Nhân dịp sang Mỹ thăm con gái tại Sacramento (và chuẩn bị làm baby sitters cho đứa cháu ngoại sắp chào đời), thầy cô Quỹ đã đến ở chơi với một người bạn ở San Jose mà thầy mô tả là thân thiết hơn cả anh em; và thầy đã nhờ email của người bạn để báo cho tôi (Phạm Đức Hiền) biết là thầy cô

Thầy Quỹ và cô Hiền là những thần tượng của học sinh Trung học Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Thầy là người rất có nguyên tắc, chính vì vậy mà hồi còn đi học, chúng tôi thường gọi lén sau lưng thầy là “Cu Quỷ” có ý ám chỉ thầy rất chi là…“QUY CỦ”.
Chính vì những nguyên tắc e dè này nên thầy cô không muốn làm phiền ai, đặc biệt là các học sinh cũ của mình nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của thầy cô.
Tuy thầy đã dặn dò tôi là đừng thông báo cho ai cả, nhưng với lòng hiếu khách của nhóm Liên Trường Hoc Sinh Phú Yên, tôi không thể nào bỏ qua cơ hội này, nên đã thông báo với anh Đặng Duy Nhượng và anh Phạm Hoàng; vì thế chúng tôi đã tổ chức một buổi hội ngộ sơ khởi tại quán cà phê Coffee Lover để mọi người làm quen với nhau.

Ban đầu Thầy Quỹ nghĩ là ngoại trừ tôi, thầy Đằng, và thầy Thiều, thầy không quen ai tại San Jose, nhưng thật ra có rất nhiều người tại thành phố hiếu khách này biết thầy cô; chỉ riêng gia đình tôi cũng đã có đến gần chục người biết thầy, do đó tôi cũng đã tổ chức một cuộc gặp mặt thân mật tại nhà của anh cả tôi là Mục sư Phạm Đức Long và chị Lê Thị Ngọc Mai, cũng là những học trò cũ cũa thầy.

Thầy cô Quỹ nói rằng việc thầy cô lo ngại nhất là bị mời đi ăn!

Ngoài thức ăn, thầy cô còn phải đương đầu với giờ giấc chênh lệch; vì thế, nếu có ai mời thầy cô đi ăn trưa, có nghĩa nửa đêm đánh thức thầy cô dậy để ăn điểm tâm, vừa ăn vừa ngủ gật!
Các học sinh tại Nguyễn Huệ trước kia chưa có dịp được diện kiến dung nhan của thầy Quỹ rất háo hức được nhìn thấy một nhà mô phạm vừa “đẹp giai” vừa mẫu mực.
Không khí ấm áp và nhộn nhịp của những người đến hội kiến với thầy cô tại nhà của Anh Hoàng và chị Hạnh (trạm kiểm dịch của những người khách từ các nơi đến viếng thăm San Jose) đã khiến cho thầy Qũy và cô Hiền bớt được sự e dè của một người từ nước nhược tiểu sang viếng thăm đế quốc tư bản lớn nhất thế giới, và chẳng mấy chốc thầy cô đã hòa mình với cộng đồng hải ngoại liên trường trong đó có cả thầy cô Phan Tùng, là những người đầu tiên sinh hoạt chung với nhóm Liên Trường.
Thật ra thầy cô Phan Tùng đã sống tại San Jose vài năm nay, nhưng không hề biết sự hiện hữu của nhóm Liên Trường thân thích này cho đến khi thầy cô Quỹ biết thầy cô Tùng đang ở đây, nên đã yêu cầu nhóm Liên Trường mời thầy cô Tùng cùng đến chung vui.
4 vị thượng khách không ngờ tại thung lũng Hoa vàng này lại có một nhóm thân hữu đầy nhiệt tình và hiếu khách như vậy.

Mở đầu cho buổi đón tiếp có tính các lễ nghi, anh Đặng Nhượng trịnh trọng nói rằng, nhóm Liên Truờng rất vui mừng được tiếp đón các thầy cô, đặc biệt là thầy cô Tùng, người đã ở San Jose từ lâu, nhưng chưa có dịp được hạnh ngộ. Nhân dịp này anh Nhượng cũng đã trao cho các thầy cô một món quà lưu niệm gồm bài ký sự “Nguyễn Huệ Dấu Yêu” của anh, và truyện ngắn “Xin Một Lần Gợi Nhó” của Lê Thị Hoài Niệm; anh cũng đã giới thiệu những thành viên trong nhóm, trong số đó có những người mà các thầy cô nói rằng, nhìn rất quen nhưng không nhớ tên.



Thầy nói rằng tình cảm của các học sinh sinh Phú yên thật nồng ấm, vì nếu không có tình cảm thì cuộc gặp mặt sẽ trở thành vô nghĩa; thầy đã từng tham dự những buổi gặp mặt cố nhân, nhưng chưa từng thấy buổi hội ngộ nào lại nồng ấm như tấm lòng của những người tại San Jose dành cho thầy cô. Thầy sẽ nhớ mãi cuộc gặp mặt này và sẽ về Việt Nam thuật lại cho những người bạn về cuộc đón tiếp vô cùng nồng ấm này.
Thầy kể rằng, mấy người bạn của thầy tại Việt nam thường tụ tập với nhau tại công viên để tập thể dục và thường ăn sáng với nhau tại một quán ăn gần đó để tâm sự với nhau chứ không phải thức


Cô Hiền (giáo sư Anh Văn) than phiền rằng khi chưa lấy thì thầy còn hát, nhưng lấy nhau về rồi thì chỉ còn nghe thầy “hét”.
Thấy vợ bất mãn, thầy Quỹ (giáo sư Việt Văn) liền làm một tập thơ để nịnh vợ mình (sau này có học trò Lữ Đức Kỳ cũng bắt chước với bài thơ “Đi Về”), trong đó có cả bài khóc vợ, để lại cho con cháu với hy vọng chúng sẽ lưu truyền lại cho hậu thế.
Sau khi cháu nội đọc xong tập thơ, cô Hiền hỏi cậu là có thấy ông nội yêu bà nội không, thì cậu chỉ trả lời vắn tắt rằng “Trong thơ… thì có…” rồi bỏ lửng vế thứ nhì mà không bình luận gì thêm.

Để vuốt ve cô nanny xinh đẹp của mình, thầy Quỹ đã thay cô làm một bài thơ đặt tên là… “Tu Hú”, với những lời trần tình vừa mỉa mai, vừa cảm động và vừa khôi hài nhu sau:
Lẽ ra tôi đã đi tu,
Tại thằng “phải gió” nó rù quyến tôi.
Thôi thì ngon ngọt đủ lời,
Khiến tôi say đắm chẳng dời được ra.
Giờ đây khi đã về già,
Nó còn thơ thẩn tán ra, tán vào.
Khiến tôi thần trí lao đao,
Muốn tu, chẳng biết đường nào mà tu.
Thôi đành mang tiếng là ngu,
Người tu cửa Phật, tôi tu chùa nhà.
Xin thưa với lão Phật gia, (1)
Cơm đà dọn sẵn, cửa nhà sạch boong,
Xin mời sư bố sư con, (2)
Mau mau dùng bữa, vãi (3)còn nghỉ ngơi.
Xem ra tu khổ quá trời,
Kiếp sau tôi quyết sống đời độc thân!
__________________________________
(1) tức thầy Quỹ; (2) tức cha con thầy Quỹ; (3)tức cô Hiền

Nhân dịp này anh Hoàng cũng đã chuyển lời hỏi thăm của thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang, từ Đan Mạch, và anh Nguyễn Tịnh, từ Washington DC, là nơi có một nhóm cựu học sinh Nguyễn Huệ cũng muốn mời thầy đến viếng thăm.
Buổi gặp mặt kết thúc trong tình quyến luyến và hẹn hò sẽ gặp nhau.
Trong lúc đưa thầy cô ra chỗ đậu xe, anh Ngô Xuân Đức, một cây “thơ thẩn” của nhóm Liên Trường, đã gởi gấm nỗi lòng nhờ thầy mang về Việt Nam với 4 câu thơ mà anh từng sáng tác trong cảnh tha hương vào một mùa Xuân của thập niên 1980:
Ta Nhớ mầu quê, nhớ sắc quê,
Mây ơi cho gió gởi mây về,
Thăm nơi làng cũ nhiều nhung nhớ,
Một sớm ra đi chẳng hẹn về.
San Jose 11/28/07
Phạm Đức Hiền
No comments:
Post a Comment