Thursday, December 2, 2010

TÌM VỀ TỔ ẤM

Sau biến cố lịch sử 1975, theo vận nước nổi trôi, thầy trò chúng tôi phiêu bạt khắp bốn phương trời, sống cuộc đời tỵ nạn lưu vong và nỗi khắc khoải nhớ quê hương, nhớ mái trường Nguyễn Huệ một thời cắp sách.
Chúng tôi như chim lạc đàn, tung cánh bay tìm về tổ ấm, nhưng đường về quê hương xa xăm ngàn dặm, chúng tôi xin mượn “California nắng ấm tình nồng” nơi “đất lành chim đậu” để tổ chức đại hội cựu học sinh trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên trên toàn thế giới.
Khởi hành từ miền bắc Cali nhắm hướng miền nam thẳng tiến. Đoàn xe chúng tôi có tất cả năm chiếc, gồm các tài xế kỳ cựu là anh Đặng Duy Nhượng, anh Đặng Đình Khuê, anh Nguyễn Đình Cai, anh Lê Từ Như Lâm và anh Trần Thế Hùng. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rôm rả nên đoạn đường dài bảy tiếng lái xe như rút ngắn lại. Xe chúng tôi đặc biệt vinh dự được thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang chiếu cố. Ban đầu phái nữ chúng tôi hơi run vì sợ nói năng lỡ lời bị thầy khiển trách, nhưng chúng tôi đã đoán sai vì thầy Giang rất hòa đồng, cởi mở, trên đoạn đường dài từ bắc xuôi nam thầy đã vui vẻ kể hết chuyện này đến chuyện khác. Sức khỏe của thầy rất sung mãn, giọng nói sang sảng đều đặn rõ ràng. Thầy nhớ từng câu chuyện, từng học sinh, kể ra răm rắp như mới xảy ra hôm nào. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau thầm cảm phục trí nhớ quá tốt của thầy. Thầy thật xứng đáng nhận lãnh chức vụ hiệu trưởng của trường Nguyễn Huệ. Chúng tôi hãnh diện đã từng là học trò của thầy.
Phái đoàn chúng tôi hầu hết đều là những người trong ban tổ chức nên phải đi từ thứ Năm, trước đại hội một ngày để lo sắp xếp mọi chuyện, còn nhiều anh chị khác phải đi xe riêng hay xe đò Hoàng vào ngày hôm sau.
Tại miền nam, anh chị Cái Hùng Chi có nhã ý tiếp đón, chiêu đãi phái đoàn bắc Cali buổi cơm tối, dịp may hiếm có nên chúng tôi vui vẻ nhận lời ngay. Thế là sau khi vào khách sạn check in xong, vội vã bay ngay đến tư gia anh chị Chi. Vừa bước chân vô cửa đã nhìn thấy một nhà người nói cười vui vẻ, thì ra quí vị miền nam cũng đã có mặt ở đây từ lúc nào rồi. Đặc biệt hơn cả, có thầy Nguyễn Đức Giang, thầy Lê Văn Nhạc cùng phu nhân Mai Hương, anh chị Hà Văn Nết – Thúy Chương, chị Hải Đường là khách quí từ phương xa và có cả anh Phan Kế Toại trưởng ban nhạc Say Sóng, anh chị Minh Hựu – Bích Vân vv… Nói chung là đủ mặt “bá quan văn võ”.
Nội tướng của anh Chi thật chu đáo, dáng người gọn gàng xinh sắn, thoăn thoắt chạy tới chạy lui lo tiếp đãi mọi người, tài nấu nướng của chị cũng rất tuyệt vời, trên hai dãy bàn dài chật kín những thức ăn đặc sản quê hương đất Phú do chính tay chị làm như bánh xèo, bánh ướt tôm chấy, bánh hỏi thịt quay, mít trộn. Tôi thích nhất món cá bạc má nấu ngót ăn với bún hay cuốn bánh tráng Tuy Hòa, còn có nồi chè đậu xanh bột bán nóng hổi ăn tráng miệng nữa. Chưa hết, khi ra về còn được anh chị “to go” cho mỗi người một túi đem về nhà lai rai. Chị Chi giỏi lắm, xin bái phục, xin cám ơn sự tiếp đãi nồng hậu của anh chị Cái Hùng Chi rất nhiều.
Khách sạn Travelodge (vừa đổi tên là “Knighs Inn” trước ngày đại hội khoảng 1 tuần lễ) dường như đặc biệt chỉ dành riêng cho gia đình Nguyễn Huệ làm bá chủ, tấp nập người đến người đi, xe ra vô liên tục, thầy trò chiếm ngự hai mươi lăm phòng, người đâu mà nhiều thế, mướn phòng hầu như chỉ để hành lý còn là đêm nào cũng ngồi “canh thức” đến 2, 3 giờ sáng mới “tan hàng cố gắng” về phòng nghỉ vài tiếng. Mới 6 giờ sáng lại lục đục kéo nhau lên lobby uống trà hoặc cà phê. Chị Thắng phu nhân của anh Đặng Ngọc Bổng đã khéo léo mang thức ăn sáng đến thiết đãi mọi người như chả giò tôm, bắp nấu vv… còn nóng hổi, thầy trò vừa thổi vừa ăn, chuyện trò thân mật, khung cảnh thật đầm ấm thiết tha vô cùng.
Chỉ có ba ngày đại hội ngắn ngủi làm sao nói hết được những buồn vui đã xẩy ra sau gần nửa thế kỷ. Ôi ! có bút mực nào lột tả hết được những giây phút thiêng liêng quí giá ấy. Thầy trò bạn hữu ôm nhau nước mắt tuôn trào, mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào kể lể chuyện ngắn chuyện dài, những tưởng rằng sau khi rời trường sẽ không bao giờ được gặp thầy, gặp bạn nữa. Ấy vậy mà … quả đất tròn, cũng còn có ngày gặp gỡ hôm nay. Xin cám ơn đại hội Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên 2009 trên toàn thế giới. Xin cám ơn quý thầy cô, cám ơn đến tất cả bạn hữu thân thương từ khắp bốn phương trời, bỏ biết bao công sức, tiền bạc, công ăn việc làm để đến với đại gia đình Nguyễn Huệ.
Đại hội tối Thứ Sáu (10-7-09) hầu như chỉ dành riêng cho gia đình Nguyễn Huệ, có khoảng 150 người, con số mà ban tổ chức nằm mơ cũng không dám nghĩ đến vì là ngày làm việc trong tuần, thời buổi “gạo châu củi quế”, kinh tế suy thoái, nạn thất nghiệp trên toàn cầu, đâu phải ai cũng có điều kiện đi tham dự, cho dù trong lòng họ rất ao ước, mong muốn, ấy thế mà … tình thầy trò, tình đồng môn đã vượt lên trên tất cả những khó khăn trở ngại để tìm về quây quần bên nhau trong ba ngày đại hội.
Chương trình sinh hoạt mặc dầu là đêm đầu của đại hội nhưng cũng rất sôi nổi, hào hứng qua tài điều khiển của cặp MC “cây nhà lá vườn”, anh Phạm Đức Hiền thanh lịch trong bộ complet mầu kem, chị Nguyễn Thị Hằng nổi bật trong chiếc áo dài mầu cam đỏ, óng ánh bởi những hạt cườm. Ban tổ chức đã mạnh dạn phá bỏ thông lệ “không đi trễ không phải Việt Nam”, nên đúng 7:30 PM nghi thức chào quốc kỳ Mỹ Việt được khai diễn thật trang nghiêm, thầy trò cùng hát vang quốc ca VNCH với niềm xúc cảm trong tâm tình người tỵ nạn. Bài hiệu ca Gò Đống Đa được trình bày rất oai hùng và trang trọng đã làm nức lòng thầy trò, nhớ lại một thời cùng đứng hát dưới sân trường vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần.
Trong lời chào mừng, anh Đặng Duy Nhượng trưởng ban tổ chức cho biết :
“… từ ngày quý thầy cô và các bạn rời trường Nguyễn Huệ, có người đã 30 năm, 40 năm hay nhiều hơn nữa nhưng vẫn chưa có dịp gặp lại được thầy xưa bạn cũ, nhất là trong hoàn cảnh xa quê hương, lưu lạc trên đất khách quê người không ai mà không mơ ước có ngày được trùng phùng, hội ngộ bên nhau. Một ước mơ thật bình thường nhưng không phải dễ dàng khi thực hiện… Ngày hôm nay giấc mơ này đã trở thành sự thật, không phải do bàn tay huyền diệu của bà tiên ban cho mà do chính tấm lòng, thiện chí, sự đóng góp tinh thần, tài chánh và nỗ lực của thầy trò chúng ta…”
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang là người đầu tiên được mời phát biểu cảm tưởng, thầy cho biết đã có dịp về thăm trường cũ nhưng Nguyễn Huệ bây giờ đã thay da đổi thịt, lạc lõng như người xa lạ. Hôm nay, tại nơi đây thầy đã tìm lại được Nguyễn Huệ thật sự trong không khí ấm cúng, đầy yêu thương như ngày nào. Sau đó quý thầy Lê Văn Nhạc, Lê Ngọc Thiều, Nguyễn Khoa Đằng, Nguyễn Đình Quỹ, Phan Văn Luận, Lê Quang Khanh, cô Ngô Thị Hiền …lần lượt bày tỏ cảm tưởng, quý thầy cô cho biết rất xúc động và vui mừng khi được tin cựu học sinh trung học Nguyễn Huệ tổ chức đại hội. Xin cám ơn ban tổ chức đã gửi thiệp mời đến tham dự.
Rời nhà hàng trở về khách sạn lúc 12 giờ khuya thầy trò lại hội nghị bàn tròn ngay tại hành lang, gồm có thầy Nguyễn Đức Giang, thầy Lê Văn Nhạc, các anh Phạm Đức Hiền, Đặng Ngọc Bổng, Hà văn Nết, Nguyễn văn Công, chị Lê Phan Tuyết và chúng tôi Đặng Duy Nhượng, Hoàng Thanh Phước để trao đổi ý kiến, rút kinh nghiệm bổ túc cho ngày hôm sau tổ chức được hoàn hảo thành công hơn.
Thầy Giang, thầy Nhạc nhận định và đánh giá rất trung thực, chính xác, chị Hoài Niệm vốn dĩ nhà văn, ăn nói lưu loát và phát biểu nhiều nhất, anh Đặng Ngọc Bổng đưa ra ý kiến rất thực tế, ai nói cũng hay cũng đúng, cũng hùng hồn, nhất là hai vị thầy của chúng tôi. Trời về khuya sương xuống, gió se se lạnh, tôi ngồi thu mình trong chiếc ghế im lặng lắng nghe, bỗng chốc tôi nhớ đến hình ảnh những đêm lửa trại ở Rừng Dương ngày nào, dưới ánh lửa bập bùng thầy và trò cùng quây quần bên nhau nhảy múa, ca hát vui chơi vang dậy một góc trời. Ôi ! ngày đó nay còn đâu…
Qua đêm thứ bảy (11-7-09) vì là ngày nghỉ cuối tuần và cũng nhờ tài khéo léo ngoại giao của chị trưởng ban tiếp tân Nguyễn Trần Tấm nên số người tham dự lên đến 27 bàn, chật kín cả nhà hàng, một số người đến muộn phải ra về trong niềm nuối tiếc vì không còn chỗ. Ngoài một số quan khách của hội đoàn, báo chí, truyền thanh, truyền hình, còn lại đa số vẫn là thầy trò của Nguyễn Huệ.
Mở đầu chương trình, bài diễn văn chào mừng của anh Trần đình Hiệp phó trưởng ban ngoại vụ rất đầy đủ và xúc tích đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng quý thầy và các bạn. Mọi người tán dương với những tráng pháo tay vang dội hội trường.
Rất cảm động và hình ảnh đẹp nhất khi Phạm Đức Hiền giới thiệu từng thầy cô lên sân khấu để đón nhận kỷ vật lưu niệm do các cựu nữ sinh duyên dáng trao tặng. Tất cả có 11 thầy và 1 cô. Tặng vật là những tấm plaque, trịnh trọng khắc ghi hàng chữ “ghi nhớ công ơn”. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang thay mặt toàn thể giáo chức xúc động nhắn nhủ đôi lời với tất cả các em học sinh, tức thì dưới sân khấu không biết “nhiếp ảnh gia” ở đâu tràn ra mà nhiều lắm thế, xếp hàng ngang chiếm hết cả sàn nhảy, chen lấn thi nhau chớp nháy lia lịa, cứ như quý thầy cô là tài tử Holywood. Quả đúng như vậy, tìm đâu ra được những hình ảnh sống động, tuyệt hảo như thế này. Chưa hết đâu nhé, quý thầy còn trình diễn văn nghệ rất độc đáo. Mở đầu vẫn là thầy Nguyễn Đức Giang oai nghi trong bộ quốc phục khăn đóng áo dài trình diễn kịch thơ “Hồ Trường biến cải”. Thầy Nguyễn Đình Quỹ đến từ Việt Nam đơn ca “Giấc Mơ Hồi Hương”, chúng tôi không ngờ thầy hát hay đến thế, giọng ca trầm ấm rất truyền cảm. Thầy Lê Văn Nhạc đến từ Canada, với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, trình diễn nhạc Pháp “Capri C’est Fini”, đúng là “nghề của chàng” vì ngày xưa thầy dậy Pháp văn. Cô Mai Hương phu nhân của thầy Nhạc, xinh xắn trong chiếc váy ngắn vừa hát vừa nhún nhảy theo điệu nhạc, trông rất trẻ trung và nhí nhảnh.
Ngoài những ca sĩ kỳ cựu như Bích Vân (Thanh Vân), Hoài Niệm, Mỹ Hằng, Kim Loan, Ngọc Đăng, Minh Hựu, Thế Ngọc, Văn Thông,Văn Quỳnh còn nhiều ca sĩ khác nữa nhưng chưa được trình diễn vì hết giờ, ca sĩ nào cũng trình bày rất xuất sắc, đặc biệt có bé Emily Phương Nam Vũ (cháu ngoại của anh chị Quỳnh & Tấm) đã hát quốc ca VNCH rất chuẩn và thật dễ thương trong chiếc áo tứ thân khi trình bầy nhạc phẩm “Cô Gái Việt”. Đại gia đình Nguyễn Huệ hãnh diện có được một đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu đến thế. Người ta thường nói “tuổi già sức yếu” nhưng thầy trò chúng mình quả thật tuổi đã già nhưng sức không yếu. Được như vậy, có lẽ trong huyết quản chúng ta được hấp thụ ít nhiều giòng máu anh hùng của đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng.
Chương trình văn nghệ và dạ vũ còn rất dài nhưng tiếc thay thời gian trôi đi quá nhanh, thầy trò bịn rịn từ giã trong niềm luyến tiếc mặc dù đã sinh hoạt với nhau suốt cả hai ngày trời.
Trở về khách sạn, chúng tôi lại tiếp tục tụ tập từng nhóm nhỏ to tâm sự vì ngày mai Chúa Nhật sau khi tham dự picnic Hội Phú Yên chúng tôi sẽ chia tay mỗi người mỗi hướng. Mấy cô em gái của anh Phạm Đức Hiền là các chị Bách Hợp, Bích Diệp, Bội Lan trong gia đình “Tứ Mỹ” nay vẫn còn xinh đẹp.
Đêm thứ bảy cũng là đêm cuối cùng để từ giã chia tay nhau, chị Hoài Niệm, “Tam Mỹ” và Thanh Phước ôm eo nối đuôi nhau vòng vòng hành lang khách sạn cùng hát vang “Vui một đêm nay, rồi mai lên đường, vui buồn ai hay, sầu thương khôn lường…” Ôi ! nào ai thấu hiểu được tâm tình của chúng tôi hôm nay và chắc chắn rằng trong mỗi người không ai nghĩ mình đang ở vào độ tuổi lục tuần…
Chúng tôi nguyện cầu Ơn Trên ban cho nhiều sức khỏe để thầy trò chúng ta còn có nhiều cơ hội “TÌM VỀ TỔ ẤM”.
Xin cám ơn! Xin cám ơn, chân thành cám ơn Đại Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên 2009.

California, ngày 04 tháng 8 năm 2009











Hoàng Thanh Phước








No comments:

Post a Comment