Wednesday, December 1, 2010

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI



Di cư từ Hà Nội vào Nam năm 1954, bố tôi là công chức nên gia đình tôi chỉ ở Saigon ba tháng thì Chính Phủ phân phối ra Tuy Hòa, Phú Yên.

Chúng tôi định cư trong một xóm nhà tranh mới được dựng lên, lúc ấy chỉ có đèn dầu hột vịt và nước giếng, cùng với một số gia đình “Bắc Kỳ Di Cư” khác. Ít lâu sau, khu này tăng dân số rất nhanh và tôi có thêm nhiều bạn mới như Phạm Lan Anh, Lê Thị Chính, Bùi Thị Cẩm Hà, Đặng Thị Hòa, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Khai Nhan, Dư Thế Long, Đặng Quốc Tuấn …

Khi chúng tôi mới đến, khu chúng tôi ở chưa có trường học nên Thầy Cẩn, một ông Thầy Bắc Kỳ lớn tuối cũng di cư như chúng tôi, thấy tội nghiệp lũ trẻ lêu lổng nên ông mở một “trường học bỏ túi” ngay trong một cái miếu hoang có cây đa to ở Phường Tư. Bấy giờ, thành phố còn nhỏ bé hoang sơ, trường lớp chưa được thiết lập nên đám học trò chúng tôi gồm Bích, Hạnh, Hằng, Minh, Mỹ, Phụng, Cải, Cường, Hiển, Từng, Vấn,… phải ngày ngày đi nhặt gạch vụn và mảnh gỗ vừa mục vừa mẻ kê làm bàn rồi ngồi trên một miếng gạch cũng vụn làm ghế. Bút chì thì dùng cho đến khi còn ngắn quá không cầm được nữa phải lấy dây cao su buộc vào chiếc đũa, viết mực thì chúng tôi cột ngòi viết vào cuối cây bút chì, vì mua nguyên cây viết mực thì rất hiếm và đắt, rồi nghiền hột mùng tơi lấy nước làm mực tím. Đám con trai nghịch ngợm thỉnh thoảng lại giả vờ đi chạm vào bàn học vốn đã lung lay của đám con gái chúng tôi làm đổ đám gạch vụn, thế là các nạn nhân vừa chùi nước mắt vừa chồng lại bàn ghế, vậy mà bọn chúng tôi ngoài những lúc bị làm đổ bàn học, chúng tôi luôn luôn vui và không bao giờ cảm thấy khổ vì nghèo cả.

Hằng ngày, sau bữa cơm trưa, bọn con gái chúng tôi thường rủ nhau sang bãi tha ma bên kia đường hái dú dẻ, chim chim và quả duối trước khi đi học.
Từng Tráng và Khuê
Cuộc sống mộc mạc cứ êm đềm trôi qua, rồi Thầy Cẩn về Saigon xin được Chính Phủ cho phép dùng vài căn nhà tranh làm trường học, sau này gọi là Trường Nam. Rồi khi Thầy Cao Huy Huân ở Saigon ra thì chúng tôi có thêm một số bạn mới nữa như Trần Bích Cẩm, Dương Thị Mai, Nguyễn Thị Nghiêm, Cao Thị Phượng, Trần Thị Tấm, Vũ Thị Thiêm, Cao Thị Cảo Thơm, Dương Mạnh Châu, Phạm Phích, Ngô Tấn Phổ, Ngô Hồng Phương, Trần Khắc Toàn…

Tuy mấy năm sau, Tuy Hòa có thêm trường Nữ nhưng đám con gái chúng tôi vẫn tiếp tục học ở Trường Nam vì Trường Nữ lúc nào cũng chỉ có dưới chúng tôi một lớp.

Những ngày lễ hoặc nghỉ hè, chúng tôi thường cùng bạn về quê hoặc kéo nhau đi chơi ở sông Ngọc Lãng, Phong Niên…hoặc theo Phổ, người mà lúc nào chúng tôi cũng thương mến như một người anh lớn, đi chèo thuyền, bẻ mía, hái bắp trộm…Phổ viết chữ và vẽ rất đẹp nên thường bị đám con gái chúng tôi, Hằng, Hạnh và Cẩm nhờ vẽ hộ. Đến giờ vẽ chúng tôi nộp bài thì đều giống nhau vì “tác phẩm” nào của Phổ cũng cùng một bố cục là một mái tranh có khói lam chiều, bên cạnh là lu nước, phía sau có cây cau hoặc cây dừa và xa xa có vài cánh nhạn bay. Hình như thầy giáo cũng biết Phổ là tác giả của những bức danh họa này nhưng cũng lờ đi xá tội cho chúng tôi.

Cuối năm lớp nhất, Phổ, Hạnh và tôi được đại diện trường đi dự Trại Hè Nha Trang không tốn tiền, với rất đông học sinh từ các trường khác. Đối với chúng tôi, đây là một biến cố vì nếu không thì biết đến bao giờ chúng tôi mới có tiền để làm một chuyến viễn du như thế. Ba đứa tôi đi xe lửa vào Nha Trang, tối đ̣ầu tiên khi đi ngủ, tôi nằm bên cạnh Hạnh bỗng nghe tiếng khóc thút thít, tôi hỏi thì Hạnh bảo là “từ nhỏ đến giờ, lúc nào tao cũng ngủ với chị Toan, bây giờ tao nhớ chị ấy quá không ngủ được, tao muốn đi về”. Trời đất quỷ thần ơi! Làm sao tự nhiên mà bỏ về như vậy được, tôi đành phải dỗ ngọt Hạnh là “ngủ yên đi, mai tao sẽ đưa mày về”. Ngày hôm sau, đám học trò ngu ngơ này được dẫn đi thăm thắng cảnh Nha Trang như bãi biển, Hòn Chồng, Tháp Chàm, Hải Học Viện…, cả ngày đi chơi buổi tối lại đốt lửa trại và hát hò vui quá, nàng Hạnh nhà ta quên mất chuyện đòi về.


Quý, Mỹ và Hằng
Nhà của Tấm và nhà tôi ở cách nhau một bãi tha ma, mỗi buổi chiều sau khi cùng học, làm bài và trò chuyện ở nhà Tấm hoặc nhà tôi thì cuối cùng phải có một đứa băng qua bãi tha ma về nhà mình, tôi rất thương bạn nên phần lớn thường chịu hy sinh đưa Tấm về, chỉ khổ là sau đó, vì chiều đã xẩm tối, tôi phải ù té chạy về nhà mà không dám nhìn lại đằng sau. Tuy sợ thế đó, nhưng ngày hôm sau và những ngày sau nữa chuyện cũ lại tái diễn như thường.

Ở bậc tiểu học và những năm đầu trung học, chúng tôi không thiếu một món chơi gì, nào rải ranh, đánh chuyền, lò cò, nhất là u quạ, món chơi này không ai qua mặt được Trịnh Vũ Hoàng Mai, Vũ Thị Minh Phụng và Trương Thị Yến, dù bị vật thế nào và lâu cách mấy những nàng này không bao giờ chịu dứt hơi.


Nghiêm, Phượng, Chính và Thiêm
Lên Trung Học lại có thêm bao nhiêu bạn nữa như là Nguyễn Thị Kim Chi, Hồng Thị Quỳnh Hoa, Phạm Tuấn Khanh, Nguyễn Thị Mỹ, Đặng Thị Quý, Vũ Thị Minh Thu, Vũ Thị Thiêm, Nguyễn Thị Yến, Trương Thị Yến, Đinh Văn Châu, Đặng Duy Nhượng, Phạm Trí … các bạn tôi trở thành những thiếu nữ xinh đẹp và nhu mì (ngoài mặt thôi), và những chàng trai bảnh bao và lịch sự ̣(với phái nữ thôi). Rồi thì những lời viết vụng dại trong lưu bút và những lá thư nhét vào những quyển sách mượn mà không hề dùng đến, mà kết quả là một vài mối tình học trò cũng đơm bông kết trái.

Ngoài những buổi anh Phạm Đức Long tập cho chúng tôi, Hằng, Hạnh, Cẩm, Tấm, Châu, Huấn...hát hợp ca bài Con Đường Cái Quan và Hội Trùng Dương, chỉ có Lê Thị Chính, người có khuôn mặt hiền và đẹp như Đức Mẹ, là người (̣dám) hát đơn ca ở trong lớp và Chính hát bài “Tình Anh Lính Chiến” thật là tuyệt hảo.


Mai "Bắc Hà", Cảo Thơm và Hằng
Tôi nhớ là năm Đệ Tứ, Dương Thị Mai, Cảo Thơm và tôi đi chơi Núi Nhạn trước khi chia tay nghỉ hè, trong một phút yếu lòng, chúng tôi đã hứa với nhau là mười năm sau, dù ở chân trời góc biển nào, chúng tôi cũng sẽ về gặp nhau ở ngay chỗ chúng tôi thề nguyền, nhưng rồi cuộc đổi đời năm1975 đã khiến chúng tôi không thực hiện được. Tuy vậy tôi vẫn hằng mong một ngày không xa, ba đứa chúng tôi sẽ gặp lạ nhau ở nơi mà một thời đã nuôi dưỡng tuổi thơ trong sáng.

Mai và tôi đã tình cờ gặp nhau ngay những ngày đầu tiên của cuộc đời tỵ nạn ở Virgnia năm 75, chúng tôi mừng rỡ đến rơi nước mắt và sau đó còn gặp nhau nhiều lần nữa tại Virginia nơi Mai đang sinh sống và California nơi tôi ở.

Riêng Thơm, người bạn thuở nhỏ có một cái vườn rất rộng ở gần trường Nguyễn Huệ, mà chúng tôi những đứa học trò nghịch như quỷ sứ vẫn thường đến nhà Thơm hái trái cây rồi vòi vĩnh đòi ăn thứ nọ thứ kia, khi thì ăn cơm canh bầu hái ngoài vườn với cá kho do Thơm câu ngay ở ao bên hông nhà, lúc thì đòi Thơm xay gạo làm bánh xèo dã chiến… Ôi, làm sao tìm lại được tuổi thơ, tình bạn và những niềm vui đơn sơ thời ấy!

Tôi vẫn thường kể cho các con tôi nghe về những kỷ niệm mộc mạc nhưng đáng yêu của thời niên thiếu xa xưa này, thế mà thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày chúng tôi bước chân vào ngôi “Trường Miếu” và bốn mươi sáu năm sau ngày tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần, những bạn bè thân thương của tôi từ thủa tiểu học đến trung học ở thành phố Tuy Hoà yêu dấu, cũng như tôi, giờ đây tóc đã hai màu và con, cháu nội ngoại đầy đàn nhưng những ngày xưa thân ái lúc nào cũng đậm mầu trong trí nhớ.

San Jose 10/25/10
Nguyễn T. Hằng

1 comment:

  1. From: HuyenAnh
    Date: 2012/9/16
    Subject: Nhờ giúp liên lạc với Chị Nguyễn Thị Hằng ở SJ và Chị Lương Lệ Huyền Chiêu
    To: cuuhocsinhphuyen@gmail.com


    Kính gởi Các Anh Chị trong Nhóm Thực Hiện Blog "nguyenhuephuyen"
    Rất tình cờ em vào được trang Web NguyenHuePhuYen hôm nay và được đọc bài viết của các Anh Chị. Em rất vui mừng và cảm động.
    Em cũng học TH Nguyễn Huệ đến hết Đệ Lục, 1964, thì theo gia đình vào SG.
    Em chưa có dịp được quay lại thăm Tuy Hòa. Và hiện đang ở Nam Cali.
    Đọc "Những Ngày Xưa Thân Ái" của Chị Nguyễn Thị Hằng ở SJ. Em nghĩ Chị học chung với anh của em là Dư Thế Long.
    Em muốn được liên lạc với Chị Nguyễn Thị Hằng ở SJ, Chị Lương Lệ Huyền Chiêu cũng như tìm lại các bạn cũ cùng lớp ngày xưa nhưng không biết cách.
    Có thể nào nhờ các AC chuyển giúp thơ của em đến các chị Hằng & HC được không ạ.
    Email cua em: huyenanhnguyen@yahoo.com
    Cám ơn Các Anh Chị rất nhiều.
    Huyền Anh
    _____________________________________________________________
    Thưa Chị Lương Lệ Huyền Chiêu,
    Rất tình cờ em vào được trang Web NguyenHuePhuYen hôm nay, đọc bài Bạn tôi và thấy tên Chị. Em biết và cũng hâm mộ Chị Hoàng Ánh nữa.
    Em học TH Nguyễn Huệ đến hết Đệ Lục, 1964, thì theo gia đình vào SG.
    Trước 1975 thỉnh thoảng anh của em, Dư Thế Long và các bạn gặp nhau, nhắc đến các bạn và Trường Nguyễn Huệ, em có thoáng nghe đến tên chị. Em vẫn nhớ tên chị, và em nghĩ là chị, vì tên của chị đẹp quá và khó có thể có người trùng một tên lạ và đẹp như thế.
    Em cũng xin phép được hỏi trong GD của chị có chị nào tên Lương Lệ Mỵ Hảo không ạ.
    Email cua em: huyenanhnguyen@yahoo.com
    Cám ơn Chị rất nhiều,
    Huyền-Anh
    _____________________________________________________________
    Thưa Chị Nguyễn Thị Hằng,
    Tình cờ vào được trang Web NguyenHuePhuYen hôm nay. Đọc "Những Ngày Xưa Thân Ái" của Chị, em thấy Chị có nhắc đến Chị Cẩm Hà, Anh Hoàng Khai Nhan , Ngô Tấn Phổ và Dư Thế Long.
    Em nghĩ Chị học chung với anh của em là Dư Thế Long. Và biết chị vì nhà Bà Ngoại của em ở gần nhà Chị, gần nhà của hai anh Khải và Chính. Vì thế thỉnh thoảng tan học từ trường Nguyễn Huệ cũ về nhà Ngoại phải đi qua bãi tha ma, em và bạn cũng hay đi tìm hái trái dú dẻ, chim chim, mặc dù rất sợ "con ma ở cây duối". Hoặc hái lá xương xa về làm rồi... không dám ăn :-)
    Học hết Đệ Lục, 1964, theo gia đình vào SG, em chưa bao giờ được có dịp gặp lại các trái cây "rừng" của tuổi học trò ngày xưa còn bé ở Tuy Hòa thân yêu ấy. Và cảm động mềm người khi đọc được bài của Chị hôm nay.
    Anh Ngô Tấn Phổ đi Hải Quân và thỉnh thoảng Tàu về SG có ghé chơi với Anh Long. Không biết các AC có biết tin của anh ấy không?
    Email cua em: huyenanhnguyen@yahoo.com
    Rat mong tin của Chị và Cám ơn Chị rất nhiều,
    Huyền-Anh

    ReplyDelete