Monday, November 15, 2010

THẦY ĐẰNG

Trong truyện chưởng của Kim Dung, chúng ta thưòng thấy nhũng sư phụ tự nhốt mình trong động vài tháng, nửa năm, có khi đến vài năm cho đến khi râu tóc bạc phơ, rồi xuất động để truyền thụ cho các môn đồ vài câu khẩu quyết để họ tự nghiền ngẫm, nghiên cứu và lần mò hầu trở thành cao thủ xuất chúng của võ lâm. Ít thấy khi sư phụ giao đấu với đồ đệ, có lẽ là để gây ấn tượng huyền bí cho mình; nên học trò cũng không rõ là sư phụ của mình cao minh đến mức độ nào, cho đến khi ông ta thực thực sự giao đấu với kẻ thù.
-Đó là chuyện sư đồ của Tầu.

Khi còn nhỏ, tôi thường thích nghe đi nghe lại câu chuyện về một ông thầy cố gắng truyền thụ võ công cho một học trò, nhưng không ngờ tên đệ tử này đã trở thành một kẻ phản đồ, cuối cùng nó dụ ông thầy ra nơi vắng vẻ, ỉ sức trai tráng, đòi sư phụ phải tuyền hết bí kíp võ công cho hắn. Sư phụ liền bảo tên nghịch đồ này nhảy qua đầu ổng, và ổng đã dùng tuyệt chiêu cuối cùng của bảo đao chặt đứt hạ bộ của tên phản đồ này khiến cho nó bị tuyệt tử tuyện tôn.
-Đó là chuyện sư đồ của An Nam ta.

Lần đầu tiên coi chưong trình “Wheel of Fortune” hoặc “Jeopardy”, tôi thấy có những ông thầy tranh đua với học trò, vô cùng ngạc nhiên khi những sư phụ này không hề tỏ ra xấu hổ hoặc mất mặt gì khi thua học trò của mình. Mới đây trên TV Mỹ có một chưong trình tên là “Are You Smarter than 5th Graders?” qua đó có những ông thầy bà cô đã lên diễn đàn thi trả lời nhũng câu hỏi trình độ của lớp 5; nhiều khi mấy thầy bí, đành phải tham vấn mấy cô cậu chỉ mới có 9 hoặc 10 tuổi.
-Đó là chuyện thầy trò của xứ Cờ Hoa.

Trong cộng đồng của chúng ta, Thầy Nguyễn Khoa Đằng là một trong những sư phụ mà tôi thấy cũng có tinh thần học tập giống như những ông thầy bà cô của Mỹ, và cũng là một trong những sư phụ mà tôi vô cùng cảm phục. Cảm phục không phải là do trình độ của thầy, mà là một người thầy lúc nào cũng tự nghiên cứu và học hỏi từ những ngưòi khác, kể cả học trò của mình, trong đó có anh Ngô Tấn Phổ, người đã truyền thụ môn võ công PowerPoint để thầy làm những slideshow cống hiến cho diễn đàn của Nguyễn Huệ.

Thầy Đằng (tên ở trường Nguyễn Huệ là ..."Thằng Đầy") sinh trưởng và lớn lên tại tỉnh Xiengkhouang (nơi có Cánh Đồng Chum ở Lào Quốc) và đậu bằng Tiểu Học Lào-Pháp trước khi về Việt Nam vào năm 1952 học chưong trình Việt ngữ.

Sau khi đậu Tú Tài 2 vào năm 1960 thầy thi vào Đại Học Huế để học Toán nhưng bị rớt, đành phải học Luật.

Năm 1961 thầy được bổ nhiệm ra dậy Công Dân và Vạn Vật đệ nhất cấp tại Trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, Phú Yên, và đến năm 1966 thì vào quân đội làm việc tại Sở Tâm Chiến, thường đi giúp vui cho các binh sĩ ở các tiền đồn, và sau đó tham gia vào Chương trình Truyền Hình Quân đội Sư đoàn 1 Bộ Binh.

Năm 1970 thầy được đổi về Huế dậy Toán tại trường Nguyễn Tri Phương, tiếp tục học Văn Khoa và đậu Cử Nhân vào năm 1973 để, như thầy nói là, “trở thành giáo sư đệ nhị cấp như người ta” cho đến khi mất nước vào năm 1975 thì vào trại “lao động cải tạo.”

Sau khi ra tù, thầy làm đủ nghề, từ xe đạp ôm, bán vé số, bán bánh mì, bán báo, bán xôi và cả cuốc đất thuê…cho đến khi được sang Mỹ năm 1995 theo diện HO và mở tiệm giặt ủi sống một cuộc đời mới với cô Diệu Phương cùng 2 con trai và một ái nữ.

Sau khi gặp vợ chồng anh Đặng Duy Nhượng, thầy cô đã trở thành đệ tử 2 người này về môn nhảy đầm; từ đó thầy cô tìm được nguồn vui mới tại các vũ trường ở San Jose, yêu đời và yêu người, bất cần mọi việc. Anh Nhượng, khi giới thiệu thầy Đằng, đã có lần mô tả thầy như sau:

… bản chất thầy chân thật, khiêm nhường, hiền hòa, với cuộc sống bình dị cả tâm hồn lẫn thể xác, dễ hòa hợp với mọi người nên thu hút được cảm tình của những người chung quanh…Thầy có sức khỏe tốt như vậy là nhờ lúc nào tâm hồn cũng an bình và thường xuyên tập luyện thân thể như đi bộ, khiêu vũ vv… Với tuổi “cổ lai hy, thầy vẫn không ngừng học hỏi để tiến lên (cho bằng lớp trẻ), thật đúng với câu : “gừng càng già, càng cay”.

Hiện nay, ngoài công tác cô Phương giao là trồng cây, tưới cây và dọn dẹp sau vườn; vào những lúc rảnh rỗi thầy thường làm những slideshows mà thầy nghiên cứu hoặc học được từ những học trò cũ của mình, mà sư phụ đầu tiên của thầy là anh Ngô Tấn Phổ.

San Jose Oct. 3 tháng, 2008

Phạm Đức Hiền.

No comments:

Post a Comment