Saturday, December 11, 2010

BÓNG THỜI GIAN TRÊN TÀ ÁO TRẮNG

Thu Nga
Tháng tư tuy vẫn còn mùa xuân, nhưng đâu đó, mùa hè đã thấp thóang, ẩn hịên trong ánh nắng mặt trời đã bắt đầu gay gắt, ẩn hiện nơi những bộ quần áo sặc sỡ và mỏng manh hơn của những nàng thiếu nữ, và tháng tư, tràn trề hơn với nỗi nhớ mang mang nơi đất khách

Mùa hè ở đây cũng có thể nghe tiếng ve ngâm trên cành cây, cũng có thể xem hoa sen vươn trên mặt nước nơi các hồ và có những đàn cá bơi lội nhởn nhơ, mùa hè cũng có những con diều bay lượn trên bầu trơi xanh ngắt, cũng có tiếng trẻ con chơi đá banh, rượt đuổi ngòai đường, nhưng mùa hè vẫn thiếu những cái gì rất thân thương nơi quê nhà của những ngày tháng xa xưa của thời hoa mộng

Mùa hè thiếu tiếng đánh bi, đánh đáo, thiếu tiếng nhịp nhàng của lũ con gái nhảy dây, đánh thẻ, không có tiếng ru dìu dặt của bà ru cháu ngủ trên chiếc võng đong đưa dưới tàng cây trứng cá trong vườn, và thiếu hẳn những tà áo dài tung bay trong nắng sớm . Con đường tới trường xa lắc ríu rít gót chân chim . Ở đây đi học có xe bus đưa đón nên các em học sinh không có khỏang thơi gian rủ nhau đi bộ, đi xe đạp nói cười ròn rã!

Thấm thóat đã 35 mùa hè trôi qua . 35 mùa hè nơi xứ người không có bóng dáng màu hoa phượng đỏ . Ôi những bong hoa đỏ thần tiên của tuổi học trò không nhạt phai trong trí óc. Ở đây 35 năm, chúng ta tha hồ ngắm các lòai hoa lạ, quý, đủ màu, đủ sắc, đủ hương, nhưng không có một hoa nào làm tôi thương, tôi nhớ như màu hoa phượng vĩ nơi trường xưa lớp cũ, nơi có bóng dáng thân thương của thầy, của cô của bạn bè thân yêu thời niên thiếu ngây thơ trong trắng .

Bạn bè nay có gặp lại nhau đứa nào chắc cũng tay bế tay bồng, không phải bế bồng con mà là bồng bế lũ cháu nội, cháu ngọai để cùng ngâm nga “một đàn lếch thếch bà như cháu”. Đàn con khi mới đem qua nay đã lớn khôn như chim đã đủ lông đủ cánh, rời khỏi tổ ấm, rời khỏi tay ôm của mẹ, của cha!

Được người bạn học cùng trường gởi cho những hình ảnh hội ngộ của những người bạn cùng chung mái trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa khi xưa (có người cùng liên lớp, có người khác lớp), lòng tôi thật bồi hồi, xúc động với những kỷ niệm thời trung học , mà có lẽ đó là thời kỳ , mộng mơ nhất và đẹp nhất trong hành trang của mỗi đời người và dù cho sông có cạn, núi có mòn chắc chắn không bao giời phai nhạt trong tim óc mỗi người

Nhìn từng tên chú thích tôi không nhận diện ra nhiều người, có thể họ học trước và sau khá xa, còn những người tôi nhận diện được thì lòng không khỏi xao xuyến thấy nét thời gian- sau cả hơn 45 năm mới nhìn thấy lại (mặc dù chỉ thấy trong hình ảnh)- đã để lại trên dung nhan của mỗi người!

Nào là Đ.T.X. ngày xưa đã cùng tôi học chung từ tiểu học lên trung học . Ở Tuy Hòa, có 3 X. , nên phải them chữ cái họ vào để phân biệt X. Đặng, X. Nguyễn, X. Phan. X. Phan sau khi học xong tiểu học cha mẹ gọi về quê để lên xe bông, X. Nguyễn khi lên trung học, học khác lớp và X. Đặng học cùng lớp nhưng sau đó dọn đi SàiGòn, tuy nhiên những năm đầu trung học là một trong những người bạn thân nhất của tôi . Nhớ lại mái tóc dài hơi quăn của X. Đ. Thật dày, thật đen, gương mặt xinh đẹp, tính tình dễ thương, tốt với bạn bè . Nhìn tấm hình được hiện lên màn ảnh computer, nếu không có lời chú thích chắc tôi không thể nào nhìn ra được, và nếu gặp ngòai đời, bằng xương, bằng thịt không biết tôi sẽ có nhân ra không ?! Trong hình mái tóc X. Đ. Cắt ngắn, gương mặt vẫn có những nét nghịch phá, lém lỉnh như thuở nào . Tôi nhận ra X. Đ. ở phần quai hàm vuông vuông đặc biệt của nó. Nhà của X. Đ. Trước ở gần xóm tiểu khu đối diện với xóm tôi ở, X.Đ. ở cùng xóm với N.T.H. chị H. có người em gái tên Kim, Kim học với tôi ở những năm tiểu học sau đó Kim đi tu thành soeur, còn gia đình chị H sau đó không hiểu vì chứng bệnh gì mà người trong nhà đều bị méo miệng, lúc đó xóm trên, xóm dưới đồn là gia đình chi H. ăn dầu máy bay trong sở Mỹ đem về (?) nên bị bệnh, không biết có đúng không? Sau đó gia đình X. Đ mua một cái nhà khang trang, có vườn trước vườn sau rất lớn cách xa đó cả mấy con đường và gần với trường Nguyễn Huệ cũ . Sân trước có cây ăn trái như ổi, đu đủ và nhiều lọai hoa, sân sau có một căn nhà phụ như một storage và nơi đây cũng là một điểm kỷ niệm cho những buổi hẹn hò của tôi và N.

Tuy nói là hẹn hò, nhưng mối tình trong trắng học trò, cũng là những buổi nói chuyện e ấp, ngập ngừng tránh những con mắt dòm ngó mà X.Đ cũng “đồng lõa” giúp bạn mới có được . Kỷ niệm mối tình mới lớn cũng có những giận hờn, nhớ thương, những vần thơ vụng dại . Hay những cái chạm tay run rẩy, vội vàng và những chữ “không biết” thật ngây ngô nhưng thật xao xuyến

N. hay lại đây chơi với anh của X. Đ., chúng tôi cũng hay tụ tập ở đây làm bài và vui đùa với nhau, mẹ của X. Đ cũng khá cỡi mở và không đến độ khó khăn như những người mẹ khác vào thời điểm đó, lúc còn ở xóm cũ, mạ tôi và mẹ X. Đ. cũng là những người bạn hang xóm lân cận rất thân thuộc . N. biết đàn, biết hát, biết làm thơ, viết văn và đó cũng là nguyên do tôi bắt đầu tập tành làm thơ và thích nhạc, thích hát hơn .

Đến nhà X.Đ. tôi phải đi bộ một đọan đường dài, đọan đường này cũng dẫn chúng tôi đi đến trường Nguyễn Huệ cũ nằm trên con đường số 5, nếu không đi đường này, chúng tôi có một con đường khác băng ngang để đến con đường số 5 đó . Con đường này có những hàng cây thông rất cao, gió thổi vi vút trên đâu mỗi ngọn thong nghe thật vui tai và bóng mát làm dịu đi những cơn nóng của mặt trời . Chúng tôi đi học có khi cũng đội nón để khỏi bị nắng ăn đen mặt . Những cái nón này là vũ khí dấu mặt khi các cô trong trường hợp không muốn ai nhìn thấy nét mặt lúng túng, hay e thẹn của mình . Tôi cũng có chiếc nón bài thơ của mạ sắm cho, khi giơ cao chiếc nón lên, qua ánh nắng có thể thấy được những hình của chiếc thuyên trên sông Hương hay chùa Thiên Mụ với cành trúc la đà, cũng khá công phu và thẩm mỹ.

Con đường này đã in rất nhiều dấu chân của những cô học sinh mới lớn của chúng tôi
Sau này khi trường Nguyễn Huệ mới được cất xong, con đường này cũng có thể dùng để đi tiếp một đọan xa nữa tới trường mới, hoặc chúng tôi cũng có thể băng ngang qua khu chợ Tuy Hòa để đi học bậc đệ nhị cấp ở ngôi trường mới . Trường mới này trước khi hòan thành, cũng là nơi tôi đã tập lái xe đạp nhiều ngày trước khi có thể tháp tùng cùng lũ bạn đạp xe xuống biển Tuy Hòa trong những giờ rỗi rảnh

Trở lại với những tấm hình của người bạn là chị L.T.H.N. chị cũng học cùng trường với tôi, nhưng tôi lại không nhớ chị một chút nào cả, tuy nhiên chị cũng có những người bạn chung, cũng có những thầy dạy chung, cùng chung thây hiệu trưởng, thầy giám thị . Khi mới nhìn những tấm hình và đọc những bài viết và những lời chú thích tôi không nhận ra và không nhớ chị H.Y, nhưng sau một hồi lục lọi trí óc, hình ảnh lờ mờ của chị hiện ra, chị Y lúc ấy có mái tóc thật ngắn, áo dài trắng, cặp ôm sát ngực, hiện ra trong trí tôi, và tôi không hiểu tai sao mình không nhớ nhiều gương mặt trong hình như gương mặt chị Y. chẳng hạn , trong khi X.Đ. và H. Y. lại thân với những người mình gặp nhau hàng ngày ?

Trong hình, tôi cũng còn nhận ra Đ.T. N, vẫn gương mặt bầu bĩnh, mái tóc cắt ngang trước trán như một con búp bê Nhật, nhà Nga có một vườn trái cây lớn, những trái ổi xá lị chăm muối ớt từ nhà N. Những cây trứng cá tàn lá xum xuê, tôi và các bạn leo trèo như khỉ sau khi cột áo dài trắng của mình lên . Những trái trứng cá thơm ngọt ngào ăn thiệt sướng miệng . N. thích đọc sách và làm thơ vì vậy cho nên hợp với tôi, tôi nhớ hai đứa đã cũng làm một bài thơ “Đem Noel” đăng lên báo

Tấm hình các bạn chụp chung với thầy Thiều, tôi lại nhớ rõ gương mặt của thầy lúc còn trẻ, mũi thầy hơi nhọn và bọn học sinh quỷ quái như chúng tôi gọi lén sau lưng thầy là “Kiều Thu” (nói lái là Cu Thiều), tôi nhớ thầy Ngọc dạy Anh Văn với đôi môi hơi đỏ mà tụi tôi kháo nhau là thầy đánh môi son cho “đẹp trai”, Thầy Dương Đình Đống, thầy Quế, là các thầy cố vấn trong những năm khác nhau, thầy Ngạc, thầy Sơn, thầy Tỏan, thầy Chương, thầy Lân, thầy Minh, thầy Hiệp và còn nhiều nữa, tôi lục lọi trí óc để hình dung ra gương mặt của từng vị thầy kính yêu mà tôi đã cùng bạn bè theo học tại ngôi trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa năm xưa

Tôi nhìn hình anh H. để cố nhớ lại gương mặt anh lúc còn trẻ, nhưng không nhớ được; tuy nhiên tôi nhớ anh vì anh là chồng của B. T., thời ấy chúng tôi cũng biết anh theo đuổi B.T., cho tới khi tôi bỏ cuộc chơi làm kẻ theo chồng nhà binh xa xứ mới nghe tin B.T. và anh H. lấy nhau . Tôi cũng nghe tin N.A lên xe bong với thầy M. Thầy có gương mặt thư sinh trắng trẻ, chân thầy bị tât. Tôi nhớ dáng thầy cỡi chiếc xe đạp đến trường hang ngày. Thầy Q. phải lòng T. và trong lớp tôi có anh bạn học cũng yêu T. ra rít, tôi không biết sau đó ai đươc trái tim của T.

Chiếc hình của B.T. chụp chung với B., U, C, A làm tôi thắc mắc lúc ấy sao tôi lại không có trong hình ? vì toi, T.và B. hầu như lúc nào cũng đi chung ?! Nhắc tới B., thì thật là tinh cờ, khi tôi đang viết thì có điện thọai của anh Đ., chồng của B. Chúng tôi nhắc lại những bạn, những thầy của thời xa xưa ấy, anh nhắc đến anh Ngọc., người anh duy nhất của tôi, đã qua đời cách đây gần chục năm . Anh kể tôi nghe nghe bệnh tình của B trước khi B. qua đời . B nhỏ hơn anh cả gần chục tuổi . Anh cũng nhắc về B.T. đã bỏ mình với các con trên đương vượt biên . T & B. của tôi thuở nào nay đã trở thành người thiên cổ, những bạn bè xưa mỗi đứa một nơi, có đứa gầy dựng nên sự nghiệp, có đứa vẫn khắc khỏai ở lại VN. Tôi hỏi còn anh Đông., bạn thân của anh sau đó ưng X. Nguyễn thì sao, anh ngậm ngùi nói anh Đông cũng đã qua đời!

Anh Đ. nói rồi chúng ta cũng sẽ một ngày nào đó đi vào lòng đất cũng như bao người khác, giọng anh vẫn trầm trầm như thuở nào, anh nói chị C. và anh N. cũng đang ở Floria cùng chỗ với anh, anh nói them chị C. hiện thời không được khỏe, anh bảo tôi gọi thăm chị, anh bảo them anh Đức., chị M. đang ở San Jose gởi lời thăm

Thời gian như bong câu qua cửa sổ, 35 năm trôi qua trên mái tóc, 35 trôi qua trên đôi vai 35 năm trôi qua trên đôi má, nay tóc không còn xanh, vai không còn tròn trịa và đôi má không còn màu hoa đào của ngày nào nhưng tâm hồn vẫn còn như muôn năm trước, vẫn đầy ắp những kỷ niệm ngọc ngà, nếu gặp nhau có thể sẽ có vài giây phút ngỡ ngàng nhưng sau đó chắc chắn là một bầu trời ký ức sẽ nở ra, bàn tay dầu không còn mượt mà nhưng sẽ cầm lấy tay nhau mà nhắc lại bao chuyện xa xưa thời xa xưa như cổ tích

Những giây phút gặp lại bạn bè thân thương, thầy cô yêu kính tôi đã chứng kiến trong buổi hội ngộ liên trường Cường Để Qui Nhơn và Nữ Trung Học Qui Nhơn mà tôi được tham dự . Mặc dù tôi không học ở đó, nhưng chúng tôi có chung những giáo sư, cùng có chung thầy hiệu trưởng

Tôi thấy các chị nói cười, ca hát thật hồn nhiên trong những chiếc áo dài mà bóng thời gian không thể làm mờ đi màu trắng học trò kỷ niệm năm xưa , các anh tay bắt mặt mừng, không khí tràn đầy sự thân tình mà thời gian 40, 50 năm như không hề làm cho họ già đi trong tâm tưởng .

Nhìn các thầy, các cô nay đã luống tuổi không khỏi ngậm ngùi, pha lẫn sự thương yêu trìu mến trong lòng cái cựu nam nữ học sinh . Những đóa hoa chân tình được trao tặng cho các vị giáo sư thật cảm động . Chắc chắn trong lòng các thầy các cô cũng có những bang khuâng xao xuyến khi thấy lại đám học trò nghịch ngợm nay mái tóc cũng đã pha màu sương gío của thời gian.

Tôi đứng lên đi đến chào thầy Nguyễn Đức Giang , thầy hiệu trưởng của cả 3 trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Cường Để Qui Nhơn và Nữ Trung Học Qui Nhơn . Thầy không nhận ra tôi đâu, nhưng khi tôi hỏi đến các thầy, các bạn sau khi tôi bỏ Tuy Hòa và sau khi tôi bỏ nước ra đi … nghe thầy kể tôi rất thích thú khi được biết một số tin tức chính xác về những người đã cùng tôi chia xẻ biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn dưới mái trường thân yêu . Thầy cũng cho biết thầy sẽ đi dự đại hội của trường Nguyễn Huệ trong tháng tiếp theo và đó là lô hình ảnh mà chị L.T.H.N. đã gởi cho tôi bằng email .

Trong phần văn nghệ của Cường Để, và Nữ Trung Học có những màn đơn ca, song ca, đồng ca các anh chị đã hát với tất cả sự nhiệt tình . Hồn tôi cũng say sưa bay bỗng theo tiếng đàn, lời hát, những bàn tay vươn lên, hạ xuống, động tác khoan nhặt trong màn họat cảnh “Tiếng Dân Chài “ . Trí óc tôi lại lan man nhớ lại những lần tập văn nghệ của nhà truờng khi hè về, họăc Tết đến . Các màn vũ, ca nhạc được tập dợt công phu . Chúng tôi lúc ấy say mê, ca, múa . Tôi nhớ năm đệ thất tụi tôi tập một điệu vũ với bài “Cánh Hồng Trung Quốc” trong đó có B.T, có B., X.Đặng. có tôi, tôi đã để dành bộ đồ mạ mới mua cho điệu vũ này, tôi nhớ có một câu, chúng tôi phải cúi đầu xuống thấp, chân bước những bước giật lùi như “moon walking”, cả bọn xôn xao tập dợt để sau đó trinh diễn trên sân khấu . Tôi cũng bạo dạn giả làm con trai trong một màn kịch mà người bạn học con trai lại giả làm gái do sang kiến của thầy Sơn

Tôi lại “click” những tấm hình các bạn cũ của trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa xem lại và nghĩ chắc chắn họ cũng có những giây phút hội ngộ, gắn bó cũng như có những màn văn nghệ vui tươi, sống động như liên trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, nhưng tôi chưa có dịp may mắn để gặp lại . Tôi chợt bật cười với ý nghĩ, khi đám bạn gặp tôi, chắc tụi nó cũng có đứa ngỡ ngàng không nhận ra chăng ?

Bây giờ là đầu mùa hè, chưa nghe tiếng ve, chỉ nghe tiếng chim ríu rít chuyền trên nhánh cây thông, cây thông này khi mới trồng chỉ có bằng 2 gang tay, nay đã cao hơn chái mái nhà, quên không nhớ nó được bao nhiêu tuổi . Không biết cây thông bao nhiêu tuổi mới gọi là cây thông già, những cây thông ở con đường dẫn tới trường Nguyễn Huệ nay đà bao nhiêu tuổi, có còn đó không ? nhưng với đám học sinh của chúng tôi ngày xưa, dầu bóng thời gian có in trên vóc dáng nhưng tâm hồn chắc mãi mãi vần còn xuân .




















Thu Nga



No comments:

Post a Comment