Tuesday, November 9, 2010

MÓN QUÀ TÌNH NGHĨA


Anh Đặng Duy Nhượng phàn nàn rằng anh đã phải bỏ ra suốt một buổi sáng mà không biết phải mua món gì làm kỷ vật vừa có ý nghĩa vừa gọn nhẹ. Anh cho biết sau khi đi tìm tại 3, 4 tiệm bán
đồ lưu niệm ở San Jose anh mới có thể chọn được một món quà tặng thầy cô Nguyễn Đình Quỹ mà anh nói rất có ý nghĩa để bầy tỏ TÌNH NGHĨA của Nhóm Liên Trường đối với thầy cô.
Món quà này không phải là tình cảm và ơn nghĩa duy nhất trong buổi họp tất niên Năm Đinh Hợi
của nhóm Liên Trường vào ngày 26 tháng 1 năm 2008 tại nhà anh Nguyễn Văn Hùng để tiễn đưa thầy Quỹ và cô Ngô Thị Hiền về Việt Nam sau 5 tháng viếng thăm Hoa kỳ săn sóc cho cháu ngoại mới chào đời tại Sacramento; vì các thầy cũ và học trò xưa cũng đã mang theo những nụ cười và thức ăn đến làm quà cho thầy cô, trong đó cả thầy cô Ngô Càng Phương, tuy không đến được, cũng đã gởi biếu thầy cô và nhóm Liên Trường một ổ bánh nướng thật ngọt ngào.

Ngoài hành lý chất ngất tình cảm, thầy cô Quỹ còn phải mang theo hàng “tấn” hàng về tặng cho bà con tại quê nhà, trong đó có cả những món ăn truyền thống của Việt nam tại hải ngoại, và cả những đòn bánh téc do ông bà sui gia đích thân gói và nấu, mà ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, nhất là anh chủ nhà Nguyễn Văn Hùng và chị thủ quỹ Nguyễn Thị Hằng, nói rằng họ chưa bao giờ được ăn “đòn” bánh téc nào mà “lền” như vậy. (Gần 20 năm rồi tôi mới nghe lại được chữ “lền” này và những lời tán dương rất chi là “lền” của anh Hùng. Hallelujah!)

Thầy Qũy tâm sự rằng ông bà “xui da” người miền Nam của thầy cô bây giờ đã về hưu nên thường nấu bánh chưng, bánh téc gây quỹ giúp cho những gia đình nghèo khó tại quê nhà.

Thầy Quỹ cho biết, dù nhất định từ chối, nhưng cuối cùng thầy đành phải nhận một chiếc lap top (máy điện toán để trên đùi) mà thầy Phan Tùng đã ưu ái tặng cho thầy cô để liên lạc với nhóm Liên Trường (Hoan nghênh thầy Tùng và cô Hoa! Anh Nhượng hỏi nhỏ là thầy cô có còn dư cái nào không?)

Vì phải chờ bà xã, tôi là một trong những người đến trễ, nên đã không thể gặp được Thầy cô Lê Ngọc Thiều đến sớm; và vì có công việc phải đi gấp, thầy cô đã không thể ở lại để chung vui cùng với Nhóm.

Đời sống ở Mỹ là thế đấy, không bận chuyện này thì cũng lo việc khác.

Nhưng buổi hội ngộ và tiễn đưa thầy cô Quỹ cũng đã quy tụ được khoảng trên 30 người, có người đến sớm, có người đến rất trễ, như ông cựu Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phú Yên Nguyễn Lực, Hội Phó Ngô Xuân Đức và anh Hà Văn Nết, vì bận làm việc tận Oakland nên đã đến hội ngộ sau khi thầy cô ra về rồi, không kể những người từ xa gởi email và gọi điện thoại hỏi thăm thầy cô như thầy Nguyễn Đức Giang, từ Đan Mạch; anh Lữ Đức Kỳ, từ Washington DC; chị Lê thị Hoài Niệm, tức Phan Lê Tuyết, từ Texas; chị Nguyễn Thị Thanh (tức Thanh 18 Gian”) từ Seattle; anh Nguyễn Quốc Khánh, từ LA; và cô Cỏ May từ San Diego.

Ngoài những mái đầu bạc và hoa râm, còn có 2 thượng khách Kevin Nguyễn, 3 tuổi, và Nicholas Nguyễn, 4 tuổi, cháu ngoại của anh Phạm Hoàng và chị Vương Hạnh, đã tặng một món quà đặc biệt cho thầy cô qua bản nhạc “Ly Rượu Mừng” và để chúc Xuân cho nhóm Liên Trường.

Thật khó có thể tưởng tượng nổi, vì dù chưa đi học, nhưng bé Kevin đã có thể đọc Việt Ngữ để hát một bản nhạc dài thoòng với giọng ca không hề bị ngọng vì lai tiếng Mỹ như các trẻ em được sinh ra tại Hoa kỳ.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang từng có lần thử tài “thần đồng” này trong buổi hội ngộ tại nhà của anh chị Lãm-Hằng nhân dịp thầy từ Đan Mạch viếng thăm San Jose vào Mùa Hè năm ngoái

Bé Nicholas cũng đã giúp vui cho các thực khách qua câu chuyện tiếng Việt “Ăn Khế Trả Vàng” với câu kết luận là kẻ tham lam thì cuối cùng sẽ bị vàng nó níu xuống địa ngục.

Thế nhưng anh chủ nhà Nguyễn Văn Hùng đã dậy cho cháu một mánh khoé của người đời nay, đó là đừng bao giờ đeo một bao vàng nặng trĩu cỡi trên lưng chim để bay qua đại dương, mà hãy bắt chước mấy xếp lớn ở Việt nam dùng thuyền để chở vàng sang các ngân hàng ở Thụy Sĩ hoặc dùng phi cơ phản lực mà chuồn sang Mỹ cho chắc ăn !

Mở đầu cuộc hội ngộ, chủ nhà Hùng đã chào mừng quan khách đến viếng thăm lâu đài tình ái của anh mà sau vườn có một đôi tình nhân đội dù đứng dưới trời mưa , nhìn vô cùng lãng mạn.

Anh cho biết, khi nghe các chuyên gia khí tượng tiên đoán hôm nay trời sẽ mưa và lạnh lẽo, anh lo là sẽ có ít người đến tham dự; nhưng không ngờ trời nắng ráo nên buổi hội ngộ khá đông đảo được ấm áp hơn.

Đây là lần thứ nhì anh Hùng đón tiếp nhóm Liên Trường kể từ ngày 20 tháng Giêng năm ngoái khi nhóm Liên Trường tiếp đón anh Lữ Đức Kỳ và phái đoàn từ miền nam California đến tham dự buổi họp mặt Tất Niên của Hội Ái Hữu Phú Yên, và cũng là lúc bà chủ nhà Vân vắng mặt vì lo đi cầy để cho ông chủ được bạo mồm, bạo miệng hơn.

Trở lại buổi tiễn đưa Trư Bát Giới ra đi và thầy cô Quỹ về nước, Trưởng Nhóm Phạm Hoàng đã thay mặt Nhóm bầy tỏ sự vui mừng được gặp lại thầy cô, chúc thầy cô thượng lộ bình an và cầu chúc các thầy cô cùng gia đình và toàn thể các bạn một Năm Mới An Bình, Hạnh Phúc.

Anh Hoàng cũng đã tường trình thành tích hoạt động của Nhóm Liên Trường trong một năm qua, với hàng chục cuộc hội ngộ gồm có anh Trần Cầu, chị Đặng Lệ Hà, chị Trương Phương Vân, anh Thái Vân, chị Trần thị Tấm, Thầy Nguyễn Đức Giang, anh Nguyễn Hữu Bảng, thầy cô Nguyễn Đình Quỹ, Gia đình anh chị Phạm Phích, anh chị Hà Văn Nết, anh Trần Thanh Danh, và mới đây nhất là chị Nguyễn Thị Mỹ Tin.

Để đáp lại lời chào mừng và tạm biệt của anh Hoàng, thầy Qũy tâm sự rằng, khi còn đi dậy, thầy thường bị học sinh e dè vì sự nghiêm nghị của thầy (Cô Hiền nói nhỏ: “chẳng trách học trò mới tặng cho tục danh là Quy Củ”). Thế nhưng thầy tự thú rằng, khác với vẻ mô phạm bên ngoài, trong tâm tư của thầy lúc nào cũng chất chứa một tình cảm vô cùng thắm thiết đối với đất Phú dân Yên, là nơi đã cho thầy có cơ hội gặp được Cô Hiền để 2 người trở thành phu phụ. Thầy nói rằng cho dù đi đâu thầy cô cũng nhớ đến Phú Yên, nơi học trò có tình nghĩa đậm đà hơn bất cứ trường nào mà thầy có dịp dậy, kể cả Thủ Đức, là nơi mà thầy từng “đứng lớp” lâu năm hơn thời gian ở trường Nguyễn Huệ. Thầy khen học sinh Phú Yên học giỏi và chuyên cần. Thầy cho biết thầy vẫn còn nhớ vào thời kỳ khó khăn, có một cựu học sinh Nguyễn Huệ đã gởi tặng thầy 5 dollars, và dù chỉ là một món tiền tương đối nhỏ, nhưng đó là một MÓN QUÀ TÌNH NGHĨA mà thầy cô sẽ không bao giờ quên.

Thầy nói thêm rằng, khi còn ở Việt Nam nhiều người “dọa” thầy là đời sống bên Mỹ buồn chán, và tình cảm của con người cũng nhạt nhẽo lắm, nên khi sang đây thầy có ý định sẽ không gặp ai, nhưng sau khi gặp em Hiền (tức là người đang gõ lọc cọc những giòng chữ này) thì thầy có cơ hội được quen biết với nhóm Liên Trường để gặp lại những người cách xa nhau có khi đến gần một nửa thế kỷ. Thầy không ngờ mọi người đã dành cho thầy cô những tình cảm vô cùng thiết tha và thân mật trong buổi hội ngộ tại nhà anh chị Hoàng-Hạnh vào ngày 16 tháng 9 năm ngoái

Thầy nói rằng thầy có cảm giác ngược lại, đó là nếu được ở bên này thì chắc chắn thầy cô sẽ vui hơn ở Việt Nam, vì tại đây thầy cô có nhiều bạn bè, nhất là được gặp lại những học trò cũ, khiến thầy có cảm giác thân thiện hơn.

Thầy giải thích rằng, con người dù già hay trẻ, nếu gặp được môi trường thích hợp, nếu có cơ hội tiếp xúc với những người giầu tình cảm thì sẽ được vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Để bầy tỏ sự cảm kích đối với các đồng nghiệp cũ và học trò xưa, thầy tặng Nhóm Liên Trường một món quà tình nghĩa qua giòng thơ lục bát sau đây:

Vui Sao được gặp các em,
Cùng thầy cô cũ Phú Yên ngày nào.
Thầy trò nay tuổi đã cao,
Đầu xanh, đầu bạc khác nào anh em.
Lời xưa “thiên lý hữu duyên”(1),
Người nay viễn xứ mọi miền gặp đây.
Mặt nhìn mặt, tay cầm tay,
Hàn huyên cho thỏa trước ngày chia xa.
Xuân về xin chúc mọi nhà,
Tràn đầy sức khỏe, chan hòa yêu thương.
Chúc cho cháu nhỏ đến trường,
Học hành xuất sắc, nêu gương sáng ngời.
Riêng mong lớp trẻ vào đời,
Vững vàng bản sắc con ngưòi Việt Nam.
“Hòa đồng”, nhưng chẳng “hòa tan”,
Có tài, thêm đức: người càng nể yêu.
----
Vui Xuân, “thơ thẩn” đôi điều,
“Lời thô, ý thiển” cũng liều nói ra.
“Cảm thông”, xin được thứ tha,
Tình này dẫu có đến già chẳng quên.
-----------------------------------------------
(1)“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Lần đầu tiên nhóm Liên trường có ý tưởng tặng quà lưu niệm cho những vị khách đặc biệt, và anh Hoàng đã giao nhiệm vụ này cho anh Nhượng.

Ở bên Mỹ này có 3 điều mà không ai muốn làm đó là: “thứ nhất mua quà, thứ nhì mua hoa, thứ ba mua potluck.” Cái khó là mua loại quà nào mà người ta mở ra cảm thấy vui vẻ chứ không muốn vứt đi cho rảnh nợ (nhất là trong những buổi gifts exchange vào Lễ Giáng Sinh). Mua hoa cũng là một cực hình, mang đi cứ sợ hoa dập, hoa héo; mà không khéo lại mua phải hoa đám tang để tặng cho người tình thì chỉ còn cách… “Mỵ Châu ơi, anh đây là Trọng Thủy….” Mua potluck cũng vậy, quả là điều khổ hạnh, vì phải mua món nào ít mỡ mà ăn lại không chán. Bà xã tôi được bên chồng tặng cho là danh hiệu “Mụ Bánh Bèo”, chỉ vì lần nào tham dự potluck của đại gia đình bả cũng mang theo một khay…bánh bèo, ôi nó eo sèo làm sao!

Trước khi mời Diễm Hoa lên trao quà lưu niệm cho thầy cô Quỹ, anh Nhượng đã mô tả sơ qua về ý nghĩa của món quà mà anh đã mua. Anh giải thích rằng, quả địa cầu tượng trưng cho thế giới ngày nay đã nhỏ bé trở lại để mọi ngưòi có thể nối vòng tay nhau qua internet, còn cây bút tượng trưng cho học vấn và sự liên lạc thư từ. Anh Nhượng cho biết anh đã khắc tên nhóm Liên Trường lên kỷ vật này để thầy cô để trên bàn, lúc nào cũng nhớ đến những đệ tử ngày xưa mà thường xuyên liên lạc với Nhóm.

Sau khi về Việt Nam, thầy Qũy viết một lá email trong đó có một đoạn như sau:

“….Ngồi nhớ lại buổi họp mặt và chia tay với các em, tụi tôi vừa vui vừa cảm động vì đã được các em đón tiếp rất chu đáo và chân tình; đặc biệt là món quà các em tặng làm chúng tôi hơi ngỡ ngàng và xúc động. Hai lần họp mặt với các em đã là một kỷ niệm đẹp khó quên trong đời, thì nay với món quà đầy tình cảm và xinh đẹp này, có lẽ nó sẽ còn lưu truyền tới đời sau nữa.”

Xin mời xem hình ảnh Hội Ngộ Tất Niên

San Jose 30 Tết năm Đinh Hợi 2008
Phạm Đức Hiền





























Xin bấm vào Hội Ngộ Tất Niên này để xem tiếp những hình ảnh khác.


San Jose 30 Tết năm Đinh Hợi 2008
Phạm Đức Hiền

1 comment: