Monday, November 15, 2010

ĐI VỀ

Đọc Thơ Lữ Đức Kỳ
Trong lúc bị bịnh vì ăn uống quá độ tại buổi Dạ Tiệc của Hội Ái Hữu Phú Yên và Họp Mặt Cựu Thân Hữu Học Sinh Phú Yên thì nhận được bài thơ của anh Lữ Đức Kỳ, và tôi cảm thấy hơi đỡ đỡ, liền ngồi dậy để viết vài hàng ca ngợi bài thơ của anh mang tựa đề “Đi Về”:

Đi về nhìn đống hồ sơ,
Ngày vui chưa dứt thấy phờ người ra.
Đi về lòng dạ xót xa,
Thầy xưa bạn cũ thật là nhớ nhung.
Đi về vườn nhớ mông lung,
Hương xưa phảng phất hình dung như là.
Đi về nhìn ngắm Vợ ta,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.

Tuy anh Kỳ nói rằng đây là bài thơ “con cóc” nhưng tôi thấy bài thơ làm theo thể loại Lục Bát này mang thân xác của hoàng tử (Hoàng Tử Cóc) có giá trị văn học hơn là những bài thơ Đường Luật mà tôi mới đọc gần đây vốn bị thất luật về đối tự và đối nghĩa trong 2 câu “thực” và 2 câu “luận” của thể thơ “thất ngôn bát cú”, mà thông thường thì 4 câu giữa của thể thơ này phải đối nhau, không những về hình thức mà còn cả nội dung. Chẳng hạn như bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan:

Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bài thơ nay có 4 câu ở giữa đối nhau rất là chỉnh, cả về ngữ vựng lẫn ý nghĩa. Nên nhớ 4 câu giữa của thơ Đường luật thì danh từ, động từ hoặc tĩnh tự phải đối với nhau như: dưói núi, bên sông; nhớ nước, thương nhà; con quốc quốc, cái gia gia….
Thơ của anh Kỳ thì không thuộc dạng phức tạp này, mà là một ngẫu hứng tự nhiên thoát ra từ cõi lòng.

Tôi cũng đã đọc những bài thơ lục bát gần đây mà một số các bạn đã gởi, trong đó có vài bài rất súc tích, còn đa số không có gì đặc sắc, vì chỉ là những xáo ngữ gượng ép vào vần và luật. Thơ của anh Kỳ làm người ta nhớ đến văn hào Nguyễn Du được ngẫu hứng bởi nội tâm của mình phát ra mà bất cứ ai đọc lên cũng có thể hình dung ra được ý nghĩa thâm sâu của nó; chẳng hạn như:

Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miêng chén có bò đi đâu?

Khi nghe 2 câu thơ này, người ta không những tưởng tượng ra được một con kiến đang bò trên miệng một chiếc chén rồi nghĩ về hoàn cảnh của mình, hình dung ra được trên cõi đời này con người ta cũng chỉ là những con kiến, cứ bôn ba chạy chung quanh cái vòng luẩn quẩn nhưng rồi chẳng đi đến đâu.


Thơ của Anh Kỳ cũng vậy, dù trong 2 câu mở đầu chỉ có 14 chữ rất đơn sơ, nhưng người đọc có thể tượng tượng ra được một hoàn cảnh vô cùng chán nản:

Đi về nhìn đống hồ sơ
Ngày vui chưa dứt thấy phờ người ra.

Tôi có thể tưởng tượng ra được trước khi đi, anh Kỳ đã lo giải quyết một loạt hồ sơ của các bệnh nhân với hy vọng có thể tạm quên đi công việc để vui chơi với thầy cũ và bạn xưa. Thế rồi khi anh trở về nhìn thấy chồng giấy tờ mà lòng ngao ngán, giống như tâm trạng của Nguyễn Du khi ngẫm nghĩ về cuộc đời:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Tôi chưa hề quen biết anh Kỳ, chỉ gặp nhau trên email nhưng có cảm tình với anh vì cảm giác được thái độ thân thiện và tinh thần năng nổ của anh trong các sinh hoạt cộng đồng.
Tôi gặp anh Kỳ lần đầu vào hôm dạ tiệc tất niên do Hội Ái Hữu Phú Yên tổ chức tại San Jose. Khi gặp tôi, anh hỏi “Bộ thấy thất vọng lắm phải không?” (Ý của ảnh muốn nói là ngoài đời anh ít "quậy" hơn trên điễn đàn).

Phải nói là trong vài ngày tại San Jose, anh Kỳ đã sống hết mình với bạn bè, đặc biệt là các bà các cô mà anh đã từng quen hoặc chưa quen biết; quàng tay người này, ôm vai người kia, cứ như mình còn là một học sinh đang học tại trường Nguyễn Huệ, quên bẵng đi mất là tại Virginia anh đang có một cô vợ trẻ mong chồng trở về. Cuộc vui nào chẳng tàn, anh đành phải từ giã bạn bè để trở về bằng 2 câu thơ:

Đi về lòng dạ xót xa,
Thầy xưa bạn cũ thật là nhớ nhung.

Đây là một cảm xúc vừa có tình vừa có nghĩa: tình bằng hữu, nghĩa thầy trò. Tiếng than của anh làm cho ta hiểu được tâm trạng của Nguyễn Du khi ông lấy hoàn cảnh của Kiều để diễn ta tâm sự của mình:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Tôi thích nhất 2 câu thơ kế tiếp, vì chúng mang ý nghĩa nhiều hơn những gì mà anh muốn diễn tả:

Đi về vườn nhớ mông lung,
Hương Xưa phảng phất hình dung như là.
Khi đọc 2 câu thơ này tôi nhớ đến bản nhạc Hương Xưa của Cung Tiến, trong đó có đoạn:

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.

Không biết nàng Quỳnh Như này là ai, nhưng hình như những người mà anh gặp lại đều có dáng dấp của một nàng Quỳnh Như nào đó. Nhưng thà rằng sống với ảo ảnh còn hơn hiện thực.
Anh Kỳ nói rằng bài thơ của anh không có đoạn kết, nhưng tôi thấy 2 câu cuối là một đoạn kết rất chân tình và thành thật, ít ra là với bà xã của mình.

Đi về nhìn ngắm Vợ ta,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.
Có thể anh Kỳ đã có một chút ăn năn và hối lỗi đối với vợ mình nên đã thốt ra những lời có vẻ nịnh bợ và nịnh vợ.

Anh Kỳ đặt tên bài thơ là “Đi về” mà theo nghĩa thực đó là trở về nhà, hay đúng là trở về với công việc hàng ngày của mình, và trở về với vợ. Nhưng thật ra “đi về” còn có nghĩa bóng bao quát hơn, đó là “đi” và “về” như câu ca dao tả sự chung thủy của một cặp vợ chồng:

Làm sao cho trọn nghĩa phu thê
Đây chồng đấy vợ ĐI VỀ có đôi!

Người ta thường nói thơ lục bát là loại thơ trữ tình nhất, vì nó vừa đơn giản vừa thâm sâu. Theo hán tự thì “lục bát” có nghĩa là sáu tám, thuộc thể liên hoàn gồm 1 câu 6 chữ tiếp theo bằng câu 8 chữ; nhưng nói theo tiếng của người miền Trung thì “lục bát” là “lục đọi” và tiếng miền Nam thì gọi là “lục chén”. Khi nói đến lục bát, lục đọi, hay lục chén, ngưòi ta thường nghĩ đến ăn vụng. Có lẽ anh Kỳ làm bài thơ “lục bát” này tặng vợ là để thú tội ăn vụng của mình. Thường những người đi chơi khuya khi về nhà hay lục bát để ăn cơm nguội; giống như câu ca dao:

Cơm đâu cho bằng cơm nhà,
Ăn dăm ba miếng cho “bà” khỏi ghen.

Rất may là anh Kỳ không viết 2 câu kết như thế này:

ĐI VỀ NHỚ VỢ NGƯỜI TA,
Miệng cười chúm chím nuột nà như tiên.
Phạm Đức Hiền

No comments:

Post a Comment