Sunday, October 17, 2010

XIN MỘT LẦN GỢI NHỚ

Con bé nhà quê vừa nhỏ người, nhỏ tuổi nhất lớp, là đứa con gái duy nhất trong số bảy người học trò được thầy Hiệu trưởng Phạm Kỳ Phùng (em út của chủ nhà sách Vạn Kim) cũng là thầy dạy lớp Nhất của trường tiểu học Hòa Đồng năm đó, dẫn về thành phố Tuy hòa để thi vào Đệ Thất trường Trung học Nguyễn Huệ.
Không biết có phải vì nôn nóng muốn đến trường thi cho sớm để trổ tài thi cử, hay vì sự ngáo ộp của một đám con nít nhà quê được lên tỉnh ứng thí lần đầu, mà mới có hơn... ba giờ sáng, khi chợ mới Tuy hòa vừa đổ kẻng sang canh, là cái đám tụi tôi đã thức dậy, rửa mặt mũi, thay quần áo chỉnh tề, từ từ trong nhà sách Vạn kim (Thầy đưa về ở đó để đi thi cho gần) hùng dũng hiên ngang cầm bút mực đi ra đường nói cười sảng khoái và tự nhiên, mặc dù lúc đó dòm ngang, ngó dọc đường phố vắng tanh chẳng thấy một bóng người, ngoài đám thí sinh chúng tôi với mấy bóng đèn đường vàng vọt, nhưng mặc kệ, đường ta ta cứ đi, trường thi ta cứ đến sợ chi, đến khi bị ông già canh chợ quát to lên: “mới có ba giờ sáng mà tụi con nít bay đi đâu nói chuyện ỏm tỏi dzậy? có dzìa ngủ đi không, tao đét đít cho một trận bây giờ...!”, lúc đó tụi tôi mới hoảng vía, vội vã quay đầu cắm cổ chạy trở về, trong khi ông Thầy vẫn còn ngủ kỹ nên không biết gì cả... Hú hồn!
Ấy vậy mà tôi là một trong hai đứa đậu vào đệ thất mới là oai (người kia là Trần Ngọc Phước, anh đã qui tiên rồi). Trước khi vào học, ba tôi dẫn tôi qua nhà thầy hiệu trưởng Vũ Trí Phú (ở đối diện nhà tôi trọ học) trình diện; trình diện để làm gì thì hồi đó tôi nào có biết, nhưng tôi nhớ lời thầy dặn ba tôi: may cho con bé hai bộ áo dài trắng và một cái áo dài xanh để dự lễ chào cờ ngày Thứ Hai.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dắt đi trên con đường..., con đường ngày xưa tôi đã đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng dưng tôi thấy lạ...” Ấy là ngày đầu đi đến trường học của ông nhà dzăn Thanh Tịnh, nó mơ mộng, nó lãng mạn, nó e ấp, rụt rè làm sao sao, nhưng ngày khai trường của tôi đâu được vậy, con đường này lạ hoắc lạ huơ đối với con nhỏ lần đầu lên tỉnh học, lót tót theo chân chị Thân, chủ nhà tôi trọ học,vì Ba Má chị là chỗ thân tình bằng hữu của Má Ba tôi, năm ấy chị vừa lên đệ lục, cùng lớp với các chị Diệp Bích Hiền, Thọ (tiệm vải Nam Thái), Hải, Oanh..., chị dẫn đi theo con đường tắt, từ chỗ Ngả Năm có cái xe nước mía (về sau, nơi này trở thành... trạm nghỉ chân thân quen của mấy đứa học trò, vì những ly nước mía ngọt lịm với trái tắc thơm lừng lóng lánh và những viên nước đá lạnh ngắt, trong veo) đi lòn qua hết một xóm nhà, qua cái nhà máy nước đá Tân Xuân, rồi qua sân đá banh, đi một đỗi nữa mới ra con đường số Sáu, quẹo về bên phải đến trường.
Trường Nguyễn Huệ lúc bấy giờ còn cũ mèm, con đường từ cổng vào ngang cột cờ thì cao, nhưng sân trường thì thấp, ngồi nhìn từ hai dãy lớp học có thể thấy được kẻ vào người ra thăm viếng.
Con đường mà tôi quen đi lại lắm lần đang ở xa lắc xa lơ, là con đường làng có hai hàng tre cao oằn ngọn kẽo kẹt đong đưa trong gió, và con đường đất nối dài cánh đồng lúa ngút ngàn nắng lóa chói chan, rồi men theo con đường mương dẫn thủy nhập điền, phía bên kia là cái nghĩa địa lâu đời, có cây đa to mấy người ôm không xuể, nơi mà mấy đứa trẻ chăn bò cứ lấy vải trắng vắt ngang nhánh cây để nhát ma đám học trò nhỏ nhát gan, nhiều hôm sợ quá chạy té khói, chạy vấp ngã trầy cả đầu gối lẫn bàn tay, giờ thì con đường đó đã bị bỏ lại sau lưng, chưa biết khi nào trở lại.
Hôm nay vô Đệ Thất rồi chớ đâu phải con nít lớp mẫu giáo, tuy rằng lần đầu tiên cảm thấy nực nội, chật chội trong bộ đồng phục áo dài quần trắng, guốc cao gót, nhưng rồi trông cũng thướt tha, cũng tóc gió bay bay ngang bờ vai nhỏ, oai phong ra phết.
Bởi vì tôi bé tí teo nên khi sắp hàng vào lớp chọn chỗ ngồi, cái con nhỏ nhà quê đen đủi ngang nhiên được đứng hạng nhất, vô lớp Thất 4, cái lớp chọn tiếng Anh làm sinh ngữ chính.
Thiệt ra thì khi chọn lớp, tôi nào có biết tiếng Mỹ tiếng Anh là thứ tiếng chi chi, nhưng bữa đó thấy mấy bạn cứ lao qua bên kia mà đứng, đứng đông thiệt là đông, lại nghe Thầy bảo bên đó phải học tiếng Tây dù Tây...không còn nữa; còn bên này ít quá, nên chui đại vào đứng, vậy thôi, hoá ra cái đám con nít bên này là cái đám biết nhìn xa thấy rộng (?), tiên đoán một ngày không xa, tiếng Anh sẽ là một ngoại ngữ thông dụng, ra đời tiếp xúc làm ăn dễ dàng kiếm...zóp! Thế là lớp Đệ Thất 4 của chúng tôi hiên ngang trở thành lớp Anh văn duy nhất, và khi xếp chỗ ngồi trong lớp, cạnh tôi là cô gái Bắc kỳ di cư, nó bận cái áo đầm ngắn củn cỡn, chứ không phải quần áo dài kín đáo, nên có vài bạn nam sinh cứ ngó cô ta rồi cười khúc khích, đã vậy vì mái tóc được “phi dê”, nên vốn vóc dáng đã cao hơn tôi, giờ lại càng cao thêm chút nữa, ấy là “cái” Thanh, con của ông bà Nhân, làm ở ty Công chánh, được mệnh danh là “Thanh 18 Gian”, là khu gia cư cho công chức, gồm 18 gian, bên cạnh Quốc lộ số 1, đối diện với nhà ga xe lửa, chứ không phải là “Thanh Gian Ác”. (chữ của Anh Phạm Đức Hiền tặng cho cô).
Dĩ nhiên tôi được ngồi ngay đầu bàn, nơi mỗi vị giáo sư khi đứng giảng bài, vẫn đưa tay vịn thành bàn, nhiều khi tôi rất khổ sở vì biết mình viết sai, làm bài không đúng, và cũng vì ngồì ngay đầu bàn mà lắm khi tôi đau khổ vì bị ...mưa phùn từ Thầy giáo làm ướt vở, nên trong vở tôi luôn có tờ giấy thấm chận ngang trang giấy đang viết, nhất là giờ Anh văn của thầy Phúc (xin Thầy tha lỗi cho học trò vì dám nhắc chuyện xưa), vở ghi bài của tôi hầu như bị nhòe nhoẹt nhiều lần, nhưng bù lại, tôi cũng cảm ơn Thầy đã dạy những tiếng Anh đầu tiên và ghi sâu vào trí nhớ tôi bài hát dù chỉ có bốn câu ngắn ngủi: “The moon is high, the sky is blue, and here am I, but where are you?” mà về sau này, khi tôi kể lại cho lũ con tôi nghe, chúng cứ cười khúc khích, rồi nói nếu ông Thầy giáo của Má mà nghe được chắc ổng thích lắm.
Lớp tôi hình như sĩ số học trò đông hơn các lớp bạn, và trai gái đều đủ cả, nhiều chị đã rất lớn, tôi đứng cao đến vai họ là cùng, đâu phải tại hồi nhỏ Má tôi cho tôi uống nước cơm mà chậm lớn, vì dù sao ngày ấy ba tôi cũng đã làm chủ được một nhà máy xay gạo rồi, chỉ cần ăn mớ tấm rơi ra ngoài cũng thừa sức lớn, nhưng vì tuổi tác có chênh lệch nhau đó thôi, nên chi tôi cứ bị mấy anh chị lớn sai chạy có cờ. Tôi còn nhớ chị Minh Châu, con của bà Thủ Sáu, cứ đều đều nhờ tôi trao thư hồi âm cho người đã gửi thư là anh Nghĩa, cũng học cùng lớp (xin chị Châu tha lỗi và mong rằng sẽ không gây ân oán giang hồ), rồi anh Thái, người thầy dạy tôi đờn Ghi-ta, sau vài buổi học là sai tôi mang thư đến nhà cho chị Kim Loan (nhắc cho chị nhớ đừng uýnh tôi nhé), chẳng phải tôi ngu dại gì, nhưng ..sợ Thầy, nể bạn nên làm thế thôi, về sau ngồi nhớ lại cứ cười thầm, hèn chi hồi đó bài học đờn ghi-ta đầu tiên anh Thái dạy cho đứa con nít tôi lại mang tên: “Đôi bóng (Tình thương gửi theo gió chiều, nhờ trao đến cho người yêu...) ”, cũng như người cậu họ tên Siêu dạy đờn măng-đô-lin, bài nhập môn lại là bài hát buồn nẫu ruột: “Tiếng Ca U Hoài”(Tôi chưa quên một giọng ca tha thiết u hoài, những đêm giá lạnh bồi hồi gợi nhớ thương ai...), hóa ra là tâm sự của quí người Thầy, thầy buồn, thầy nhớ thương ai cứ nhè bắt con nhỏ tập đờn muốn tróc móng tay.
Vì tôi ngồi bàn đầu, nên khi vào lớp tôi được ưu tiên vô trước nhất, tôi cứ tự nhiên đứng tại chỗ mà điểm mặt đặt tên từng khuôn mặt học trò cùng lớp, và cũng tại vì lớp tôi có nhiều nam sinh, mà đại cồ nữa, nên tôi rất sợ, sợ nhất là anh chàng mang tên Trịnh Ngọc Phương, ngưòi có biệt danh là “Thằng Sủn” (rất tiếc, nghe tin anh đã quá vãng rồi), Tía anh là người miền Nam, có biệt danh là “Tư Trọng”, đổi ra đây làm Cảnh sát, nên chi anh rất là ...ồn ào và đám nam sinh học thêm được những cụm từ mới “đ..má mày!” nghe rất chi là Nam Kỳ!
Thêm vào đó còn có những đại cồ nghịch ngợm hết chê như Võ đông Lợi, Lê Đình Viễn và Phạm Đức Hiền, người chuyên môn cạo đầu trọc lóc, mà mới đây cái Thanh khoe là anh chàng thất tình cô nàng! còn nhiều và nhiều anh lớn lắm, hình như có anh Phạm Ngọc Bội, đã ...chuồn êm qua phía bên kia rất sớm, hay anh Lê Đình Muộn nhưng ...kết hôn với chị Gái chẳng muộn chút nào).
Và hổng biết hồ sơ lý lịch của bọn tôi để ở chỗ nào, mà tên Cha Mẹ của học sinh nào trong lớp quí anh đều biết hết, đến nỗi mỗi khi vô lớp mà chưa thấy Thầy giáo đến, lớp tôi toàn là “bố mẹ” đi học không thôi, như anh Trịnh Ngọc Phương thì được gọi là.. Trịnh Ngọc Trọng “Con” (xin lỗi vì phải đưa ví dụ cụ thể) còn bạn Quốc Khánh thì cứ kêu là “Con Ông Lạc”, tại vì ba của bạn ấy tên...Phụng (người Bắc gọi đậu phụng là “lạc”, như “lạc rang”), nhất là Trịnh Vũ hoàng Mai, tên gọi rất hay, nhưng cô bạn cao to này không mảnh mai như tên gọi, mà còn quậy hơn cả con trai, nên cứ bị chọc hoài. Ngay cả tôi, mỗi khi đến lớp sớm vào cất cặp-táp, là có người xướng danh cho cả lớp biết ...“Năng con đến!” Có người còn sưu tầm cả danh sách giòng họ và gia phả, lôi tên từ ông, bà, cha, cha, mẹ, anh, chị, em ra mà réo; đến nỗi ngày nay, nhiều khi chỉ nhớ tên bố mẹ, chứ không nhớ tên của người bạn mình. Tuy bị chọc phá như vậy nhưng hình như chẳng thấy ai nổi sùng hay tức giận gì cả.
Thành phố Tuy hòa lúc bấy giờ còn nhỏ xíu, người cũng chẳng mấy đông đảo gì, và vì bọn trẻ chúng tôi học cùng một trường nên thân tình quyến luyến, ngoài giờ học, mỗi tối sau khi học bài xong, một bầy con nít tập trung trên sân thượng của cả dãy nhà buôn đường Trần Hưng Đạo, từ tiệm radio Hồng Châu, nhà của bạn Minh (được mệnh danh là Minh đái dầm), chạy dài qua khỏi tiệm vải Ngọc Cư, nhà anh Bổng (biệt anh là Bổng cà).
Trò chơi thông dụng nhất là: 5-10-15-20..., và vì cái màn chạy trốn kiếm tìm ấy mà chúng tôi được chứng kiến cảnh bà cụ thân sinh của Thầy Vị đứng ... tè tại chỗ (Xin lỗi nếu Thầy có đọc), lần đầu tiên thấy kỳ lạ quá nên cả bọn kéo tới đứng xem (dĩ nhiên bà cụ không thể thấy chúng tôi, vì chúng tôi ở trên sân thượng nhìn xuống, còn cụ thì đang ở dãy nhà trệt phía sau nên chẳng nhìn lên) nhưng rồi cũng chẳng thấy được gì, ngoài cái váy nâu thật dài và rộng, với cái khăn mỏ quạ bịt đầu của những cụ bà Bắc kỳ di cư, rất lạ lẫm với đám con nít Trung kỳ Xứ Nẫu Tuy hòa. Từ đó tôi mới hiểu được câu tục ngữ: Nhà không chái, đái không ngồi, nồi không quai là những đặc trưng của miền Bắc.
Năm đệ lục, chúng tôi được đi cắm trại ở rừng dương, bình thường thì chỗ này ít ai dám léo hánh tới, vì toàn là cây dương rậm rì rậm rịt, mặc dù bên kia rừng là bãi biển dài, cát mịn trắng phau. Năm ấy trường cho bọn con gái thi đua nấu ăn. Gì chớ mục này là lớp tôi chắc chắn ăn đứt trong liên lớp, vì lớp tôi có nhiều chị lớn như chị Mùi, chị Châu, chị Hạnh, chị Hà, chị Xuân Hương, chị Xuân Hồng (hình như là bạn gái rất thân của anh Phạm Ph?)..., cho nên khi trổ tài thi đua, cái con nhỏ như tôi chỉ phải làm việc lon ton, sai vặt, quan trọng là ngồi tại chỗ giữ lều, đừng để đối phương xâm nhập phá rối hậu phương, nhờ có một đội binh hùng hậu giỏi giang nên sau khi quí thầy cô... ăn thử các món ăn dự thi, lớp tôi mang về giải nhất, đã quá trời! Hình như lần đi trại đó của trường là lần đầu cũng là lần cuối tôi tham dự, (về sau tình hình an ninh bất ổn, không biết trường còn tổ chức nữa hay không.)
Ngày trại, ở lớp trên có một chị rất xinh và hát rất hay, tên Cúc, không biết bây giờ chị đang ở nơi mô, để nghe tôi nhắc lại chuyện ngày xa xưa đó, cái con nhỏ tôi chẳng khác nào như một “cán bộ giao liên”, cứ bị đẩy tới rồi kéo lui, một bên là thầy Bửu Đ. dạy vạn vật lớp Đệ Tam chơi ở lều lớp tôi, sai tôi chạy qua lều bên yêu cầu chị Cúc hát bài “Không bao giờ ngăn cách”, nhưng chị chẳng chịu chìu theo ý Thầy, chẳng biết vì sao, lại bảo tôi chạy về nói với Thầy là chị sẽ hát bài “Ngăn cách”. Bữa đó, con nhỏ tôi cứ ngăn cách với không bao giờ ngăn cách mà chạy bở hơi tai, riết rồi không thèm chạy nữa, ai muốn cách ngăn gì cứ cách cứ ngăn, để tụi tôi một lũ con nít chạy xuống gần bãi biển ngồi xem thầy Thơ (dạy Anh văn) và các anh lớp lớn rình... bắt ma! Vui đáo để!
Hình như đám nữ sinh trường Nguyễn Huệ ngày ấy sợ nhất là thầy Lê văn Gạch, hổng biết có phải vì thầy thuộc môn phái “Bạch Y” hay không, mà thầy rất kỵ mầu đen, hoặc, có thể vì có lý do thầm kín nào đó để Thầy ghét... quần đen một cách cực kỳ! Nhưng khổ nỗi có mấy chị mỗi tháng đều phải “đến hẹn lại ra”, rất ngại mặc quần trắng, sợ làm ô uế môi trường, hay nếu bất cẩn là hết đường ra khỏi lớp sau giờ học; ấy vậy mà Thầy không thông cảm, cứ thấy có cao thủ Hắc Y ở lớp nào là Thầy phát Hàng Yêu Phục Ma chưởng thẳng tay, có nhiều chị phải khóc và bỏ học ngày hôm đó. Cũng may hồi đó tôi chưa nhập vào môn phái “Hắc Y khậu” nên không có cơ hội được diện kiến với Thầy (hổng biết giờ này Thầy ở đâu, Bến Hải hay Cà Mau?)
Năm vào Đệ ngũ, lớp chúng tôi được Thầy Nguyễn Đình Quỹ cố vấn, và dạy môn Việt văn, cái môn học tôi dốt đặc cán mai, chưa bao giờ làm một bài luận bình giải cho ra hồn, ấy vậy mà tôi thường xuyên được Thầy giao nhiệm vụ... ôm một lô vở làm bài của lớp từ trường về nhà cho Thầy (nếu bây giờ sống lại thời ấy, Thầy có cho tôi tiền, tôi cũng chẳng làm đâu!) nhưng hồi đó, hình như người học trò nào được Thầy sai bảo, là một điều hãnh diện.
Thầy Quỹ cũng nổi tiếng... “đẹp giai”, Thầy còn có giọng hát rất hay, nhất là bài “Giấc mơ hồi hương” của nhạc sĩ Vũ Thành; Thầy còn biết dạy múa nữa (?), nên lớp tôi đóng góp văn nghệ cho những buổi liên hoan trường nhiều mục rất xôm trò, tôi cũng từng được Thầy đèo phía sau chiếc vê-lô sô-lếch, đến nhà quí chị lớn tuổi trong lớp để Thầy... xin hình lưu niệm (?) trước lúc nghỉ hè (Xin phép Cô Hiền cho học trò được nhắc chuyện xa lắc xa lơ, hồi Cô chưa đến). Vì thầy rất “qui củ” nên mấy nam sinh cứ gọi lén sau lưng thầy là “Cu Quỷ”
Thầy Nguyễn văn Ngọc dạy anh văn lớp tôi, nhưng không biết vì sao cái đám nữ sinh coi bộ... ít sợ Thầy, và hễ có bóng dáng Thầy xuất hiện thì im, nhưng khi Thầy vừa ra khỏi lớp là hét toáng lên “Minh Ngọc”. Thật ra thời gian đó có nam ca sĩ nổi tiếng tên Anh Ngọc, nhưng vì thấy Thầy để ý và thiên vị nàng Minh (tiệm Radio Hồng Châu), nên mấy chị bèn ghép tên hai người lại thành ra Minh Ngọc (xin Thầy ở bên kia suối vàng, nếu có đọc được những lời này đừng về phạt học trò xưa, tội nghiệp!)
Hình như lớp chúng tôi là năm cuối cùng phải thi lấy bằng trung học, mà đã có thi cử thì bắt buộc học trò phải đèn sách ngày đêm. Hồi đó có tin đồn chúng tôi gồm có tôi, chị Kim Loan, Cẩm Lưu, Trịnh thị Điểu, thỉnh thoảng có chị Hạnh (tiệm vải Hưng Thành, mà sau này là phu nhân của anh Trần Văn Nghĩa) sắp sửa... xuống tóc đi tu làm đệ tử của quí Sư cô đang tọa thiền tại mấy cái "Cốc-Am" trong núi Nhạn tháp.

Về sau mới biết có bạn nào đó thấy cả bọn cứ xế trưa là ôm vở leo lên triền núi phía Am của mấy Sư cô, bèn ngỡ rằng chúng tôi theo gõ mõ, tụng kinh. Trật lấc, bọn tôi vô núi để tìm chỗ thanh tịnh mà... học thi! Ở Tuy hòa mà không biết phía sau núi có một cái “trãng” lớn với những tảng đá phẳng lì, được che mát bởi mấy tàng cây cổ thụ, lại có gió hiu hiu từ dưới sông thổi lên, một nơi quá tuyệt vời, lý tuởng như vậy, thật là một thiếu sót lớn. Nhờ lánh xa trần thế vào chốn am thiền, hết lòng tu tập, rèn luyện võ công, nên kỳ thi Trung học năm đó cả bọn chúng tôi đều được bảng hổ đề danh! Mừng húm, khỏi bị ở lại lớp.
Thời gian trôi qua nhanh quá, thoắt một cái bừng mắt dậy thấy mí mắt cay xè, hai bên khóe mắt có nhiều vết nhăn của thời gian đọng lại. Từ những ngày xa xưa dù đã ngồi ở lớp đệ nhị, nhưng những giờ việt văn của Sư huynh Hùng (Hiệu trưởng Đặng Đức Tuấn), tôi vẫn được Thầy cho kẹo ăn dài dài, nói ra quí bạn cùng lớp ngày xưa chắc... tức dữ (nhất là anh bạn Thảo), nghĩ là Thầy có ý bên trọng bên khinh, nhưng tại hồi đó tôi ngồi ngay đầu bàn, lại là học trò giỏi của Thầy, nên Thầy lấy kẹo từ trong túi áo chùng đen bỏ lên bàn thưởng cho học trò, đơn giản vậy thôi! Còn giờ toán đại số của Thầy... Tám Toản nữa (xin lỗi thầy nhắc cho dễ nhớ), quớ chu choa quơi, chưa bao giờ mà cái đám con gái sợ Thầy đến như vậy, không gì xấu hổ cho bằng khi không làm được bài, bị Thầy bắt vén áo dài nằm dài trên cái bục gỗ trước mặt cả lớp học gồm nam lẫn nữ để... đét vào mông, đau thì ít nhưng chắc xấu hổ nhiều hơn, nhất là khi có mấy anh lớp khác... trực trường, vào lớp lấy giấy điểm danh hoặc đưa giấy tờ gì đó; may quá hồi đó tôi thuộc loại “chó ngáp phải ruồi” nên bài tập nào cũng được điểm cao, hú viá....

Nẫu đi đi mãi không về...”, dù có bạn trách móc nói gần nói xa, và dù muốn lắm nhưng từ khi chiến cuộc lan tràn, những người phía bên kia chẳng chịu để người dân sống yên ổn làm ăn, đêm đêm cứ lẻn về bắt dân đi đào đường, đắp mô, bọn con nít cũng bị bắt đi lên rừng làm giao liên, học quăng lựu đạn, nên ba má tôi không có can đảm ở lại nhà quê, bèn ban đêm gồng gánh chút tài sản dành dụm bấy lâu, kéo theo đàn con rời quê vào Nha Trang sinh sống, và rồi lần thứ hai tôi lại trốn xuống thuyền vượt biển ra khơi, tôi cũng phải hai lần... biệt xứ, như quí bạn Bắc kỳ di cư vậy thôi, uớc muốn một lần về thăm lại chốn xưa mà mãi đến ngoài bốn mươi năm mới có cơ hội, về để thấy lại một Tuy hoà hình như được lột xác (?), để thấy hòn núí Nhạn vẫn lẻ loi đứng lặng, ghé mắt dòm mặt nước dòng sông Ba lúc đầy lúc vơi, nhưng vẫn là người bạn chung thuỷ muôn đời, và người ta thì bu quanh chân núi đông nghẹt, muốn nhìn lại những con khỉ đỏ đít, vẫn thường đánh đu trên những cành cây cổ thụ, thỉnh thoảng phóng xuống nhà chúng tôi bưng mất... nồi cơm đang “dần” trên bếp, khi tìm được cái nồi, thì đã bị bẹp dúm tự bao giờ, nhưng đám khỉ chắc cũng đã... di cư hoặc vượt biên tìm tự do rồi. Về để thấy một bãi dương xưa hoang vu, lạnh lẽo, bây giờ nhà lầu san sát bên nhau, nhiều và nhiều cái mới, nhưng trường Nguyễn Huệ hình như chằng mấy đổi thay, chỉ thấy câu “Học, học nữa, học mãi” và bên dưới in đậm cái tên cụt ngủn, nặng nề, xa lạ: LÊ-NIN, mà không là Quang Trung Nguyễn Huệ hay Nguyễn Trãi, hoặc Lê thánh Tôn v...v..., được cố tình giăng ngang trước cổng, làm chùn “bước chân xiêu” của người học trò cũ năm nào!
May quá, từ lúc gặp được chị Trần Thị Tấm ở buổi hội ngộ Võ Tánh Nha trang tại Cali, mới được tin tức của cái Thanh, mừng làm sao khi nghe cô bạn nhỏ Bắc kỳ năm nào thao thao bất tuyệt về các chặng đường gian khổ đã đi qua, từ những ngày vui được “chàng” lái xe Zeep chạy chầm chậm chờ “em tan trường về, anh theo... Thanh về” đến lúc “rước” được em lên xe, và chính cá nhân tôi cũng được đi “ké” đôi lần, có khi với thầy Dương Đình Đống và bạn Hoàng trọng Nghĩa, từ năm chúng tôi học ở lớp đệ tam, ấy vậy mà bất chấp tình yêu thơ mộng ngày xưa, người ấy đã bình thản... cắt đứt dây chuông, cổi áo Polo để mặc áo cà sa để đọc kinh niệm Phật khi đến được xứ sở tự do này, khiến cái Thanh phải đơn lẻ một mình ngồi hát karaoke: Sao anh đành bỏ em? Nhưng dù gì cũng còn mấy người con và các cháu làm lẽ sống, có khi còn sống hùng sống mạnh là đằng khác! Mới đây cái Thanh nói rằng có nhiều người muốn được bù đắp lại nỗi thất tình ngày xưa, nhưng cô nàng quyết ở vậy nuôi con, trong đó có một anh chàng cùng lớp thố lộ là ngày xưa từng ăn cắp tiền của mẹ để mua kẹo nu ga tặng nàng, nhưng nàng đã vô tình lên xe “díp” làm vợ một sĩ quan Pháo Binh!

Và cũng nhờ người anh họ Phạm Hoàng, lập ra danh sách cựu học sinh Nguyễn Huệ xa quê, anh bạn già Phạm đức Hiền từ từ xuất hiện nhận diện đồng môn, tấm hình xưa tôi cất giữ từ năm học đệ ngũ 4 được chuyền qua các bạn: một Nguyễn Tịnh, giờ đã nên danh ở DC, một Trương minh Chính vẫn còn phong độ, một Nguyễn Quốc Khánh... giàu sụ ở Cali, hay một Nguyễn Xu vừa sang vùng đất hứa, một Trịnh Vũ Hoàng Mai đang ăn nên làm ra ở Norfork; còn Trịnh thị Điểu, chị Kim Loan, Minh... biết ở Mỹ nhưng khó bề liên lạc, chỉ có Thầy Qũy và cô Hiền là thương học trò quá đỗi, người ở lại quê nhà lại tặng quà cho kẻ từ Mỹ về thăm, làm học trò cảm động muốn khóc, khó mở miệng nói hết tình cảm trân quí đáp lại cho Thầy Cô. Và trân trọng nhất vẫn dành cho Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang, giá mà ngày xưa muốn gặp được Thầy, hoặc ngồi đối diện trong phòng, chỉ khi nào... vi phạm kỷ luật nặng nề bị gọi lên văn phòng Thầy hiệu làm việc, sau khi Thầy Tổng giám thị trị không êm. Nhưng bây giờ, Thầy sang Houston, học trò xưa có thể chở Thầy đi ngao du sơn thủy, hân hạnh vô cùng...

Lê Thị Hoài Niệm “Tuổi trẻ sống cho tương lai, trung niên sống cho hiện tại và người già thường tìm về quá khứ” câu “danh ngôn” ấy được phán ra từ một nhà nghiên cứu nào đó mà lâu rồi tôi chẳng nhớ được tên, chắc chắn không phải là tôi, nhưng nó đang lởn vởn lờn vờn trong đời sống riêng tôi ở mỗi một ngày qua. Ngày xưa còn bé, ngồi chung dưới mái trường, hẳn là mỗi người đều có một ước mơ riêng cho ngày mai khôn lớn, nhưng đâu phải niềm mơ nỗi ước nào cũng thành hiện thực? Bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách, mái trường xưa còn đó nhưng người xưa đã lưu lạc tứ phương, xin một lần gợi nhớ, chân thành gửi đến quí Thầy, quí bạn với tất cả tấm lòng tri ân, quí mến. Dù bạn có ngồi cùng chung trong một lớp, hay lớp dưới lớp trên, chúng ta đều là những người học trò vang danh NGUYỄN HUỆ, vị anh hùng dân tộc bách chiến bách thắng, chúng ta há chẳng đã noi gương Người trong ngần ấy năm qua???

Thời gian còn lại bao lâu để chúng ta tìm kiếm cơ hội gặp lại nhau và tha hồ mừng vui, la hét réo gọi tên nhau như những ngày mới lớn?? Quớ chu cha quơi! ngày ấy chắc là vui hết biết!!!

Lê phan Tuyết 2007
(bút danh Lê thị hoài Niệm).

No comments:

Post a Comment