguyễn Huệ phải tranh tài rất cam go qua kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất (khó hơn thi tiểu học) và đệ tam (khó hơn thi trung học).

Với đội ngũ giáo sư trẻ, tốt nghiệp đại học sư phạm, giầu kinh nghiệm giảng dậy, tận tâm yêu nghề và rất thương yêu học trò, Nguyễn Huệ không những nổi tiếng trong tỉnh mà nhiều tỉnh lân cận đều biết đến. Khi nói đến Nguyễn Huệ người ta biết ngay ở Tuy Hòa cũng như Võ Tánh ở Nha Trang, Cường Để ở Qui Nhơn.

Nguyễn Huệ đào tạo nhiều học sinh xuất sắc, tài giỏi, cung ứng nhân sự cho xã hội về nhiều lãnh vực khác nhau như kỹ sư bác sĩ, giáo sư luật sư, nhà báo nhà văn, doanh nhân học giả, nhiều viên chức nắm giữ chức vụ cao cấp hành chánh và quân sự trước năm 1975.

Ngày nay, tại hải ngoại cũng có nhiều ngưòi thành danh, điển hình tại San Jose bây giờ có bác sĩ Nguyễn hoài Trung, bác sĩ bộ khoa Nguyễn duy Hãn, bác sĩ nha khoa Nguyễn hồng Trà, kỹ sư Phạm Hoàng, kỹ sư Nguyễn văn Hùng, chị Nguyễn thị Hằng, anh Nguyễn văn Nam (Quang đăng Trường) từng giữ chức vụ điều hành các công ty, anh Đỗ như Tại chủ nhân nhà hàng Mỹ Cảnh, chị Vương Hồng, anh Vương Nên chủ nhân Dakao sandwiches 1, 2... đặc biệt một số xuất chúng nổi danh quốc tế như tiến sĩ Diệp thế Hùng hiện là chuyên gia cao cấp trong chính phủ Pháp, tiến sĩ Nguyễn Tịnh giữ chức vụ quan trọng tại bộ thương mại chính quyền Hoa Kỳ, tiến sĩ Nguyễn hữu Lệ chuyên gia từ Mỹ về điều hành một công ty điện tử lớn vào bậc nhất tại Việt Nam và biết bao người thành danh khác mà tôi chưa biết. Những ai từng học tại đây mỗi khi nghe nhắc đến hai tiếng “Nguyễn Huệ” đều chung mẫu số tự hào hãnh diện.

Tôi yêu Nguyễn Huệ vì nơi đây có nhiều vị thầy khả kính, tinh thần trách nhiệm cao, suốt đời quên mình, âm thầm hy sinh, lao tâm khổ nhọc đào tạo trí dục, đức dục cho tôi, cho thế hệ trẻ nên người hữu dụng, làm rạng danh tỉnh Phú Yên, rạng danh tổ quốc Việt Nam.

Tôi có những vị thầy hiệu trưởng mẫn cán, đức độ như thầy Vũ trí Phú (mất tích trên đường vượt biển) thầy Nguyễn đức Giang bình dân, hòa đồng, hiện đang sống tại Đan Mạch, năm 2001 thầy đã đến thăm San Jose, trong buổi họp mặt tôi được vinh dự đại diện nhóm học trò cũ phát biểu chào mừng thầy; thầy Lê ngọc Giáng lúc nào cũng đạo mạo, chỉnh tề tươm tất (đang sống tại Charlotte North Carolina).

Tôi có nhiều thầy mẫu mực, làm gương sáng, thưởng phạt phân minh như thầy tổng giám thị Trần tiến Toản, thầy giám thị Nguyễn văn Hưng... những kỹ sư tâm hồn tài giỏi, tận tụy như thầy Lê ngọc Thiều hiện đang cư ngụ tại San Jose, tuy gần 80 tuổi nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, thầy cô rất thương và quyến luyến học trò, thường xuyên có mặt, chia sẻ vui buồn trong các sinh hoạt của học trò và con cháu học trò; thầy Nguyễn khoa Đằng hiền hòa, cư ngụ tại San Jose, sức khỏe còn sung mãn, ít khi thiếu vắng bóng dáng thầy cô trong các sinh hoạt của nhóm thân hữu cựu học sinh Liên Trường Phú Yên; thầy lúc nào cũng trầm lặng nhưng rất hòa đồng và thân mật, đối xử thân tình với học sinh như bạn; thầy Lê trọng Ngưng từng ở San Jose, nay cư ngụ taị quận Cam; thầy Hồ văn Phú, thầy Nguyễn ngọc Nhâm, thầy Lê quang Khanh dậy Lý Hóa, hiện ba thầy đang ở nam Cali; tôi nhớ thầy Hoàng văn Trí dậy Vạn Vật thường hay đau yếu nhưng vẫn tiến lên bục giảng thấy mà thương; nhớ thầy Nguyễn văn Tâm dậy Pháp Văn, thầy cố vấn lớp tôi nhiều năm, và tuy sức học trung bình, nhưng nhờ năng nổ trong công tác hiệu đoàn, giúp lớp, giúp trường hoàn thành nhiều việc, nên tôi được thầy yêu thương đặc biệt, coi như con; thầy Trần viết Ngạc dậy Sử Ký (chắc thầy chưa quên tôi vì nhiều lần thầy cho tôi thuyết trình trong lớp), thầy Gạch dậy Địa Lý, thầy Bửu Đôn dậy Vạn vật, thầy Hướng dậy Việt văn đệ ngũ, thầy Quát, thầy Quyên, thầy Quỹ dậy việt văn tứ, tam, nhị, sư huynh Hùng (hiệu trưởng trường Đặng đức Tuấn) dậy Việt văn đệ tam, đệ nhị (thường phê bài tôi: tư tưởng mới, tư tưởng độc lập) thầy Ninh văn Thông dậy thể thao thể dục, thầy Lê duy Long dậy vẽ, thầy Nguyễn văn Hàng dậy Anh văn, quý thầy Nguyễn văn Thắng, Lê văn Chút, Bùi xuân Tri, Lê thuần Phong, Nguyễn văn Phú, quý cô Nguyễn thị Cúc, La Thị Hường, Phạm thị Hồng Huợt, Trần thị Hoa, Lê Thị Minh Châu, Thái thị Nghiêm, Ngô Thị Hiền…là những giáo sư năng động và nhiều thầy cô khác lâu quá tôi không nhớ nổi, mong quý thầy cô tha lỗi, ngày nay tuy không còn đứng trên bục giảng nhưng đức độ của quý thầy cô vẫn được học trò tôn kính khắc ghi trong lòng.

Tôi yêu Nguyễn Huệ vì nơi đây cho tôi nhiều kỷ niệm êm đẹp thời niên thiếu, cho tôi kiến thức vào đời (tuy đến nay đã làm ông nội, ông ngoại mà vẫn chưa thành danh, thành nhân). Nơi đây cho tôi kết thân với nhiều bạn tri kỷ, anh Ngô tấn Phổ, anh Phạm Phích, anh Trần tử Hòa, anh Đặng Khuê, anh Cái hùng Chi, chị Lê thị Chính, chị Nguyễn thị Nghiêm, chị Cao thị Phượng, bạn ngang lớp có chị Nguyễn thị Hạnh (Hạnh Huế) ở Orange county, tôi và chị cùng sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, trong đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, chúng tôi ngấm ngầm thi đua tranh tài, chị là người nổi nhất phái nữ, tôi cũng không thua chị trong phái nam, chị Dương thị Mai hàng xóm (Mai Bắc Hà) ở Virginia, (một thời theo chân đếm bước nhưng không lọt vào mắt xanh của hai Nàng, tôi đành âm thầm rút quân) anh Nguyễn Hóa ở Úc, anh Phạm văn Phước ở Hòa Lan, tôi kết thân với anh vì “mê” và “thèm” chiếc xe đạp đua của anh, sau khi tốt nghiệp sư phạm anh về dậy Nguyễn Huệ, cách đây mấy năm anh ghé San Jose, chúng tôi vui mừng gặp nhau và rất nhiều bạn cùng lớp cùng trường hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn thường liên lạc qua phone.

Tôi còn một số bạn thân nhưng đã mất liên lạc từ lâu trong đó có anh Nguyễn học Hải (cây Pháp văn) anh Huỳnh tấn Bang (cây vợt bóng bàn) chị Nguyễn thị Sương, anh Vũ ngọc Bạch, anh Nguyễn văn Bạch, anh Trần văn Hóa... không biết những bạn này bây giờ ở đâu, người nào còn Hòa Trị thăm anh, chúng tôi rất thích thú đi bắn chim, câu cá, tắm sông, tôi yêu cảnh vật thiên nhiên, ngắm đồng lúa xanh tươi ngút ngàn tận chân trời, nhìn giòng sông uốn khúc không biết chảy về đâu, hít thở không khí trong lành thơm mùi lúa chín, đến thăm anh để nhớ về quê tôi tận ngoài Bắc mà tôi đứt ruột lìa xa năm 12 tuổi. Anh Phổ thông minh lanh lợi, anh là người dìu dắt tôi vào Hướng Đạo, tôi học hỏi anh nhiều điều hay điều tốt và cho đến hôm nay tôi còn nợ anh một lời hứa, không đồng hành cùng anh gia nhập binh chủng Hải Quân (xin hẹn kiếp sau). Anh Khuê học dưới tôi một lớp, cùng là dân “rau muống” nên chúng tôi rất thân, hàng tuần rủ nhau đi lễ nhà thờ, đi sinh hoạt Hướng Đạo, xa nhau mấy chục năm bỗng dưng gặp lại tại San Jose, tay bắt mặt mừng nghẹn ngào không thốt nên lời, đúng là quả đất tròn phải không anh?

Anh Phích (cao) ở Texas, anh Hòa (lùn) ở Rosemead và tôi (đứng giữa) là bộ ba, chơi thân với nhau như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau, làm gì đều có nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn (chỉ có người yêu là khư khư giữ cho riêng mình) anh Phích thường rủ về nhà đãi ăn mỗi khi đám giỗ, tôi không thể nào quên được những buổi trưa hè oi ả cùng anh tắm sông, bơi qua soi Ngọc Lãng hái trộm dưa gang dưa hấu, bẻ trộm mía, vừa ăn vừa khúc khích cười thích thú.

Vào ngày nghỉ, tôi thường đến nhà anh Hòa học bài và tập tạ (tôi và anh có vòng ngực một trăm ngoài cm), bạn bè tặng cho chúng tôi danh hiệu “ba chàng ngự lâm pháo thủ”, chúng tôi rất thích, kiêu hãnh đón nhận biệt danh này, cho đến hôm nay đã ngoài 40 năm, mỗi người mỗi nẻo, cách xa ngàn trùng, với bao thăng trầm, biến đổi của cuộc đời mà tình bạn vẫn còn khắng khít, đậm đà như xưa. Ba chúng tôi chơi thân với bộ ba nữ chị Phượng, chị Nghiêm, chị Sương; ba chị này lúc nào cũng có nhau, ít khi thiếu vắng một người.

Hai năm đệ nhị cấp, tôi có thêm người bạn mới, anh Nguyễn học Hải, ba của anh là trưởng trạm hỏa xa bên kia cầu Đà Rằng, tôi thường đạp xe qua chơi nhà anh; anh rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, gia đình theo đạo Phật nhưng anh học trường Công Giáo 4 năm, rất giỏi pháp văn, năm học đệ nhị ngồi cạnh copy bài thi của anh, đệ nhất đệ nhị lục cá nguyệt môn pháp văn, tôi đứng nhất anh đứng nhì, thầy Lộc ngạc nhiên vô cùng (cả lớp đều biết tôi chỉ đáng học trò của anh, nhờ copy nên trò giỏi hơn thầy) tôi mến anh, khâm phục anh, không những không giận, anh còn khen tôi giỏi, giờ đây nhắc lại tôi vẫn còn xấu hổ. Trong lớp tôi đặc biệt có chị Cao thị Cảo Thơm, nhà ở phường năm, mỗi khi xuống thăm được chị đãi ăn trái cây rất ngon vừa hái từ ngoài vườn vào; chị Trương thị Yến, tôi nhớ đã có lần đến thăm quê chị ở gành Đá Phong Niên; là giới “quần thoa” chọn ban B, rất giỏi toán và lý, hai chị qua mặt nhiều đấng mày râu (trong đó có tôi) làm tôi khâm phục hết mình.

Tôi rất yêu thiên nhiên, say mê rung động trước cảnh núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông và các buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời. Những năm học ở Nguyễn Huệ thầy cô và các bạn cùng lớp cùng trường đi du khảo, du ngoạn nơi có thắng cảnh, địa danh nổi tiếng trong tỉnh, ngoài tỉnh như leo núi Tháp Nhạn, lên đỉnh Chóp Chài, vượt đèo Cả, mả Cao Biền, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng ,đập Đồng Cam, đập đá Qui Nhơn, trại cùi Qui Hòa, lăng Võ Tánh Bình Định còn in dấu chân, cắm trại và tắm biển ở rừng dừa Sông Cầu, Mỹ Quang, Mỹ Á, Vũng Rô, Đại Lãnh, hồ Ba Bể Khánh Hòa...

Năm học đệ tam tôi được nhà trường “thưởng” cùng với một số bạn đại diện trường Nguyễn Huệ tham dự trại hè gồm các trường trung học cộng lập miền Trung trên ngọn núi Bạch Mã ở Huế, với bảy ngày sinh hoạt trại, đội tôi (do tôi làm đội trưởng) đã sáu ngày đoạt giải nhất, sáu lần nhận cờ luân lưu, và nhiều giải chuyên môn khác, mang vinh dự “hiển hách” về cho trường mình.

Tôi cũng không thể nào quên được những buổi sinh hoạt cắm trại ngoài Rừng Dương, năm nào lớp tôi cũng đoạt nhiều giải thưởng và được tuyên dương trong ngày bế mạc (có anh Phổ, anh Phích và tôi là cây Hướng Đạo mà) nhưng tôi thích và nhớ nhất những đêm lửa trại (đúng gu tôi) dưới ánh lửa bập bùng, tay nối tay kết tình thân ái thầy trò, nhiều trò chơi tập thể, nhiều màn văn nghệ “tài tử” bỏ túi được các bạn đưa ra thi thố tài năng, một trong những đêm lửa trại khó quên nhất, khi nghe một nữ sinh “bé bỏng” học lớp đê lục (trò cưng của Thầy Thiều) trình bày nhạc phẩm “Tiễn bước sang ngang” đã làm tim tôi thổn thức, lòng tôi rung động, hồn tôi bị cuốn hút theo tiếng hát của nàng như Lưu Nguyễn lạc chốn thiên thai thuở nào!...

Nhắc lại kỷ niệm thời học sinh mà không nói đến sinh hoạt hiệu đoàn là điều thiếu sót, tuy lười học nhưng lại năng nổ, tích cực trong mọi công tác nên được thầy thương bạn mến, như viết bích báo cho lớp, làm đặc san cho trường vào dịp cuối năm, dịp hè, tham gia tổ chức văn nghệ đón mừng năm mới và những ngày lễ lớn, có tên trong đội tuyển bóng rổ, bóng tròn nhưng ít khi được cho vào sân trong các kỳ tranh giải với trường bạn (cầu thủ chầu rìa), nhiều lần mặc áo Nguyễn Huệ dự thi điền kinh trong tỉnh nhưng chưa lần nào chiếm đươc huy chương vàng, bạc, đồng, chỉ đôi khi chiếm được huy chương “chì” (hạng tư) là may mắn rồi.

Tôi yêu Nguyễn Huệ vì nơi đây cho tôi tình yêu đầu đời, người tôi yêu học dưới hai lớp, tôi đệ tứ nàng đệ lục, giờ ra chơi từ xa đứng nhìn nàng, nàng tập hát tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi yêu nàng, yêu tâm hồn thơ ngây trong trắng hồn nhiên của nàng, yêu hình dáng “tơ liễu” của nàng, tôi say mê nàng, say mê cả tiếng hát của nàng, (đêm nào không nghe tiếng hát của nàng trên đài phát thanh ty thông tin, tôi thao thức mất ngủ) chính tiếng hát trong đêm lửa trại như nam châm thu hút tôi đến với nàng, chúng tôi yêu nhau tha thiết nhưng chỉ đắm đuối nhìn nhau không trao đổi lời nào. Năm học chưa kết thúc nàng đột ngột nghỉ học vì Ba nàng qua đời, giờ ra chơi không còn nhìn thấy nàng, tôi hụt hẫng, thẩn thờ như người mất hồn, chính nguyên do đó thúc đẩy tôi mạnh dạn tìm đến tỏ tình cùng nàng, nàng chấp nhận tình yêu của tôi, nàng yêu tôi không cần biết tôi là ai, gốc gác từ đâu đến, xí trai học dở nàng vẫn yêu, chúng tôi công khai yêu nhau. Hàng đêm tôi và nàng tay trong tay dạo phố, (tôi rất mê dạo phố dưới trời mưa lâm râm) lúc bấy giờ ít ai dám công khai yêu nhau giữa thanh thiên bạch nhật, nhất là đang độ tuổi học trò (nàng 14 tôi 17).

Tình yêu của chúng tôi nhiều người biết, nhiều người bàn tán xôn xao nói ra nói vào nhưng cũng có nhiều người mến thương thán phục, tôi và nàng dám can đảm làm cuộc “cách mạng tình yêu” nhờ tình yêu chân chính, trong sáng cao đẹp, chúng tôi đã vượt qua nhiều trở ngại, chiến thắng quan niệm cổ xưa còn tồn tại trong nhiều người, san bằng cách biệt môn đăng hộ đối, dị biệt tôn giáo, kỳ thị Bắc Trung vv... nàng đã khước từ nhiều lời cầu hôn của người có danh có quyền để lấy anh học trò vừa nghỉ học chưa có công ăn việc làm, gia đình đang sa cơ thất thế, cùng tôi tiến đến hôn nhân, xây dựng gia đình.

Mãi yêu đương, tôi xao lãng học hành, kết quả kỳ thi tú tài I năm 1963 không có tên trên bảng vàng, tôi vô cùng hối hận vì đã làm cha mẹ buồn, thầy cô thất vọng, vào Saigon tiếp tục học lại, mấy năm sau mới nắm được mảnh bằng tú tài trong tay. Người bạn đời hôm nay của tôi chính là nàng, Thanh Phước thuở nào. Người đời thường nói “mấy ai nên duyên vợ chồng với mối tình đầu” và một thi nhân nổi tiếng đã viết “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề” Tình đầu chúng tôi đã nên duyên, vẫn đẹp vẫn vui như lúc ban đầu sau 43 năm chung sống. (viết kỷ niệm nên buộc lòng phải nói về mình dù đã cố gắng tránh né, kính xin quý Thầy Cô và các Bạn thông cảm, rộng lượng thứ lỗi).

Noel năm nay bầu trời San Jose rất đẹp nhưng lạnh hơn những năm trước, tôi không đủ điều kiện đi chơi xa, bên cây thông rực rỡ đèn hoa, văng vẳng tiếng nhạc mừng Chúa Giáng Sinh, quây quần cùng con cháu mở quà trao tặng cho nhau, đọc lời chúc tụng trong thiệp giáng sinh của người thân, của bạn bè xa gần gứi đến, lòng ấm cúng hạnh phúc vô cùng, cũng trong giờ phút linh thiêng này tôi nhớ về thầy cô, nhớ về bạn cũ, nhớ kỷ niệm êm đẹp của những năm cắp sách đến trường, nơi đây thầy cô đã ân cần truyền dậy kiến thức và dẫn dắt tôi nên người, tôi tự nhủ với lòng mình nếu không làm được điều gì tốt rạng danh cho trường thì nhất quyết không làm điều xấu tai tiếng đến trường.

Tiếc rằng tôi không phải là nhạc sĩ như anh Phạm cao Hoàng, anh Hoàng khai Nhan, thi sĩ như anh Diệp thế Hùng, văn sĩ như chị Lê thị Hoài Niệm, anh Phạm đức Hiền... dùng tài năng viết tuyệt phẩm ca tụng, tôn vinh trường mình, cùng xuất thân từ “lò” Nguyễn Huệ, người ta “tầm cỡ” còn tôi “tầm thường”, suốt đời tầm thường, chưa bao giờ viết, hay nói đúng hơn biết mình tài hèn sức mọn không dám viết.

Giờ đây, tôi bạo phổi “múa rìu qua mắt thợ” viết đại đôi dòng. Khả năng hạn hẹp, ý tưởng nghèo nàn nhưng gói ghém tất cả tình cảm, tấm lòng và sự biết ơn của tôi đến quý thầy cô, đến ngôi trường cũ, nhất quyết một ngày không xa sẽ trở về thăm, tận mắt ngắm nhìn Nguyễn Huệ dấu yêu, sống lại cảm giác thời cắp sách để thỏa lòng mong ước bấy lâu như người con trở về sum họp dưới mái ấm đại gia đình sau thời gian dài lưu lạc, chắc hẳn ngày đó là ngày sung sướng hạnh phúc nhất đời, vì là ngày tôi tìm lại báu vật bị đánh mất bấy lâu nay.

San Jose
Duy Nhượng




1 comment:

  1. Bài viết rất xúc động. Đầy ắp kỷ niệm của tuổi học trò.

    ReplyDelete