Tuesday, November 30, 2010

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ












Huyền Chiêu
Sáng thứ ba 16/11/2010 diện thoại reo “A Lô. Nhượng đây, xe tụi tôi đã đến ngã ba Thành. Chừng nào thì xe đến Ninh Hòa?” “Dạ, khoảng 50 phút nữa anh chị sẽ đến nhà Huyền Chiêu”.
Cuộc sống thật diệu kỳ và đầy bất ngờ như mây trên trời như bèo dưới nước, hợp rồi tan, tan rồi hợp. Làm sao tôi tưởng tượng sẽ có một ngày những người bạn cùng trường gần nửa thế kỷ xa cách bỗng gặp lại nhau chân thành, gần gũi đến lạ lùng. Làm sao tôi không xúc động, mừng vui! Rồi
khách phương xa cũng tìm ra ngôi nhà ở quận lỵ bé nhỏ có tên là Ninh Hòa. Giây phút hội ngộ đầy cảm xúc cũng không lâu vì đã đến lúc phải lên đường. Theo dự tính vợ chồng tôi cùng tháp tùng anh chị về thăm lại Tuy Hòa, nhưng ngay lúc ấy anh Sơn có bạn từ Sài Gòn ra. Vậy là chỉ có mình tôi lên xe cùng anh chị Nhượng.
Sáng hôm ấy trời nắng đẹp. Xe qua Vạn Giã, Tu Bông rồi lên đèo Cổ Mã xuôi xuống Đại Lãnh. Chị Phước thích thú nhìn bãi biển dạt dào sóng vổ. “À, đây là nơi Phước và các bạn cùng lớp đã đến cắm trại một lần hồi còn nhỏ lắm. Tụi này đến đây bằng xe lửa”. Chị bồi hồi nhớ lại.
Xe bắt đầu lên đèo Cả. Nắng lấp lánh trên mặt biển xanh. Xe ngừng giữa đèo để chúng tôi ngắm
biển. Bao nhiêu năm qua, biển vẫn thế. Còn lòng người sao quá nhiều thay đổi! Tiếp tục cuộc hành trình, xe lên núi Đá Bia để vào địa phận Phú Yên. Ngắm đồng lúa Tuy Hòa, một lúc sau, đã thấy núi Chóp Chài ẩn hiện qua làn mây trắng.
Ngừng ngay đầu cầu Đà Rằng, chúng tôi ngắm con sông Ba đang cuồn cuộn mùa nước lũ. Cầu Đà Rằng luôn là hình ảnh gần gũi nhất và núi Nhạn đỏ hồng như một ngọn lửa luôn làm cho người từng gắn bó với Tuy Hòa nôn nao, xúc động.
Xe vừa qua khỏi cầu, chị Phước reo lên:”Đây rồi, vượt qua đường ray này là con đường dẫn vào ngôi nhà hồi nhỏ của Phước”
Chị yêu cầu tài xế quay đầu xe, rẽ vào con đường đất đỏ gập ghềnh. Chị bồi hồi “Ủa, hồi đó mình thấy con đường thì rộng, xóm nhà thưa thớt. Sao bây giờ nhà cửa chen chúc, đường sao chật chội vậy hè? Mai, mình sẽ ghé lại nơi này xem thử ai còn, ai mất”.
Chúng tôi ghé vào một quán cơm bên bờ sông. Anh Nhượng trầm ngâm đứng nhìn dòng sông thời thơ ấu.“Thuở nhỏ, mùa hè hầu như ngày nào tôi cũng tắm ở dòng sông này. Tôi cũng thường bơi qua tận bờ bên kia để … bẻ mía trộm”
Đến Tuy Hòa, việc đầu tiên là chúng tôi tìm đến nhà thăm bác Tâm, ba của chị Hoàng Yến. Được biết bác Tâm đã trên 90, chúng tôi vui mừng thấy bác vẫn tự mình đi ra phòng khách để trò chuyện. Trí nhớ bác rất minh mẩn, thể hiện qua những câu chuyện mà bác vui vẻ kể lại.
Chúng tôi chào bác để thăm nhà chị Lưu Ngọc Hương, em gái của chị Lưu Phúc Phương. Chị Lưu Phúc Phương là người bạn học cùng lớp của tôi. Những ngày sống ở Tuy Hòa, tôi thường đến chơi với chị. Ngôi nhà đó gần Ngã Năm, không phải là một ngôi nhà “hấp dẫn” để ghé lại. Nhà chị chật và đông người. Ngôi nhà thực sự là một cái kho chứa hàng. Ngoài mặt tiền dùng để mua bán, toàn bộ ngôi nhà chìm ngập trong hàng hóa. Muốn ra phía sau tôi phải trèo lên những bao đậu xanh, đậu nành. Rồi thì hàng chục thùng tương chao, xì dầu, hàng bao nấm mèo, tàu hủ ky, hàng núi nhang, đèn cầy… Ai cũng bận bịu, ai cũng tất bật và chẳng ai để ý đến tôi. Tôi chạy ra, chạy vào ngôi nhà của chị như một đứa em trong nhà, và tôi cũng không hiểu tại sao tôi thích thú ngôi nhà của chị Phúc Phương đến như vậy. Nghĩ lại sao thấy nhớ, thấy thương.
Chị Ngọc Hương vui mừng có khách đến thăm. Chúng tôi cũng rất vui vì nghe chị có hai đứa con đi du học ở Úc và cũng đã có cuộc sống ổn định. Tạm biệt chị Ngọc Hương chúng tôi vòng xe một tua thăm phố xá.
Chị Phước tiếc nuối “Ngày đó Tuy Hòa thật dễ thương, yên tĩnh, cuộc sống trôi đi rất chậm. Lúc đó Nhượng 17, Phước 14 đã từng nắm tay nhau dung dăng, dung dẻ trên những con đường rợp bóng hoa phượng ”
Bây giờ thì “Đường chẳng riêng hai chúng mình, nên khi vắng em đường đã thay tên… còn chăng kỷ niệm….”
“Anh Nhượng ơi, lần cuối anh nhìn thấy Tuy Hòa là vào năm nào?”
-“Từ năm 1972 tôi chưa một lần trở lại nơi này”.

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Sáng hôm sau, khoảng mười giờ chúng tôi có mặt tại sân trường Nguyễn Huệ. Trường Nguyễn Huệ là một trong số ít các trường không bị đổi tên sau 1975. Các trường rất danh tiếng như Gia Long đã bị đổi thành trường Nguyễn Thị Minh Khai, trường Pétrus Ký thành trường Lê Hồng Phong, trường Võ Tánh ở Nha Trang thành trường Lý Tự Trọng, trường Đồng Khánh ở Huế thành trường Hai Bà Trưng …
Cũng vì trường vẫn giữ tên Nguyễn Huệ nên chúng tôi mạnh dạn bước chân vào sân trường. Một vài người bạn cùng lớp của anh Nhượng đã có mặt . Ai cũng vui mừng được gặp lại vợ chồng người bạn sau 45 năm xa cách.
Tôi nhìn lại ngôi trường thân yêu của mình và một cảm giác xa lạ xâm chiếm tâm hồn.
“Anh Nhượng, anh thấy thế nào khi nhìn lại trường xưa?
“Tôi thấy sao nó nhỏ bé, chật hẹp quá. Đó không phải là cảm giác sai lệch vì mình đã lớn. Rõ ràng diện tích đất đã bị thu hep rất nhiều. Thuở mình còn học ở đây, trường đứng biệt lập ở một khu đất rộng gần khu công chức vô cùng yên tỉnh. Phía sau trường là một nội cỏ mênh mông ngút mắt. Đứng trên lầu tôi có thể nhìn thấy hàng dương trãi dài đến bờ biển Mỹ Á. Còn bây giờ trường như bị lọt thỏm vào một khu dân cư ồn ào .”
“Vậy anh có còn tìm được chút gì để nhớ?”
Anh Nhượng đưa tay chỉ về phía cuối sân trường giọng ngậm ngùi.
“Chỉ còn mấy cây phượng kia. Chính tay tụi tôi đã trồng những cây phượng ấy năm đầu về học ở trường mới”.
Sáng hôm ấy trời mưa không dứt. Chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất một thời đầy kỷ niệm, nhưng lòng sao buồn chứ không vui. Trường vẫn giữ tên anh hùng Nguyễn Huệ, vẫn những phòng học đó, những cây dương cây phượng đó, vẫn nghe vang vang tiếng học trò, nhưng lắng sâu tận tâm hồn chúng tôi một mái trường Nguyễn Huệ năm xưa tuy đơn sơ nhưng đầm ấm hơn. Phải chăng chúng tôi đã già hay hồn xưa đã mất?!

THĂM THÂY XƯA

Buổi chiều, chúng tôi được anh Phan Diệu, bạn cùng lớp của anh Nhượng đưa đến nhà thầy Trần
Tiến Toản.
Thầy Toản dạy tôi môn toán. Thầy cô vẫn sống trong căn nhà cũ ở đường Cao Thắng. Hồi đó tôi sống ở ngôi nhà ngay ngã ba Lê Thánh Tôn, Cao Thắng gần nhà thầy. Tôi còn nhớ cạnh nhà thầy, có nhà chị Thanh Vân, chị Ngoc Hoan, chị Đặng Thị Quý. Xóm Cao Thắng đối với tôi quá là quen thuộc.
Thật xúc động, mừng vui khi nhìn thấy thầy cô vẫn còn khỏe mạnh. Cô Toản tươi cười cầm tay tôi “A Huyền Chiêu đây hả. Hồi đó cô nhớ em gầy gầy , mảnh khảnh dễ thương lắm” “Dạ, đã 45 qua năm rồi đó cô…”Thầy Toản rất vui kể chuyện trường xưa, tiếng cười của thầy vẫn còn giòn dã như độ nào.
Anh Nhượng chúc sức khỏe thầy cô và chúng tôi chào tạm biệt để đến thăm thầy Quát. Thầy Quát đã 80 tuổi. Thầy có vẻ yếu nhưng thấy học trò cũ đến thăm thầy mừng lắm. Thầy cô sống trong một ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng xinh xắn và ấm cúng .
Cuối cùng chúng tôi tìm thăm thầy Đảm. Nhà thầy Đảm nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh. Thầy đang ngồi trước màn hình máy vi tính khi chúng tôi bước vào nhà. Thầy Đảm vẫn còn khỏe và thầy vẫn còn say mê viết blog.
Chặng cuối của cuộc đời, mừng cho các thầy vẫn còn được bàn tay ấm áp của các cô chăm sóc.

HỌP MẶT

Anh Nhượng đúng là mát tay trong nghề tổ chức. Tối hôm ấy, không biết bằng cách nào mà một người khách xa lạ trở về sau 45 năm xa cách lại có thể mời được hầu như tất cả các bạn cùng lớp của anh, cùng quý thầy cô đang sống tại Tuy Hòa. Thầy xưa bạn cũ đã cùng nhau hội ngộ trong một buổi tiệc thân mật tại nhà hàng Hoàng Gia. Không gian rền vang tiếng nói, tiếng cười tươi trẻ dù các anh các chị tóc đã bạc, nét mặt đã phôi pha màu năm tháng.
Anh Nhượng đứng lên nói lời cám ơn thầy cô, cám ơn các bạn dù trời mưa tầm tã, dù lời mời quá gấp gáp vẫn bỏ thời gian“đến với Nhượng”.
Mọi người như lặng đi vì xúc động sau những câu nói chân tình của anh Nhượng. Bữa tiệc mừng trở nên vô cùng thân mật, vui vẻ khi một anh bạn đứng lên ngâm mấy câu thơ trong Chinh Phụ ngâm, trong Cung Oán Ngâm Khúc , trong Kiều…
Thầy Toản ôn tồn cho điểm anh Nhượng: “Có nhiều em học sinh cũ về thăm lại Tuy Hòa và muốn có một cuôc họp mặt bạn bè, thầy cô nhưng rồi không em nào thực hiện được. Với một quỹ thời gian eo hẹp, với thời tiết không thuận lợi, hơn 30 người đã đội mưa đến đây. Nhượng đã gắn kết được một buổi tối ấm cúng tình thầy trò như thế này thật là ngoài sức tưởng tượng”. Tiếng vỗ tay ấm áp vang lên đón nhận “điểm 20” của thầy.
Bây giờ thì tôi hiểu rằng cái hồn của trường Nguyễn Huệ thực ra không nằm ở ngôi trường hiện tại. Nó nằm ngay trong trái tim của mọi người dù họ đang sống tại quê hương hay đang phiêu dạt tận góc bể, chân trời.
Rồi mọi người bịn rịn chia tay trong tiếng cười ấm áp và những cái choàng vai thân ái.
Tôi biết anh Nhượng chị Phước thật hạnh phúc vì đã có một buổi gặp mặt quá là vui vẻ, thân tình.

TUY HÒA BY NIGHT

Tiệc tàn. Trời vẫn mưa tầm tã nhưng vui quá nên chúng tôi muốn tìm một chỗ ngồi nhấm nháp lại niềm vui, nổi buồn trong hai ngày đầy sự kiện. Theo lời mời của anh Học, chị Hoàng, hai người bạn trẻ đang sinh sống tại Tuy Hòa đã từng tham dự cuộc họp mặt Nguyễn Huệ năm 2009 tại Cali, chúng tôi đến quán café Rau Muống Biển, nghe người Tuy Hòa hát cho nhau nghe. Quán nằm trên một con đường ven biển. Trời vẫn mưa to nhưng quán khá đông khách. Người Tuy Hòa nhã nhặn và lịch sự. Họ ỵên lặng ngồi nghe những tình khúc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng do chính bạn mình hát. “Nhạc Vàng” một thời bị kết án, có sức sống mạnh mẽ như cỏ gấu, loại cỏ đã từng bị nhổ tận gốc nhưng rồi năm tháng qua đi chúng lại hồi sinh khỏe mạnh hơn, tươi tốt hơn. Chiến tranh qua rồi, những khó khăn của cuộc sống vẫn còn nối tiếp, nhưng ai cũng muốn tạm quên đi mọi thứ để trong giây phút lắng chìm vào trong tiếng nhạc. Mọi người dìu nhau ra pist. Anh Nhượng, chị Phước cũng hòa mình vào những đôi nhảy đẹp. Dưới ánh đèn màu, tôi thích thú ngắm nhìn chị Phước xinh đẹp và trẻ trung đến bất ngờ bay lượn theo bước chân hào hoa của anh Nhượng.
Một đêm lãng mạn vừa đủ kết thúc cho một ngày Tuy Hòa buồn vui lẫn lộn.

TẠM BIỆT SÔNG BA

Sáng hôm sau, trời vẫn mưa không dứt. Chưa có năm nào mưa nhiều và lớn như năm nay. Cả cánh đồng Tuy Hòa mênh mông nước lũ. Thành phố lọt thỏm giữa nước bạc như một đảo nhỏ. Chúng tôi ngậm ngùi từ biệt thành phố của tuổi thơ. Tạm biệt Tháp Nhạn đang chìm trong mưa mù. Tạm biệt sông Ba gầm gừ sóng dữ.
Chia tay anh chị Nhượng, tôi cầu chúc cho anh chị giữ được niềm mến yêu vừa tìm lại sau 45 năn. Tôi cũng xin gửi đến quý thầy bạn trong Phuyennese những hình ảnh thân yêu của mảnh đất Tuy Hòa như một chút tình của quê hương.
Cầu mong tất cả được an lành.

Lương Lệ Huyền Chiêu
Ninh Hòa mùa mưa lũ 2010.

Xin mời xem thêm hình ảnh trong link Về Thăm Trường Cũ

1 comment:

  1. Hoan nghênh blog. Cảm ơn những người sáng lập ra blog này. Cảm ơn tác giả bài viết. Nhờ đó chúng ta, những người xuất thân cùng 1 cội có dịp gần nhau. Chúng ta dù thời gian có làm phôi pha nhan sắc nhưng hình ảnh cũ vẫn còn nhận ra. Ngày nay gặp lại không khỏi bùi ngùi xúc đông. Qua trang Web ta không thể không thấy nụ cười ánh mắt năm xưa vẫn còn. Ảnh đăng trong bài viết không chỉ để người trong cuộc xem mà còn để bạn bè khắp năm châu xem để nhớ, để thương 1 thời dĩ vãn.
    Chúng ta, cựu học sinh và thầy dạy ở trường Nguyễn Huệ có cái phước là tên trường không bị xóa sau 1975. Tôi yêu mái trường này không những là trường của tôi mà quí vì sự ra đời của nó. Sự ra đời gắn liền với VNCH, một nền “hành chánh” gắn liền với 1 giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển dân tộc, 1 giai đoạn trong quá trình phát triển của Đất Phương Nam từ năm khai sinh ra phủ Phú Yên năm 1611 mà chúng ta có dịp dự vào, nay không còn nữa. Chúng ta không muốn nó phôi pha với thời gian. Sinh hoạt blog làm cho hình ảnh cũ sống lại.
    Hoan nghênh ban biên tập đưa phần nhạc vào blog làm cho blog ướt át, lả lơi hấp dẫn, dễ đưa người đến gần. Trong mục này có thể có chủ đề về nhạc Việt. Đó là cách làm sống lại hồn Việt Nam, nối kết người Việt chúng ta để không bị giới hạn bỡi không gian và thời gian. Chúng ta muốn xít lại gần nhau.

    ReplyDelete